SỰ VUI MỪNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Tom Brown
Một trong những câu Kinh Thánh thông dụng nhất là Nê-hê-mi 8:10 “Chớ buồn thảm, vì sự vui mừng của Đức Chúa Trời là sức lực của các ngươi.”
Vì sao sự vui mừng lại quan trọng? Vì “sự vui mừng của Đức Chúa Trời là sức lực của các ngươi!” Sự vui mừng làm nên sức lực. Và sức lực thì cần đế chiến đấu. Bạn được gọi “hãy đánh trận tốt lành” (Ti-mô-thê I 6:12). Trong tâm linh tôi cảm thấy rất nhiều người trong cơ thể Đấng Christ đang khổ sở đánh trận tốt lành. Họ đang khổ sở vì họ đã đánh mất sự vui vẻ của họ.
Có thể bạn đã chán đánh trận tốt lành với cuộc hôn nhân của bạn. Bạn chán người hôn phối. Bạn nghĩ rằng người ấy không còn yêu thương bạn nữa, do đó bạn chiến đấu vì tình yêu của người đó.
Có thể bạn đang đau ốm và chán vì đau ốm. Bạn đã đau ốm quá lâu đến nỗi bạn không còn nhớ được mạnh khỏe là như thế nào. Cũng có lúc, bạn chiến đấu với bệnh tật, nhưng bệnh tật dường như sẽ chiến thắng. Do đó bạn nghĩ, chẳng ích gì, tôi nên chấp nhận bệnh này và học cách sống với nó. Tôi sẽ không bao giờ khỏi bệnh.
Chắc chắn bạn đã có lần chiến đấu với những món nợ tài chính. Nhưng sự việc chẳng thay đổi bao nhiêu, và bạn bắt đầu chán nản. Bạn nghĩ bạn chẳng bao giờ thoát khỏi tình trạng thiếu tiền trả các hóa đơn.
Các con bạn cũng có thể là vấn đề. Bạn tự hỏi liệu chúng cuối cùng có ngăn nắp hay không. Bạn bị kiệt sức vì sự bừa bãi của chúng. Bạn tự hỏi Liệu Đức Chúa Trời có thay đổi chúng hay không?
AI CŨNG CÓ NAN ĐỀ
Tôi biết bạn đang cảm thấy gì. Là một mục sư, mỗi ngày tôi phải đối diện với nhiều thử thách. Tôi cố hết sức để là một mục sư tốt. Tôi dạy lời của Chúa, khuyên nhủ người quẫn trí, thăm người bệnh v.v… Nhưng vẫn còn đó những người không bao giờ hài lòng với công việc của tôi. Họ trách cứ:
“Tôi không được nuôi dưỡng về tâm linh.” “Mục sư không thăm tôi trong bệnh viện.” “Mục sư không có đó để khuyên nhủ tôi khi tôi cần ông ấy.” “Tôi không đi nhà thờ vì anh X là người vô thần.” “Tôi không đi nhà thờ vì những người trong nhà thờ không thân thiện.” “Ở nhà thờ không ai để ý đến tôi.” V.v…
Sau khi gặp phải những lời than trách này và nhiều thử thách khác, tôi cũng muốn bỏ cuộc. Tôi than thở với những nan đề của mình, Là một mục sư tốt thì có ích gì. Họ không đánh giá tôi đúng. Tôi muốn nói, “Quên họ đi!” Dĩ nhiên đó là xác thịt tôi nói, không phải từ lòng tôi.
Lòng tôi nói, “Họ không biết họ đang làm gì. Họ chỉ làm cho họ thất vọng. Họ không muốn làm tôi buồn. Tôi hãy vui mừng.” Đây là điều bạn cần làm: Hãy vui mừng!
HÃY LUÔN LUÔN VUI MỪNG
Phi-Líp 4:4 nói, “Hãy luôn luôn vui mừng trong Đức Chúa Trời. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng!” Bạn nên vui mừng thường xuyên như thế nào? Tôi biết câu trả lời, Luôn luôn! Bạn nên luôn luôn vui mừng, vì “vui mừng”là trái dễ bị mất nhất. Bạn không thể sống với sự vui mừng bạn có trong ngày hôm qua. Sự vui mừng chỉ mang đến cho bạn sức lực khi bạn có nó.
Nếu bạn có sự vui mừng vào tuần trước, sự vui mừng đó không cho bạn sức lực trong ngày hôm nay. Sự vui mừng chỉ có thể cho bạn sức lực trong ngày hôm nay nếu bạn có nó trong ngày hôm nay. Đây chính là lý do vì sao bạn phải luôn luôn vui mừng.
Bạn không thể nói, “Tôi không cảm thấy vui mừng.” Chúa không có phán, “Hãy vui mừng, chỉ khi ngươi cảm thấy vui mừng.” Không! Ngài nói, “Hãy luôn luôn vui mừng.” Rõ ràng Chúa biết rằng chúng ta không luôn luôn cảm thấy vui mừng. Nhưng bạn cần luôn luôn vui mừng vì nếu bạn không vui mừng, bạn đã đánh mất sức lực để chiến đấu.
Gia-cơ 1:2 nói, “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn.” Sự vui mừng trọn vẹn không phải là hạnh phúc. “Hạnh phúc” (happiness) có từ từ “xảy ra” (happen). Do vậy, hạnh phúc dựa trên điều gì đó đang xảy ra. Nếu điều gì đó tốt đang xảy ra, thì bạn thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, Chúa nói rằng sự vui mừng trọn vẹn cũng có kể cả khi đang giữa sự thử thách trăm bề – cả khi xe bị hư, hay khi con cái đau ốm, hay khi ông chủ cắt bớt giờ làm, hay khi người hôn phối đang khó chịu,v.v…
Vì sao Gia-cơ lại bảo chúng ta rằng hãy coi những thử thách trăm bề như điều vui mừng trọn vẹn? Vì sự vui mừng cho bạn sức lực để chiến đấu với các thử thách, và bạn sẽ chiến đấu các thử thách, bạn sẽ vượt qua. Gia-cơ tiếp, “vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.” Bạn thấy đó, Gia-cơ nghĩ trong đầu “chiến thắng mọi thử thách”, chứ không”chấp nhận thử thách của người.” Như vậy, bằng sự vui mừng, bạn vượt qua thử thách của bạn.
DẦU VẬY TÔI VẪN VUI MỪNG
Tôi thích câu ở Ha-ba-cúc 3:17 “Vì dầu cây vả sẽ không nứt lộc nữa, và sẽ không có trái trên những cây nho; Cây ô-li-ve không sanh sản, và chẳng có ruộng nào sanh ra đồ ăn; Bầy chiên sẽ bị dứt khỏi ràn, và không có bầy bò trong chuồng nữa.” (Nghe có vẻ như người này có nhiều nan đề.) Hãy xem tiếp câu sau:
“Dầu vậy…Dầu vậy…Dầu vậy…Dầu vậy…Dầu vậy.”
Lưu ý, người không đầu hàng các nan đề của mình. Người sẽ làm gì đó cho các nan đề của người.
Người nói, “Dầu vậy tôi sẽ VUI MỪNG TRONG ĐỨC CHÚA TRỜI, tôi sẽ VUI MỪNG TRONG ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA SỰ CỨU RỖI TÔI”
Người vui mừng vì, “Đức Chúa Trời Tối Cao là sức mạnh của tôi; Ngài làm cho chân tôi giống như chân con hươu, Ngài khiến cho tôi đi trên các nơi cao.”
Bạn thấy đó, Ha-ba-cúc không có ý định chịu thất bại. Người có vẻ như bị thất bại, nhưng người không chịu thất bại. Sự khác nhau giữa người thất bại với người chiến thắng chỉ là thái độ của họ.
Thái độ biết ơn sẽ khiến bạn vượt qua trong cuộc sống. Đó là loại thái độ mà nhà tiên tri này có. Cho dù chẳng có điều gì tốt xảy ra trong cuộc đời của người – không có trái cây, không có mùa màng, không có chiên, không có trâu bò – nhưng người vẫn vui mừng.
Trong thế giới hiện đại ngày nay, Ha-ba-cúc có thể nói theo cách này:
“Dù không có thức ăn trong tủ lạnh, và không có tiền trong ngân hàng, dù bệnh tật nặng thêm, và sự đau đớn hành hạ, dù con cái bị nghiện, và người hôn phối không chấp nhận tôi, dầu vậy tôi vẫn vui mừng trong Đức Chúa Trời, tôi vẫn vui mừng Trong Đức Chúa Trời là Đấng cứu chuộc tôi.”
Dù hoàn cảnh như thế nào, bạn vẫn có thể vui mừng!
NGUỒN CỦA SỰ CỨU RỖI
Chúng ta hãy đọc một câu cuối cùng trong Kinh Thánh: “Chắc chắn Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi tôi; tôi sẽ tin cậy và không sợ hãi. Đức Chúa Trời, chính Đức Chúa Trời là sức mạnh của tôi, lời ca của tôi; Ngài đã là sự cứu rỗi tôi. Vậy nên CÁC NGƯƠI HÃY BẰNG SỰ VUI MỪNG MÚC NƯỚC TỪ CÁC NGUỒN SỰ CỨU RỖI” (Ê-sai 12:2-3).
Bạn có biết có các “nguồn” sự cứu rỗi không? Khi bạn được cứu, bạn được thừa hưởng rất nhiều nguồn. Mỗi nguồn chứa đựng ơn phước riêng:
Mỗi nguồn có một tấm bảng trên đó ghi: CHỮA LÀNH. Nguồn khác ghi: THỊNH VƯỢNG. Còn nguồn khác nữa ghi: KHÔN SÁNG. Khi bạn nhìn quanh tất cả các nguồn, bạn sẽ thấy một nguồn khác với một biểu tượng có nghĩa: PHỤC HỒI GIA ĐÌNH.
Bạn càng nhìn vào các nguồn bạn được thừa hưởng, lòng bạn càng vui mừng.
Hãy lưu ý là trong câu Kinh Thánh này nói bằng sự vui mừng, bạn múc nước lên từ các nguồn của sự cứu rỗi. Bạn cần cơ bắp – sức lực – để kéo nước lên tứ các nguồn. Nếu bạn không có sức lực bạn không thể kéo nước lân từ các nguồn. Đó là lý do vì sao Ê-sai nói, “bằng sự vui mừng các ngươi hãy kéo nước lên từ các nguồn của sự cứu rỗi.” Cần có sự vui mừng để kéo nước lên từ các nguồn chữa lành, thịnh vượng, khôn sáng và phục hồi gia đình. Không có sự vui mừng, bạn không thể kéo nước lên từ những nguồn tuyệt vời đó.
Sự vui mừng khiến cho bạn mạnh mẽ và có thể kéo được nước lên từ các nguồn cứu rỗi.
Bạn có thể đang đau ốm. Dù Chúa đã ban cho nguồn nước “chữa lành”, nhưng chỉ có bằng sự vui mừng bạn mới có thể kéo nước từ nguồn này lên. Vậy, hãy vui mừng dù bạn đang đau ốm.
Bạn đang nghèo khó. Nhưng chỉ bằng sự vui mừng bạn mới có thể kéo mước từ nguồn “thịnh vượng.”
Bạn có thể đang bị bủa vậy bởi sợ hãi, lo lắng và thất vọng. Nhưng, bằng sự vui mừng bạn có thể kéo nước lên từ nguồn “khôn sáng”!
Đừng buồn. Đừng chán nản.
Ma quỷ có khả năng tấn công bạn (nói cho cùng, hắn là chúa trong thời gian này) nhưng hắn không có quyền đánh cắp sự vui mừng của bạn. Sự vui mừng là một nguồn lực tâm linh ở bên trong tâm linh con người. Satan có thể đụng đến cơ thể bạn, tiền tài của bạn và gia đình bạn như sách của Gióp đã dạy, nhưng ma quỷ không thể đụng đến tâm linh bạn. Tâm linh bạn nằm ngoài các giới hạn đụng đến của ma quỷ. Vì ma quỷ không thể đụng đến tâm linh bạn nên cũng không thể đánh cắp sự vui mừng của bạn.
Satan không thể đánh cắp sự vui mừng của bạn vì nó thuộc về tâm linh. Nếu bạn đánh mất sự vui mừng thì điều đó do bạn đã bỏ nó đi. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn luôn vui mừng, Satan buộc phải thả các ơn phước của bạn ra.