SỬ DỤNG ÂN TỨ TIẾNG LẠ VÀ THÔNG GIẢI TRONG SỰ CẦU NGUYỆN
A. ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ CHIA XẺ CHỨC VỤ CẦU THAY CỦA ĐẤNG CHRIST.
“Bởi đó Ngài có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy “(Hêb 7:25).
Một trong những chức vụ quan trọng nhất của Chúa Jesus khi Ngài sống lại và về trời là cầu thay cho bạn và tôi.
1. Sự Cầu Thay.
Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về sự cầu thay nếu nhìn lại một chi tiết xảy ra trong cuộc đời của Môi-se.
Chúa Giê-hô-va nổi giận cùng con cái Ysơraên và Ngài phán cùng Môi- se rằng: “…bây giờ hãy để mặc ta… diệt chúng nó; nhưng ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.
“Môi- se bèn nài xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời người rằng: Lạy ĐỨC GIÊHÔVA… cầu xin Chúa hãy nguôi cơn giận và bỏ qua điều tai họa mà Ngài muốn giáng cho dân Ngài “(Xuất 32:9-12).
Đức Chúa Trời nhậm lời Môi-se và tha cho dân sự. Môi-se đã giải cứu dân sự bằng sự cầu thay với Đức Chúa Trời. Câu chuyện nầy minh họa hai điều:
a. Giải Cứu Khỏi Cơn Thạnh Nộ. Đây là điều mà chức vụ cầu thay của Đấng Christ thực hiện cho chúng ta, giải cứu chúng ta khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời.
b. Có Quyền Trước Ngai Đức Chúa Trời. Bạn có thể có quyền trước ngai của Đức Chúa Trời khi bạn kết hợp với Đấng Christ trong chức vụ cầu thay của Ngài.
2. Đức Thánh Linh Giúp Đỡ Chúng Ta Cầu Nguyện.
Là những chi thể trong Thân thể của Đấng Christ, chúng ta có đặc ân và trách nhiệm, tức là quyền lợi và nghĩa vụ để chia xẻ chức vụ cầu thay của Ngài. Sự kêu gọi nầy vượt quá khả năng của chúng ta. Tuy nhiên, Đức Thánh Linh ở với chúng ta để giúp đỡ (ban quyền năng) cho chúng ta trong sự cầu nguyện. Hai bản dịch (của các học giả Hy lạp) về câu Kinh Thánh chìa khóa của chúng ta như sau. Hãy cầu nguyện và đọc cách cẩn thận.
“Chúng ta không biết mình phải cầu xin cách nào; nhưng chính Đức Thánh Linh cầu thay cùng Đức Chúa Trời cho chúng ta bằng những lời thở than không thể diễn đạt được.
“Và Đức Chúa Trời, Đấng thấy được lòng của loài người, cũng hiểu rõ tâm trí của Thánh Linh; Bởi vì Đức Thánh Linh cầu thay cho dân sự của Đức Chúa Trời theo ý muốn của Đức Chúa Trời “(Rô 8:26-27 bản TEV).
“Chúng ta không biết phải cầu xin cách nào, nhưng qua những lời thở than không thể nói ra được, chính Đức Thánh Linh cầu thay cho chúng ta, và Đức Chúa Trời, Đấng thấu hiểu lòng của chúng ta, biết rỏ ý tưởng của Thánh Linh, vì Thánh Linh cầu thay cho dân sự của Đức Chúa Trời theo cách của chính Đức Chúa Trời… “(Rô 8:26, 27bản NEB).
a. Cầu Nguyện Trong Thánh Linh. Cả Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Linh đều liên quan đến sự cầu nguyện của chúng ta khi chúng ta cầu nguyện trong Thánh Linh.”…qua những lời thở than không thể nói ra được của chúng ta, chính Đức Thánh Linh cầu thay cho chúng ta… “. Lưu ý đến ba điều trong câu này:
1) Chúng Ta Bày Tỏ Những Lời Thở Than Của Đấng Christ.
Chúng ta đều có phần trong sự cầu thay được Đức Chúa Trời thiết lập. Sự cầu thay của Đấng Christ được cảm nhận và diễn đạt”…qua những lời thở than không thể nói ra được của chúng ta… lại chúng ta, là kẻ có trái đầu mùa của Đức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng…” (8:26, 23). Thân thể vật lý của chúng ta là những ống dẫn để những lời thở than của Đấng Christ được diễn đạt và cảm nhận.
2) Những Lời Thở Than Bởi Đức Thánh Linh Đem Đến:
Đức Thánh Linh là Đấng đem đến những lời thở than của Đức Chúa Trời. “…chính Đức Thánh Linh cầu thay cho chúng ta… “
3) Đức Chúa Trời Cầu Thay Qua Chúng Ta.
Đức Thánh Linh cầu thay cùng Đức Chúa Cha cho chúng ta. “…Đức Thánh Linh cầu thay cùng Đức Chúa Trời (Đức Chúa Cha) cho chúng ta… “
Đây là những quan niệm đáng lưu ý chỉ được một số ít tín hữu thông hiểu. Để hiểu được tiến trình này, hãy suy nghĩ đến cách hoạt động của chiếc máy phát thanh của bạn.
b. Máy Phát Sóng.
Một trạm phát sóng (máy phát sóng) ở một khoảng cách xa phát đi một tín hiệu. Máy phát thanh (radio) của bạn tương ứng với tín hiệu đó. Khi bạn mở máy phát thanh, những thành phần điện tử của nó nhận được tín hiệu đó và chuyển thành âm thanh. Máy phát thanh của bạn chỉ là một máy nhận, nó chỉ phát ra âm thanh và tiếng tương ứng với các tín hiệu nó nhận được. Chiếc máy phát thanh của bạn không phải là nguồn âm thanh, nó chỉ vang lại những gì nó đã nhận.
Cũng vậy, Chúa Jesus như là một máy phát sóng, Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời (Công 2:34; 7:55). Ngài đang cầu thay cho chúng ta (Hêb 7:25). Khi Ngài cầu thay, Đức Thánh Linh trong chúng ta nhận được sự giao chuyển nầy và chuyển thành những lời cầu nguyện và cảm xúc mà chúng ta (giống như chiếc máy phát thanh) phát ra thành lời. Vì vậy, chúng ta cầu nguyện những lời cầu nguyện của Chúa Jesus.
c. Chúa Jesus và Đức Thánh Linh.
Trong một chiều hướng độc đáo trong Kinh Thánh, Đức Thánh Linh được xem là một Đấng cùng làm việc với Chúa Jesus. Hãy lưu ý rằng Thánh Linh được nhắc đến như là Thánh Linh của Đấng Christ”…các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét… tìm cho biết thời kỳ nào và thời kỳ cách nào mà Thánh Linh Đấng Christ ở trong lòng mình đã chỉ cho… “(IPhi 1:10, 11).”…Nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài. “(Rô 8:9).
1) Cùng Làm Việc. Chúa Jesus đã cho chúng ta biết sau khi về trời, Ngài và Thánh Linh sẽ cùng làm việc như thế nào.
“…Thần lẽ thật sẽ đến… Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe… “(Giăng 16:13).
Đức Thánh Linh nghe ai? Ai ban cho Thánh Linh những lời mà Ngài sẽ nói lại? Tôi tin rằng Thánh Linh vang lại lời của Chúa Jesus. Thánh Linh nói những gì Ngài đã nghe Chúa Jesus nói. Thánh Linh cầu nguyện những gì Ngài đã nghe Chúa Jesus cầu nguyện. Thánh Linh sử dụng chúng ta như những chiếc máy phát thanh diễn đạt những lời cầu nguyện của Chúa Jesus.
Câu Kinh Thánh dưới đây cho chúng ta thấy được rằng Thánh Linh của Đấng Christ liên hệ cách đặc biệt với những lời cầu nguyện của người Phi-líp khi họ cầu nguyện cho Phao-lô. “…nhờ anh em cầu nguyện, và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Jesus Christ giúp đỡ, thì điều nầy sẽ trở làm ích cho sự rỗi tôi. “(Phil 1:19).
2) Diễn Đạt Sự Cầu Nguyện Và Sự Ca Ngợi Qua Chúng Ta! Chúa Jesus (Đầu và Thân) chia xẻ những lời cầu nguyện của Ngài với Đức Thánh Linh – Đấng diễn đạt những lời cầu thay đó qua bạn và tôi (là những chi trong Thân thể Đấng Christ).”Vả, anh em là Thân của Đấng Christ, và làchi thể của Thân… Đấng Christ là đầu Hội thánh “(ICôr 12:27; Êph 1:22).
Chúa Jesus không chỉ ban cho Thánh Linh những Lời cầu nguyện để cầu nguyện cho chúng ta, nhưng Ngài còn mong muốn sử dụng chúng ta như là môi miệng của Ngài để tỏ bày những lời cầu nguyện của Ngài qua chúng ta!
Điều này còn được minh họa qua Hêb 2:12 rằng:”Ta (Chúa Jesus) sẽ… ngợi khen Chúa (Đức Chúa Cha) ở giữa hội (Hội thánh).”Làm thế nào Chúa Jesus có thể ngợi khen Cha ở giữa Hội thánh? Tất nhiên Chúa Jesus đã sử dụng chúng ta như những dụng cụ phát thanh của Ngài, sự dụng tiếng nói, môi miệng của chúng ta để dâng lên những lời ca ngợi của Ngài cho Cha.
Để hiểu rõ sự minh họa trên, chúng ta cần chú ý đến điều nầy: Đôi khi các tiên tri thời Cựu-ước nói tiên tri qua Con người Đấng Christ, như thể chính Chúa Jesus đang nói. Vua Đa-vít nói rằng: “Thần của Đức Giê-hô-va đã cậy miệng ta mà phán, và lời của Ngài ở nơi lưỡi miệng ta “(IISa 23:2). Điều nầy minh họa cho điểm quan trọng mà chúng ta đang tìm hiểu: Giống
như các tiên tri thời Cựu-ước nói tiên tri bởi Thần của Đức Giê-hô-va qua Thân Vị Đấng Christ (như thể chính Đấng Christ đang nói). Ngày nay bởi công tác của Thánh Linh qua chúng ta, chúng ta cầu nguyện qua Thân Vị Đấng Christ như thể chính Đấng Christ đang cầu nguyện.
Hiện nay Thân Vị Đấng Christ đang ngự ở bên hữu Đức Chúa Cha. Tuy nhiên, qua Đức Thánh Linh, chính Đấng Christ đang ở với và ở trong mỗi chúng ta.
Cụm từ “Ta (Chúa Jesus) sẽ ngợi khen Chúa (Cha) ở giữa Hội Thánh” là cụm từ mang một ý nghĩa rất lớn. Chúa Jesus phán với chúng ta rằng Ngài vẫn mong muốn ca ngợi Cha Ngài khi chúng ta nhóm nhau trong Hội thánh.
Làm thế nào Chúa Jesus có thể ca ngợi Cha Ngài giữa Hội thánh khi mà cá nhân Ngài đang ngự với Cha ở trên trời?
Điều này chỉ có thể thực hiện qua sự hiện diện của Chúa Jesus, bởi Đức Thánh Linh ban cho chúng ta “những bài hát tâm linh “mà chúng ta đang hát.
Qua chúng ta là Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống; những bài ca của Chúa được dâng lên. Chúa Jesus dâng những lời ca ngợi của Ngài lên Cha qua chúng ta! Kinh Thánh xác nhận điều nầy cách rõ ràng rằng: “đối đáp bằng… bài hát thiêng liêng ” (“Bài hát thiêng liêng” là những lời chúc tụng Đức Chúa Cha của Chúa Jesus qua chúng ta bởi quyền năng của Thánh
Linh). “Hãy lấy… bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa” (Êph 5:19).”Nguyện xin lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật… bài hát thiêng liêng… Vì được đầy ơn Ngài, nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời” (Cô 3:16).
Ước muốn của Chúa Jesus là đổ đầy chúng ta với những sự ca ngợi và thờ phượng Cha bất tận của Ngài. Khi chúng ta đầy dẫy Đức Thánh Linh, Chúa Jesus ca ngợi Đức Chúa Cha qua môi miệng của chúng ta, với tiếng nói của chúng ta trong sự thờ phượng. Chúng ta trở thành những kênh truyền thanh để những bài ca của Ngài được dâng lên cho Cha ở trên Trời. KinhThánh gọi sự thờ phượng nầy là “bài ca khen ngợi Đức Giê-hô-va” (IISử 29:27).
Chúa Jesus ao ước được tỏ bày những lời cầu nguyện của mình qua chúng ta như Ngài đã tỏ bày những bài ca của Ngài qua chúng ta. Ngài có thể ca ngợi Cha qua chúng ta, và Ngài cũng có thể cầu nguyện với Cha qua chúng ta.
3. Các Chi Thể Trong Thân Ngài.
Chúa Jesus là Đầu thiên thượng của Thân thể dưới đất nầy của Ngài. Chúng ta là các chi của Thân thể đó. Qua các chi của Thân thể Ngài mà ý muốn của Ngài được thực hiện dưới đất nầy như ở trên trời.
Chúa Jesus vẫn muốn bước đi, nói chuyện, giảng dạy và cầu nguyện như Ngài đã làm trong khi Ngài thi hành chức vụ tại trần gian.”Ngài lại phán cùng môn đồ rằng: …Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy “(Giăng 20:21). Ngài muốn làm điều nầy qua bạn và tôi bởi quyền năng của Thánh Linh Ngài. Trong ánh sáng của điều nầy, hãy lắng nghe Phao-lô cầu thay cho những tín hữu tại Êphêsô: “Tôi cầu Đức Chúa Trời… ban thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết… Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ, và ban cho Đấng Christ làm đầu Hội thánh, Hội thánh là thân thể của Đấng Christ, tức là sự đầy đủ của Đấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài “(Êph 1:17, 19-23).
4. Sự Đau Đớn Của Việc Cầu Thay.
Nếu chúng ta muốn chia xẻ đời sống cầu thay với Chúa của mình, chúng ta nên học biết Ngài đã cầu nguyện thế nào trên đất nầy. “Khi Đấng Christ còn trong xác thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin… “(Hêb 5:7).
Đây thật là một bức tranh kỳ lạ về Chúa chúng ta. Chúng ta thấy Ngài đang cầu nguyện kêu la và khóc lóc trong sự đau đớn tột cùng của linh hồn. Lời cầu nguyện của Ngài rất khẩn thiết “Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất “(Lu 22:44). Bạn có hình dung được sự cầu nguyện khẩn thiết làm cho bạn phải đổ những giọt mồ hôi không?
Sứ đồPhao-lô cũng cầu nguyện như vậy. Bạn đã biết rằng trong thư gởi cho Hội thánh tại Galati, ông quan tâm sâu xa đến tình trạng thuộc linh của họ. Họ đang ở trong mối nguy hiểm đánh mất ân điển của Đức Chúa Trời bởi quay lại xiềng xích Luật pháp. Họ đã bị cám dỗ phải thêm vào đức tin trong Đấng Christ những công việc theo luật pháp, hy vọng rằng bởi điều nầy họ xứng đáng với sự cứu rỗi. Thêm vào bất cứ một điều gì là phá hủy tất cả. Họ sắp sửa quay lưng lại với công tác trọn vẹn và hoàn tất của thập tự giá.
Mối nguy hiểm của họ đã khiến Phao-lô cầu nguyện rằng:”Hỡi các con, vì các con mà ta lại chịu đau đớn của sự sanh nở, cho đến chừng nào Đấng Christ hình thành trong các con. “(Ga 4:19). Sự cầu nguyện của Phao-lô giống như sự đau đớn của sự sanh nở.
Những bà mẹ biết rõ sự đau đớn khi sanh nở như thế nào. Những người nam chỉ biết kinh nghiệm nầy khi chứng kiến. Sự nặng nề và đau đớn là một phần của sự sanh nở.
Phao-lô đã dùng hình ảnh nầy để giải thích sự đau đớn của ông khi ông cầu thay cho Hội thánh Galati. Ông đã trở thành một người chinh phục hay là người nới rộng chức vụ cầu thay thiên thượng của Đấng Christ trên đất nầy. Chúa Jesus đang cầu nguyện một lời cầu nguyện đầy quyền năng qua ông, và ông cảm biết điều nầy.
Như chúng tôi đã nói ở trên, cầu nguyện trong Thánh Linh là cầu nguyện như Đức Chúa Trời cầu nguyện và cảm xúc như Đức Chúa Trời cảm xúc. Không gì đáng ngạc nhiên khi Phao-lô nói rằng: “Thánh Linh cầu thay cho chúng ta với những lời than thở không diễn tả được bằng tiếng nói loài người. “(Rô 8:26). Ông đã kinh nghiệm được điều này.
Vâng, Đấng Christ hằng sống để cầu thay cho chúng ta và qua chúng ta theo ý muốn của Cha. Bạn có sẵn sàng để Thánh Linh trở thành một kênh truyền thanh sống cho sự cầu nguyện và cầu thay nầy không?
a. Một Ví Dụ Cá Nhân:
Vài năm trước Thánh Linh hướng dẫn tôi đến Nhật bản. Trong sáu hay bảy tuần lễ tôi đi từ làng nầy đến làng khác. Lúc đó tôi biết mình đang xúc động và bị khuấy động trong linh hồn cách mạnh mẽ. Dường như lòng của Đức Chúa Trời đang vỡ ra vì cớ dân tộc Nhật. Tôi có thể cảm biết được sự đau đớn của Thánh Linh Đấng Christ đang tuôn tràn qua tôi thay cho họ. Tôi không thể cầm được nước mắt, như thể Đức Chúa Trời đang tuôn tràn dòng lệ qua đôi mắt của tôi.
Đức Chúa Trời thương yêu dân tộc Nhật, nhưng tội kiêu ngạo và sự thờ lạy hình tượng của họ đã che khuất mặt Ngài. Họ chỉ dành một chỗ rất nhỏ cho Đức Chúa Trời và Con Ngài trong đời sống và xã hội của họ.
Sa-tan đã làm cho họ bị đui mù tâm linh.
“…Những kẻ chẳng tin mà chúa đời này đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời “(IICôr 4:4).
Chiến địa và mục tiêu tấn công của Sa-tan là tâm trí của con người. Khi ánh sáng Tin lành rọi vào linh hồn của con người, thì tâm trí là phần đầu tiên được giải phóng.
Lúc đó tôi biết rằng sự “kêu lớn tiếng khóc lóc “của tôi là sự cầu thay của Đấng Christ bởi công tác của Thánh Linh trong tôi. Bởi tình yêu Đức Chúa Trời đến với dân tộc Nhật qua sự cầu nguyện và nước mắt của tôi. Ngài đang đặt sự cai trị trên chúa đời nầy (Sa-tan) và các thế lực ma vương của nó (Xem Thi 149:5-9). Đây là một thời điểm căng thẳng của cuộc chiến thuộc linh.
Kể từ lúc đó (1960) nhiều giáo sĩ khác đến Nhật cũng có những kinh nghiệm tương tự. Tất cả họ đều dành nhiều thì giờ khóc lóc cầu thay cho dân tộc Nhật. Họ đã chia xẻ chức vụ cầu nguyện và cầu thay của Đấng Christ cách cá nhân.
B. NHỮNG ÂN TỨ CỦA ĐỨC THÁNH LINH TRONG SỰ CẦU THAY.
Bài học nầy đưa ra một số điều liên quan đến sự quan trọng của “cầu nguyện trong Thánh Linh “. Chúng tôi đã nhìn thấy điều nầy cơ bản như thế nào đối với sự cầu thay, và ân tứ nào của Thánh Linh giúp đỡ chúng ta trong sự cầu nguyện và cầu thay?
1. Những Cách Quan Trọng Của Cầu Nguyện Trong Thánh Linh.
Tôi tin các ân tứ:
a. Tiếng lạ.
b. Thông giải tiếng lạ, và
c. Tiên tri.
Đây là những cách quan trọng và chính yếu giúp chúng ta “cầu nguyện trong Thánh Linh”.(Êph 6:18). Chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ càng về việc Kinh Thánh nói gì đến chức năng và mục đích của các ân tứ nầy trong đời sống cầu nguyện hằng ngày của
chúng ta.
Sứ đồ Phao-lô dạy dỗ chúng ta các nguyên tắc sử dụng những ân tứ thuộc linh nầy khi cầu nguyện.
2. Ân Tứ Tiếng Lạ.
a. Để nói với Đức Chúa Trời.
(Chú giải ICôrinhtô chương mười bốn). “Vì người nào nói tiếng lạ (ngôn ngữ được Thánh Linh ban cho) thì không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời. ” (ICôr 14:2).
“Ấy vậy, vì anh em nôn nả ước ao các sự ban cho thiêng liêng, hãy tìm cho được dư dật đặng gây dựng Hội thánh.
“Bởi đó, kẻ nói tiếng lạ hãy cầu nguyện để được thông giải tiếng ấy. “
“Vì nếu tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ, thì tâm thần tôi (bởi Thánh Linh trong tôi) cầu nguyện, nhưng trí khôn tôi lơ lững.
“Vậy thì tôi sẽ làm thế nào? Tôi sẽ cầu nguyện theo tâm thần (tiếng lạ),nhưng cũng cầu nguyện bằng trí khôn (thông giải tiếng lạ). Tôi sẽ hát theo tâm thần (bằng tiếng lạ), nhưng cũng hát bằng trí khôn (thông giải tiếng lạ).
“Bằng không, nếu ngươi chỉ lấy tâm thần (tiếng lạ) mà chúc tạ, thì người tầm thường ngồi nghe, chẳng hiểu ngươi nói gì, thể nào họ theo lời chúc tạ mình mà đáp lại rằng “Amen “được? “(ICôr 14:12-16).
Phao-lô dạy dỗ chúng ta bốn phương cách mà chúng ta sử dụng tiếng lạ và thông giải tiếng lạ trong giờ tương giao riêng tư và giờ thờ phượng đông người.
1) Cầu Nguyện Với Chúa
2) Hát ca ngợi Chúa
3) Chúc phước Chúa
a. Dâng lời cảm tạ cho Chúa.
Nói tiếng lạ có thể có một giá trị tuyệt vời nếu được thông giải để mọi người đều hiểu ý nghĩa (xem câu 5). Ân tứ tiếng lạ chuẩn bị cho Hội thánh nhận được sự thông giải, là sự phải theo sau sự nói và hát bằng tiếng lạ. Con người được Thánh Linh bày tỏ và kết hiệp với Ngài để nhận được và đáp lại những lời được hà hơi của sự thông giải.
Hãy nhớ rằng lý do quan trọng của tiếng lạ là nói với Đức Chúa Trời. Vì vậy tiếng lạ và sự thông giải thường là một trong bốn lãnh vực vừa nêu trên.
b. Trong Sự Cầu Nguyện Riêng Tư.
Tuy nhiên, điều thường bị bỏ qua đó là Phao-lô xem vai trò của các ân tứ nầy điều quan trọng như nhau trong đời sống cầu nguyện riêng tư của chúng ta. Nói tiếng lạ là trực tiếp nói với Đức Chúa Trời, không phải với người ta. Đây là một kinh nghiệm cá nhân giữa con người với Đức Chúa Trời.
Bài học của chúng ta trong ICôr 14:1-40 bày tỏ bốn cách mà qua đó ân tứ tiếng lạ có thể được diễn đạt trong sự tương giao cá nhân của chúng ta với Đức Chúa Trời.
1) Lời cầu nguyện được Thần cảm (câu 14,15)
2) Bài hát được Thần cảm (câu 15)
3) Sự ca ngợi và Chúc phước được Thần cảm (câu 16)
4) Sự tạ ơn được Thần cảm (câu 16,17).
Đức Thánh Linh là Linh đời đời của sự cầu nguyện, bài hát, sự ca ngợi và sự cảm tạ. Tôi tin rằng bốn khía cạnh trên của Ân tứ tiếng lạ là đặc quyền của mỗi tín hữu đầy dẫy Đức Thánh Linh.
c. Những ân tứ qua môi miệng phải được tất cả mọi người sử dụng. Phao-lô mong ước rằng tất cả mọi tín hữu đều sử dụng các ân tứ bằng miệng, đó là:
1) Tiếng lạ: “Tôi lại ao ước anh em đều nói tiếng lạ cả… ” (câu 5).
2) Thông giải:
“Bởi đó kẻ nói tiếng lạ hãy cầu nguyện để được thông giải tiếng ấy…”(câu 13).
Phao-lô sẽ không dạy chúng ta cầu nguyện để được ân tứ nầy nếu như Đức Chúa Trời không muốn ban ân tứ nầy cho chúng ta.
3) Nói tiên tri: “Bởi vì anh em lần lượt mà nói tiên tri được cả, để ai nấy đều được dạy bảo, ai nấy đều được khuyên lơn. “(câu 31).
Sự dạy dỗ của Phao-lô thật rõ ràng. Ông muốn mọi tín hữu đều nói tiếng lạ.
Ông khuyên dạy những ai cầu nguyện cho sự thông giải. Và ông kết luận bằng cách bảo cho chúng ta rằng tất cả mọi tín hữu có thể nói tiên tri.
Khi các tín hữu được dạy dỗ cách thích hợp, đức tin trong họ sẽ tăng trưởng để nhận được những ân tứ nầy.
“Đức tin đến bởi sự người ta nghe…” (Rô 10:17).
Nhận và sử dụng những ân tứ nầy là vấn đề mức độ đức tin của bạn. Nếu bởi đức tin cầu xin, bạn sẽ nhận được.
Khi chúng ta thuận phục trong sự khiêm nhường, và đáp ứng trong đức tin, chúng ta có thể kỳ vọng Đức Thánh Linh bày tỏ chính mình Ngài qua chúng ta bởi các ân tứ của Ngài.
3. Ân Tứ Thông Giải Trong Sự Cầu Nguyện Riêng Tư.
Điều nầy đem đến cho chúng ta những nguyên tắc thú vị và tươi mới của sự cầu nguyện, mà những nguyên tắc nầy có thể biến đổi đời sống Cơ đốc của bạn.
Tôi muốn chỉ cho bạn thấy thể nào ân tứ thông giải tiếng lạ có thể được sử dụng với ngôn ngữ cầu nguyện thuộc linh của chúng ta trong sự tương giao hằng ngày của mình. Bạn và tôi có thể cầu nguyện và thông giải tiếng lạ trong những giờ cầu nguyện riêng tư của chúng ta với Chúa.
Phao-lô dạy rằng ông đã cầu nguyện tiếng lạ nhiều hơn hết thảy những người mà ông viết cho. Tuy nhiên ông muốn nói năm lời bằng trí khôn (đó là lời tiên tri) hơn là mười ngàn lời bằng tiếng lạ trong giờ thờ phượng chung (ICôr 14:18, 19).
Rõ ràng là mười ngàn lời bằng tiếng lạ của ông đã được nói trong giờ cầu nguyện riêng tư (có lẽ đây là lý do tại sao năm lời tiên tri của ông đầy năng quyền).
a. Hiểu Biết Ý Muốn Của Đức Chúa Trời.
Khi chúng ta sử dụng ân tứ tiếng lạ trong giờ cầu nguyện, chúng ta đang nói với Đức Chúa Trời bằng một ngôn ngữ chúng ta không biết. Tuy nhiên Đức Chúa Trời hiểu vì đây là công tác của Thánh Linh qua chúng ta. Những lời cầu nguyện nầy luôn luôn ở trong ý muốn của Đức Chúa Trời.
Và điều gì sẽ xảy ra? Đó là: Đức Chúa Trời hiểu những lời cầu nguyện bằng tiếng lạ trong khi chúng ta không hiểu. Ngài muốn chúng ta hiểu. Kinh Thánh rất chú trọng đến việc chúng ta hiểu biết ý muốn của Đức Chúa Trời.
“Chớ như con ngựa và con la, là vật vô tri… “(Thi 32:9).
Tôi phải nói rằng trong nhiều năm tôi giống như con ngựa và con la. Tôi đã cầu nguyện, hát, ca ngợi và cảm tạ Đức Chúa Trời bằng tiếng lạ, nhưng tôi đã không nhận được sự thông giải cho mình. Sở dĩ như vậy bởi vì tôi đã không vâng theo ICôr 14:13″Bởi đó, kẻ nói tiếng lạ, hãy cầu nguyện để được thông giải tiếng ấy “.
Để thông giải, chúng ta phải vâng theo mạng lịnh nầy của Kinh Thánh. Đây là nguyên tắc đầu tiên của một đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh, nhưng không ai dạy tôi điều nầy. Mặc dù tôi đã đọc câu Kinh Thánh nầy nhiều lần, song có một vài lý do khiến câu Kinh Thánh nầy không đủ ảnh hưởng để làm cho tôi vâng theo.
Khi tôi cầu xin sự thông giải, Đức Chúa Trời đã thành tín đáp lời tôi. Khi đó tôi vô cùng xúc động và biết được rằng một lời cầu nguyện theo Kinh Thánh khác của tôi đã được trả lời:
“Chúng tôi… cứ cầu nguyện cho anh em không thôi, và xin Đức Chúa Trời ban ơn cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa. “(Cô 1:9).
Chúa muốn chúng ta hiểu biết ý muốn của Ngài. “Song đầy tớ không biết ý chủ… thì bị đòn… “(Lu 12:48). Sẽ có hình phạt cho sự không biết ý muốn của Đức Chúa Trời.
Nếu không biết ý muốn Chúa, chúng ta sẽ cứ đi quanh quẩn mà không có một mục đích, hay mục tiêu thuộc linh nào. Chúng ta sẽ có kết quả cho Chúa rất ít.
Đức Chúa Trời muốn chúng ta hiểu biết ý muốn Ngài để chúng ta có thể vâng phục Ngài. Và rồi chúng ta sẽ đi đến nơi nào Ngài muốn chúng ta đi, làm những gì Ngài muốn chúng ta làm, và nói những gì Ngài muốn chúng ta nói.
Vì vậy tôi tin rằng Phao-lô rất coi trọng Ân tứ thông giải. “Bởi đó, kẻ nói tiếng lạ hãy cầu nguyện để được thông giải tiếng ấy “.(ICôr 14:13).
Không có sự thông giải, chúng ta không hiểu được Đức Thánh Linh đang cầu nguyện điều gì qua chúng ta. Một khi chúng ta bắt đầu thông giải những lời cầu nguyện, những bài hát, những lời cảm tạ, ca ngợi của chúng ta với Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ bắt đầu hiểu biết ý muốn của Ngài trên chúng ta.
Thật được khích lệ khi biết rằng Thánh Linh có thể cầu thay qua chúng ta với sự khôn ngoan và quyền năng khi chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào (hay điều gì) như chúng ta cần phải biết. Đức Chúa Trời thường đặt một gánh nặng của sự cầu nguyện trên những người không biết họ đang cầu nguyện điều gì lúc ấy.
Nếu bạn cảm thấy đang có một gánh nặng phải cầu nguyện cho một ai đó, nhưng không biết phải cầu nguyện điều gì, hãy cầu nguyện bằng tiếng lạ qua sự giúp đỡ của Thánh Linh. Nếu bạn cầu xin và nhận được sự thông giải cho sự cầu nguyện bằng tiếng lạ của mình, bạn sẽ khám phá được điều bạn đang cầu nguyện. Đức Thánh Linh biết những nhu cầu, và Ngài hà hơi cho chúng ta là những Cơ đốc nhân để cầu nguyện cho những ai đang có nhu cầu.
Có những trường hợp khác mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết tâm trí của Thánh Linh Ngài. Chúng ta cần biết ý muốn Ngài và có sự khôn sáng của Ngài trong nhiều trường hợp đặc biệt. Chúng ta cần hiểu những động cơ đằng sau những thái độ và hành động của chúng ta. Những lúc đó chúng ta có thể cầu xin Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự thông giải ngôn ngữ cầu
nguyện mà chúng ta không biết.
Chúng ta nhớ lại rằng Đức Thánh Linh cầu thay cho chúng ta và qua chúng ta theo ý muốn của Đức Chúa Trời (Rô 8:27).
Vì vậy, chúng ta có thể tin cậy Đức Thánh Linh hà hơi vào sự “cầu nguyện bằng trí khôn” của chúng ta, sau khi chúng ta đã “cầu nguyện bằng tâm thần”.
b. Lắng Nghe Những Lời Cầu Nguyện Của Bạn.
Tôi thường hiểu biết ý muốn của Đức Chúa Trời bằng cách lắng nghe lời cầu nguyện qua môi miệng tôi khi tôi “cầu nguyện bằng tâm thần”.
Cầu nguyện bằng tiếng lạ phải là biểu hiện của đức tin, sự khiêm nhường, sự thuận phục và sự vâng phục Đức Chúa Trời và Thánh Linh của Ngài. Điều nầy làm cho lòng và tâm trí của chúng ta hòa nhịp với lòng và tâm trí của Ngài.
Bằng cách nầy, chúng ta bắt đầu suy nghĩ và cảm xúc như Đức Chúa Trời. Và rồi chúng ta có thể cầu nguyện thông giải cho sự cầu nguyện tiếng lạ của chúng ta với sự thông hiểu.
Nguyên tắc nầy cũng được áp dụng cho sự ca hát, sự cảm tạ và sự ca ngợi bằng tâm thần. Nhiều người trong chúng ta có những kinh nghiệm ca ngợi Đức Chúa Trời trong cả ngôn ngữ của Thánh Linh và của chúng ta. Chúng ta thường chuyển đổi từ lời cầu nguyện nầy qua lời cầu nguyện kia.
Trong nhiều năm, tôi không nhận ra rằng sự ca ngợi trong ngôn ngữ của tôi là sự đáp ứng của sự ca ngợi trong tiếng lạ của tôi. Đây là một hình thức của sự thông giải tiếng lạ.
c. Lắng Nghe Những Bài Ca Của Bạn.
khi tôi thức dậy vào buổi sáng, trong đầu tôi thường có một bài hát ngắn vang lên. Nhiều năm, tôi không ghi lại lời và sứ điệp của những bài hát nầy. Ngày kia, người lãnh đạo trong Hội thánh tư gia của tôi kêu gọi tôi chú ý đến những ấn tượng và những điều nhắc nhở trong lòng và trí tôi. Tôi đã nhận được lời của bài hát, là sứ điệp mà ngày hôm ấy tôi sẽ cần đến.
Chúng ta thường lơ đễnh với những khuấy động áp lực nhẹ nhàng của Thánh Linh. Bản tính Ngài giống như Chim bồ câu và Ngài không bắt buộc chúng ta trong chức vụ của Ngài. Ngài muốn chúng ta nhạy bén với những thúc giục nhẹ nhàng nhất của Ngài. “Giọng nói êm dịu liên tục” của Ngài thường đến như những ý nghĩ yên lặng hoặc những bài hát đầy ý nghĩa.
Tôi quyết định nghe theo lời khuyên của người lãnh đạo nầy. Sáng hôm sau khi tôi thức giấc, một bài hát ngắn khác vang lên trong đầu tôi. Khi chú ý lắng nghe lời của bài hát nầy, tôi khám phá ra rằng lời của điệp khúc ngắn nầy chuẩn bị tôi cho những sự kiện sẽ xảy đến trong ngày mà tôi không thể biết trước được.
Trong suốt ba mươi năm tôi đã bỏ qua và lơ là với chức vụ nhẹ nhàng nhưng quan trọng nầy của Đức Thánh Linh.
Tôi đã lạc mất sự hướng dẫn của Chúa bằng một cách khác nữa. Tôi thích hát và thờ phượng Chúa khi tôi tắm mỗi buổi sáng. Tôi thường hát bằng cả tiếng lạ và tiếng mẹ đẻ.
Thói quen của tôi là hay hát bằng tiếng lạ khi đang tắm. Trong khi đang hát tiếng lạ như vậy, tâm trí tôi lại suy nghĩ về những chi tiết quan trọng khác mà tôi phải lo lắng mỗi ngày.
Sau khi hát bằng tiếng lạ, tôi thường hát bằng tiếng mẹ đẻ, nhưng lại cũng chẳng hề để tâm đến lời bài hát. Ý tưởng tôi đang lang thang trong những vấn đề khác. Tôi chẳng hề lưu ý đến lời bài hát. Một ngày kia bỗng ý nghĩ này hiện đến với tôi: “Có lẽ mình nên chú ý đến lời của những bài hát khi đang tắm”.
Khi tôi bắt đầu để ý, tôi khám phá ra rằng tôi đang hát bằng tiếng lạ, và sau đó hát những lời thông giải nhưng không hề ý thức về điều đó. Tôi đã ca hát bằng tâm thần và sau đó ca hát bằng tiếng mẹ đẻ.
Tôi đã không nhận ra rằng Đức Chúa Trời đang tuôn đổ ân tứ tiếng lạ và ân tứ thông giải qua tôi bởi Thánh Linh Ngài. Ngài đang chuẩn bị cho tôi đương đầu với những nan đề sẽ xảy đến trong ngày.
Tất nhiên, chức vụ cao quí nầy của Đức Thánh Linh đã trở thành một phước hạnh lớn lao cho cá nhân tôi trong những năm sau này. Tôi tin rằng điều nầy cũng sẽ đúng với bạn như vậy.
4. Một Lời Khích Lệ:
Chìa khóa của một đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh là sự đơn sơ và đức tin như con trẻ. Chúng ta có thể đủ đơn sơ để tin rằng có những lúc, có lẽ nhiều hơn là chúng ta nhận biết, Đức Chúa Trời muốn giúp đỡ chúng ta qua các ân tứ tiếng lạ, ân tứ thông giải và ân tứ tiên tri hay không?
Chúng ta có thể tin cậy Ngài đang lo lắng cho những nhu cầu và ước muốn của chúng ta qua đời sống cầu nguyện của chúng ta hay không?
Ngài biết chúng ta rõ hơn chúng ta biết mình và Ngài sẵn sàng cung cấp những sự hướng dẫn, sự sửa dạy và sự bảo vệ thuộc linh cho chúng ta.
Tôi xin khích lệ bạn bằng những lời của người lãnh đạo trước đây của tôi là hãy thận trọng lưu ý đến những tư tưởng, những lời cầu nguyện và những bài hát của bạn tiếp theo sau giờ cầu nguyện hay ca hát bằng tâm thần. Sự tuôn đổ của Thánh Linh Đức Chúa Trời thường đem đến những lời và những bài ca đã được thông giải để gây dựng, hướng dẫn và ban cho bạn sự thông hiểu.
Tôi không có ý nói rằng chính những nguyên tắc nầy sẽ trở thành một phương pháp cho sự lãnh đạo. Cần phải có những chứng cớ chắc chắn khác nếu bạn phải quyết định một vấn đề quan trọng (Xem phần D12: Sự hướng dẫn). Nhiều người thường rơi vào những lỗi lầm tai hại khi họ cố gắng “sử dụng” các ân tứ của Đức Chúa Trời cách dại dột.
Mọi sự hướng dẫn phải phù hợp với Lời của Đức Chúa Trời và nhận được sự đồng ý hay xác nhận của những người cố vấn tin kính và khôn ngoan trong Thân thể Đấng Christ.
Tuy nhiên, hầu hết các bạn đang ở trong tình trạng không mong đợi Đức Thánh Linh hành động trong bạn và qua bạn bởi các ân tứ của Ngài. Nếu vậy, những lời khích lệ nầy của tôi là dành cho bạn.
Nếu lòng bạn đang bị khuấy động bởi sứ điệp nầy, tôi xin gợi ý bạn hãy trình
dâng những ao ước của mình lên cho Chúa, cầu xin Ngài làm cho bạn tươi mới bởi Thánh Linh Ngài. Hãy cất cao giọng của bạn trong ngôn ngữ ngợi khen mà Ngài hướng dẫn bạn để thờ phượng Ngài. Mỗi âm thanh chúng ta phát ra do đức tin, tình yêu và sự vâng phục sẽ được Thánh Linh của Đức Chúa Trời hà hơi, soi dẫn.
Ngôn ngữ cầu nguyện thuộc linh của chúng ta (nói tiếng lạ) bao gồm những âm thanh và âm tiết mà chúng ta không thể hiểu được bởi tâm trí của chính chúng ta. Chúng được hà hơi bởi Đức Thánh Linh. Chúng ta chỉ biết rằng chúng là sự diễn đạt sự ca ngợi, sự cầu nguyện hoặc sự cầu thay.
Bởi đức tin chúng ta cất cao giọng của mình, biết rằng mỗi âm thanh được phát ra qua môi miệng của chúng ta đều được Đức Thánh Linh nhắc nhở. Đôi khi lời ca ngợi của chúng ta tạo thành những âm giai tuôn tràn từ lòng của chúng ta đến lòng của Ngài. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những ân tứ tốt đẹp biết bao!
Cũng vậy, sau mỗi lần cầu nguyện và thờ phượng Chúa bằng tiếng lạ, chúng ta có thể cầu nguyện và ca hát sự thông giải. Chúng ta đơn sơ tin cậy Đức Thánh Linh rằng Ngài sẽ làm cho chúng ta có thể diễn đạt lòng và tâm trí của Đức Chúa Trời. Và rồi chúng ta sẽ nói và hát sự thông giải bằng những lời chúng ta hiểu được.
Đôi khi sự thông giải tiếng lạ sẽ là sự thờ phượng. Trong những lúc khác, đó có thể là lời cầu nguyện mà Chúa mong ước bày tỏ mục đích của Đức Chúa Trời trên đời sống chúng ta. Trong cách này, Ân tứ thông giải có thể thêm sức mạnh và mục đích cho sự cầu nguyện của chúng ta.
Đôi khi sự thông giải tiếng lạ mang lại sự hiểu biết sâu sắc (một Lời tri thức) có thể giúp chúng ta cầu thay cách cụ thể hơn cho gia đình, hội thánh, các giáo sĩ của chúng ta, ngay cả cho các công tác của quốc gia và thế giới. Những người của Đức Chúa Trời được Thánh Linh ban quyền năng để cầu nguyện có thể thay đổi thế giới này.
Bây giờ chúng ta hiểu cách cặn kẽ hơn về sự dạy dỗ của Phao-lô trong sự cầu nguyện. Nó phát xuất từ kinh nghiệm của ông như là một người cùng cầu thay với Đấng Christ.
Mong rằng những lời của ông sẽ trở thành phương châm cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta:”Hãy nhờ Đức Thánh Linh… cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ. “(Êph 6:18).
C. CẦU NGUYỆN BẺ GÃY QUYỀN LỰC CỦA SỰ TỐI TĂM.
Thật quan trọng khi chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời sử dụng lời cầu nguyện của chúng ta để bẻ gãy quyền lực của sự tối tăm. Chúng ta hãy suy gẫm lẽ thật có liên quan đến cuộc chiến thuộc linh nầy bằng cách đọc lại những lời của sứ đồ Giăng được chép lại trong Khải 8:3-5.
“Đoạn, một vị thiên sứ khác đến, đứng bên bàn thờ, người cầm lư hương vàng, và được nhiều hương, để dâng hương ấy lên bàn thờ bằng vàng ở trước ngôi với các lời cầu nguyện của mọi thánh đồ.
“Khói hương từ tay thiên sứ bay lên trước mặt Đức Chúa Trời, với những lời cầu nguyện của các thánh đồ. Thiên sứ lấy lư hương, dùng lửa nơi bàn thờ bỏ đầy vào, rồi quăng xuống đất: liền có sấm sét, các tiếng chớp nhoáng và đất động. “
1. Những Khuôn Mẫu Của Kinh Thánh Cựu-ước Và Những Điều Thực Tế Trên Trời.
Đây là một bức tranh tiên tri về cách Đức Chúa Trời sử dụng những lời cầu nguyện của chúng ta để ảnh hưởng trên các sự kiện trên đất nầy. Sự sắp đặt thiên thượng như đã thấy ở trên sẽ được hiểu rõ ràng khi nghiên cứu đền tạm của Môi-se và đền thờ của Salômôn. Những khuôn mẫu thờ phượng trong Cựu-ước phản chiếu những thực tế thuộc linh ở trên trời.
a. Hòm Giao Ước. Bạn có thể nhớ lại rằng Nơi chí thánh là nơi trong cùng để đặt Hòm giao ước. Chúng ta cần lưu ý ba điều về hòm giao ước:
- Hòm Được Bao Bọc Bằng Vàng. Hòm giao ước (Hòm bảng chứng) được bao bọc bằng vàng, bề ngang 1,5m, bề cao 1,5m và chiều dài 2,5m.
2) Hai Chê-ru-bin Bằng Vàng: Hai chê-ru-bin bằng vàng được đặt trên hai đầu của nắp đậy Hòm giao ước, đối diện nhau.
3) Nắp Thi Ân. Chỗ giữa hai chê-ru-bin được gọi là Nắp thi ân (Ngai), là nơi có sự hiện diện thánh khiết của Đức Chúa Trời.
4) Huyết Được Rảy Ra. Thầy tế lễ sẽ mỗi năm một lần rảy huyết ở giữa hai chê-ru-bin (trên Nắp Thi ân) để cầu xin sự tha thứ cho tội lỗi của mình và của dân Ysơraên.
b. Bàn Thờ Dâng Hương.
Bàn thờ xông hương được đặt trong một phòng gần Nơi Chí Thánh. Phòng này được ngăn cách bởi một tấm màn.
Bàn thờ xông hương và các hương liệu được dâng lên cho Đức Chúa Trời tạo nên một bức tranh hay một kiểu dáng đặc biệt về chức vụ cầu nguyện và ngợi khen trong Đức Thánh Linh.
Như mùi thơm của hương liệu thoảng lên từ bàn thờ xông hương vào Nơi Thánh và qua Nơi Chí Thánh, thì những lời cầu nguyện và ca ngợi của chúng ta cũng bay đến Ngôi Thương xót của Đức Chúa Trời như vậy.
Hương liệu là một hỗn hợp bột thơm đặc biệt mà khi đốt lên chúng tỏa ra một mùi thơm ngọt ngào. Nó được chế tạo từ bốn chất liệu rút ra từ các loài thảo mộc.
Hương liệu, một trong bốn chất liệu nầy, là một thứ bột trắng. Một số người tin rằng chất bột trắng này tượng trưng cho sự công bình của Đức Chúa Trời, đó là phần của Ngài trong hương liệu.
Khi được trộn với ba phần kia, những phần tượng trưng cho bên con người, hương liệu này trở thành một của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời. (Xuất 30:34).
Trong khúc Kinh Thánh trên (Khải 8:3-5), hương liệu được dâng lên với những lời cầu nguyện và sự thờ phượng của các Thánh đồ. Khi những lời cầu nguyện của chúng ta được trộn với sự công bình thánh khiết của Thánh Linh Đức Chúa Trời, sẽ biến nên một thức hương thơm ngát trước mặt Ngài.
c. Một Đền Thờ Trên Trời.
Trong chương 9, tác giả sách Hêbơrơ cho chúng ta biết rằng đền tạm của Môi-se là một kiểu mẫu hay là hình bóng của các vật thật trên trời.
Nói cách khác, có một Đền thờ trên Trời. Trong Đền thờ nầy, có một Hòm giao ước thiêng thượng và một Ngôi thương xót (được gọi là”Ngôi ân điển ” trong Hêb 4:16). Đây là nơi Chúa Jesus qua sự chết của Ngài đã rảy huyết mình trên Ngai thương xót
(Nắp thi ân) thiên thượng để tội lỗi của chúng ta được tha thứ (Xem 9:19-24).
Cũng có một bàn thờ xông hương, nơi mà một thiên sứ giữ những lời cầu nguyện của chúng ta và dâng lên cùng với nhủ hương thiên thượng trước ngai của Đức Chúa Trời.
1) Quyền Năng Của Đức Chúa Trời Hành Động.
Vậy thì kết quả xảy ra trên đất của tất cả các hoạt động trên trời nầy là gì? Khi những lời cầu nguyện của chúng ta được trộn với nhủ hương của Đức Chúa Trời và được ném trở lại đất, thì liền có những sấm, chớp, và động đất lớn (Khải 8:5).
Chúng ta xem điều nầy xảy ra trong sách Công vụ:”Khi đã cầu nguyện thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ “(Công 4:31).
Khi chúng ta dâng những lời cầu nguyện của mình đến Ngôi của Đức Chúa Trời qua Đức Thánh Linh, thì Ngài sẽ gởi chúng trở lại đất nầy trong một cách mà có thể thấy, nghe và cảm nhận được.
Chúng ta làm cho quyền năng của Đức Chúa Trời đổ xuống đất nầy khi chúng ta dâng cho Ngài một điều gì đó để Ngài cùng hành động trên Trời. Đó là một trong những lý do chúng ta cầu nguyện.
2. Chu Kỳ Thần Thượng Của Sự Cầu Nguyện.
Sự ngợi khen và sự cầu nguyện được dâng lên Thiên đàng sẽ sản sinh ra kết quả trên đất nầy. Một điều tương tự được tìm thấy trong Gióp 36:27, 28″Vì Ngài thâu hấp các giọt nước, rồi từ sa mù giọt nước ấy bèn hóa ra mưa. Đám mây đổ mưa ấy ra, nó từ giọt sa xuống rất nhiều trên loài người “.
Câu Kinh Thánh nầy mô tả chu kỳ của mưa. Hơi nước từ dưới đất, đại dương và các hồ bốc lên tạo thành những đám mây trên bầu trời. Sau đó từ những đám mây nầy mưa rơi xuống mặt đất tùy theo sự ẩm ướt mà nó chứa trong đó. Hơi nước từ mặt đất bốc lên càng nhiều bao nhiêu, thì lượng mưa phước hạnh rơi lại trên mặt đất càng nhiều bấy nhiêu.
Sự ca ngợi và sự cầu nguyện cũng vậy. Nó đi đến Ngai của Đức Chúa Trời và được trộn với nhủ hương thiên thượng rồi được phóng xuống đất trở lại bằng những sự biểu hiện của quyền năng thuộc linh trong những gia đình, Hội thánh, thành phố, và đất nước của chúng ta.
a. “Những Quả Bom ” Thuộc Linh.
Càng cầu nguyện, chúng ta càng thêm vào những vật liệu để thiên sứ ở bên bàn thờ bằng vàng hành động. Vị thiên sứ nầy chế tạo “những quả bom thuộc linh” để ném vào mặt đất. “Những quả bom” nầy sẽ phá tan những quyền lực của sự tối tăm và giải phóng những kẻ bị tù trong xiềng xích của tội lỗi và bịnh tật. Chúng ta càng cầu nguyện, thì quyền năng thuộc linh của Ngài đổ xuống trên chúng ta và Hội thánh của chúng ta càng lớn lao.
Đây là điều đã xảy ra khi Phao-lô bị tù. Ông ca ngợi và cầu nguyện! Thiên sứ tại bàn thờ đã ném “những quả bom thuộc linh” xuống, đất rúng động và những kẻ tù được trả tự do.
“Lối nửa đêm, Phao- lô và Sila đương cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; và những tù phạm đều nghe. Thình lình có cơn động đất rất lớn, đến nỗi nền ngục rúng động; cùng một lúc, các cửa mở ra, xiềng tù phạm thảy đều tháo cả “.
b. Không Có Sự Thờ Phượng, Không Có Mưa. Lẽ thật nầy được tìm thấy trong Xa 14:17
“Trong những họ hàng trên đất, kẻ nào đã chẳng lên Giê- ru- sa- lem đặng thờ lạy trước mặt vua, là Đức Giê-hô-va vạn quân, thì sẽ không có mưa trên chúng nó. ” Tiên tri Xachari đang nói về điều gì? Đó là: Không có sự thờ phượng, không có mưa!
Tiên tri Giô-ên nói rằng:”Ta (Đức Chúa Trời) sẽ đổ Thần ta trên mọi loài xác thịt “(Giôên 2:28).
Số lượng của sự cầu nguyện và thờ phượng của chúng ta dâng lên sẽ quyết định mức độ chúng ta nhận được lời hứa ban Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Nếu bạn muốn có những cơn mưa rào phước hạnh trên Hội thánh của bạn, bạn phải thờ phượng Đức Chúa Trời trong linh và trong lẽ thật.
Lượng mưa mà chúng ta nhận được sẽ tương ứng với sự ca ngợi và cầu nguyện chúng ta dâng lên Thiên đàng để được ban xuống trở lại trên chúng ta như những cơn mưa rào phước hạnh.
D. KẾT LUẬN.
Đức Thánh Linh hà hơi trên sự cầu nguyện và sự ca ngợi: Cầu nguyện trong Thánh Linh làm cho chúng ta có thể tham gia vào sự cầu thay của Đấng Christ thay cho chúng ta. Thánh Linh của Ngài sẽ thúc giục chúng ta cầu nguyện trong ý muốn của Đức Chúa Trời.
Chỉ qua sự cầu nguyện của dân sự Đức Chúa Trời thì ý muốn trọn vẹn của Đức Chúa Trời mới có thể được thực hiện trên đất này như ở trên Trời. Chúng ta đóng một vai trò rất quan trọng trong chu kỳ cầu nguyện thần thượng. Nó bắt đầu trên Trời, nhưng sẽ được hoàn thành trên đất. Bạn sẽ đến cùng Chúa Jesus như một môn đồ của Ngài mà thưa rằng “…lạy Chúa, xin dạy
chúng tôi cầu nguyện… “(Lu 11:1).