Người chậm nóng giận thắng hơn người dõng sĩ
Và ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành
Châm ngôn 16:32
Khá lâu rồi tôi có đọc một truyện ngắn trong một tờ báo văn học, câu chuyện này làm tôi suy nghĩ hoài. Có một người đánh cờ tướng giỏi, và rất háo thắng, đánh đâu thắng đó. Có lần ông đánh cờ với một tu sĩ nổi tiếng cao cờ. Ông quyết thắng cho bằng được để chứng tỏ tài nghệ mình. Trong toàn bộ cuộc cờ ông rất nóng ruột, nóng mặt, nóng máu đi những thế cờ đàn áp, tỏ vẻ bộp chộp, mất bình tĩnh, nhưng vị tu sĩ vẫn rất điềm tĩnh. Gần cuối vì bộp chộp, ông đi lộn một nước cờ quyết định, và biết chắc rằng vị tu sĩ sẽ đi một thế cờ để dứt điểm. Vị tu sĩ điềm tĩnh nhìn bàn cờ hồi lâu, cuối cùng đi một thế cờ khác. Người đàn ông thở phào nhẹ nhõm, tấn công liên tiếp và thắng. Vị tu sĩ đưa tay ra: chúc mừng ông. Trong giây lát, người đàn ông nhìn vị tu sĩ, và nhỏ nhẹ nói: không, ông mới là người thắng cuộc.
Câu chuyện đầy tính nhân bản. Người đàn ông thắng vị tu sĩ ván cờ, nhưng biết rằng ông ta cố ý nhường mình, biết mình thua ông ta ở sự điềm tĩnh, ở cái nhân cách. Quả thật, thắng một ván cờ không quan trọng hơn sự thắng về nhân cách. Thắng người dễ hơn thắng mình.
Trong Chúa, người ta hay nói chữ sống đắc thắng, ngụ ý một cuộc sống thắng mọi cám dỗ, một đời sống đạo tốt. Nhưng trước khi thắng mọi cám dỗ, có một cuộc chiến cần phải thắng trước, đó là thắng mình. Điều này quan trọng đến nỗi sách Châm ngôn phải đề cập tới, đoạn 16:32: người chậm nóng giận thắng hơn người dõng sĩ. Và ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành.
Chúng ta phải chiến đấu và chiến thắng ít nhất ba “đối thủ” trong chính con người mình mà tôi đọc được qua lời của Chúa và có ảnh hưởng nhiều đến đời sống đạo thường ngày: đó là suy nghĩ nóng giận, lời nói thương tổn, hành động tổn hại.
Suy nghĩ nóng giận
Người ta nói rằng trong con người có thất tình (bảy tính khí) là hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Nộ (giận) nằm ở vị trí số 2 (theo tôi vị trí này chắc không có ý nghĩa gì nhiều vì chỉ cốt để cho vần mà thôi) Là người, ai cũng đã từng có lúc giận, đang giận, và sẽ giận. Chúa Jesus cũng có lúc giận, giận tới nỗi lật bàn đổi tiền, mở chuồng cho chim bồ câu bay đi, bện roi bằng dây thừng đuổi đám người buôn bán trong đền thờ (Mác 11:15-16) Nhưng cơn giận của Chúa Jesus là một cơn giận có …chính nghĩa, giận tội lỗi. Chúng ta được mong đợi có những cơn giận giống vậy, nhưng rất tiếc, đôi khi chúng ta lại nổi giận với những điều không đáng, không cần thiết và chính mình gây tội lỗi. Chúa sẽ giận chúng ta.
Kinh Thánh không có chỗ nào nói là cấm giận, không được giận, Kinh Thánh có nói như vầy: ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội, chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn (Ê phê sô 4:26) Có nghĩa là đừng giận dai, vì giận dai là một con virus ma quỷ cấy vào những người có tính hay giận để dẫn đến đổ vỡ, và … và đừng cho ma quỷ nhân dịp (Ê phê sô 4:27a) Hãy tưởng tượng ma quỷ nhìn thấy một người đang giận, biết người đó có tính cố chấp, hay giận dai, đứng nhìn một cách thích thú, bên cạnh thủ sẵn một bình dầu lửa (hoặc xăng), hễ người kia vừa nguôi nguôi (lửa hơi hạ xuống) thì chế thêm dầu (xăng) vào cho nó cháy bùng trở lại. Ban đầu lẽ ra chỉ cháy có một căn nhà thôi, nhưng vì ma quỷ cứ chế thêm dầu, lửa cháy càng mạnh, cháy lan nhà bên cạnh (bị vạ lây), cháy luôn hết cả chung cư. Than ôi, nếu đừng có tật giận dai thì có lẽ tình trạng không đến nỗi trầm trọng như thế. Khi cháy hết cả chung cư rồi mới ngồi nhìn đống tro tàn mà hối tiếc, thì đã …too late. Vua Sau lơ khi nghe dân Do Thái hát bài ca so sánh mình và Đa vít: Sau lơ giết hàng ngàn, Đa vít giết hàng vạn (không phải lỗi của Đa vít) thì: lấy làm giận lắm, và kể từ ngày ấy, Sau lơ thường ngó Đa vít cách giận… (I Sam 18:7-9) đã từng giận Đa vít qua đêm, giận nhiều ngày, giận nhiều tháng, và cháy cả …hoàng triều của ông.
Kinh Thánh cũng nói về sự tệ hại của sự giận: đá thì nặng, cát cũng nặng, nhưng cơn tức giận của kẻ ngu dại còn nặng hơn cả hai (tôi biết, nhưng nhờ mọi người tìm địa chỉ giùm) Có nghĩa là cơn giận (của kẻ ngu dại) nặng hơn là cát với đá cộng lại. Ném trúng ai thì nguời đó sẽ từ chết đến bị thương. Có câu no mất ngon giận mất khôn, là vô cùng chí lý. Biết bao nhiêu anh hùng thế gian chỉ vì một cơn giận mà “hỏa thiêu” cả sự nghiệp của mình. Chúng ta biết rằng những cơn giận thường ở sẵn trong mình chờ cơ hội là nổ bùng, mà chúng ta không có cách chi khống chế được.
Đây là chướng ngại cản trở cuộc sống tâm linh chúng ta, tấn công chúng ta hàng ngày hàng giờ, chúng ta phải chiến đấu và chiến thắng, nhưng làm sao? Sức chúng ta không chiến thắng được. Phải nhờ sức của Chúa. Khi thấy cơn giận chuẩn bị tràn bờ, hãy kêu Chúa. Ước mong rằng lúc đó chúng ta cũng còn kịp nhớ đến Chúa và gọi Ngài. Ngài sẽ đem chúng ta ra khỏi “suy nghĩ” hay chết đó.
Lời nói thương tổn.
Khi suy nghĩ nóng giận đã đủ lửa để khơi mào hành động, thì lời nói sẽ buông ra. Cánh cung giăng hết mức, mũi tên sẽ lao đi. Mathiơ 12: 34b viết: bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Giống như nồi nước sôi mạnh sẽ bật nắp, trào ra. Nước sôi trào làm phỏng người chạm vào. Lời nói khi nóng giận sẽ gây thương tổn cho người khác.
Kinh Thánh đã dùng nguyên một đoạn trong sách Gia cơ để nói về nguy hại của lưỡi. Gia cơ 3. Và câu 2 viết rằng: chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. Không ai là không vấp phạm cả. Khuyết tật của lưỡi có nhiều kiểu: nói láo, nói ẩu, nói đại, nói bậy, nói thêm…, là những lời nói không nên có, đặc biệt là nói hành, bệnh nói hành là bệnh phổ biến nhất, dễ xảy ra nhất, bất cứ ở đâu. Mùi hành không hề dễ chịu, nhất là để trong miệng. Trong một bài giảng Mục sư có kêu gọi rằng chẳng những không nói hành, tín hữu cũng không nên nghe nói hành. Nghe nói hành sẽ bị cám dỗ nói hành. Ranh giới của hai việc đó rất mong manh. Có một cách chấm dứt sự nói hành rất hiệu nghiệm mà Châm ngôn 26: 20 chép: lửa tắt tại thiếu củi, khi chẳng có ai thèo lẻo cuộc tranh cạnh bèn nguôi. Khi có ai đến với mình để nói hành người khác, đừng nói thêm, yên lặng đi, “hành” sẽ héo vì không ai tưới nước.
Điều răn thứ sáu rằng: chớ giết người. Nhưng ai cũng biết rằng giết người chẳng bởi tại súng đạn gươm dao mà thôi, nhưng cũng có thể giết người bằng lời nói. Sự giết này ghê gớm hơn. Súng bắn một cái, dao đâm một cái, là chết ngay, không đau đớn vật vã nhiều, nhưng chết vì lời nói dằng dai, vật vã, khổ sở, đau đớn lắm. Gia cơ 3: 5-6 cũng nói rằng chẳng những giết người, nó còn gây cháy, cháy lớn, thiệt hại lớn.
Người Việt hay nói: trước khi nói hãy uốn lưỡi bảy lần. Khi đang giận thì uốn 1 lần cũng không có, huống chi 7. Khi cơn giận làm mù mịt trí óc thì phải hả miệng ra ngay kẻo chết ngộp vì khói, uốn gì được. Không uốn, nói thẳng đuột, thẳng chưa chắc đúng, nhiều khi chỉ là hiểu lầm, hay nghe một điều gì đó chưa được “confirmed”, đâm trúng người ta, trúng tùm lum, hại tùm lum, giết người vô tội. Bệnh nói hành là bệnh phổ biến nhất trong vòng các Hội Thánh, và làm thương tổn Hội Thánh nhiều nhất. Làm sao để giận mà không “phun châu nhả ngọc” ra ngay mới là thắng được mình. Gia cơ 1:19 viết: Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận.
Sau khi giận Đa vít cành hông, Sau lơ nói: người ta cho Đa vít hàng vạn, còn ta hàng ngàn, chỉ còn thiếu cho nó ngôi nước mà thôi. Lời nói này đã dẫn đầu cho hàng chục lời nói khác của Sau lơ sau này khi cơn giận đã lên đến tột đỉnh, dẫn đến hành động.
Lời Chúa dạy chúng ta cách ăn nói, Cô lô se 4:6: Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối… Tôi cho rằng nếu có một cái mà người Cơ đốc có thể được nhận ra trong vòng công chúng, thì chính là lời nói của người đó, cách ăn nói thể hiện phẩm cách của một người, và những người được gọi là “muối” nên nói lời có muối, mặn mà, đậm đà. Chúng ta cũng nêm thêm muối, nhưng là muối ớt. Có khi ớt nhiều hơn muối. Ớt thì cay, thì nóng. Điều đáng buồn là lời Chúa thì không nghe, lại nghe lời người khác, rồi nói lời của mình, là những lời gây thương tích, không chữa lành. Tôi xin chúng ta hãy luôn chuẩn bị một hũ muối, khi nói, hãy lấy muối ra nêm vào, hũ “ớt” thì “dụt” đi. Như vậy có thể “thắng” được lời nói thương tổn.
Hành động tổn hại
Khi giận lên đến cao điểm, thì nói. Nhưng nói vẫn chưa hả giận, phải “làm” một cái gì đó. Do something. Sau lơ khi nghe dân sự hát bài ca đáng ghét, thì giận, giận thì nói, nói trong lúc giận, rồi sau đó là “làm”, làm gì? I Sam 19:10: Sau lơ muốn lấy giáo đâm Đa vít dính vào vách, nhưng Đa vít tránh khỏi. giáo của Sau lơ găm trong vách… Đa vít được Chúa giải cứu khỏi mũi giáo tàn độc của Sau lơ, nhưng Sau lơ là người gây ra tội ác. Nói đã khó gỡ, hành động rồi lại càng khó hơn. Lời nói làm đau tim đau óc, nhưng hành động là một án “tử hình”. Hành động tổn hại là hậu quả thiết yếu của suy nghĩ nóng giận mà được “nuôi” kỹ, phát ra lời nói, dẫn đến hành động.
Một hình thức phổ biến trong Hội Thánh là khi giận ai đó, (giận giữa vòng tín hữu với nhau thì không căng thẳng lắm, lâu ngày chầy tháng có thể giải quyết được, nhưng giận Mục sư là “đổ nợ”, vì Mục sư là một “tấm gương” để người ta “nhìn” mà Mục sư thì “nhân vô thập toàn” như mọi người, biết làm sao) thì hay nói, giữ không được, nói cho người này người kia, bắn tiếng là sẽ rời khỏi Hội Thánh, sẽ đi Hội Thánh khác, sẽ lập Hội Thánh mới, rồi khi rời khỏi, sẽ kéo theo một số người cùng đi với mình. Hội Thánh Chúa “phát triển” khắp nơi, cũng chỉ vì những trường hợp như vậy. Thế gian “cười’” vì cách “phát triển” ngộ nghĩnh của Hội Thánh. Người ta không hề biết rằng khi làm như vậy, thì “đau” thân thể của Chúa, như lời Chúa dạy, chứ không đau ai cả. Về phần tôi, khi cố gắng nghiên cứu Kinh Thánh thì thấy dường như Đức Chúa Trời không muốn “phát triển” Hội Thánh theo cách đó bao giờ. Chúng ta ai nấy biết cách mà Đức Chúa Trời muốn.
Tôi có quen một tín hữu viết văn. Chị kể tôi nghe chuyện trong Hội Thánh chị (một Hội Thánh đâu đó trong nước Úc mênh mông) một vị chức sắc trong ban Chấp Hành, giận Mục sư vì chuyện chi đó (không nhớ rõ, Mục sư thì có hàng chục, hàng trăm chuyện để tín đồ giận, đặc biệt là trong các bài giảng, như Môi se đứng trên đầu nổng, làm mục tiêu để dân A ma léc bắn), nói những lời độc địa, điện thoại rao bán khắp nơi, chưa hả giận, email ra toàn nước Úc, toàn thế giới !!!, để tố cáo Mục sư. Email (blog, website, youtube….) là những thứ có thể vượt qua tất cả mọi biên giới. Ngày kia anh gặp một tín hữu trong nhà thờ, chào bà (một bà lớn tuổi), bà nói: tôi không thèm nói chuyện với anh (có lẽ tôi nhớ không chính xác câu bà nói, vì chỉ nghe nói lại) Anh này nói, làm gì dữ vậy chị, mình còn gặp nhau ở thiên đàng mà. Bà nói: anh mà vào thiên đàng cái gì, địa ngục thì có (nhớ không chính xác lắm, nhưng đại ý là vậy) Chồng bà phải lôi bà đi, mà bà còn ấm ức muốn đứng trì lại nói thêm. Tôi không tán đồng lắm những câu nói của bà tín hữu lớn tuổi, nhưng công nhận là bà nói đúng (nhưng cũng xin bà bớt giận và thôi nói những lời đó, như vậy là đủ, nếu tiếp tục nói những lời thương tổn thì sẽ dẫn đến hành động tổn hại) Chuyện của bà cũng là một tiến trình của suy nghĩ, nói và làm, tuy việc làm có “chính nghĩa” hơn.
Đây là một đoạn Kinh Thánh Phao lô mô tả cuộc chiến tranh chống lại mình. Rô ma 7: 19: vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. Ông tuyệt vọng vì điều đó, ông kêu lên: Khốn nạn cho tôi, ai sẽ cứu tôi ra khỏi thân thể hay chết này? Và ông tự trả lời: nhờ Đức Chúa Jesus Christ, là Chúa chúng ta.
Đây cũng là một đoạn Kinh Thánh tiêu biểu mô tả sự tuyệt vọng tranh chiến nội tâm của con người, tất cả mọi người. Dường như không ai tránh khỏi điều đó, từ trong sâu thẳm lòng mình ai cũng muốn làm điều tốt nhưng lại ngược lại, không thể làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. Câu hỏi đặt ra cho tất cả chúng ta là: ai sẽ cứu? Chỉ một câu trả lời: Chúa Jesus. Chúa Jesus không chỉ “cứu” người ta ra khỏi thế gian tăm tối, “cứu” linh hồn người ấy, Chúa Jesus còn muốn ”cứu” người ta ra khỏi sự khống chế của tội ác, ma quỷ và chính mình (bản ngã)
Chúa Jesus nói rằng chúng ta là ánh sáng của thế gian và là muối của đất. Thế gian cũng có đèn, có muối, những ngọn đèn này, những hạt muối này của Cơ đốc nhân cần phải sáng hơn, mặn hơn, tốt hơn. Đạt đến mức: không thể trách được (Phi líp 2:15). Như vậy thì mới có thể soi sáng và muối mặn cách hữu hiệu cho thế gian. Đây là ba cách mà Chúa đã dạy cho chúng ta, chúng ta có thể làm để thắng mình, thứ nhất là: ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội, chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn. Thứ hai là chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em, nhưng khi nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến. Thứ ba là: điều gì tựa như điều ác thì phải tránh đi.
Phải thắng mình trước khi đi ra thắng thế gian. Nếu không chúng ta chỉ là những ngọn đèn úp trong cái thùng và những hạt muối mất mặn. Những ngọn đèn úp trong cái thùng chẳng ai thấy, những hạt muối mất mặn bị chà đạp dưới chân, thì soi sáng và muối mặn thế gian chỗ nào?
Mục sư Lữ Thành Kiến