Quyền Năng Ðức Thánh Linh
“Nhưng khi Ðức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép ” (Công-vụ. 1:8)
Trong Kinh Thánh lời đề cập đầu tiên về Ðức Thánh Linh là câu thứ nhì, chương một của Sáng-thế Ký: “Thần của Ðức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.” Ðức Thánh Linh được nhắc đến trong suốt toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước, và thường được đề cập mỗi khi có vấn đề liên quan bởi ân tứ hay quyền năng.
Ðức Thánh Linh đã ban cho con người sự khôn ngoan và khéo léo: “Ta đã làm cho người đầy dẫy thần của Ðức Chúa Trời, sự khôn ngoan, sự thông sáng, và sự hiểu biết để làm mọi thứ nghề thợ” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:3)
Ðức Thánh Linh đã ban phó quyền năng trong trường hợp đặc biệt: “…thấy một con sư tử tơ đến đón gầm hét. Thần của Ðức Giê-hô-va cảm động Sam-sôn rất mạnh, tuy tay chẳng cầm vật chi, song người xé con sư tử đó như xé con dê con vậy” (Các Quan Xét 14:5-6).
Ðức Thánh Linh đã soi dẫn các Ðấng tiên tri để rao truyền sứ điệp của Ðức Chúa Trời: “Ngài vừa phán cùng ta như vậy, thì thần vào trong ta, làm cho chơn ta đứng lên; và ta nghe Ðấng đã phán cùng ta” (Ê-xê-chi-ên 2:2).
Phi-e-rơ đã tuyên bố rằng Ðức Chúa Trời đã hướng dẫn những trước giả của Kinh Thánh Cựu Ước: “Nhưng ấy là bởi Ðức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Ðức Chúa Trời” (II Phi-e-rơ 2:21).
Nhưng chính trong Tân Ước chúng ta mới tìm thấy giáo lý đầy đủ về Ðức Thánh Linh.
I. Vị cách của Ðức Thánh Linh
Ðức Thánh Linh là vị cách thứ ba trong ba Ngôi Ðức Chúa Trời.
1) Ðức Thánh Linh là một vị cách
Danh từ “vị cách” có liên quan đến thuyết “Tam vị nhất thể,” không có trong Kinh Thánh. Dĩ nhiên là khi được dùng như thế, tiếng vị cách có một ý nghĩa đặc biệt. Khi chúng ta nói về một người nào, chúng ta nghĩ đến một cá nhân khác biệt với những cá nhân khác. Nhưng khi nói về ba Ngôi trong Tam-vị nhất thể, chúng ta nói về sự phân biệt có tính cách “nội thuộc” trong một Ðức Chúa Trời.
Tấn sĩ Thần học Mullins nói: “Một vị cách thiêng liêng không kém một cá nhân, đó là một cái gì cao hơn.” Tánh chất sự phân biệt trong Ngôi vị Ðức Chúa Trời không thể giải thích bằng lý trí bị hạn giới được.
Kinh thánh trình bày Ðức Thánh Linh như một Ðấng hiện hữu chứ không phải chỉ là một thế lực hay quyền năng, tác động trên thế gian.
(1) Công tác của Ðức Thánh Linh
Ðức Thánh Linh được thể hiện như một cá nhân đang công tác. Ðó là một Ðấng chứng nhận, khiển trách, an ủi, dạy dỗ, hướng dẫn, chiến đấu và giúp đỡ. Những chữ nầy chỉ có thể dùng cho một cá nhân mà thôi.
(2) Ảnh hưởng hành động con người đối với Ðức Thánh Linh
Như một cá nhân, Ðức Thánh Linh cũng bị ảnh hưởng bởi hành động của những cá nhân khác. Ðức Thánh Linh có thể bị phản đối, làm cho buồn, bị lăng mạ, xúc phạm. Ðức Thánh Linh phải là một vị cách mới có thể bị ảnh hưởng bởi hành động của kẻ khác như vậy.
2) Ðức Thánh Linh là Ðức Chúa Trời
Kinh Thánh chẳng những thể hiện Ðức Thánh Linh là một vị cách mà còn là một vị cách thiêng liêng.
(1) Danh hiệu là Ðức Chúa Trời: Trong lời trách mắng A-na-nia, Phi-e-rơ đã nói: “Sao qủi Sa-tan đã đầy dẫy lòng ngươi, đến nỗi ngươi nói dối cùng Ðức Thánh Linh?” (Công-vụ 5:3). Rồi trong câu sau đó, người nói: “Ấy chẳng phải ngươi nói dối loài người, bèn là nói dối Ðức Chúa Trời.”
(2) Những danh từ biểu hiệu Ðức Chúa Trời đều được qui cho Ðức Thánh Linh:
Ðức Thánh Linh ở khắp mọi nơi: “Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa? Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa” (Thi thiên 139:7). Ðức Thánh Linh được diễn tả là một Ðấng toàn trí: “Vì Ðức Thánh Linh dò xét mọi sự, cả đến sự sâu nhiệm của Ðức Chúa Trời nữa” (I Cô-rinh-tô 2:10). Sự toàn năng đã được qui cho Ðức Thánh Linh: “Mọi điều đó là công việc của đồng một Ðức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người” (I Cô-rinh-tô 12:11).
3) Ðức Thánh Linh được thể hiện như Ðấng đang làm công việc của Ðức Chuá Trời
Ðức Thánh Linh khiến con người nhận biết tội lỗi; Ðức Thánh Linh là nguyên động lực của sự tái tạo hay tái sanh. Trong Rô-ma 8:11 sự tái tạo đã được coi là công trình của Ðức Thánh Linh. “Lại nếu Thánh Linh của Ðấng làm cho Ðức Chúa Jêsus sống lại từ trong kẻ chết ở trong anh em, thì Ðấng làm cho Ðức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết cũng sẽ nhờ Thánh Linh Ngài ở trong anh em mà khiến thân thể hay chết của anh em lại sống.”
II. Lời hứa về sự hiện đến của Ðức Thánh Linh
Trong sự diễn tiến các biến cố của thời Cựu Ước, khi có sự thể hiện của Ðức Thánh Linh là có điểm biểu lộ đặc biệt sự có mặt và quyền năng của Ngài. Ðức Thánh Linh hiện đến một cách nhất định và ở lại thế gian.
1) Những dư luận trong Kinh Thánh Cựu Ước
Nhiều thế kỷ trước lễ Ngũ tuần, sự giáng lâm của Ðức Thánh Linh đã được dư ngôn: “Sau đó, ta sẽ đổ Thần ta trên cả loài xác thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên tri; những người già cả các ngươi sẽ thấy chiêm bao, những kẻ trai trẻ các ngươi sẽ xem sự hiện thấy. Trong những ngày đó, dầu những đầy tớ trai và đầy tớ gái, ta cũng đổ Thần ta lên” (Giô-ên 2:28-29). Ðến ngày lễ Ngũ tuần trọng đại, Phi-e-rơ đã ghi chép lời dự ngôn nầy và tuyên bố rằng những điều tiên tri đã được thực hiện theo như những việc xảy ra trong ngày đó (Công-vụ 2:17-18).
2) Lời hứa của Ðức Chúa Jêsus
Chính Ðức Chúa Jêsus đã hứa chắc chắn về sự hiện đến của Ðức Thánh Linh. Trong sứ điệp truyền cho các môn đồ Ngài trái khi giã từ, ở phòng cao, Chúa đã phán: “Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Ðấng Yên-ủi khác, để ở với các ngươi đời đời. Tức là Thần lẽ thật” (Giăng 14:16-17). “Nhưng Ðấng Yên ủi, tức là Ðức Thánh Linh mà Cha sẽ nhơn danh ta sai xuống, Ðấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự” (Giăng 14:26). “Vì nếu ta không đi Ðấng Yên-ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu; song nếu ta đi thì ta sẽ sai Ngài đến” (Giăng 16:7). Trong ngày thăng thiên, Chúa phán cùng các môn đồ Ngài rằng: “Còn về phần các ngươi, hãy đợi trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao” (Lu-ca 14:49).
III. Sự hiện đến của Ðức Thánh Linh
Chúng ta đọc đoạn ghi nhận sự kiện trọng đại nầy trong Công-vụ-các-sứ-đồ 2:14: “Ðến ngày lễ Ngũ tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ. Thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy dẫy Ðức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Ðức Thánh Linh cho mình nói.”
Có nhiều điều liên hệ đến sự xuất hiện của Ðức Thánh Linh cần đượ đề cập tới.
1) Một sự kiện nhất định
Sự xuất hiện của Ðức Thánh Linh là một điều nhất định như sự giáng sanh của Ðức Chúa Jêsus Christ. Sẽ không còn có lễ Ngũ tuần nào nữa, cũng như sẽ không có sự hiện thân nào khác của Con Ðức Chúa Trời. Có thể có những sự từng trải về ngày lễ Ngũ tuần, khi con người nam, nữ, đem đời mình qui phục Ðức Thánh Linh một cách đầy đủ hơn, những sẽ không bao giờ có một lễ Ngũ tuần như đã xảy ra ở phòng trên. Những người căn cứ vào lễ Ngũ tuần, cho nó có quyền uy của một cuộc ban phúc lành lần thứ nhì, đều đã bị lầm lẫn trong sự nhận định. Lễ Ngũ tuần là sự hiện đến của Ðức Thánh Linh, để nhận lấy công việc mình ở thế gian.
2) Chỉ một lần cho muôn đời
Trong lời hứa về sự hiện đến của Ðức Thánh Linh, Ðức Chúa Jêsus Christ đã phán: “Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Ðấng yên ủi khác, để ở với các ngươi đời đời” (Giăng 14:16). Ðức Thánh Linh đã đến thế gian gần hai ngàn năm và Ngài sẽ ở lại đây đời đời.
3) Có những dấu hiệu cặp theo
Ta cần nhận định những biểu trưng đầy ý nghĩa sau đây:
(1) Tiếng động như gió mạnh thổi ào ào:–(Công-vụ 2:2). Lời ghi chép không nói rằng gió là Ðức Thánh Linh. Nhưng sự xuất hiện của Ðức Thánh Linh đã được cập theo bởi một tiếng động, như gió mạnh thổi ào ào là một dấu hiệu của Ðức Thánh Linh. Chúa chúng ta cũng đã diễn tả Ðức Thánh Linh như vậy: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động; nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy”(Giăng 3:8).
Sự biểu trưng của Ðức Thánh Linh như trên gợi ý niệm quyền năng. Có một quyền năng lớn lao phi thường trong sự thổi ào ào của gió lốc, một quyền năng làm cây trốc gốc và tòa nhà kiên cố bị phá hủy. Ðức Thánh Linh là Thánh Linh của quyền năng.
(2) Lưỡi như lửa: Ở đây cũng thế, tài liệu ghi chép không có nói rằng Ðức Thánh Linh là lửa, nhưng sự xuất hiện của Ðức Thánh Linh đã được phụ theo bởi những lưỡi tách rời như ngọn lửa.
Lửa là một nguyên động lực vừa tẩy lọc vừa hủy diệt, kim loại được bỏ vào lửa để cho cặn dơ bị cháy tiêu. Chất cặn dơ bị thiêu hủy thì kim loại còn lại được lọc sạch. Cùng một lối, Ðức Thánh Linh thanh lọc đời sống ra khỏi tội lỗi. Khi Ðức Thánh Linh đến, tội lỗi phải ra đi.
4) Ðem lại những hậu quả cải biến
Hậu qủa sự xuất hiện của Ðức Thánh Linh có thể tóm tắt trong một chữ quyền năng. Ðó là điều Ðức Chúa Jêsus phán về ý nghĩa hiện đến của Ngài: “Nhưng khi Ðức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lãnh quyền phép,” (Công-vụ 1:8). Và đã phán cùng các môn đồ hãy chờ đợi cho đến khi quyền năng ấy xuất hiện. “Còn về phần các ngươi, hãy đợi trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao” (Lu-ca 24:49). Sự hiện đến của Ðức Thánh Linh đã được đánh dấu bằng một quyền năng kỳ diệu. Ðó không phải là quyền năng vật chất mà là quyền năng thần linh.
(1) Quyền năng cải biến: Sự hiện đến của Ðức Thánh Linh đã biến đổi những người đàn ông bà đàn bà trong phòng, từ một đám người sợ sệt sau những cánh cửa đóng kín, thành một nhóm can đảm, đã tung cửa chạy ra ngoài những con đường đông đúc của thành phố, để công bố Tin Lành của Chúa bị đóng đinh và đã sống lại.
(2) Quyền năng chỉ giáo: Tập hợp tại thành Giê-ru-sa-lem lúc bấy giờ là dân chúng từ khắp nơi của đế quốc La-mã, nói nhiều thứ tiếng khác nhau. Ðức Thánh Linh đã ban cho các môn đồ quyền năng nói những thứ tiếng đó: “Hết thảy đều được đầy dẫy Ðức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác nhau theo như Ðức Thánh Linh đã ban cho mình nói” (Công-vụ 2:4).
(3) Quyền năng thuyết phục: Ðám dân chúng được nghe Phi-e-rơ giảng đã bị thuyết phục về tội lỗi mình: “Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi?” (Công-vụ 2:37).
(4) Quyền năng cứu chuộc: Khi Phi-e-rơ bảo cho họ biết những gì phải làm, họ bèn vâng phục: “Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp têm; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội Thánh” (Công-vụ 2:41).
IV. Công việc của Ðức Thánh Linh
Ðức Chúa Jêsus đã phán nhiều điều Ðức Thánh Linh sẽ làm. Công trình của Ðức Thánh Linh sẽ được thể hiện dưới ba hình thức.
1) Trong cá nhân:
Ðức Thánh Linh làm gì trong và cho cá nhân con người?
(1) Sự thuyết phục: Ðức Thánh Linh đã thuyết phục cá nhân về tội lỗi. Ðức Thánh Linh đã khải thị bản chất và hậu qủa của tội lỗi, cùng khiến con người tỉnh ngộ để nhận biết chính mình đã phạm tội trước Ðức Chúa Trời thánh khiết.
Ðức Thánh Linh dùng nhiều phương pháp để thuyết phục. Có khi Ngài dùng sự rao giảng cách công khai về Tin Lành, như trong ngày lễ Ngũ tuần. Có khi đó là lời chứng nghiệm của kẻ khác như trường hợp của Ða-vít (II Sa-mu-ên 12:13). Có khi là một từng trải ghê gớm như trường hợp tên cai ngục tại thành Phi-líp.
(2) Sự tái tạo: Khi con người đã tự nhận là mình phạm tội thì họ có hai thái độ; họ có thể cứng lòng và chống lại Ðức Thánh Linh, hoặc họ có thể mở lòng bởi đức tin để tiếp nhận Ðức Thánh Linh. Nếu họ theo từng trải sau, thì Ðức Thánh Linh sẽ vào lòng họ để thực hiện một công trình đầy ân điển và biến đổi, gọi là sự tái tạo, hay sự tái sanh.
Con người cũ của tội lỗi bị chết đi, để cho một người mới trong Chúa Jêsus Christ xuất hiện. Người ta có thể không hiểu sự diễn biến xảy ra như thế nào, nhưng người ta có thể kinh nghiệm điều nầy được. Người mù được Chúa Jêsus làm cho sáng mắt lại đã nói rằng có nhiều điều anh không hiểu về việc nầy, nhưng có điều anh biết chắc chắn là: “Tôi đã mù mà bây giờ lại sáng” (Giăng 9:25).
Chúa chúng ta đã tuyên bố rằng, kinh nghiệm sự tái tạo là điều cần thiết trước khi người ta có thể vào nước của Ðức Chúa Trời: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh lại, thì không được vào nước Ðức Chúa Trời” (Giăng 3:5).
(3) Sự nên thánh: “Nên thánh” có ý nghĩa là thánh hoá. Sự Thánh hóa là sự diễn tiến của nội tâm để trở nên Thánh. Sự Thánh hóa là công trình của Ðức Thánh Linh: “Nên thánh bởi Ðức Thánh Linh” (Rô-ma 15:16).
Sự thuyết phục là công trình của Ðức Thánh Linh khi Ngài đến gõ cửa lòng; sự tái tạo là công trình của Ðức Thánh Linh khi Ngài nhập vào lòng bằng cửa đức tin đã mở; sự Thánh hóa là công trình của Ðức Thánh Linh khi Ngài ngự trong lòng.
Sự Thánh hoá là sự lớn lên trong đời sống tín đồ Cơ đốc, và cũng như sự lớn lên cơ thể, sự Thánh hóa được diễn tiến một cách tuần tự. Nó bắt đầu bằng sự tái tạo và kết thúc bằng sự vinh hiển. Có nhiều người lớn lên mau hơn những người khác, lại có nhiều người lớn cao hơn những người khác, nhưng nếu nói về đời sống thông thường của mỗi người, thì có một sự lớn lên và phát triển thuộc linh. Sự lớn lên nầy sẽ tương xứng với sự đầy dẫy Thánh Linh trong lòng và trong đời sống.
(4) Sự yên ủi: Ðức Thánh Linh là Ðấng Yên ủi vĩ đại của lòng người. Khi Chúa Jêsus phán cùng các môn đồ rằng Ngài phải giã từ họ, thì lòng họ tràn ngập sự buồn rầu: “Nhưng vì ta đã nói những điều đó cho các ngươi, thì lòng các người chứa chan sự phiền não” (Giăng 16:6). Nhưng Ngài đã hứa chắc với họ rằng Ðấng Yên ủi sẽ đến và đem lại sự bình an, vui vẻ cho họ: “Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban các người một Ðấng Yên ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, tức là Thần lẽ thật.” (Giăng 14:16-17). Ấy vậy, một phần công trình của Ðức Thánh Linh là đem lại nguồn an ủi cho những quả tim đau khổ.
(5) Sự soi sáng: Ðức Thánh Linh khải thị lẽ thật cho trí và lòng của người tin nhận Ngài. Ngài là một giáo sư vĩ đại. Ðức Chúa Jêsus đã phán: “Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật,” (Giăng 16:13).
Ðức Thánh Linh soi sáng cho đầu óc tín đồ, để họ có thể hiểu được chân lý của lời Ðức Chúa Trời: “Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Ðức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xé cách thiêng liêng” (I Cô-rinh-tô 2:14). Kinh Thánh thật ra là một quyển sách, không phải dành cho những kẻ chẳng có Thánh Linh của Ðức Chúa Trời.
(6) Sự cầu xin hộ: Như đã trình bày, người tín đồ Cơ đốc có hai Ðấng cầu thay cho mình: Ðấng Christ ở bên tay phải của Ðức Chúa Trời và Ðức Thánh Linh ở trong lòng. Trong Rô-ma 8:26-27, công việc cầu thay của Ðức Thánh Linh đã được đề cập đến như sau: “Cũng một lẽ ấy, Ðức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Ðức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta. Ðấng dò xét lòng người hiểu biết ý tưởng của Thánh Linh là thể nào, vì ấy là theo ý Ðức Chúa Trời mà Ngài cầu thế cho các thánh đồ vậy.” Với hai Ðấng cầu thay, một ở trên trời và một ở thế gian, người tín đồ Cơ đốc đã được bảo vệ mạnh mẽ.
Công trình của Ðức Thánh Linh trong đời sống các tín đồ, đã được tóm tắt trong danh hiệu đặt ra cho Ngài–Paraclete. Ðó là chữ nguyên gốc Hy-lạp Parakletos có nghĩa là gọi đến bên cạnh, nói rộng ra là người giúp đỡ. Ðức Thánh Linh là Ðấng giúp đỡ cho tín đồ Cơ đốc trong mọi nhu cầu hằng mong.
Danh hiệu “Paraclete” đặt cho Ðức Thánh Linh thể theo trước bản của Giăng. Trong bản Kinh Thánh được công nhận, danh từ nầy được dịch ra Anh-ngữ bằng một chữ đồng nghĩa với “Ðấng Yên ủi” trong tiếng Việt. Ngôn ngữ thế giới không có tiếng nào diễn đạt hết ý nghĩa của danh từ Hy-lạp nói trên. Ðức Thánh Linh bao gồm ý nghĩa của những chữ đã được dùng để diễn ta, và còn hơn thế nữa. Ngài là Ðấng chỉ giáo, hướng dẫn, yên ủi, cầu thay. v.v… Ngài thỏa mãn mọi nhu cầu của tín đồ Cơ đốc.
2) Trong giáo hội
Kinh Thánh cho ta biết rằng Ðức Thánh Linh ngự trong Hội Thánh. Vì thế Hội Thánh được gọi là đền thờ của Ðức Thánh Linh. Nói với giáo hội ở Cô-rinh-tô Phao lô đã viết: “Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Ðức Chúa Trời, và Thánh Linh của Ðức Chúa Trời ở trong anh em sao?” (I Cô-rinh-tô 3:16). Và nói với người Ê-phê-sô ông đã viết: “Anh em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Ðức Chúa Trời trong Thánh Linh” (Ê-phê-sô 2:22).
Vậy công việc Ðức Thánh Linh trong giáo hội là gì? Có nhiều điều cần được ghi nhận vắn tắt sau đây.
(1) Xây dựng: “Ấy vậy, Hội Thánh trong cả xứ Giu-đê, xứ Ga-li-lê và xứ Sa-ma-ri được hưởng sự bình an, gây dựng và đi trong đường kính sợ Chúa, lại nhờ Ðức Thánh Linh vừa giúp, thì số của Hội được thêm lên” (Công-vụ 9:13). Ðức Thánh Linh đã gây dựng Hội Thánh.
(2) Hướng dẫn: “Ðương khi môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Ðức Thánh Linh phán rằng: “Hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ đặng làm công việc ta đã gọi làm” (Công-vụ 13:2). “Ấy là Ðức Thánh Linh và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những điều cần dùng” (Công vụ 15:28). Ấy vậy, Ðức Thánh Linh đã hướng dẫn Hội Thánh ở An-ti-ốt để phát động một công cuộc truyền giáo vĩ đại và hướng dẫn giáo hội thành Giê-ru-sa-lem giải quyết một vấn đề khó khăn.
(3) Ban cho các ân tứ: Ta hãy nghe lời Phao lô nói với Hội Thánh ở Cô-rinh-tô: “Vả, có sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Ðức Thánh Linh… Ðức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung. Vả, người nầy nhờ Ðức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Ðức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói trí thức. Bởi một Ðức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin, cũng bởi một Ðức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh; người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy. Mọi điều đó là công việc của đồng một Ðức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người” (I Cô-rinh-tô 14:4,7-11).
(4) Ban quyền năng để hầu việc: “Nhưng khi Ðức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép,” (Công-vụ 1:8). Ðó là lời của Chúa sống lại hứa cùng các môn đồ Ngài. Nhờ có quyền năng của Ðức Thánh Linh mà Hội Thánh đầu tiên đã thẳng tiến và chiến thắng. Không có Ðức Thánh Linh, Hội Thánh là một tổ chức rời rạc và vô hiệu.
3) Trong thế gian:
Nói về công trình của Ðức Thánh Linh, Chúa Jêsus đã phán: “Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi vì họ không tin ta; về sự công bình và về sự phán xét. Về tội lỗi vì họ không tin ta; về sự công bình vì ta đi đến cùng Cha, và các ngươi chẳng thấy ta nữa; về sự phán xét vì vua chúa thế gian nầy đã bị đoán xét” (Giăng 16:8-11).
Nói “thế gian” là Ðức Chúa Jêsus muốn nói đến thế gian xấu xa và vô tín. Gia-cơ cũng đã dùng lời nầy khi người nói: “Hỡi bọn tà dâm kia, anh em há chẳng biết làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Ðức Chúa Trời hay sao? Cho nên, ai muốn làm bạn với thế gian, thì người ấy trở nên kẻ nghịch thù của Ðức Chúa Trời vậy” (Gia-cơ 4:4). Và đó cũng là lời của Giăng khi nói: “Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Ðức Chúa Trời chẳng ở trong người ấy” (I Giăng 2:15).
Chữ “tự cáo” cũng dịch là thuyết phục hay khiển trách. Nó mang ý nghĩa thuyết phục bằng cách trưng bày chứng cớ. Ðức Thánh Linh tự cáo thế gian về ba điều:
(1) Tự cáo về tội lỗi: “Về tội lỗi vì họ không tin ta.” Ðức Thánh Linh thuyết phục thế gian về sự hiển nhiên của tội lỗi và về bản chất của nó. Ngài bày tỏ rằng, tội lỗi lớn nhất trong các tội, là sự vô tín. Ðức Chúa Jêsus đã không phán: “Về tội lỗi vì chúng ta là những kẻ tà dâm, sát nhân, say sưa”, những “vì chúng nó không tin nơi ta.” Ðó là tội lỗi mà thế giới thời bấy giờ phạm phải mà thế gian ngày nay cũng mắc vào.
(2) Thuyết phục về sự công nghĩa: “Về công bình vì ta sẽ đi về cùng Cha, và các ngươi sẽ chẳng thấy ta nữa.” Các nhà lãnh tụ Do-thái đã lên án Ðức Chúa Jêsus là kẻ phạm tội: “Chúng ta biết người đó là kẻ có tội” (Giăng 9:24). Ðức Chúa Jêsus đã xưng nhận mình là công nghĩa: “Trong các ngươi, có ai bắt ta thú tội được chăng?” (Giăng 8:46). Sự sống lại và trở về cùng Ðức Chúa Cha của Ngài, là một bằng chứng về sự công nghĩa của Ngài.
Không ai có thể xưng mình là công nghĩa, vì tất cả đều đã phạm tội. Bởi sự chết đền tội, sự sống lại và trở về cùng Cha, Ðấng Christ đã ban sự công nghĩa cho người tin tưởng: “Nhưng hiện bây giờ, sự công bình của Ðức Chúa Trời, mà luật pháp và các đấng tiên tri đều làm chứng cho, đã được bày tỏ ra ngoài luật pháp: tức là sự công bình của Ðức Chúa Trời, bởi sự tin đến Ðức Chúa Jêsus Christ, cho mọi người nào tin” (Rô-ma 3:21-22); “Và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Ðấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Ðức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin” (Phi-líp 3:9).
(3) Thuyết phục về sự phán xét: “Về sự phán xét vì vua chúa thế gian nầy đã bị đoán xét,” Tội lỗi đem lại sự phán xét. Ðiều nầy đã được chứng minh bởi sự phán xét Sa-tan, vua chúa thế gian nầy. Ở Thập tự giá nó tưởng đã thu lượm được chiến thắng vẻ vang nhất. Nhưng tình thế lại thay đổi thành một thất bại chua cay nhất. Ở đó nó đã bị xét xử và kết án.
Nếu kẻ ngự trị thế gian nầy đã bị kết tội, thì những ai ở thế gian nầy chắc chắn sẽ bị phán xét. Phao lô khi đứng trước mặt Phê-lít, “Nói về sự công bình, sự tiết độ và sự phán xét ngày sau” (Công -vụ 24:25).
V. Thành quả của Ðức Thánh Linh:
Nếu Ðức Thánh Linh ngự trong đời sống, sự hiện diện của Ngài sẽ được thể hiện bằng vài đức tính và ân tứ mà chỉ có Ðức Thánh Linh mới tạo ra được. Phao lô gọi đó là những thành quả của Ðức Thánh Linh: “Nhưng trái của Thánh Linh ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22). Ðó cũng tỉ như cây nho với ba chùm nho khác nhau.
1) Sự thành quả trong đời sống nội tại
Chùm nho thứ nhất là sự thể hiện trong đời sống nội tâm–tình yêu thương, niềm vui mừng và sự bình an. Tình yêu thương đề cập đến ở đây không phải là thứ tình cảm thường được mạng danh là tình yêu. Ðó là một cái gì sâu xa hơn, rộng rãi hơn, cao cả và vĩ đại hơn. Ðó là nguyên lý chỉ đạo căn bản cho đời sống, một cái gì chỉ có Thánh Linh Ðức Chúa Trời mới có thể tạo nên được.
Ði với tình yêu thương có sự vui mừng. Sự vui mừng ở đây rất khác với sự khoái lạc. Sự khoái lạc tuỳ thuộc những điều kiện bên ngoài còn nỗi vui mừng tuôn tràn từ quả tim, biệt lập với những điều kiện ngoại tại. Thế gian có thể cho sự khoái lạc mà không thể cho được niềm vui.
Rồi đến sự bình an. Khi Ðức Thánh Linh ngự trong lòng, Ngài đem lại sự bình an–sự bình an cho lương năng đã biết nỗi đau đớn gây nên bởi tội lỗi, sự bình an cho tấm lòng đã từng bị tan vỡ, sự bình an cho tâm hồn đã từng bị khuấy động.
2) Sự thành quả trong đời sống ngoại tại
Chùm nho thứ nhì là thành quả được thể hiện trong đời sống bên ngoài–sự nhịn nhục, hiền hoà và nhân hậu. Sự nhịn nhục có nghĩa là sự chịu đựng một cách bình tĩnh nỗi bất công. Ðó là khả năng nhận lấy sự đối xử tệ ác mà không trả thù, tiếp xúc với những phần tử quá khích mà không giận tức, dằn lòng trước mọi sự lạm dụng và phỉ báng.
Rồi đến sự hiền hòa. Ðó là một bước đi quá sự kiên tâm. Sự kiên tâm có tính cách thụ động; nó đứng yên một chỗ. Sự hiền hòa có tính cách chủ động; đó là sự hành động để giúp đỡ người khác. Sự hiền hòa thắng lợi, trong khi sự hung ác bị thất bại.
Tiếp theo sự hiền hòa là lòng nhân hậu. Ðó là một ân tứ gồm có hai phương diện: Lòng nhân hậu có nghĩa là sự thanh khiết của đời sống và sự quên mình để giúp người. Lòng nhân hậu còn cao hơn sự hiền hòa. Sự hiền hòa giúp người trong lúc cần đến, còn lòng nhân hậu tự tạo ra những cơ hội để giúp đỡ. Lòng nhân hậu là sự công nghĩa đang tác động.
3) Sự thành quả trong bản ngã
Chùm nho thứ ba là thành quả được thể hiện trong bản ngã cá nhân–sự trung tín, ôn hòa và tiết chế. Sự trung tín có nghĩa là sự trung thành, lòng trung trực–trung trực với con người và trung trực với Ðức Chúa Trời.
Sự ôn hòa không có nghĩa là sự mềm yếu. Ðức Chúa Jêsus đã có thái độ ôn hòa nhưng Ngài không mềm yếu. Sự ôn hòa là điều trái ngược với tinh thần: kiêu ngạo, khoác lác và không bao dung.
Tiếp theo sự ôn hòa là sự tiết chế. Có bao giờ con người tự kiềm chế mình? Con người đã vật lộn với những thèm muốn, dục vọng và xu hướng làm điều ác của chính bản tính mình, và đã đi đến chỗ thất bại. Thánh Linh Ðức Chúa Trời là quyền năng duy nhất ở thế gian có thể làm cho con người tự chủ được.
VI. Phản ứng của con người trước Ðức Thánh Linh
Kinh Thánh Tân Ước đã ghi chép nhiều thái độ con người có thể có, để đáp lại Ðức Thánh Linh.
1) Con người có thể nghịch với Ðức Thánh Linh
Ðó là chữ Ê-tiên đã dùng khi ngỏ lời với những kẻ đã phản đối trách vụ ông: “Hỡi những người cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì kia! các ngươi cứ nghịch với Ðức Thánh Linh hoài; tổ phụ các ngươi thể nào thì các ngươi cũng thể ấy” (Công-vụ 7:51). Ðó là thái độ của kẻ vô tín, lòng dạ cứng rắn chống lại với Ðức Thánh Linh. Và người tín đồ Cơ đốc đôi khi cũng phạm tội chống lại Ðức Thánh Linh, khi họ từ chối không theo sức thúc đẩy mà Ðức Thánh Linh đã đặt trong lòng họ.
2) Con người có thể khinh lờn Ðức Thánh Linh
Ðó là chữ ông Moffatt (một dịch giả Kinh Thánh) dùng để dịch Hê-bơ-rơ 10:29: “Lại khinh lờn Ðức Thánh Linh ban ơn.” Chữ nầy đã được dùng bởi những kẻ mà Ðức Thánh Linh đã tác động mãnh mẽ. Nó cũng gần giống như tội lỗi không thể tha thứ được. Những kẻ phạm tội khinh miệt Ðức Thánh Linh là những kẻ đã chối bỏ Ngài một cách vô cớ và ngạo mạn, và đã đặt Ngài ra ngoài đời sống của họ.
3) Con người có thể làm buồn Ðức Thánh Linh
Phao lô khi viết cho các tín hữu Cơ đốc đã dùng chữ nầy: “Anh em chớ làm buồn cho Thánh Linh của Ðức Chúa Trời, vì nhờ Ngài mà anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc” (Ê-phê-sô 4:30). Dĩ nhiên là Ðức Thánh Linh bị buồn phiền bởi những kẻ vô tín khi họ chống đối lại Ngài, nhưng Ngài lại cũng bị buồn phiền bởi những tín đồ Cơ đốc khi họ hờ hững và không vâng phục. Ðó là hình ảnh của người cha bị buồn phiền bởi một đứa con ngỗ nghịch và cứng đầu.
4) Con người có thể dập tắt Ðức Thánh Linh
Phao lô ngỏ lời cùng các tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca, đã dùng chữ nầy: “Chớ dập tắt Ðức Thánh Linh” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:19). Hình ảnh nầy tượng trưng sự dập tắt lửa bằng cách đổ nước lên trên. Ðức Thánh Linh đã được diễn tả như lửa. Sự hiện đến của Ðức Thánh Linh trong ngày lễ Ngũ tuần đã được tòng thuộc bởi những cái lưỡi như ngọn lửa. Ðức Thánh Linh nhen nhúm ngọn lửa tình yêu thương và nhiệt thành trong lòng mọi tín đồ Cơ đốc. Con người có thể dập tắt Ðức Thánh Linh bởi sự dửng dưng, hờ hững và bất tuân của họ.
5) Con người có thể được đầy dẫy Ðức Thánh Linh
Ðó là điều lý tưởng mà Phao lô đã khuyến khích, các tín hữu người Ê-phê-sô: “Ðừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Ðức Thánh Linh” (Ê-phê-sô 5:18). Có điểm khác biệt giữa sự có Ðức Thánh Linh và đầy dẫy Ðức Thánh Linh.
Mỗi tín đồ Cơ đốc đều có Ðức Thánh Linh: “Song nếu ai không có Thánh Linh của Ðấng Christ thì người ấy chẳng thuộc về Ngài” (Rô-ma8:9). Chính sự hiện đến của Ðức Thánh Linh trong lòng, và quyền năng tái tạo của Ngài đã dựng nên một tín đồ Cơ đốc. Tuy nhiên người ta có thể có Ðức Thánh Linh, mà không được đầy dẫy Ðức Thánh Linh. Người ta có thể là một tín đồ Cơ đốc, mà không phải là một tín đồ Cơ đốc đầy dẫy Ðức Thánh Linh.
Một tín đồ Cơ đốc ví như một thùng đựng nước. Ðấng Christ đã phán về Sau-lơ ở Tạt-sơ: “Vì ta đã chọn người nầy làm một đồ dùng ta” (Công-vụ 9:15). Và A-na-nia đã nói dùng Sau-lơ: “Chúa là Jêsus nầy, đã hiện ra cùng anh trên đường anh đi tới đây, đã sai tôi đến, hầu cho anh được sáng mắt lại và đầy Ðức Thánh Linh” (Công-vụ 9:17).
Một thùng chứa nước muốn được đầy dẫy nước trong, trước khi nó được trút bỏ nước đục, và trước khi một tín đồ Cơ đốc được đầy dẫy Ðức Thánh Linh, họ phải trút bỏ–trút bỏ bản ngã, trút bỏ tội lỗi, trút bỏ tất cả những gì không hòa hợp với Thánh Linh của Ðức Chúa Trời. Một người không thể cầm giữ vật gìn không thánh khiết mà được đầy dẫy Ðức Thánh Linh.
(2) Ðầu phục: Trước khi một thùng chứa được đầy nước, người ta phải có thùng ấy, và một tín đồ Cơ đốc không thể đầy dẫy Ðức Thánh Linh cho đến khi nào họ hoàn toàn qui phục Ðức Thánh Linh.
Chúng ta thử lấy ví dụ khác. Một người kia có một cái nhà cho thuê. Nhưng có vài vật mà anh muốn giữ lại trong nhà. Anh bèn để những vật ấy vào trong một cái phòng, khoá cửa lại bỏ chìa khóa vào túi. Anh nói với người thuê nhà: “Ông có thể sử dụng tất cả nhà, trừ cái phòng nầy, tôi để dành riêng cho tôi.”