QUYỀN NĂNG GÌN GIỮ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Kinh Thánh: 1 Tê. 5:23; Dân. 13:25-33; 14:4-10; G-suê. 14:6-12
Thật đáng buồn vì một số Cơ Đốc nhân tin nơi quyền năng cứu rỗi của Đức Chúa Trời, nhưng lại không tin nơi quyền năng gìn giữ của Ngài. Họ đã nhận lãnh ân điển cứu rỗi của Ngài, nhưng chưa nhận lãnh ân điển gìn giữ của Ngài. Họ không nhận thức rằng Đấng ban ân điển cũng là Đấng giữ chúng ta tiếp tục ở trong ân điển của Ngài. Chúng ta hãy xem Kinh Thánh để biết bằng cách nào những người được Đức Chúa Trời cứu rỗi cũng được Ngài gìn giữ.
Giô-suê 14:11 chép: “Ngày nay tôi cũng còn khỏe mạnh như ngày Môi-se sai tôi đi; sức lực tôi có lúc đó cũng là sức lực tôi có bây giờ, đi ra đi vào”. Đó là lời Ca-lép nói. “Đi ra đi vào” chỉ về đời sống hằng ngày, “đi đánh giặc” chỉ về những hoàn cảnh khác thường trong cuộc sống. Sức mạnh của Ca-lép vẫn y như ngày ông nói với Môi-se, có khả năng đảm đương những đòi hỏi bình thường của cuộc sống hằng ngày cũng như đương đầu với những đòi hỏi của cuộc sống trong những hoàn cảnh căng thẳng đặc biệt. Mặc dầu bốn mươi năm đã trôi qua, ông vẫn mạnh mẽ như những năm tháng trước kia. Ở đây chúng ta thấy quyền năng gìn giữ của Đức Chúa Trời. Sức mạnh của Ca-lép vẫn y như bốn mươi năm về trước. Ông vẫn mạnh mẽ y như vậy. Khi đến tuổi tám mươi lăm, ông vẫn đầy sinh lực như thuở còn bốn mươi. Chỉ có một cách giải thích tình trạng đó, ấy là ông đã được Đức Chúa Trời gìn giữ. Chúng ta hoàn toàn không thể tự giữ mình trong ân điển của Đức Chúa Trời. Không có gì bảo đảm là thậm chí sau khi được cứu năm năm, chúng ta vẫn có một lượng đức tin y như trong giai đoạn đầu của đời sống Cơ Đốc nhân. Chúng ta không thể cứ ở trong ân điển của Đức Chúa Trời bằng nỗ lực riêng; chỉ một mình Ngài có thể giữ chúng ta tiếp tục sống trong ân điển của Ngài.
Điều kiện để Ca-lép kinh nghiệm quyền năng gìn giữ của Đức Chúa Trời là gì? Chúng ta hãy xem xét vấn đề này một ít. Giô-suê 14:14 chép: “Người hết lòng đi theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên”. Ông đã hết lòng đi theo Chúa như thế nào? Chúng ta được biết điều này qua Dân Số Ký chương 13 và 14. Dân-số Ký 13:30 chép: “Ca-lép làm cho dân chúng đang lằm bằm cùng Môi-se im lặng đi mà nói rằng: Chúng ta hãy đi lên ngay và chiếm xứ đi, vì chúng ta thắng hơn được”. “Chúng ta thắng hơn được”. Một người theo Chúa hết lòng là người tin rằng những lời hứa của Đức Chúa Trời đáng tin cậy, tin rằng Đức Chúa Trời ở với dân Ngài và chúng ta có thể chiến thắng dễ dàng. Anh chị em ơi, anh chị em có tin điều này không? Nhiều người tin, nhưng đức tin của họ là đức tin dao động. Họ rất nhút nhát. Họ hát bài ca ngợi khen, tuy nhiên, dầu lời bài hát rất đúng đắn, nhưng trong điệu nhạc vẫn có điều gì sai trật. Trường hợp Ca-lép không phải như vậy, ông hát lời đúng và nhạc cũng đúng. Ông nói: “Chúng ta hãy đi lên ngay”. Một người hoàn toàn theo Chúa và nghĩ Ngài đáng tin cậy là người làm theo ý muốn Chúa và làm theo ngay lập tức.
Mười thám tử kia thì sao? Họ nhìn dân của xứ và thấy đó là những người “tầm vóc cao lớn” và thành của họ “thật vững vàng và rất lớn”. Họ cũng nhìn chính mình nữa và theo cái nhìn của mình, họ thấy bản thân “khác nào con cào cào”. Mắt họ gắn chặt vào những khó khăn trước mắt. Tại đây chúng ta thấy lý do vì sao nhiều Cơ Đốc nhân không kinh nghiệm được quyền năng gìn giữ của Đức Chúa Trời, ấy là vì mắt họ chỉ thấy đầy dẫy những nan đề. Nếu một người tiếp tục nhìn vào những khó khăn của mình, chắc chắn người ấy không tìm được hi vọng trong hoàn cảnh. Đức Chúa Trời không muốn chúng ta nhìn chăm chăm vào những ngọn núi cản đường chúng ta. Ngài muốn chúng ta nói với núi: “Hãy cất mình lên và gieo xuống biển đi” (Mác 11:23). Nhìn chăm chăm vào những núi non ấy thì không ích lợi gì cả. Càng nhìn vào núi non, chúng càng trở nên cao hơn. Nhiều người không thể đắc thắng vì mắt họ luôn luôn nhìn vào những thất bại. Nhiều người chuẩn bị trước để thất bại. Nếu cứ liên tục suy nghĩ về sự thất bại, chắc chắn chúng ta sẽ thất bại. Nhiều kinh nghiệm thất bại đã đến vì chúng ta dự kiến điều đó. Có thể chúng ta nghĩ mình đối phó được với các nan đề khác, nhưng không cách nào đối phó nổi với một nan đề cụ thể nào đó. Khi suy nghĩ như vậy, chúng ta đã dọn đường sẵn để thất bại, ngay khi nan đề đến với mình. Ngay khi mắt chúng ta nhìn vào chính mình, chúng ta chắc chắn sẽ thất bại. Nếu Đức Chúa Trời cứu chúng ta, trước hết Ngài phải cứu mắt chúng ta khỏi nhìn chính mình mà nhìn vào các lời hứa của Ngài. Chúng ta chỉ can đảm khi nhìn chăm vào các lời hứa của Ngài. Một khi nhìn vào các lời hứa của Ngài, chúng ta sẽ thấy mình có thể đắc thắng!
Rất nhiều con dân của Đức Chúa Trời thiếu đức tin, là đặc điểm mà Ca-lép có; họ tập trung suy nghĩ về bệnh tình trầm trọng của mình, những vết sẹo của mình, và những khó khăn không thể nào vượt qua được. Có bao nhiêu người nhìn vào những lời hứa của Chúa? Những người không sợ “con cái A-nác” là những người “thắng hơn được”. Ca-lép yêu cầu Giô-suê chia Hếp-rôn làm phần cơ nghiệp cho ông, Hếp-rôn là một thành phố lớn giữa vòng dân A-na-kim, và người A-na-kim cao lớn sống tại đó (G-suê. 14:12-15). Ông không sợ người A-na-kim “tầm vóc cao lớn”, ông cũng không sợ Hếp-rôn là một “thành vững vàng và rất lớn”, ông đã chiến thắng. Toàn bộ vấn đề liên quan đến sự đắc thắng là: chúng ta tin cậy chính mình hay tin cậy Chúa? Nếu đang nương cậy chính mình thì dĩ nhiên chúng ta phải xem xét dân A-na-kim mạnh hay yếu và thành trì của họ có vững chắc không, nhưng nếu chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời, thì thậm chí vấn đề nguồn năng lực của loài người cũng không được đặt ra. Nếu tin cậy Đức Chúa Trời, chúng ta không có lý do nào để sợ hãi, và được bảo đảm chiến thắng cho dầu người ta to lớn đến đâu và thành trì kiên cố chừng nào.
Có một vấn đề khác cũng đáng chú ý, liên quan đến Ca-lép. Trong Dân Số Ký 14:9 ông khuyên hội chúng Y-sơ-ra-ên như sau: “Các ngươi đừng làm loạn cùng Đức Giê-hô-va, và đừng sợ dân của xứ ấy, vì dân đó sẽ là bánh của chúng ta”. Ông bảo dân Y-sơ-ra-ên rằng họ có thể đi lên ngay, họ có thể chiến thắng, và họ không phải sợ hãi, vì “dân đó là bánh của chúng ta”. Bánh là thức ăn. Bánh là những gì làm gia tăng sức mạnh, làm cho người ta mạnh lên hơn sau khi ăn. Dân cư của xứ đó được thừa nhận là “những người tầm vóc cao lớn” nhưng theo mắt Ca-lép, họ là thức ăn cho dân của Đức Chúa Trời. Không những ông tôn trọng lời hứa của Đức Chúa Trời, mà còn khinh thường tất cả những khó khăn. Mọi người có đức tin thật đều tôn trọng Đức Chúa Trời và xem thường mọi khó khăn. Nhưng điều này không dành chỗ cho sự kiêu ngạo, vì chỉ có những ai hạ mình trước mặt Chúa mới đứng nổi trên sự đắc thắng của Ngài.
Mỗi khi gặp khó khăn, mỗi khi thấy mình ở trong một tình huống không thể giải quyết được, anh em hãy tự hỏi câu này: Tôi sẽ chết đói ở đây, hay tôi sẽ ăn? Nếu nương cậy Chúa để đắc thắng và để cho sự sống đắc thắng của Ngài bày tỏ ra trong mình, anh em sẽ tìm được sự nuôi dưỡng tươi mới và sức sống gia tăng, anh em sẽ lại được nuôi dưỡng. Anh em hãy ghi nhớ rằng những người không ăn khỏe không thể lớn lên đến chỗ trưởng thành. Bánh của chúng ta không những là lời Đức Chúa Trời, thịt của chúng ta không những là ý muốn Ngài, bánh của chúng ta còn là người A-na-kim, tức là những khó khăn trên đường chúng ta đi. Nhiều người lấy lời Đức Chúa Trời làm bánh của mình và việc thực hiện ý muốn của Ngài làm thịt của mình, nhưng họ chưa “ăn” người A-na-kim. Nhiều người “ăn” người A-na-kim ít quá. Càng “ăn” người A-na-kim, chúng ta càng mạnh mẽ. Ca-lép là một hình ảnh minh họa lớn lao về điều này. Vì ông lấy người A-na-kim làm “thức ăn” của mình, nên ông vẫn đầy sinh lực dầu tuổi đã tám mươi lăm. Sức mạnh của ông năm tám mươi lăm vẫn y như khi ông còn bốn mươi. Qua nhiều năm, ông đã hấp thụ nhiều người A-na-kim đến nỗi ông phát triển được một thể chất không có dấu vết của tuổi già. Điều này cũng đúng trong lãnh vực thuộc linh. Vài anh chị em đã gặp một số khó khăn, nhưng rõ ràng còn có nhiều điều yếu đuối trong đời sống họ. Họ yếu đuối trước mặt Chúa vì chưa tiêu thụ người A-na-kim đủ. Tuy nhiên, có những người đã đương đầu và đắc thắng hết khó khăn này đến khó khăn khác, hết cám dỗ này đến cám dỗ khác, họ đầy dẫy sức mạnh vì đã được nuôi dưỡng cách đầy đủ bằng chính người A-na-kim. Chúng ta phải “ăn” các nan đề và sự cám dỗ của mình. Mỗi một khó khăn và cám dỗ Sa-tan đặt trên đường chúng ta đi là thức ăn của chúng ta. Đó là phương tiện Đức Chúa Trời chỉ định để chúng ta được tiến bộ thuộc linh. Cảnh tượng về những nan đề làm cho lòng những người không có đức tin sợ hãi, nhưng những ai tin cậy Ngài nói rằng: “Thức ăn của tôi đến đây rồi!” Ngợi khen và cảm tạ Chúa, mọi thử thách đều là thức ăn của chúng ta, không có trường hợp ngoại lệ. Mọi thử thách đem đến sự tăng trưởng sau khi chúng ta đã “ăn” chúng. Khi chấp nhận hết thử thách này đến thử thách khác, càng ngày chúng ta càng được bồi dưỡng cách phong phú.
Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào hành động thực tế của điều này. Chúng ta đừng quên rằng có một điều kiện kèm theo quyền năng gìn giữ của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta không tin cậy Ngài, Ngài không thể gìn giữ chúng ta. Để kinh nghiệm sự cứu rỗi của Ngài, và để có được quyền năng gìn giữ của Đức Chúa Trời, chúng ta phải hết lòng tin các lời hứa của Ngài. Nếu sau khi đắc thắng, chúng ta nghi ngờ không biết kinh nghiệm đắc thắng của mình có được lâu bền không, đó là chúng ta đã không tin cậy quyền năng gìn giữ của Ngài. Chúng ta phải tin nơi quyền năng gìn giữ của Đức Chúa Trời. Mỗi sáng khi thức dậy, chúng ta cần phải nói với Ngài: “Đức Chúa Trời ơi, con cảm tạ Ngài vì đã gìn giữ con hôm qua, và hôm nay Ngài sẽ gìn giữ con. Con không biết sự cám dỗ nào sẽ xảy đến với con, và con không biết làm thế nào đắc thắng được. Con không làm được gì cả, nhưng con tin Ngài sẽ gìn giữ con”. 1 Phi-e-rơ 1:5 nói về việc “bởi đức tin được quyền năng Đức Chúa Trời canh giữ”. Đức Chúa Trời canh giữ những người có đức tin nơi Ngài. Chúng ta không phải vật lộn với những sự cám dỗ để đắc thắng chúng, quyền năng canh giữ của Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta vượt qua, và chúng ta phải tin cậy Ngài có khả năng cứu mình khỏi tình trạng nhường bước cho tội lỗi. Nếu hoàn toàn nương cậy nơi Ngài, thậm chí khi bị sự cám dỗ tấn công bất ngờ, một điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Bằng một cách thức chúng ta không thể giải thích được, một điều gì đó sẽ làm cho chúng ta tránh được tất cả những tên lửa của kẻ thù. Đó là thuẫn đức tin ở giữa chúng ta và Sa-tan nên những tên lửa của nó không thể đụng đến chúng ta được. Thay vì làm chúng ta bị thương, chúng sẽ bắn trúng thuẫn đức tin và dội lại chính Sa-tan.
Phao-lô nói: “Tôi… cũng tin chắc rằng Ngài có khả năng canh giữ sự tôi đã phó thác cho đến ngày ấy” (2 Ti. 1:12). Phao-lô đã làm một điều, ông đã phó thác chính mình cho Chúa. Nếu tin cậy Ngài, anh em phải phó thác chính mình cho Ngài. Ngài chỉ có thể canh giữ những người đã trao chính mình cho Ngài. Nhiều người không kinh nghiệm được ơn phước của quyền năng gìn giữ của Ngài vì họ chưa bao giờ đặt chính mình vào sự chăm sóc của Ngài. Họ chưa bao giờ nói với Ngài: “Chúa ôi, con trao chính mình cho Ngài và phó thác cuộc đời con cho Ngài gìn giữ”. Anh chị em ơi, anh chị em có đặt chính mình vào trong tay Ngài chưa? Nếu có, thì anh chị em có thể cùng nói với Phao-lô: “Tôi… cũng tin chắc rằng Ngài có khả năng canh giữ sự tôi đã phó thác cho đến ngày ấy”.
Nếu đời sống anh chị em thật sự ở trong tay Ngài, thì lời hứa trong Giu-đa câu 24: “Canh giữ anh em khỏi vấp ngã và trình anh em không tì vết trước vinh quang Ngài trong niềm hân hoan” sẽ được thực hiện trong anh em. Vấp ngã là bị trợt và đụng vào một vật gì đó khi chúng ta không nhận biết có chướng ngại vật trên đường. Ngợi khen Đức Chúa Trời, Ngài sẽ canh giữ chúng ta không những khỏi vấp ngã, mà còn khỏi những sự trượt chân nhẹ nhàng nhất. Cảm tạ và ngợi khen Chúa, ân điển gìn giữ của Ngài hành động vượt quá lãnh vực chúng ta có thể ý thức được. Anh chị em ơi, nếu phó thác mình hoàn toàn cho Ngài chăm sóc, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy cách Ngài canh giữ chúng ta. Lúc sự cám dỗ thình lình tấn công chúng ta, và cần có tình yêu thương, chúng ta sẽ thấy tình yêu thương tự phát dâng lên bên trong. Lúc sự cám dỗ bất ngờ đòi hỏi sự kiên nhẫn, chúng ta chưa kịp suy nghĩ, sự kiên nhẫn của chúng ta sẽ dâng lên để đáp ứng nhu cầu. Ngợi khen Đức Chúa Trời, sự sống chúng ta nhận được từ A-đam tự động bày tỏ nó ra thế nào, thì sự sống chúng ta nhận được từ Đấng Christ cũng tự bày tỏ ra như vậy. Thừa hưởng tánh nóng giận từ A-đam, chúng ta có thể nổi giận mà không cần chút cố gắng nào của ý chí. Chúng ta thừa hưởng sự kiêu ngạo từ A-đam và trở nên kiêu ngạo mà không cần phải quyết tâm kiêu ngạo. Cũng vậy, những ai đã nhận được sự sống của Đấng Christ và phó thác chính mình cho sự canh giữ của Ngài có thể nhu mì mà không cần quyết định nhu mì, khiêm nhường mà không cần nỗ lực khiêm nhường. Sự bộc lộ tự động vốn là đặc tính sự sống chúng ta nhận được từ A-đam cũng là đặc tính sự sống chúng ta nhận được từ Đấng Christ để thể hiện những gì Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta mà không cần một nỗ lực nào về phía chúng ta cả. Nếu tin cậy lời hứa của Ngài và phó thác chính mình tuyệt đối cho Ngài, chúng ta sẽ được canh giữ từ hôm nay cho đến khi Chúa trở lại, Ngài sẽ gìn giữ chúng ta không tì vết. Cảm tạ Đức Chúa Trời, chúng ta có một sự cứu rỗi đáng cho mình tin cậy và là sự cứu rỗi chịu đựng được mọi thử thách.