Sáng Thế Ký dưới lăng kính khoa học hiện đại
Sáng Thế Ký có thể nói là một trong những sách lâu đời nhất của Thánh kinh nhưng có giá trị quan trọng hàng đầu. Chữ Sáng Thế Ký theo nguyên văn tiếng Hy bá (Hebrew) ‘bereshith’ có nghĩa là khởi nguyên. Sáng Thế Ký tường thuật lại căn nguyên của vũ trụ, của con người, và của mọi sinh vật sống. Hơn nửa lịch sử nhân loại được chép lại chi tiết trong năm mươi chương của sách. Sáng Thế Ký chứa đựng những chân lý làm nền tảng cho triết lý, đạo đức, và tín lý thần học căn bản. Sách Sáng Thế Ký cho biết bản chất thiêng liêng bất diệt của linh hồn, tương quan mật thiết giữa loài người và Thượng đế, bản chất và căn nguyên của sự cám dỗ, tội lỗi, tội ác, và sự cần thiết của chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Sáng Thế Ký là một trong Ngũ kinh do Môi se nhận được mặc khải của Thiên Chúa viết lại cách đây khoảng hơn 3400 năm. Mặc dầu được viết lại với ngôn ngữ phổ thông, giản dị, dễ hiểu, thích hợp cho mọi chủng tộc, mọi văn hóa từ mọi thời đại, những chi tiết của Sáng Thế Ký có liên quan đến lịch sử và khoa học được ghi lại khá tường tận, có thể được kiểm chứng bởi những khám phá của khoa học. Bài viết sau đây so sánh và đối chiếu một số dữ kiện quan trọng trong chương đầu của Sáng Thế Ký với những khám phá mới nhất của khoa học hiện đại, đặc biệt là thiên văn học, vật lý, hóa học, sinh vật học phân tử, di truyền học, và nhân chủng học.
Buổi ban đầu “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên Trời Đất”(1:1). Lời tuyên ngôn tuy ngắn gọn nhưng ý nghĩa vô cùng sâu xa trong câu mở đầu của Sáng Thế Ký. Câu này cho biết cả thế gian có (1) buổi ban đầu, và (2) do Thiên Chúa tạo dựng.
(1) Thế giới có khởi nguyên: Vào khoảng đầu thế kỷ 20, nhiều nhà khoa học tin rằng vũ trụ không có khởi thủy, không thay đổi (steady state), và không có tận chung. Tuy nhiên một số khám phá quan trọng trong ngành thiên văn từ năm 1913 đến nay cho thấy rằng vũ trụ có khởi đầu. Năm 1913, Vesto Slipher khám phá các thiên hà dịch chuyển xa khỏi trái đất với tốc độ khoảng hai triệu dặm một giờ. Những khám phá sau đó của Edwin Hubble cho thấy rằng các thiên hà càng xa nhau càng dịch chuyển với tốc độ càng lớn, chứng tỏ cả vũ trụ đang bành trướng và có khởi thủy cách đây không lâu. Từ đó các nhà khoa học có thể đi ngược dòng thời gian để tìm hiểu cấu trúc của vũ trụ lúc ban đầu. Gần đây hơn, Arno Penzias và Robert Wilson (1965) khám phá sự tồn tại của tia bức xạ vũ trụ (cosmic bacground radiation) cho biết vũ trụ bắt đầu với một vụ nổ lớn (Big Bang) cách đây khoảng 15 tỉ năm. Những khám phá khác trong ngành vật lý nguyên tử, nhiệt động học, phóng xạ, vật lý hạch tâm trong những năm gần đây cũng cho biết rất chính xác từ tuổi của hàng triệu ngôi sao cho đến tuổi ngân hà, thiên hà, supernova, và tuổi vũ trụ. Tất cả những khám phá trên đều cho biết vũ trụ rất bao la nhưng có buổi ban đầu.
(2) Thế giới được thiết lập một cách siêu nhiên và có mục đích: Các khám phá khoa học trong ngành vật lý hạt cơ bản cho biết có sự tương quan rất chặt chẽ giữa các hằng số trong định luật khoa học và sự hình thành sự sống. Giáo sư John Wheeler của đại học Princeton cho biết rằng trong thế giới vĩ mô, lực hấp dẫn và lực điện từ được quân bình một cách chính xác để vũ trụ vẫn tồn tại sau hơn mười tỉ năm. Nếu những lực này chỉ xê xích một chút, vũ trụ sẽ phình nở quá nhanh hoặc sụp đổ trong thời gian ngắn, không thể tạo nên môi trường thích hợp cho sự sống nảy sinh. Trong thế giới vi mô, cấu trúc của phân tử, nguyên tử, hạt nhân, điện tử cũng được thiết kế một cách chính xác để tạo nên phân tử bền vững là thành phần cơ bản cho sự sống. Từ lực điện từ cho đến lực tương tác yếu, tương tác mạnh, khối lượng và số lượng proton, neutron, electron, tất cả đều được thiết kế một cách quân bình và chính xác để tạo nên những tương tác hóa học và hỗn hợp các nguyên tố từ nhẹ như hydrogen tới nặng hơn như carbon, nitrogen, phosphorus, làm nền tảng cho sự sống. Cho đến năm 1993, các nhà khoa học xác nhận có khoảng 25 hằng số và định luật vật lý căn bản trong vũ trụ được coi là bất di bất dịch. Nếu một trong những hằng số hoặc định luật này chỉ xê dịch một chút, thế giới sự sống sẽ không thể hình thành. Những hằng số và định luật này được thiết kế chính xác hơn bất cứ một dụng cụ tối tân con người có thể làm ra. Ba trong hai mươi lăm hằng số này nếu chỉ xê xích một phần 1037, thế giới này sẽ không thể nảy sinh hoặc duy trì sự sống. Như vậy khoa học chứng minh vũ trụ đã được thiết kế một cách mầu nhiệm bởi một Đấng Sáng Tạo khôn ngoan nhằm duy trì và phát triển hoạt động của mọi sinh vật sống trong đó có con người.
“Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước”(1:2). Câu này mô tả tình trạng trống vắng và mờ tối của trái đất lúc ban đầu. Khoa học xác nhận hình ảnh này phù hợp với tình trạng ban đầu của địa cầu. Các nhà thiên văn vào cuối thập niên 1970 khám phá rằng mọi hành tinh đều bắt đầu bằng lớp khí quyển dầy đặc bao gồm hỗn hợp khí hydrogen, helium, methane, và ammonia. Hỗn hợp khí lúc ban đầu xoay vần xung quanh một ngôi sao trẻ theo hình đĩa, dần dần kết tụ trở nên những hành tinh tạo nên một hệ thống tương tự như thái dương hệ. Từ năm 1994 đến nay các nhà thiên văn khám phá trên mười hệ thống quỹ đạo giống như thái dương hệ. Một số hành tinh như Mộc tinh và Thổ tinh vẫn còn giữ lại lớp khí quyển mờ đục ban đầu. Chính lớp khí quyển dày đặc ngăn cản không cho ánh sáng mặt trời xuyên qua bề mặt của địa cầu, tạo nên tình trạng tối tăm trong thời kỳ phôi thai. Bề mặt địa cầu lúc bấy giờ được bao quanh bởi nước, là phân tử phong phú nhất hiện diện trong vũ trụ. Những nghiên cứu gần đây xác nhận mặt nước thật sự bao phủ toàn bộ vỏ địa cầu lúc ban đầu. Mặt đất chỉ xuất hiện sau thời kỳ hoạt động mãnh liệt của núi lửa (vulcanism) và địa chấn (plate tectonics).
Ngày thứ nhất
“Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng, thì có sự sáng. Đức Chúa Trời thấy sự sáng là tốt lành, bèn phân sáng ra cùng tối. Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm. Vậy có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhất”(1:3-4). Một số dữ kiện khoa học cho biết có sự va chạm giữa mặt trăng và trái đất lúc ban đầu. Các nhà thiên văn nhận thấy mặt trăng và trái đất không có chung một hóa chất cấu tạo, mặt trăng trẻ hơn trái đất khoảng 300 triệu năm, và mặt trăng đang di chuyển xa khỏi trái đất. Các khoa học gia cho biết mặt trăng chạm mặt đất cách đây khoảng 4.25 tỉ năm. Nhờ có sự va chạm này, một số lớn khí quyển dày đặc và mờ đục bao quanh trái đất lúc ban đầu bị hất văng khỏi trái đất, để lại một lớp khí quyển mỏng, nhẹ và trong suốt hơn, nhờ đó ánh sáng mặt trời có thể xuyên tới bề mặt địa cầu. Theo ước tính, hành tinh càng nhỏ lớp khí quyển càng dày. Nếu như không có sự va chạm này, bề mặt của trái đất được bao quanh bởi lớp khí dày đặc hơn và nặng hơn như của Vệ tinh hiện nay, không cho phép ánh sáng xuyên qua. Nếu không có ánh sáng, sự sống không thể phát triển vì hiện tượng quang hợp (photosynthesis) không thể xảy ra. Cũng nhờ có sự va chạm này, tốc độ chuyển động quay của trái đất được giảm tới mức độ vừa đủ để sinh vật cao cấp có thể tồn tại. Trục nghiêng của trái đất cũng được điều chỉnh đúng mức để điều hòa khí hậu. Qua sự va chạm dung tích trái đất tăng lên đủ để duy trì lượng nước cần thiết cho sự sống nhưng không quá cao để các thán khí có hại cho sự sống như ammonia và methane bị giữ lại trong bầu khí quyển. Một số hợp chất nặng và phóng xạ từ mặt trăng được chuyển qua mặt đất qua sự va chạm, làm tăng nhiệt độ trái đất kích thích hoạt động núi lửa và địa chấn giữ cho nhiệt độ vỏ trái đất đúng mức duy trì sự sống. Có thể nói sự hiện diện của mặt trăng là một trong những huyền nhiệm mà Thiên Chúa sắp đặt để đem đến ánh sáng và tạo nên môi trường thích hợp cho sự sống trên trái đất.
Với ánh sáng mặt trời xuyên thấu bầu khí quyển chạm đến bề mặt trái đất, lần đầu tiên ngày và đêm được phân biệt do chuyển động quay của trái đất. Ánh sáng phân biệt ngày đêm như vậy không thể phát xuất từ trong lòng đất, nhưng phải đến từ ngoài trái đất. Khoa học cho biết một ngôi sao có thể phát nóng và phát sáng khi đi hết tiến trình tinh tú, tuy nhiên trái đất là một hành tinh nên không thể tự phát sáng, nhưng phải nhờ vào sự sáng của mặt trời. Nhờ ánh sáng này nhiệt độ mặt đất và bầu khí quyển được điều hòa luân chuyển giữa ngày và đêm.
Ngày thứ hai
“Ngài làm nên khoảng không, phân rẽ nước ở dưới khoảng không cách với nước ở trên khoảng không”(1:7) . Khoa học cho biết trái đất là một trong những hành tinh rất đặc biệt trong vũ trụ mà nước hiện diện ở cả ba thể loại: hơi, lỏng, rắn. Chu kỳ nước được thiết lập trong ngày thứ hai không kém phần quan trọng so với sự xuất hiện của ánh sáng. Sau thời kỳ phôi thai, nhiệt độ trái đất giảm dần, mặt nước bốc hơi tạo nên một lớp hơi nước bao phủ trái đất. Khi nhiệt độ giảm thấp, hơi nước ngưng tụ thành mưa và đọng lại thành băng tuyết. Chu kỳ nước bốc hơi, lượng mưa rơi, lượng băng tuyết cô đọng một cách chính xác và điều hòa giúp cho sự phát triển một cách phong phú của những sinh vật cao cấp. Chỉ cần lượng hơi nước thay đổi một ít, hiện tượng nhà kính (greenhouse effect) sẽ tạo nên băng giá trầm trọng hoặc làm cho bầu khí quyển quá nóng vì giữ lại bức xạ nhiệt của mặt trời. Chu kỳ nước chính xác và bền vững do sự kết hợp quân bình của rất nhiều yếu tố hoàn toàn khác nhau: sức nóng bền vững của mặt trời, thành phần cấu tạo, nhiệt độ, và áp suất của bầu khí quyển, tốc độ gió, sức hút trái đất, ngay cả mưa vẫn thạch. Trong cuối thập niên 1990, các nhà khoa học phát hiện hiện tượng mưa vẫn thạch cung cấp vừa đủ lượng nước trái đất mất đi mỗi năm do sức hút khõng đủ mạnh của trái đất. Không có nước, các loài sinh vật phức tạp không thể tiếp tục những quá trình sinh hoá chuyển tiếp giữa nước và đường, tinh bt, chất béo và đạm.
Ngày thứ ba
“Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chỗ khô cạn bày ra”(1:9). Địa chất học cho biết trong suốt bốn tỉ năm đầu của trái đất, mặt đất trồi lên khỏi mặt nước từ 0 đến 29 phần trăm. Trong 250 triệu năm gần đây, liên lục địa (supercontinent) bị nứt rạn thành nhiều mảnh di chuyển theo nhiều hướng khác nhau tạo nên những thềm lục địa như hiện nay. Những trận động đất lớn đa số đều phát xuất từ sự cọ xát của những mảnh địa chấn này (plate tectonics). Các nhà khoa học ước tính rằng tỉ lệ 29 phần trăm đất liền và 71 phần trăm mặt nước là tỉ lệ lý tưởng tạo ra sự sống phong phú trên đất, vừa vặn để biển cả và sông ngòi cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho đất liền và đào thải chất cặn bã, tránh ô nhiễm môi trường.
“Đất phải sanh cây cỏ; cỏ kết ht giống, cây trái kết quả, tùy theo loại mà có ht giống trong mình trên đất”(1:11). Nhờ có ánh sáng và hơi nước, các loài thảo mộc thô sơ được hình thành và phát triển. Khoa học cho biết các loài thực vật nguyên thủy có mặt trong thời kỳ Cambrian cách đây khoảng 500 triệu năm. Với sự xuất hiện của các loài thảo mộc, bầu dưỡng khí không còn bị tiêu hao đi sau năm tháng, nhưng trái lại được bù đắp vừa vặn, tạo nên lớp ozone đủ dầy để ngăn cản không để số lượng tia tử ngoại quá nhiều giết hại tế bào sống của các động vật cao cấp nhưng không quá dầy để thực vật có thể phát triển và những phản ứng tạo chất bổ (vitamin) cần thiết cho động vật được tiếp diễn nhờ sự kích thích của tia tử ngoại.
Ngày thứ tư
“Phải có các vì sáng trong khoảng không ở trên trời, đặng phân ra ngày với đêm, và dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và năm”(1:14). Bầu khí quyển được chuyển biến từ trong mờ vào ngày thứ nhất cho đến trong suốt vào ngày thứ tư qua sự hình thành của lớp dưỡng khí và tiêu thụ lớp thán khí của loài thảo mộc vào ngày thứ ba, cộng thêm nhờ vào sự giảm bớt tầm hoạt động của núi lửa và sự suy yếu tốc độ gió khi tốc độ quay của trái đất bị giảm dần. Nhờ sự chuyển biến của bầu khí quyển, trong ngày thứ tư, mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao xuất hiện rõ trên bầu trời. Sự chuyển biến này đem lại bầu dưỡng khí trong lành và đầy đủ ánh sáng cần thiết cho chức năng hô hấp, bài tiết và tuần hoàn của những sinh vật cao cấp được dựng nên trong những ngày kế tiếp.
Ngày thứ năm
“Nước phải sanh các vật sống cho nhiều, và các loài chim phải bay trên mặt đất trong khoảng khõng trên trời”(1:20). Ngày thứ năm Thiên Chúa dựng nên các động vật biển và chim trời. Chữ các vật sống trong nguyên văn tiếng Hy bá lai ‘sheres’ có thể dùng để ám chỉ các loài cá, tôm cua, lưỡng thê. Những khám phá gần đây cho biết những động vật biển như cá voi có cách đây khoảng 50 triệu năm. Một số loài cá khác xuất hiện xa hơn cách đây khoảng hơn 100 triệu năm. Di tích hóa thạch của các loài chim khõng được đầy đủ, chỉ xuất hiện trong vòng 80 triệu năm trở lại. Đa số những động vật xuất hiện trong ngày thứ năm là những động vật cần ánh sáng và vị trí của các thiên thể để điều chỉnh thời gian hệ thống sinh hóa trong cơ thể.
Ngày thứ sáu
“Đất phải sanh các vật sống tùy theo loại, tức súc vật, côn trùng, và thú rừng, đều tùy theo loại; thì có như vậy”(1:24). Danh từ Hy bá lai để chỉ những động vật trong ngày thứ sáu là ‘remes’, ‘nephesh’, ‘chayyah’, ‘behemah’, ám chỉ những động vật có vú cao cấp bốn chân có lý trí, tình cảm, ý chí, có thể tương giao với loài người. Đây là những động vật được dựng nên để sống chung với loài người. Di tích hóa thạch cho biết những động vật này xuất hiện sau loài chim và cá.
“Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ”(1:27). Chữ ‘dựng nên’ trong nguyên văn Hy bá lai ‘bara’ cho biết loài người được Thiên Chúa tạo nên một cách đặc biệt hoàn toàn mới. Chỉ có loài người là loài duy nhất mang hình ảnh của Thiên Chúa. Những động vật dựng nên trước loài người có xác và hồn, chỉ có loài người mới có cả xác, hồn, và tâm linh. Nhờ có linh tánh của Thiên Chúa, con người là loài duy nhất có lương tâm, ý thức, có khả năng thờ phượng và tương giao với một Đấng thiêng liêng. Khoa nhân chủng học và khảo cổ học cho biết loài người biết sinh hoạt thờ phượng chỉ xuất hiện rất gần đây, trong vòng khoảng từ 8000 đến 24000 năm trở lại. Những loài động vật hai chân có trước loài người như Neandertal xuất hiện cách đây khoảng vài trăm ngàn tới một triệu năm có khả năng âm nhạc và nghệ thuật, biết chôn cất và xử dụng dụng cụ, nhưng không có khả năng tâm linh. Di tích hoá thạch cho biết loài Neandertal bị diệt chủng trước khi loài người xuất hiện, và những nghiên cứu gần đây (1997) cho biết DNA của Neandertal hoàn toàn khác với DNA của loài người hiện đại, chứng tỏ loài người và Neandertal hoàn toàn không có chung nguồn gốc.
Ý nghĩa của ‘ngày’
Chữ ‘ngày’ (Hy bá lai: ‘yom’) dùng trong Sáng Thế Ký chương một có thể hiểu là một giai đoạn, hoặc một kỷ nguyên. Chữ ‘buổi chiều’ (‘ereb’) có thể dịch là chấm dứt một giai đoạn và ‘buổi mai’ (‘boqer’) có nghĩa là bắt đầu một giai đoạn mới. Theo nhà vật lý Gerald Schroeder của đại học MIT, chữ ‘ngày’ của Sáng Thế Ký chương một không thể hiểu là 24 giờ, bởi vì trước khi loài người xuất hiện vào ngày thứ sáu, chỉ có Thiên Chúa hiện diện trong công cuộc sáng tạo. Theo thuyết tương đối của Einstein, Thiên Chúa vượt ngoài không và thời gian của thế giới mà Ngài dựng nên, do đó thời gian của Thiên Chúa không thể giống như thời gian của một quan sát viên trên mặt đất. Hơn nữa, với một vũ trụ đang phình nở, không gian và thời gian quyện lẫn nhau tùy theo mật độ vật chất của vũ trụ, không thể có một đồng hồ chung cho cả thế gian từ lúc hình thành cho đến nay. Như vậy chữ ngày chỉ có thể dịch là một giai đoạn (có khởi đầu và kết thúc) trong tiến trình sáng tạo.
Thuyết tiến hóa
Năm 1859, Charles Darwin xuất bản tác phẩm nhan đề “Nguồn gốc các loài” (The Origin of Species) bàn luận nội dung của thuyết tiến hóa mà về sau gây rất nhiều tranh luận trong giới khoa học. Trong năm chương đầu, Darwin đưa ra chứng cớ của tiến hóa vi mô (microevolution), cho thấy loài mới có thể xuất hiện từ loài có trước qua quá trình chọn lọc tự nhiên, có nghĩa rằng thiên nhiên lựa chọn những thay đổi có lợi và đào thải những thay đổi không có lợi. Trong những chương sau đó Darwin thảo luận tiến hóa vĩ mô (macroevolutìon), cho rằng với thời gian đủ lâu, chọn lọc tự nhiên có thể dần dần đem lại sự khác biệt giữa mọi chủng loại của thế giới sinh vật. Thuyết tiến hóa có hàm ý sâu xa, nếu được kiểm nghiệm là đúng, có thể ám chỉ rằng các loài hiện diện trên mặt đất thực sự không do Thiên Chúa tạo dựng, nhưng chỉ nhờ các quá trình thiên nhiên mà có. Lập luận của thuyết tiến hóa dựa vào ba giả thuyết:
(1) Tiến hóa giữa các loài là một quá trình chậm và liên tục
(2) Phải có sự hiện hữu của loài chuyển tiếp (transitional species)
(3) Không có sự hiện hữu của những cấu trúc phức tạp không thể làm đơn giản hơn (irreducibly complex structures)
Darwin công nhận sự vắng mặt của những loài chuyển tiếp trong thời ông, nhưng lý luận rằng số lượng di tích hóa thạch vào thời bấy giờ chưa được đầy đủ. Ông cũng công nhận rằng nếu trong tương lai có những khám phá của những cấu trúc phức tạp tối giản, lập luận tiến hóa sẽ hoàn toàn bị đánh đổ.
Trong những năm gần đây, đặc biệt chỉ trong vòng hai thập niên cuối của thế kỷ hai mươi, với những khám phá của bộ môn di truyền học, sinh hóa học, và sinh vật học phân tử, các nhà khoa học lần lượt chứng minh cả ba giả thuyết của Darwin đưa ra là hoàn toàn sai lầm, và thuyết tiến hóa vĩ mô hoàn toàn vô căn cứ, không có chỗ dựa trong khoa học.
(1) Di tích hóa thạch cho biết các loài mới xuất hiện một cách đột ngột: Giáo sư Stephen Gould của đại học Harvard (1973) cho biết các loài mới với những hình thái hoàn toàn thay đổi xuất hiện một cách thình lình trong những vùng cô lập (puntuated equilibrium). Sau đó những loài mới này phân tán ra địa dư rộng hơn và trải qua rất ít thay đổi. Có một khoảng cách và sự gián đoạn rất lớn giữa những loài mới và những loài cũ.
(2) Mặc dầu công cuộc lùng kiếm các loài chuyển tiếp với tầm mức ngày càng rộng lớn trong hơn một trăm năm qua, và có khoảng 99.9% công cuộc tìm kiếm hóa thạch được thực hiện từ năm 1860 tới nay với khoảng hơn một trăm ngàn hóa thạch được tìm thấy, các nhà khoa học vẫn không tìm ra các loài chuyển tiếp từ các loài thực vật cho đến động vật có xương sống, lưỡng thê, hoặc động vật không xương sống trong thời kỳ Cambrian. Nhà sinh vật học Robet Barnes (1980) kết luận rằng “di tích hóa thạch gần như hoàn toàn không cho ta biết gì về nguồn gốc tiến hóa của các chủng loại và các lớp. Loài chuyển tiếp không hiện hữu, không được khám phá, hoặc không được nhận diện.”
(3) Những khám phá trong ngành sinh hóa học trong vài thập niên gần đây cho biết bất cứ một hệ thống sinh học nào có chứa đựng hơn một tế bào sống đều là một mạng lưới tinh vi phối hợp nhiều hệ thống vô cùng phức tạp khác nhau. Tế bào đơn giản nhất cũng có khả năng sản xuất hàng ngàn chất đạm và các phân tử khác nhau trong những điều kiện thay đổi. Khả năng tổng hợp, phân hóa, sản sinh và tích trữ năng lượng, sinh sản, duy trì, chuyển động, điều hòa, sửa chữa, liên lạc, tất cả đều hiện diện trong mỗi tế bào, và mỗi chức năng đều cần sự tương tác giữa các bộ phận khác nhau. Hệ thống tế bào là một ví dụ điển hình của một hệ thống phức tạp không thể làm đơn giản hơn. Đó là một hệ thống bao gồm nhiều thành phần tương tác xứng hợp nhau mà nếu thiếu sót một trong những bộ phận này, cả hệ thống sẽ ngưng hoạt động. Một hệ thống như vậy không thể làm đơn giản hơn và không thể được tạo nên qua nhiều giai đoạn khác nhau nhưng chỉ có thể được thiết kế như một hệ thống hoàn chỉnh không bị chia cắt.
Trong thời Darwin, với những kính hiển vi thô sơ chỉ có thể phóng đại khoảng vài trăm lần, các tế bào sống chỉ giống những hạt hỗn mang di chuyển mọi hướng dưới ảnh hưởng của một số lực tương tác hỗn loạn vô hình. Ngày nay với khả năng phóng đại hơn một tỉ lần khiến mỗi tế bào tương tự như một thành phố lớn, các nhà khoa học khám phá cả một thế giới hoàn chỉnh và vô cùng phức tạp. Trên bề mặt tế bào có hàng triệu cổng ra vào, tại mỗi cổng có những dòng thác vật liệu liên tục vào ra. Mỗi cổng ra vào là cả một thế giới kỹ thuật vượt bực và phức tạp không tiền khoáng hậu. Đó là những hành lang và ống dẫn đi mọi hướng, từ khuôn viên của tế bào đến trung ương dự trữ tin tức (memory bank), cho đến những dàn máy lắp ráp và bộ phận chế biến. Mỗi hạt nhân của tế bào là một tòa nhà hình vòm với đường kính hơn cây số, trong đó chứa đựng hàng dặm dây chuyền xoắn ốc của phân tử DNA xếp đặt ngay ngắn trật tự. Qua những ống thông một số lượng nguyên vật liệu khổng lồ được chuyên chở một cách rất trật tự tuyệt đối đến nhiều nhà máy lắp ráp khác nhau bên ngoài tế bào. Khoa sinh vật học phân tử ngày nay cho biết mỗi tế bào giống như một nhà máy tự động khổng lồ, to lớn như một thành phố và thực hiện nhiều chức năng với số lượng ngang ngửa với tất cả hoạt động sản xuất của loài người trên đất. Hơn nữa nhà máy này có thể tự sao chép lại toàn bộ hệ thống của chính mình chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ không một chút sai sót. Trong mỗi nhà máy tế bào có chứa đựng ngôn ngữ nhân tạo và hệ thống giải mã, những nhà băng chứa thông tin, hệ thống điều khiển một cách tinh vi những bộ phận lắp ráp tự động, dụng cụ phòng ngừa sai trật hư hỏng và kiểm duyệt, quá trình lắp ráp theo nguyên tắc xây dựng tiền chế (prefabrication and modular construction).
Hoạt động hiệu quả của tế bào một phần nhờ vào khả năng chứa đựng tin tức (information storage) của tế bào. DNA có khả năng chứa tin tức khổng lồ và vô cùng hữu hiệu đến nỗi nhà sinh vật học G.G. Simpson cho rằng tổng cộng mọi kiến thức cần thiết để thiết kế tất cả sinh vật sống trên đất có thể gồm tóm trong một thìa canh và vẫn đủ chỗ để chứa đựng những kiến thức của mọi quyển sách đã được viết. Những khám phá mới của các nhà sinh hóa học tại đại học Cambridge cho biết mật mã di truyền có tính cách gối lên nhau (overlapping) để giảm thiểu số lượng mã hóa. Một số chuỗi DNA có chức vụ quan trọng trong việc thâu hồi tin tức (information retrieval) không nằm cạnh những mật mã chúng điều khiển nhưng nằm quyện lẫn bên trong những mật mã đó. Các chất đạm (protein) cũng hoạt động vô cùng hữu hiệu. Nhiều chức năng protein được dồn chứa bên trong protein mẹ. Khi chức năng của protein mẹ hoàn tất, lập tức chia đôi thành hai protein khác với những chức năng khác. Cứ như thế các protein được phân hóa thành rất nhiều protein với những chức năng khác nhau. Điều này tương tự như một dụng cụ giải phẩu thu gọn, sau khi hoàn tất hoạt động đầu tiên, dụng cụ được chia ra làm hai dụng cụ khác cho những hoạt động kế tiếp, cứ như thế cho đến khi cuc giải phẩu chấm dứt. Với chức năng tổng hợp hiệu quả, protein không những chỉ có thể tự tổng hợp chính mình, nhưng có thể tổng hợp bất cứ bộ máy sinh hóa nào khác dầu phức tạp đến đâu. Protein như một bộ máy chứa đựng khả năng kiến tạo bất cứ một vật sống từng hiện hữu trên đất, từ cây xanh cho đến bộ não con người, tất cả mọi thành phần của bộ phận chỉ trong vòng vài phút với trọng lượng chưa tới 10-16gram.
Di tích hóa thạch từ thập niên 1960 đến nay cho biết tế bào sống với cấu trúc cực kỳ phức tạp đồng loạt xuất hiện thình lình cách đây khoảng 3.5 tỉ năm. Những nghiên cứu các lớp địa tầng cách đây khoảng 3.5 đến 3.9 tỉ năm cho thấy hoàn toàn vắng mặt bằng chứng của hỗn hợp hữu cơ vô sinh mà các nhà tiến hóa tìm kiếm như là chứng cớ của hệ thống chuyển tiếp từ vô cơ qua hữu cơ. Nhà tiến hóa Monod xác nhận rằng hệ thống sinh học đơn giản nhất, tế bào vi khuẩn, cũng có chức năng giống hệt tất cả mọi sinh vật sống khác. Những tế bào vi khuẩn này cũng chứa đựng cùng một mật mã di truyền và hệ thống giải mã như của tế bào trong cơ thể con người. Như vậy ngay cả tế bào đơn giản nhất cũng không có tính cách nguyên thủy hoặc có thể coi là tổ tiên của những tế bào khác.
Những nguyên cứu về DNA cho biết các chủng loại với hình thái khác nhau không có chung một hệ thống mật mã di truyền. Những mật mã di truyền có thể được phân loại theo định luật nhóm (group theory). Chủng loại khác nhau có mật mã di truyền thuộc những nhóm và lớp khác nhau, không thể lẫn lộn hoặc chuyển tiếp lẫn nhau. Do đó những dạng chuyển tiếp hoặc tổ tiên chúng không thể tồn tại. Nhà sinh vật học Beverly Halstead cho rằng không có chủng loại nào có thể được xem là tổ tiên của những chủng loại khác. Không có một bằng chứng nào cho thấy có sự tiến hóa từ cá đến lưỡng thê, bò sát, cho đến động vật có vú. Mật mã di truyền của loài người gần với loài cá miệng tròn như là loài cá miệng tròn gần với những loài cá khác. Không có loài động vật có xương sống nào có thể được coi là chuyển tiếp giữa loài có cằm và không cằm. Loài lưỡng thê, thường được coi là chuyển tiếp giữa cá và động vật có xương sống, có mật mã di truyền cách biệt với loài cá như bất cứ một loài đng vật có vú hoặc bò sát nào khác. Sự chia cách giữa các chủng loại có tính cách căn bản và tuyệt đối ở mức độ phân tử. Điều này giải thích lý do của sự thiếu vắng hoàn toàn các loài chuyển tiếp và phủ nhận giá trị của thuyết tiến hóa vĩ mô mà Darwin đưa ra cách đây hơn một thế kỷ.
Kết luận
Với sự tiến bộ vượt bực của khoa học hiện đại, đặc biệt trong ngành thiên văn, vật lý, hóa học, sinh vật học phân tử, địa chất học, khảo cổ học, nhân chủng học, Sáng Thế Ký chương một đã được kiểm chứng và xác nhận là hoàn toàn chính xác. Khoa học đã chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo khôn ngoan tuyệt đối và Thánh Kinh chính là lời mặc khải của Thiên Chúa cho loài người. Chính Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ và thiết lập những định luật vật lý thích hợp cho sự sống muôn loài trong đó có con người. Cũng chính Thiên Chúa thiết kế sự sống kỳ diệu trên đất, tạo điều kiện để sự sống mọi loài phát triển một cách phong phú, nhưng phân định giới hạn giữa các chủng loài để đem lại trật tự và bền vững cho thế giới tự nhiên. Con người là loài duy nhất có khả năng tương giao với Thiên Chúa và cũng là tuyệt điểm trong công cuộc sáng tạo. Khoa học trong những năm gần đây đã đem lại bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy cả thế giới hùng vĩ được thiết kế bởi Thiên Chúa siêu việt, cũng đưa con người đối diện trực tiếp với Ngài hơn bao giờ hết. Con người chỉ còn một lựa chọn: trở lại tìm kiếm, tôn thờ, và phụng sự Thiên Chúa là Đấng đã tạo nên mình, làm tròn bổn phận và chức vụ tâm linh mà Thiên Chúa đã giao phó và đặt để trong con người từ thuở ban đầu.
Nguyễn Lê Ân Điển, Ph.D.
San Jose 1/7/2002
Sách tham khảo
Behe, Michael, Darwin’s Black Box (New York: Simon and Schuster, 1996)
Darwin, Charles, The Origin of Species (New York: Collier Books, 1962)
Davies, Paul, The Fifth Miracle (New York: Simon and Schuster, 1999)
Denton, Michael, Evolution: A theory in Crisis (Maryland: Adler and Adler, 1985)
Jastrow, Robert, God and the Astronomers (New York: Warner Books, 1978)
Ross, Hugh, The Genesis question (Colorado Springs: NavPress, 1998)
Ross, Hugh, The Creator and the Cosmos, Creation and Time (Colorado Springs: NavPress, 1993)
Schroeder, Gerald, Genesis and the Big Bang (New York: Batam books, 1990