[embedyt] https://www.youtube.com/watch?v=-ee7Y71WbKE[/embedyt]
Chúa Giê-su sẽ trở lại rất sớm. Hôm nay, điều đó không còn là bí mật nữa. Những người tin Chúa trên khắp thế giới đều cảm thấy như nhau: Chúng ta sắp phải đối mặt với đại nạn. Ví dụ:
Biểu đồ này cho thấy cụm từ “đại nạn” đã được tìm kiếm trên toàn thế giới trên Google bao nhiêu lần trong 3 năm qua. Đặc biệt là kể từ khi virus corona lây lan mạnh, mọi người nhận thấy rằng một sự thay đổi sắp xảy ra. Cái gọi là đại nạn đã gần kề.
Đại nạn sẽ đến, đây là điều không thể tranh cãi. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là khi nào thì các tín đồ sẽ được cất lên? Trước hay sau đại nạn? Và: liệu tất cả người tin Chúa có được cất lên không? Đây là những câu hỏi mà chúng ta hôm nay muốn làm rõ. Khi nói đến sự cất lên, hầu hết các tín đồ đều trích dẫn lời của sứ đồ Phao-lô trong 1.Tê-sa-lô-ni-ca 4:17:
“Kế đến chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn”. Từ câu này, nhiều tín đồ kết luận rằng tất cả người tin Chua sẽ được cất lên trước đại nạn. Qua đó, chủ đề của sự cất lên đã được đóng lại đối với họ. Nhưng nó không đơn giản như vậy. Trong toàn bộ bối cảnh của chương này, chúng ta thấy rằng Phao-lô không nhấn mạnh sự cất lên. Đúng hơn, ông an ủi các tín đồ về sự mất mát những người thân của họ. Trước đó, ông đã viết các câu này: “Thưa anh em, chúng tôi không muốn anh em không biết về những người đã ngủ, để anh em không đau buồn như người khác không có hi vọng”. Vì vậy, Phao-lô không muốn các tín đồ quá đau buồn vì những người thân của họ đã “ngủ”, tức là chết. Phao-lô không nói đến chi tiết về sự cất lên.
Để tìm hiểu thêm về sự cất lên, chúng ta cần cả Kinh Thánh. Chúng ta bắt đầu với Đa-ni-ên 9:27: “Bởi quyền lực, ông sẽ lập giao ước với nhiều người trong một tuần lễ. Nhưng đến giữa tuần ấy, ông sẽ ngưng việc dâng sinh tế và của lễ thức ăn. Kẻ hủy phá sẽ đến trên cánh của những điều ghê tởm cho đến kỳ hủy diệt cuối cùng đã được ấn định giáng trên kẻ hủy phá”.
Bảy năm cuối cùng bắt đầu với một giao ước, một hiệp định hòa bình ở Trung Đông. Bảy năm cuối này kết thúc khi kẻ hủy phá bị tiêu diệt hoàn toàn.
Hơn nữa, Đa-ni-ên nói về giữa tuần lễ. 7 năm cuối được chia thành 3.5 năm và 3.5 năm. Tuy nhiên, Đa-ni-ên không phải là người duy nhất nói về 3.5 năm. Chúng lại xuất hiện trong sách Khải Huyền. Ở đó nói rằng:
“… [các dân ngoại] sẽ giày đạp thành thánh trong bốn mươi hai tháng” (Khải Huyền 11:2). Do đó, thành thánh Jerusalem sẽ bị cai trị bởi các quốc gia khác trong thời gian 42 tháng. 42 tháng chính xác là 3.5 năm. Khải Huyền 13:5 cho biết rằng: “Con thú (antichrist)… được ban cho quyền để hành động trong bốn mươi hai tháng”. Vì vậy, antichrist cũng thống trị 42 tháng, tức là 3.5 năm, và sẽ bị tiêu diệt vào cuối 7 năm, theo như Đa-ni-ên đã cho biết. Vì vậy, kẻ hủy phá sẽ thống trị trong 3.5 năm cuối.
Do đó, chúng ta thấy đại nạn sẽ kéo dài trong 3.5 năm. Khải Huyền 6 gọi thời gian này là “ngày thịnh nộ lớn của Đức Chúa Trời”. Bây giờ chúng ta đặt ra câu hỏi: sự cất lên xảy ra khi nào? Khải Huyền chương 12 trả lời câu hỏi này.
Khải Huyền 12 nói về một phụ nữ đang mang thai một đứa bé trai. Bà được mặc bằng mặt trời, có mặt trăng dưới chân và 12 ngôi sao trên đầu. Cả ba thiên thể đều biểu thị dân của Đức Chúa Trời trong các thời đại khác nhau. Các ngôi sao tượng trưng cho các tổ phụ như Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, vì họ là những người riêng biệt đã tỏa sáng như những ngôi sao cho Đức Chúa Trời. Mặt trăng nói đên dân của Đức Chúa Trời trong thời Cựu Ước. Vì mặt trăng chỉ phản chiếu ánh sáng của mặt trời, nên Cựu Ước chỉ là cái bóng của thực tại trong Chúa Giê-su. Mặt trời tượng trưng cho dân của Đức Chúa Trời trong tời Tân Ước, bởi vì khi Chúa Giê-su đến thì mặt trời công bình đã mọc lên.
Như vậy, người phụ nữ thể hiện toàn bộ dân Chúa qua mọi thời đại: từ thời các tổ phụ, đến thời Cựu Ước và cho đến thời đại chúng ta ngày là thời Tân Ước. Nhưng đứa bé trai là ai? Đó không phải là Chúa Giê-su, mà là …
… những người đắc thắng trong dân Chúa. Trong mọi thời đại luôn luôn có một phần nhỏ trong dân Chúa đã hoàn toàn đi theo Chúa và trung thành với Ngài. Ngay cả trong bảy Hội Thánh trong sách Khải Huyền chương 2 và 3, Đức Chúa Trời cũng kêu gọi những người đắc thắng. Thật không may, hầu hết Hội Thánh không có tai để nghe những gì Thánh Linh đang phán với họ. Với suy nghĩ này, bây giờ chúng ta có thể xem xét thời gian của sự cất lên. Khải Huyền 12 nói tiếp về người phụ nữ: …
“Bà sinh một con trai; con trai ấy sẽ dùng gậy sắt mà cai trị mọi dân tộc. Nhưng con bà được tiếp lên đến Đức Chúa Trời, tận ngai vàng của Ngài. Còn người phụ nữ thì chạy trốn vào hoang mạc; tại đó, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho bà một chỗ để được nuôi dưỡng trong một nghìn hai trăm sáu mươi ngày… nơi bà sẽ được nuôi dưỡng một thì, các thì, và nửa thì, tránh xa con rắn” (Khải Huyền 12:5-6, 14).
Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra ở đây? Đầu tiên đứa bé trai được cất lên ngai vàng của Đức Chúa Trời. Ngay sau đó, người phụ nữ chạy trốn vào sa mạc. Bà sẽ ở đó trong bao lâu? Bà sẽ ở đó 1260 ngày, tức là trong 3.5 năm (1 năm trong Kinh Thánh có 360 ngày), đúng thời gian của đại nạn.
Chúng ta hãy quay trở lại trục thời gian một lần nữa. Vì người phụ nữ ở sa mạc trong 1260 ngày, nên điều này phải xảy ra chính xác vào giữa tuần lễ. Nhưng Khải Huyền 12 cho chúng ta biết rằng ngay trước đó con trai của bà được lên ngai vàng của Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là những người đắc thắng sẽ được cất lên ngay trước khi đại nạn bắt đầu. Nhưng nếu chỉ có những người đắc thắng được cất lên thì điều gì sẽ xảy ra với những tín đồ còn lại? Chúng ta hãy đọc tiếp …
“Con rồng nổi giận với người phụ nữ và đi giao chiến với phần còn lại của dòng dõi bà, là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và có lời chứng của Giê-su” (Khải Huyền 12:17). “Nó được phép giao chiến với các thánh đồ và chiến thắng họ” (Khải Huyền 13:7). Những câu này chứng minh rằng trong đại nạn sẽ có nhiều tín đồ bị bỏ lại trên đất – họ là những thánh đồ phải đối mặt với con thú antichrist.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra với những tín đồ bị bỏ lại? Có 2 lựa chọn cho họ. Lựa chọn 1: “Tôi thấy một cái gì giống như biển pha lê trộn với lửa, những người chiến thắng con thú và hình tượng nó cùng số của tên nó đang đứng bên biển pha lê, cầm đàn hạc của Đức Chúa Trời” (Khải Huyền 15:2). Vì vậy, họ sẽ được cất lên biển pha lê trước ngai vàng của Đức Chúa Trời. Lựa chọn 2: Họ ẩn náu, chờ đợi và cuối cùng được gặt: “Ðấng ngồi trên mây liền ném lưỡi liềm mình xuống đất, và trái đất được gặt hái”. Chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về 2 lựa chọn này.
Lựa chọn 1: Những tín đồ bị bỏ lại có thể đối mặt với antichrist. Họ sẽ bị hắn giết. Vì vậy, họ chết như những người tử vì đạo và được cất lên ngay trước ngai vàng của Đức Chúa Trời.
Lựa chọn 2: Họ ẩn trốn và chờ đợi. Vào cuối đại nạn, cụ thể là khi tiếng kèn thứ 7 được thổi, họ được gặt, tức là cất lên, nhưng không phải đến ngai vàng của Đức Chúa Trời, nhưng lên không trung, đến tòa án của Đấng Christ. Tất cả các Cơ Đốc nhân đều phải trình diện ở đó và phải tường trình về cuộc đời Cơ Đốc nhân của mình.
Tóm lại, chúng ta có thể nói như sau: Có nhiều sự cất lên xảy ra ở những thời điểm khác nhau. Lần cất lên đầu tiên là ngay trước đại nạn. Chỉ có những người đắc thắng mới được cất lên lần này. Sự cất lên thứ hai là trong cơn đại nạn. Những tín đồ bị con thú antichrist giết sẽ được cất lên. Lần cất lên thứ ba là gần cuối đại nạn. Những tín đồ bị bỏ lại sẽ được cất lên không trung và được đưa đến toàn án của Đấng Christ. Tất cả Cơ Đốc nhân sẽ xuất hiện ở đó trước Chúa Giê-su Christ và nhận phần thưởng hay bị phạt cho những gì mình đã làm với tư cách là Cơ Đốc nhân – dù tốt hay xấu. Do đó, chúng ta hãy phấn đấu để trở thành những người đắc thắng hôm nay!
(Dịch từ bài “Wann ist die Entrückung? Wer wird entrückt?” của himmlisches-jerusalem.de)