Chương 1: CÁC VUA VÀ CÁC NHÀ TIÊN TRI
Khi rời khỏi các sách Samuên, chúng ta đi vào các sách I & II Các vua. Khi nghiên cứu các sách nầy, hãy chú ý đến hai chủ đề: (1) Cách mà Đức Giêhôva làm cho Ysơraên thích nghi được ở giữa sự bội đạo và sa ngã trầm trọng (2) Sự kiên nhẫn của Đức Giêhôva đối với những vị vua gian ác. Những chủ đề đáng chú ý nầy sẽ là những công cụ chắc chắn mạnh mẽ giúp bạn khi lên đến đỉnh điểm hay xuống tận điểm thấp nhất của các sách thuộc về vương quốc của lịch sử dân Hêbơrơ.
Một Cái Nhìn Chung Về Các Vua Và Các Vương Quốc.
Các sách I & II Các vua cho chúng ta biết về việc có vương quốc là do người Ysơraên không muốn Đức Giêhôva làm vua của họ. I Các vua nói về sự phân chia vương quốc. II Các vua, chúng ta bắt gặp những chi tiết về tình trạng tù hãm đáng buồn của họ.
Chúng ta sẽ tìm thấy nhiều sự cảnh báo trong I & II Các vua, vì hầu hết những vị vua nầy đều là gian ác. Hậu quả dân chúng phải chịu thật khủng khiếp, và những vị vua phải chịu trách nhiệm về sự gian ác của chính họ.
Hai sách nầy rất quan trọng và có ý nghĩa vì chúng ghi lại sự phân chia, suy sụp, và cảnh nô lệ của hai vương quốc Ysơraên và Giuđa. Chúng ta có thể gọi I & II Các vua là “Sự chỗi dậy và sụp đổ vương quốc của dân Hêbơrơ”. II Các vua 17 mô tả về vương quốc phía Bắc, tức Ysơraên, do mười chi phái lập thành, bị Asiry giam cầm. Họ đã phải diễu hành đến Asiry trong xiềng xích, và chúng ta không còn nghe Kinh Thánh đề cập đến họ nữa. Họ thường được gọi là “những chi phái bị thất lạc của Ysơraên”.
Trong II Các vua 25, chúng ta biết về sự lưu đày đáng sợ của vương quốc Giuđa ở phía Nam trong tay Nêbucátnếtsa và nước Babylôn. Những người còn sót lại sau đợt tàn sát đã bị mang qua xứ Babylôn khi Giêrusalem thất thủ. Bảy mươi năm sau, nước Pherơsơ chinh phục Babylôn. Siru Đại Đế, vị hoàng đế Pherơsơ, được Đức Chúa Trời Toàn Năng cảm động, ra chiếu chỉ rằng bất cứ kẻ nô lệ Hêbơrơ nào đang sống trong nước Pherơsơ được tự do trở về Ysơraên để xây dựng lại đền thờ, thành phố, đất nước và những mảnh đời đổ vỡ của họ.
Về phương diện lịch sử, Exơra, Nêhêmi và Êxơtê là “những sách lịch sử hậu nô lệ”, cho chúng ta biết sự trở về của một số con cái Ysơraên đang sống trong cảnh nô lệ tại Babylôn.Sách Êxơtê mô tả những sự kiện xảy ra trong xứ Mêđi – Pherơsơ giữa vòng các con cái Ysơraên, là những người đã quyết định không trở về. Khi chúng ta kết thúc sách Êxơtê, thì đồng thời chúng ta cũng chấm dứt sự nghiên cứu về các sách lịch sử của Cựu ước.
Gặp Gỡ Những Nhà Tiên Tri.
Trong Cựu ước, tất cả những tác giả viết các sách tiên tri đều phù hợp với mạch văn của các sách lịch sử ở một điểm nào đó. Khi kết thúc sự nghiên cứu về các sách Thơ văn của Cựu ước, chúng ta sẽ gặp gỡ những tiên tri nầy cách sâu sát và riêng tư.
Chức Vụ Tiên Tri Là Gì?
Chúng ta hãy luận xem chức vụ tiên tri là gì? Từ tiên tri theo nghĩa đen nghĩa là “nói cho Đức Chúa Trời”. Nó là một từ phức hợp: “pro”, có nghĩa là “đứng trước”, và “phano”, nghĩa là “làm sáng lên”. Đó là nhiệm vụ của nhà tiên tri. Các tiên tri rao giảng Lời của Đức Chúa Trời đã được viết ra (các sách của Môise). Họ cũng nhận sự khải thị mới từ Đức Chúa Trời.
Để hoàn thành, họ đã “bày tỏ ra”, nói ra, hoặc công bố Lời của Đức Chúa Trời. Qua những ý nghĩa đó, ta thấy họ là những người rao giảng, và cũng có lúc họ nói trước những việc trong tương lai. Việc nói tiên tri thường hấp dẫn chúng ta, nhưng một tiên tri thật trước hết là rao ra Lời Đức Chúa Trời. Các tiên tri đứng giữa Lời của Đức Chúa Trời và dân sự của Ngài.Công tác của họ thường phải khiển trách vì dân sự hay đi lạc hướng, tách khỏi Đức Chúa Trời và Chúa quở trách họ qua các tiên tri trung tín của Ngài.
Trong I Các vua, Êli là trọng tâm chủ yếu; trong khi ở II Các vua, thì đó là Êlisê, người kế tục Êli. Mặc dù chúng ta nhấn mạnh đến hai nhà tiên tri nầy khi khảo sát sách Các vua, song chúng ta cũng không nên bỏ sót bất cứ nhà tiên tri nào. Trong I Các vua 22, bạn sẽ gặp một trong số những tiên tri tôi ưa thích, đó là Michê.
Khi vương quốc bị phân chia, các vị vua thường là kẻ thù của nhau, nhưng đôi khi họ vẫn hợp tác với nhau. Xin nhớ rằng, tất cả các vị vua ở vương quốc phía Bắc đều là gian ác và bội đạo. Vương quốc phương Nam là Giuđa có được một số vị vua tốt, song không có ai như Đavít. Một vài vị vua có lòng kính sợ Chúa, chẳng hạn như Êxêchia, Giôsaphát và Giôsia.
Trong I Vua 22, đề cập đến vị vua Ysơraên là Aháp, và vua Giuđa là Giôsaphát, có một buổi hội đàm với nhau. Aháp là vị vua rất gian ác, trong khi đó Giôsaphát trộn lẫn giữa điều tốt và điều xấu. Họ đang cùng nhau bàn luận điều gì vậy? Họ có chung những người cháu, vì con cái của họ đã kết hôn với nhau. Nhưng lý do chính để họ đến với nhau là vì Aháp cần sự trợ giúp của Giôsaphát trong cuộc chiến chống lại Syri.
Giôsaphát đáp ứng lời đề nghị của Aháp, song trước hết ông muốn biết ý kiến của các nhà tiên tri. Vào thời điểm nầy, theo truyền thống, mỗi khi sắp thực hiện một kế hoạch nào, họ thường hỏi ý kiến của các nhà tiên tri. Aháp nói: “Ông cần các tiên tri sao? Tôi sẽ vời các tiên tri đến. Tôi có 850 tiên tri – là các tiên tri của Baanh và những vị thần xuất chúng khác”. Tất cả những nhà tiên tri giả đó đã khuyến khích Aháp ra tranh chiến và tiên báo là sẽ chiến thắng, nhưng Giôsaphát muốn nghe từ miệng một vị tiên tri của Đức Chúa Trời chân thật, là Đức Giêhôva.
Một cách miễn cưỡng, Aháp nói, “Vẫn còn một người nữa là Michê, con trai của Giêmla; nhờ người ấy ta có thể cầu vấn Đức Giêhôva; nhưng tôi ghét người, vì người chẳng bao giờ nói tiên tri lành về tôi, bèn là dữ đó thôi” (8). Giôsaphát nói, “Hãy dẫn người đến!” Do đó, Aháp sai một sứ giả đi tìm Michê.
Khi sứ giả trở lại cùng với Michê, ông bảo Michê hãy vui vẻ và nói những lời tiên tri cho phù hợp với lời của các tiên tri khác, nhưng Michê nói: “Ta sẽ nói điều gì mà Đức Giêhôva dạy ta phải nói!” (14).
Khi Michê được đưa đến trước hai vua trong cung điện của Aháp với đầy đủ nghi lễ và sự huy hoàng của các vua, Aháp nói: “Nầy, Michê, chúng ta sẽ đi đánh những người Syri chứ?” Michê nói: “Hẳn vậy! Hãy tiến tới! Vua sẽ chiến thắng!” Aháp kinh ngạc hỏi: “Ông đang nói cho tôi nghe Lời chân thật của Đức Giêhôva, phải không?” Michê trả lời: “Nếu vua thật sự muốn biết, tôi thấy cả Ysơraên bị tản lạc trên các núi như bầy chiên không có người chăn”. Aháp nói: “Vua thấy không? Tôi đã chẳng nói với vua sao? Ông ta không bao giờ nói điều gì tốt cả! Luôn luôn là điều xấu!” (15-18).
Dầu vậy, Aháp và Giôsaphát vẫn quyết định chiến đấu chống lại người Syri. Nhưng Michê nói thẳng với họ là họ đang nghe theo những lời dối trá: “Tôi thấy Đức Giêhôva ngự trên ngôi Ngài, và cả cơ binh trên trời đứng chầu Ngài bên hữu và bên tả. Đức Giêhôva phán hỏi: ‘Ai sẽ đi dụ Aháp, để người đi lên Ramốt trong Galaát, và ngã chết tại đó?’… Bấy giờ, cómột thần ra đứng trước mặt Đức Giêhôva mà thưa rằng: ‘Tôi sẽ đi dụ người’, Đức Giêhôva phán hỏi thần rằng: ‘Dụ cách nào?’ Thần thưa lại rằng: ‘Tôi sẽ đi và làm một thần nói dối trong miệng những tiên tri của người’. Đức Giêhôva phán rằng: ‘Phải, ngươi sẽ dụ được người. Hãy đi và làm như ngươi đã nói!’”(19-22).
Aháp ra lệnh bỏ tù Michê và chỉ cho ăn bánh và uống nước khổ nạn cho đến ngày vua trở lại. Đối mặt với điều đó, nhà tiên tri trả lời: “Nếu vua trở về bình an thì Đức Giêhôva không cậy tôi phán” (28). Aháp và Giôsaphát dẫn đạo binh ra chống lại người Syri. Chúng ta có thể nghĩ rằng Michê đã chết trong tù do vua Aháp không trở về. Ở giữa trận chiến, lời tiên tri của Michê đã ứng nghiệm đến từng chi tiết. Hai đạo quân của Aháp và Giôsaphát đều bị tản lạc trên núi đồi như những con chiên không có người chăn.Một người lính Syri bắn bừa một mũi tên, lại trúng ngay vào điểm yếu của chiếc áo giáp Aháp. Vua bị mất máu nhiều cho đến chết, còn đạo binh thì thất trận trở về.
Có nhiều nhà tiên tri vô danh, không được ghi rõ tên tuổi trong sách Các vua. Ví dụ như trong I Các vua 13, một tiên tri không tên tuổi đã đối mặt với vị vua gian ác là Giêrôbôam.Giêrôbôam đã chỉ tay vào mặt vị tiên tri nầy và nói: “Hãy bắt lấy hắn!” Nhưng cánh tay của vua đã trở nên khô ngay trong tư thế đó, không thể co lại được! Lúc ấy, ông đã xin vị tiên tri: “Xin hãy kêu cầu Đức Giêhôva để cho tay tôi được trở lại như cũ!” Thế là vị tiên tri đã gia ơn cho Giêrôbôam, đem sự hiện diện của Đức Chúa Trời vào trong đời sống của vị vua bội nghịch nầy qua sự chữa lành siêu nhiên.
Khi bạn đọc về các nhà tiên tri tin kính nầy, xin ghi nhận rằng tất cả họ đều được Đức Chúa Trời ban cho quyền lực siêu nhiên. Nếu không, họ đã không thể đối đầu với những vị vua gian ác đó. Như tôi đã nhận xét, Êli là vị đại tiên tri mà chúng ta từng gặp trong I Các vua. Trong I Các vua 18, Êli đã có những giây phút chói sáng trong đời. Dân sự của Đức Chúa Trời trong cả hai vương quốc hầu như hoàn toàn xây bỏ Đức Chúa Trời đi theo các thần ngoại giáo. Có nhiều tiên tri giả đại diện cho các thần giả dối. Êli đã thách thức 850 tiên tri của hoàng hậu Giê-sabên, vợ của Aháp, đến dự một cuộc thử nghiệm. Mỗi bên sẽ dựng bàn thờ, đặt của lễ thiêu lên đó, rồi cầu nguyện để thần của họ giáng lửa xuống thiêu hóa của lễ.
Khi Đức Chúa Trời đáp trả bằng lửa và đã thiêu hóa của lễ cách siêu nhiên, thì đó sẽ là chứng cớ không thể nào bác bỏ: Họ là tiên tri của Đức Chúa Trời chân thật! Trước toàn thể dân chúng tụ tập trên núi Cạtmên, các tiên tri của Baanh cầu nguyện rất khẩn thiết, thậm chí rạch mình, quất roi vào thân thể để mong có được sự đoái hoài của thần Baanh. Đến trưa, Êli bắt đầu chế nhạo chúng: “Các ngươi sẽ phải la to hơn thế nữa để có được sự chú ý của thần các ngươi! Người đang trò chuyện với ai, hoặc đang đi đường, hay là có lẽ người ngủ và cần được đánh thức dậy!”(27), chúng lại cầu nguyện cách điên cuồng cho đến ban chiều, cuối cùng đành bỏ cuộc.
Lúc đó Êli đào một mương nước chung quanh bàn thờ của Đức Giêhôva và đổ nước ướt sũng của lễ thiêu cùng với củi. Rồi người lớn tiếng dâng lên lời cầu nguyện của đức tin: “Lạy Giêhôva Đức Chúa Trời của Ápraham, của Ysác và của Ysơraên, ngày nay xin hãy tỏ cho người ta biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời trong Ysơraên, rằng tôi là kẻ tôi tớ Ngài, và tôi vâng lời Ngài mà làm mọi sự nầy. Đức Giêhôva ôi, xin nhậm lời tôi, xin đáp lời tôi, hầu cho dân sự nầy nhìn biết rằng Giêhôva là Đức Chúa Trời, và Ngài khiến cho lòng họ trở lại” (I Các vua 18:3637).
Ngay tức khắc, lửa từ trời giáng xuống thiêu hóa của lễ thiêu và làm bốc hơi tất cả nước ở trong mương. Lúc đó dân sự sấp mình xuống đất và la lên rằng: “Giêhôva là Đức Chúa Trời! Giêhôva là Đức Chúa Trời!” (39). Quả là một sự phục hưng lớn lao! Rồi dân sự của Đức Chúa Trời giết chết tất cả 850 tiên tri giả. Ngày đó trên núi Cạtmên là giờ phút sáng chói của Êli. Bạn hầu như không nhận ra Êli trong chương kế tiếp. Vợ của Aháp là Giêsêbên, người đã đem thần tượng Baanh vào đất nước Ysơraên, rất tức giận vì Êli tàn sát các tiên tri của bà.Vì vậy bà hăm dọa giết ông (19:2). Một Êli trước đó không hề run sợ đã chạy trốn vào đồng vắng, kiệt sức, ngồi dưới cây giêng giếng, và cầu nguyện xin chết. Ông hoàn toàn thất vọng và bị đánh bại.
Một trong các nan đề của Êli là sự kiệt sức về thể xác. Thực ra, có thể chọn tựa đề phù hợp cho I Các vua 19 là: “Làm thế nào khi thân xác, cảm xúc, và tâm linh bị suy kiệt?” Một cách dịu dàng và kiên nhẫn, Đức Chúa Trời đã giúp đỡ vị tiên tri của Ngài cách thực tế. Ngài bảo Êli hãy ngủ, và sai thiên sứ đem lương thực đến cho ông. Đức Giêhôva lại đến với người và hỏi một câu hỏi đầy khích lệ: “Hỡi Êli, ngươi ở đây làm chi?” Có khi nào Đức Chúa Trời hỏi bạn câu hỏi tương tự như thế không? Tôi không biết bạn đang ở mức độ nào về phương diện thuộc linh. Có thể Đức Chúa Trời muốn hỏi bạn, qua câu chuyện của Êli: “Con đang làm gì đây? Con có thực sự đang ở tại nơi mà Ta muốn con ở không?” Tôi xin nhắc lại là bạn nên tìm các ví dụ và các lời cảnh báo trong sách Các vua. Trong hai sách nầy, bạn sẽ tìm thấy những lời cảnh báo đáng sợ, đặc biệt là trong đời sống của những vị vua gian ác, và bạn cũng sẽ tìm thấy những tấm gương sáng chói trong đời sống của các tiên tri trung tín, đặc biệt là Êli, Êlisê, và Michê.
Chương 2: SỰ TRỖI DẬY VÀ SỤP ĐỔ CỦA VƯƠNG QUỐC
Khi nghiên cứu sách I & II Các vua, chúng ta học về sự chỗi dậy và sụp đổ của vương quốc mà trước đây con cái Ysơraên hằng mong ước. Vương quốc Hêbơrơ đã từng đạt tới tuyệt đỉnh của vẻ tráng lệ và vinh quang trong thời Salômôn, nhưng nó không tồn tại được lâu vì đó là một hậu quả Đức Chúa Trời cho phép xảy ra, hơn là ý muốn của Ngài.I Các vua mô tả cho chúng ta biết về việc vương quốc bị phân chia như thế nào. II Các vua cho thấy một số lý do khiến vương quốc phía Bắc và phía Nam bị sụp đổ. Vương quốc phía Bắc là Ysơraên bị Asyri quét sạch; vương quốc phía Nam là Giuđa bị chinh phục và lưu đày bởi Babylôn.
Khi nghiên cứu kỹ sự sụp đổ của vương quốc phía Nam, bạn sẽ thấy rằng việc bị chinh phục và lưu đày không phải là điều đơn giản. Giêrusalem thực sự đã từng thất thủ ba lần trong một khoảng thời gian hai mươi năm. Lần thứ nhất, Giêhôgiakim dâng thành nầy và thần phục vua Babylôn trong ba năm. Sau đó người nổi lên chống nghịch lại các lực lượng xâm chiếm,người Babylôn phải chinh phục lần thứ hai. Sự sụp đổ lần thứ hai được đánh dấu qua sự kiện con trai của Giêhôgiakim là Giêhôgiakin dâng thành, và nhiều người Ysơraên bị tàn sát.
Những người sống sót bị dẫn về Babylôn trong xiềng xích. Rồi người Babylôn chỉ định Sêđêkia làm vua bù nhìn trên Ysơraên. Sự sắp xếp nầy kéo dài mười năm. Sêđêkia lại bất phục,và thế là thành Giêrusalem lại bị xâm chiếm lần thứ ba. Đó là sự sụp đổ cuối cùng của Giêrusalem cả thành bị tàn phá và đốt cháy hoàn toàn.
Nhưng chúng ta đang đi hơi xa về trước, chúng ta hãy trở lại với những ngày tháng huy hoàng, dưới quyền vị vua giàu sang lộng lẫy nhất của vương quốc thống nhất, là vua Salômôn. Người đem lại cho chúng ta hai điều: Một tấm gương để học và một lời cảnh báo để tránh.
Di Sản Bị Pha Trộn Của Salômôn.
Cuộc đời của Salômôn và Saulơ có một điểm rất giống nhau, đó là cả hai đều có một sự khởi đầu tốt, nhưng kết thúc lại xấu. Khi Đavít truyền ngôi cho Salômôn, vị vua thứ ba của Ysơraên, chúng ta dễ tưởng rằng người sẽ đi theo bước chân của cha mình. Một cách khiêm nhường, người cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan để dẫn dắt dân sự của
Ngài (I Các vua 3). Đức Chúa Trời cảm động sâu sắc vì lời cầu nguyện của người và trả lời bằng cách ban cho người sự khôn ngoan, giàu có và danh vọng không ai có thể so sánh được.
Salômôn quả đã trở nên giàu có và khôn ngoan. Người là gương tốt trong việc cầu xin Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan. Người đặt lời cầu nguyện đó trước mặt Đức Chúa Trời trước nhất, chứ chẳng phải cầu xin sự giàu có hoặc lợi lộc cá nhân. Dù vậy, bởi tất cả những điều đó, người lại trở nên một kẻ thất bại lớn nhất. Hãy nhớ rằng: sự phân chia, sụp đổ và lưu đày của vương quốc không phải do hậu quả tội lỗi của Đavít. Đavít đã thú tội của mình và được Đức Chúa Trời tha thứ. Tất cả mọi tai họa trút xuống trên vương quốc nầy là vì cớ Salômôn, hậu quả tất yếu đến từ sự thất bại của ông.
Khi vương quốc thống nhất Ysơraên đạt đến tột đỉnh vinh quang của nó, thì Salômôn quay mặt với Đức Chúa Trời. Bảy trăm bà vợ và ba trăm tì thiếp của Salômôn thờ lạy các thần khác, và bi thảm thay, ông lại đi theo sự dẫn dắt của họ!Dầu thế, tôi thật sự tin rằng Salômôn đã trở lại cùng Chúa. Thi thiên 127, một trong những Thi thiên của Salômôn, chép: “Nếu Đức Giêhôva không cất nhà, thì những thợ xây cất làm uổng công” (Thi 127:1). Salômôn là một thợ xây vĩ đại, ngoài việc xây dựng đền thờ, ông còn xây dựng nhiều thành phố, công viên và đóng một số tàu bè nữa. Tuy nhiên, trong Thi thiên, ông đã dạy cho chúng ta một bài học về thứ tự ưu tiên. Sứ điệp của Salômôn ở đây là: “Có thể là bạn chú tâm cách uổng công, làm việc khó nhọc và xây dựng uổng công bởi vì chúng ta có thể rất chú tâm, làm việc và xây dựng những điều sai trật. Kinh nghiệm không chỉ là một người thầy mà thôi, nhưng còn là một người thầy tuyệt vời nữa.Hãy nhận lấy lợi ích từ kinh nghiệm của tôi. Điều quan trọng nhất mà bạn xây dựng được trong cuộc đời của mình, là cuộc đời của con bạn”.
Hậu duệ của Salômôn thiếu sự khôn ngoan. Con trai nối ngôi ông là một người thiếu chín chắn. Sai lầm của Salômôn là tiêu phí quá nhiều thời gian để xây dựng mọi thứ dưới ánh mặt trời, ngoại trừ cuộc đời của các con ông. Thi thiên 127 cho chúng ta thấy qua đời sống trưởng thành của Salômôn, các điều ưu tiên của ông bị đặt sai thứ tự.
Trong sách Truyền Đạo, Salômôn giải thích rộng hơn về lời tiên báo của ông trong Thi thiên đã nêu ở trên. Sách Truyền Đạo là bài giảng của Salômôn cho những người trẻ tuổi đang sống trong vương quốc của ông. Bài giảng và Thi thiên nầy cho chúng ta hai lý do để có thể tin rằng ông đã kinh nghiệm được một sự thức tỉnh thuộc linh trong những năm cuối cùng trên đất.
Lý do thứ ba khiến tôi tin Salômôn đã trở lại cùng Đức Chúa Trời là khi giai đoạn lịch sử nầy được lặp lại trong II Sử ký, thì không chỉ tội lỗi của Đavít được bỏ qua mà thôi, mà tội của Salômôn cũng được bỏ đi nữa. Điều đó có nghĩa là Salômôn, cũng giống như cha người, đã xưng tội và bày tỏ lòng ăn năn của mình.
Salômôn được ghi lại trên các trang sách lịch sử văn chương vương quốc như là một trong những lời cảnh báo to lớn. Khi bạn đọc I Các vua, thì Salômôn là vị vua chủ yếu hướng sự tập trung của bạn về cả hai phương diện: các gương mẫu và những lời cảnh báo.
Êxêchia, Vị Vua Tốt Nhưng Chưa Hoàn Thiện.
Êxêchia là một trong các vua tốt sau cùng của Giuđa (Xem II Các vua 18-20). Ông giải thoát đất nước ra khỏi việc thờ hình tượng, trong khi điều nầy đã đâm rễ khá sâu trong cộng
đồng dân sự. Ông cũng là người có lòng tin cậy và vâng lời Đức Giêhôva. Có thể nói không có vị vua nào, trước hay sau Êxêchia đã gần gũi với Chúa như ông. Do đó, ông là một gương
tốt cho chúng ta, nhưng đồng thời ông cũng là một sự cảnh báo.
Khi Êxêchia lâm bệnh, qua tiên tri Êsai Chúa truyền cho ông cần phải sắp xếp mọi công việc vì ông sắp chết (20:1-11). Êxêchia quay mặt vào vách, khóc lóc, và cầu nguyện xin Đức Chúa Trời thương xót ông.
Rồi chúng ta đọc được sứ điệp tốt đẹp của Đức Giêhôva gởi cho Êxêchia qua Êsai: “Ta đã nghe lời cầu nguyện của ngươi và đã thấy nước mắt ngươi” (20:5). Đức Chúa Trời nhìn thấy nước mắt. Tôi nghĩ điều nầy rất có ý nghĩa. Và Đức Giêhôva đã cho Êxêchia sống thêm mười lăm năm nữa. Đây là điều chúng ta cần học hỏi . Ông vẫn kêu cầu Chúa, mặc dầu được tiên tri Êsai, người nói thay cho Đức Giêhôva cho biết rằng ông sắp chết.
Tuy nhiên, Êxêchia lại trở nên một lời cảnh báo có liên quan đến phép lạ đó. Một hôm, các sứ thần Babylôn đến thăm Êxêchia, ông đã chỉ cho họ xem mọi thứ các xe bọc sắt, khí tài và mọi vật trong kho tàng mình. Sau đó, Êsai hỏi ông: “Vua cho chúng xem chi trong đền của vua?”, “Mọi thứ” (15), Êxêchia trả lời như thế. Êsai bảo ông rằng đó là một sai lầm to lớn vì: “Thì giờ sẽ đến khi mọi vật mà tổ phụ vua đã chất chứa trong kho tàng cho đến ngày nay, đều sẽ bị đem qua Babylôn. Đức Giêhôva phán: Sẽ chẳng còn chi lại hết” (17). Êsai đang nói tiên tri về sự chinh phục của Babylôn trên Giêrusalem. Theo lời tiên tri của Êsai, các con trai của Êxêchia sẽ trở thành hoạn quan và bị bắt về Babylôn như là những kẻ nô lệ (18).
Câu trả lời của vua thế nào? Ông tỏ ra hài lòng vì lời tiên tri của Êsai sẽ không xảy đến trong thời gian ông trị vì. “Ít nữa trong đời tôi sẽ có điều bình an và sự vững vàng chăng?(19), ông đã nghĩ thế. Ông nhận lấy Lời Chúa một cách thiếu chín chắn, vì ông đã tưởng rằng mười lăm năm được cộng thêm vào của ông sẽ là tốt đẹp. Có vẻ như ông không quan tâm đến điều gì sẽ xảy đến cho các con trai và cho dòng dõi mình. Êxêchia không phải là một người cha gương mẫu, hoặc một đối tượng có cá tính tốt để chúng ta có thể nghiên cứu, hầu soạn một bài giảng dạy về một người cha tốt, vì ông quá chú trọng đến bản thân. Do thái độ nầy, cuộc đời của ông trở thành một lời cảnh báo cho chúng ta là những bậc cha mẹ.
Khuôn Mẫu Xuất Sắc Của Êlisê.
Chúng ta có một gương tốt qua cuộc đời của tiên tri Êlisê. II Các vua 5 ghi lại câu chuyện về một tướng lãnh quân đội Syri đến với vị tiên tri để mong được chữa lành. Vào thời điểm nầy, Syri đang chuẩn bị chinh phục vương quốc phía Bắc Ysơraên. Đã từng có nhiều cuộc chạm trán nhỏ ở biên giới. Syri có quân đội hùng mạnh, và vị tướng cao nhất của họ là Naaman, đang khổ sở vì bệnh phung. Một bé gái nô lệ người Hêbơrơ hầu hạ vợ Naaman, kể cho cặp vợ chồng nầy nghe về một đấng tiên tri trong Ysơraên, là người có quyền năng chữa bệnh. Thế là Naaman cùng với những người lính hầu cận lên đường tìm Êlisê.
Do Naaman có định kiến trước về cách mà Êlisê sẽ thực hiện sự chữa lành cho ông. Vị tướng đầy quyền lực nầy nghĩ rằng Êlisê sẽ rất vinh dự khi được tiếp đón mình, nhưng Êlisê thậm chí không bước ra khỏi cái chòi của người để chào đón. Thay vào đó, vị tiên tri cho một tôi tớ ra gặp Naaman, bảo rằng: “Êlisê nói ông hãy đi tắm mình dưới sông Giôđanh bảy lần. Rồi bệnh phung của ông sẽ được chữa lành” (10). Naaman rất giận dữ! Ông quay xe ngựa mình lại và rời khỏi cái chòi của Êlisê trong đám bụi mù mịt, nói với người hầu mình rằng: “Ta nghĩ rằng chính mình người sẽ đi ra đón ta, đứng gần đó mà cầu khẩn danh Giêhôva Đức Chúa Trời của người, lấy tay đưa qua đưa lại trên chỗ bịnh và chữa ta lành khỏi bệnh phung” (12). “Đất nước của ta có nhiều con sông tốt đẹp hơn”, ông nghĩ, và ông không khứng đến tắm trong con sông Giôđanh bé nhỏ bùn lầy đó.
Tuy nhiên các tôi tớ của Naaman khuyên ông nên nghe theo lời chỉ dẫn của Êlisê. Cuối cùng ông đã đổi ý và tắm mình trong sông Giô đanh bảy lần. Khi ông lên khỏi nước ở lần thứ bảy, thì bệnh phung của ông hoàn toàn được lành! Cách đón tiếp và chữa bệnh của Êlisê không xảy ra như ông mong đợi, nhưng kết quả tốt hơn những gì ông từng hy vọng.
Chúng ta có thể áp dụng câu chuyện về sự chữa lành của Naaman như là hình bóng về sự cứu rỗi. Nhiều người dù đang đói khát về phương diện thuộc linh, đến với Đấng Christ để được cứu rỗi, song lại có những định kiến về cách thức nhận sự cứu rỗi. Một vài người trông đợi sự cứu rỗi như là một phương thuốc thần học chữa bách bệnh. Người khác lại cho rằng nếu sự cứu rỗi mà quá đơn giản như thế, thì nó không thể có giá trị được. Điều nầy thường xảy ra với những người ở trong cộng đồng trí thức. Khi nghe về tính cách đơn giản của Phúc
Âm, họ thấy rằng nó quá đơn giản đếân nỗi không thể tin được, nhưng Phúc Âm chỉ đơn giản thế thôi, đơn giản như việc tắm trong sông Giôđanh bảy lần, không cần phải có những phẩm chất thông thái đặc biệt mới có thể nhận được. Êlisê để lại cho chúng ta một bài học trong việc ông không đáp ứng những điều Naaman trông đợi, cho dù điều đó rất có lợi cho ông. Đây là những ứng dụng căn bản trong câu chuyện về Naaman, người phung và tiên tri Êlisê.
Trước khi rời những sách lịch sử mô tả sơ lược về của vương quốc của Đức Chúa Trời nầy, chúng ta hãy nhìn lại các đấng tiên tri, và quan sát lần chót. Các tiên tri không chỉ là những người tuyên bố lời Chúa và qua họ, Chúa phán bảo mà thôi; họ cũng không chỉ là những người làm cho Lời Chúa tỏa sáng mà còn là những người được Chúa kêu gọi khi có một nan đề và không có vị tiên tri nào lúc đó. Chúng ta có thể đoán biết và nói rằng “Không có nan đề, không có tiên tri”. Ngay khi nan đề nổi lên, thì tiên tri sẽ xuất hiện.Một trong những vai trò của nhà tiên tri là tập trung sự răn dạy vào chướng ngại vật đó cho đến chừng nào nó được cất đi để công việc Chúa lại có thể tiếp tục. Cất bỏ nan đề và chướng ngại vật gây ảnh hưởng đến công việc Chúa là vai trò và chức năng chính của các nhà tiên tri.
Tóm lại, khi bạn đọc sách I & II Các vua, hãy quan sát sự chỗi dậy và sụp đổ của vương quốc. Khi học về điều nầy, bạn có thể biết được Chúa muốn làm gì cho Hội thánh Ngài ngày nay. Tiếp đến, bạn lưu ý đến chính bản thân các vị vua. Hầu hết cuộc đời của họ là điều cảnh báo cho chúng ta; còn lại là gương tốt. Cuối cùng, bạn hãy theo bước các nhà tiên tri cách cẩn trọng vì hầu hết cuộc đời họ đều cung cấp cho ta những gương mẫu thánh khiết.
Văn chương của sách I & II Các vua có liên quan đến kiến thức, rất thu hút vì là sách tuyệt ha. Trong công trình nghiên cứu như thế nầy, chúng ta chỉ có thể đưa ra nhận xét tổng quát, cố gắng đoán định và sắp đặt các sách nầy vào cái nhìn của tương lai để rồi khi bạn đọc chúng, bạn sẽ nhận được thêm nhiều điều hơn. Do đó, bây giờ nên quan sát một chút nữa về sách Các vua.
Vài Lời Nhận Xét Sau Cùng Về I &II Các Vua.
Trước hết, hãy xem cách mà Đức Chúa Trời đã làm cho các vị vua – mà Ngài không bao giờ thực sự muốn người Ysơraên có- trở nên phù hợp ở một điểm nào đó. Hãy chú ý vào sự kiên nhẫn lâu dài của Ngài đối với các vị vua gian ác, đặc biệt là ở trong vương quốc phương Bắc. Hãy xem cách Ngài đã nhẫn nhịn để khuyên nài họ, và đã cảnh báo trước khi những tai họa đáng sợ của sự nô lệ rơi xuống trên đầu họ. Cuối cùng, hãy ghi nhận việc Đức Chúa Trời cũng đáp trả lời cầu nguyện của các vị vua gian ác, điều nầy đưa đến một vài thắc mắc đầy thú vị thuộc về lãnh vực thần học (II Các vua 13:4-5). Nhiều người cho rằng Đức Chúa Trời chỉ trả lời cầu nguyện cho các tín đồ đang ở trong mối tương giao mật thiết với Ngài mà thôi. Tôi không nhìn thấy điều đó ở trong Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đã nghe lời cầu nguyện của tên cướp ở trên cây thập tự (Luca 23:42,43). Đức Giêhôva cũng đã nghe những lời cầu nguyện của các vị vua gian ác nầy. Ngày nay, nếu con trai của một người đàn ông gian ác bị thương trong một tai nạn, và người đàn ông đó cầu xin Chúa cứu mạng sống cho con mình,Chúa có thể nghe và đáp trả lời cầu nguyện đó không? Tôi tin Chúa nghe lời cầu nguyện của bất kỳ ai, trong bất cứ lúc nào! Lẽ thật đó được minh họa cho chúng ta trong hai sách Các vua nầy.
Chương 3: SỬ KÝ “NHỮNG ĐIỀU BỊ BỎ SÓT” NHẬN XÉT CHUNG VỀ SÁCH I & II SỬ KÝ.
Các sách Samuên và Các vua bao gồm cùng một giai đoạn lịch sử với các sách I & II Sử ký – (1000 T,C – 500 T,C). Trước đây, khi sắp xếp các sách Cựu ước, sách Sử ký được đặt cùng với Exơra và Nêhêmi. Ngôn ngữ Hêbơrơ của Sử ký giống hệt với những sách nầy một cách đáng kinh ngạc đến nỗi nhiều học giả tin Exơra đã viết cả ba sách đó. Chỉ sau nầy sách Sử ký mới được sắp xếp lại cùng với sách Samuên và Các vua do cấu trúc thời gian tương đồng của chúng.
Các Lý Do Của Sự Lặp Lại.
Tại sao Đức Chúa Trời cho giai đoạn lịch sử nầy được ghi đến hai lần? Có nhiều câu trả lời. Trước nhất, sự lặp lại là cơ bản của giáo dục. “Nếu không lặp lại, thì bạn không dạy gì cả”, các nhà giáo dục nói thế. Thứ nhì, trong Kinh Thánh, sự lặp lại không những chỉ phục vụ cho mục đích dạy dỗ, mà còn là sự nhấn mạnh nữa. Hãy quan sát một số điều được lặp lại ở trong Kinh Thánh. Sự sáng tạo được mô tả hai lần trong Sáng Thế Ký. Luật pháp của Môise trong Xuất Êdíptô Ký thì được nhắc lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký. Tiểu sử của Đức Chúa Jêsus Christ được lặp lại bốn lần trong Tân ước. Và giai đoạn nầy của lịch sử Hêbơrơ trong những sách lịch sử văn chương vương quốc được lặp lại trong Sử ký.
Chính xác là điều gì đang được nhấn mạnh ở trong Sử ký? Câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi đó là: Vương quốc của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus dạy vương quốc của Đức Chúa Trời là điều ưu tiên và là lời cầu nguyện nài xin hàng đầu của chúng ta và kết thúc bằng điều kiện là sự tái sanh (Mathiơ 6:33; Giăng 3:3,5). Do đó, bài học vở lòng của chúng ta về khái niệm vương quốc của Đức Chúa Trời trong văn chương vương quốc là rất quan trọng. Đức Chúa Trời muốn chúng ta hiểu rằng Ngài là Vua, và Ngài muốn chúng ta là thần dân trong vương quốc của Ngài. Đó là lý do Đức Chúa Trời nhắc lại giai đoạn lịch sử nầy.
Lý do thứ ba, việc lặp lại nầy có mục đích là Đức Chúa Trời muốn chúng ta hiểu rằng dân sự của Chúa đã chối bỏ Ngài là vua của họ và chúng ta vẫn đang sống với những hậu quả của sự chối bỏ đó. Đức Chúa Trời cũng muốn chúng ta hiểu sự chối bỏ nầy vì nó vẽ ra cái thực tế khắc nghiệt rằng ngày nay chúng ta cũng có thể chối bỏ Đức Chúa Trời là Vua của chúng ta.
Thời Và Mùa.
Khi vương quốc phương Nam chịu cảnh nô lệ tại Babylôn, một kỷ nguyên mới được hình thành gọi là “các thời kỳ của dân ngoại”. Đức Chúa Trời muốn có một nền chính trị thần quyền. Trong nền chính trị nầy, Ngài là Vua và dân sự là thần dân của Ngài. Nhưng khi dân Ysơraên chối bỏ sự cai trị của Ngài, Đức Chúa Trời phán: “Vậy thì, các ngươi sẽ bị tản lạc giữa vòng dân ngoại”, dân ngoại là những người không phải Do Thái, những kẻ không tin, “và bị họ cai trị”. Khởi đầu bằng sự giam cầm của người Babylôn, Đức Chúa Trời không còn hành động qua những vị vua như Đavít, là người làm theo ý muốn Ngài, nhưng qua Nêbucátnếtsa, Siru Đại đế… là những vị vua ngoại giáo. Các sách lịch sử vương quốc cho chúng ta biết kế hoạch của Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục được kiện toàn dầu dân sự của Ngài đang bị cai trị bởi các vua ngoại giáo. Ngài tiếp tục hoàn thành kế hoạch của Ngài qua họ. Kế hoạch của Đức Chúa Trời không phải là không thể thi hành được khi chúng ta chối bỏ Ngài là Vua của chúng ta.
Trong “những thời kỳ của dân ngoại”, vương quốc Đức Chúa Trời ở trong cá nhân những tín đồ, là những người để Đức Chúa Trời làm Vua của họ. Họ sống giữa vòng những kẻ không tin, và hầu hết, ở dưới sự cai trị của những kẻ vô tín. Họ bị tản lạc giống như muối rải ra giữa vòng những kẻ vô tín để tăng thêm vị mặn cho đất. Điều nầy không có nghĩa là quốc gia mà dân Chúa sinh sống là quốc gia Cơ Đốc hay quốc gia sùng đạo. Kể từ khi người Hêbơrơ chối bỏ sự cai trị của Chúa (nền chính trị thần quyền), thì không hề có một quốc gia nào khác trên đất được Chúa cai trị. Tuy là một quốc gia Cơ Đốc giáo cũng không có được sự cai trị như thế. Vương quốc của Đức Chúa Trời được hình thành trong lòng của mỗi cá nhân (Luca 17:9,10).
Lý do thứ tư khiến Sử ký được lặp lại vì toàn bộ câu chuyện không được kể hết. Exơra cho rằng các tác giả sách Samuên và Các vua kể cho chúng ta giai đoạn lịch sử đó theo cách nhìn của loài người, vì vậy cần một người cho chúng ta biết cách nhìn của Đức Chúa Trời là thế nào. Đó là lý do vì sao ông viết I & II Sử ký.
Những Điều Bỏ Qua.
Mặc dầu lịch sử được lặp lại, các sách nầy có nhiều điểm khác nhau. Chúng ta có thể tìm thấy manh mối gây ra sự khác biệt nầy ngay trong tựa đề nổi bật của sách Sử ký trong bản Septuagint (bản dịch Cựu ước đầu tiên và đầy đủ nhất bằng tiếng Hy Lạp), đó là: “Những Điều Bị Bỏ Quên”. Tựa đề nầy có nghĩa là có một số điều đã bị bỏ quên khi viết lại giai đoạn lịch sử nầy trong Samuên và Các vua; trong khi đó một vài điều khác như tội lỗi của Đavít và Salômôn, lấp đầy nhiều trang trong Samuên và Các vua thì lại được bỏ qua trong sách Sử ký.
Tội lỗi của Đavít được bỏ qua là một tin tức tốt lành. Áp dụng vào đời sống, điều đó có nghĩa là các tội của chúng ta cũng sẽ được bôi xóa khi chúng ta đến trước mặt Đức Chúa Trời, vì chúng ta đã tin Đức Chúa Jêsus Christ để được cứu rỗi. Cùng một lý do như thế, tội lỗi của Salômôn cũng là một trong những sự bỏ quên tốt đẹp trong Sử ký của Exơra.Ngày nay, khi một sự kiện được truyền hình, nhiều camêra được sử dụng để cung cấp các phối cảnh của sự kiện đó. Cũng vậy, Samuên và Các vua ghi lại giai đoạn lịch sử nầy của dân Hêbơrơ qua máy thu hình của loài người, còn Sử ký ghi lại giai đoạn lịch sử đó qua máy thu hình của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể cho rằng, một số “Những điều bị bỏ quên” trong Sử ký là đáng kinh hoàng. Chẳng hạn như, vương quốc phía Bắc của Ysơraên, là nước hoàn toàn gian ác, không còn được nhắc đến sau khi vương quốc bị phân rẽ. Vì sao như thế?Vì Sử ký tập trung sự chú ý đến dòng dõi của Đavít và chi phái Giuđa của người. Sở dĩ có sự nhấn mạnh như thế vì Đấng Mêsi sẽ đến qua hậu duệ của người.
Ngoài ra, Sử ký cũng làm nổi bật những vị vua được dùng làm công cụ trong việc dẫn đến sự phục hưng, hồi phục và cải tổ. Một số vị vua trong vương quốc Giuđa phía Nam như Asa, Giôsaphát, Giôách, Êxêchia, và Giôsia là công cụ mang đến những việc tốt lành. Những vua gian ác hoặc vô ích (tất cả Các vua của vương quốc phương Bắc) thậm chí không được nhắc đến tên.Ví dụ như Giôsia, đã hoạch định chương trình tu bổ đền thờ. Trong quá trình nầy, thầy tế lễ Hinhkia tìm được vài cuộn Kinh Thánh. Dân sự quá suy đồi và bội đạo đến nỗi họ hoàn toàn quên đi Luật pháp của Đức Giêhôva. Lúc đó, cuộn Kinh Thánh được đọc cho Vua Giôsia. Ngay lập tức ông nhận ra rằng các điều răn của Đức Giêhôva đã không được vâng theo, và ông đem đất nước trở lại với Lời Chúa (Xem II Sử ký 34).
Trong một nghĩa nào đó, sách Sử ký giải nghĩa hay là chú thích cho sách Các vua. Đó là lý do vì sao trong Các vua, chúng ta thường được nhắc “tra xét Sử ký, tra xét Sử ký”, vì tác giả của sách Sử ký (Đức Thánh Linh) muốn chúng ta có được cái nhìn thiêng liêng về một vị vua hay một sự kiện đặc biệt nào đó.
Hãy xem trường hợp của Đavít. Sử ký mô tả sự thành công về phương diện chính trị của ông, người được ban ơn để đem lại sự vui mừng cho dân Chúa. Sử ký cho thấy sự đóng góp
rất to lớn của Đavít cho sự thờ phượng của cả nước. Trong I Sử ký 15 và 23 có những đoạn văn hay, kể lại việc Đavít đã thành lập những đoàn đồng ca và các nhạc sĩ như thế nào. Người đã có một dàn nhạc lớn và một đoàn đồng ca người Lêvi gồm bốn ngàn người. Sự đóng góp của Đavít trong các buổi thờ phượng được nhấn mạnh trong Sử ký, mặc dù nó đã bị bỏ sót trong các sách Samuên, vì Đức Chúa Trời đang phán bảo với chúng ta, theo cái nhìn của Ngài thì điều gì mới là có ý nghĩa trong sự thờ phượng.
Cũng trong Sử ký, chúng ta biết lý do tại sao Đavít không được phép xây nhà cho Đức Chúa Trời, vì người từng là một chiến binh và làm đổ huyết quá nhiều (I Sử ký 22:8-9). Chính sách Sử ký cũng giải thích tại sao vị vua tốt như Giôsaphát lại liên minh với một vua gian ác họ có chung những người cháu vì con của họ đã cưới nhau (II Sử ký 18:1).
Lời Cầu Nguyện Cho Sự Phục Hưng.
Một trong những câu Kinh Thánh được xem là quan trọng nhất trong sách Sử ký là:“Và nhược bằng dân sự Ta, là dân gọi bằng danh Ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt Ta,và trở lại, bỏ con đường tà, thì Ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ”(II Sử ký 7:14).
Tại đây chúng ta có thông điệp từ đền thờ đến cung điện, từ cuộc sống tôn giáo đến đời sống chính trị của một quốc gia, có giao ước Đức Chúa Trời ban cho dân Ngài. Chúa phán:“Ta luôn sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng chữa lành. Nhưng trước khi Ta tha thứ và chữa lành, Ta muốn dân Ta bước đi trong sự công bình”. Tôi tin đây là câu Kinh Thánh mà tất cả chúng ta nên nằm lòng – trước tiên cho từng cá nhân, và rồi có thể áp dụng cho cả đất nước.
Chìa khóa cho sự hiểu biết và tiếp cận những nét độc đáo cùng sự tái diễn về giai đoạn lịch sử Hêbơrơ nầy ở trong Sử ký bao gồm những điều nầy: “Ý tưởng Ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối Ta.Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối Ta cao hơn dường lối các ngươi, ý tưởng Ta cũng cao hơn ý tưởng các ngươi bấy nhiêu (Êsai 55:8-9). Nếu bạn muốn có cái nhìn thiêng liêng, suy nghĩ đúng đắn, và làm mọi điều phù hợp với cách của Đức Chúa Trời, thì bạn hãy đọc Sử ký. Bạn sẽ khám phá ra một sứ điệp tuyệt diệu về giá trị và triển vọng trong tương lai.
“Những điều bị bỏ quên” là tựa đề độc đáo của sách Sử ký. Quả là tin tốt lành, khi chúng ta phát hiện được rằng tội lỗi của chúng ta được Chúa bỏ quên đi, thậm chí như tội lỗi của Salômôn và Đavít cũng đã được Chúa bỏ qua trong sách Sử ký. Cũng là một lời cảnh báo đáng sợ khi chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã quên vương quốc phía Bắc. Đức Chúa Trời không hề nhắc đến vương quốc nầy vì họ không được kêu gọi theo mục đích của Đức Chúa Trời. Quả là một sự thức tỉnh để hiểu rằng sự tồn tại của chúng ta có thể bị Đức Chúa Trời quên đi ngày hôm nay và trong cõi đời đời vì chúng ta không suy nghĩ đúng đắn, không làm cho đường lối và cuộc đời mình phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời.
Nguyện xin Chúa cho sự so sánh giữa các sách Sử ký với Samuên và Các vua sẽ khích lệ bạn so sánh cách nhìn của Đức Chúa Trời với cách nhìn của con người, không chỉ trong giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ mà cả trong giai đoạn lịch sử hiện nay và trong hoạt động xã hội của cá nhân bạn.
Chương 4: CÁC SÁCH TIN LÀNH CỘNG QUAN CỦA CỰU ƯỚC
Trong chương nầy, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn một cách tổng quát hai sách Exơra và Nêhêmi. Các sách nầy, cùng với Êxơtê là sách lịch sử sau thời kỳ nô lệ. Thời kỳ nô lệ tại Babylôn là một lằn ranh phân chia lịch sử Hêbơrơ. Trong thực tế, khi nghiên cứu các sách tiên tri, chúng ta sẽ thấy các sách nầy được phân loại như sau: Tiền nô lệ, trong nô lệ và hậu nô lệ.
Exơra, Nêhêmi, và Êxơtê ghi lại giai đoạn lịch sử khi thời kỳ nô lệ đã kết thúc, mà trong đó các tiên tri hậu nô lệ đã viết, đã rao giảng, đã sống và đã chết.
Trở Về Từ Cảnh Lưu Đày Tại Babylôn.
Khi khởi sự đọc ba sách nầy, bạn cần hiểu là có ít nhất ba đợt hồi hương sau thời kỳ bị lưu đày. Sự trở về đầu tiên xảy ra khá sớm, ngay sau khi Siru Đại Đế cho phép. Tổng đốc Xôrôbabên và thầy tế lễ cả Giêsua đã lãnh đạo cuộc hồi hương nầy vào khoảng 537 TC. Đợt hồi hương đầu tiên có mục đích đặc biệt là tái xây dựng đền thờ. Chẳng bao lâu sau khi công việc được bắt đầu, dân sự bị chống đối và bắt bớ, đến nổi phải ngừng lại cho đến khi tiên tri Aghê và Xachari thúc giục họ phục hồi việc xây cất. Phần lớn là do sự khích lệ của hai nhà tiên tri nầy, công tác được tiếp tục trở lại, và đền thờ được hoàn tất vào năm 516 TC. Công việc kéo dài hai mươi mốt năm.
Vào năm 458 TC, Exơra lãnh đạo đợt hồi hương lần thứ nhì. Thầy tế lễ kiêm học giả nầy là một giáo sư Kinh Thánh lỗi lạc. Exơra đem đến một công tác năng động cho đền thờ.Việc nầy xảy ra 79 năm sau sự trở về lần thứ nhất và 58 năm sau khi đền thờ được hoàn tất.
Mười ba năm sau sự trở về của Exơra, Nêhêmi lãnh đạo đoàn người hồi hương lần thứ ba. Mục đích của ông là xây dựng lại tường thành Giêrusalem. Tiên tri Malachi đã hỗ trợ Nêhêmi trong công việc nầy.
Sự Tương Đồng Giữa Exơra Và Nêhêmi.
Hai sách Exơra và Nêhêmi được gọi là “Các sách cộng quan của Cựu ước” vì nội dung hai sách có nhiều đoạn giống nhau. Chúng ta hãy cùng chú ý đến một vài điểm tương đồng sau đây:
• Cách dùng từ ngữ Hêbơrơ của cả hai sách giống nhau đến nỗi người ta cho rằng chúng có cùng một tác giả là Exơra.
• Chủ đề chính đều hướng về cùng một sự kiện trong lịch sử Hêbơrơ: Sự trở về từ cảnh nô lệ tại Babylôn. Chủ đề chính của hai sách đều đề cập đến công việc của Đức Chúa Trời khi cả hai ông còn sống: Tái xây dựng đền thờ Giêrusalem.
• Cả hai sách đều nhấn mạnh đến đường lối và nguyên tắc cần được tuân thủ khi con người dự phần vào công việc của Đức Chúa Trời.
• Hai sách đều cho chúng ta những mô hình quan trọng trong việc lãnh đạo. Mặc dù có sự khác nhau trong cách lãnh đạo và ân tứ lãnh đạo, cả hai ông đều là những lãnh tụ vĩ đại.Exơra vừa là thầy tế lễ vừa là văn sĩ, giảng dạy lời của Đức Chúa Trời. Công việc của Exơra chủ yếu là công tác mục vụ. Nêhêmi, một tín hữu, là một người xây dựng có đầu óc thực tiễn và thực tế.
• Cả hai người đều được xức dầu để đem đến sự phục hưng, rõ ràng đó là công việc của Đức Chúa Trời.
• Hai sách đều có những nét đại cương: Các chương đầu của mỗi sách nêu rõ việc phải làm, và khi được làm xong, dân sự lại lìa bỏ Đức Giêhôva. Exơra 9 và Nêhêmi 9 cũng cho thấy cách ăn ở của dân sự khiến cả hai lãnh tụ đau buồn. Nỗi lòng nầy được bày tỏ qua những lời cầu nguyện xưng tội, buồn rầu và ăn năn.
• Cả hai sách đều đề cập đến việc các vua ngoại bang cấp giấy phép, cho ta thấy Đức Chúa Trời tể trị và trợ giúp để công việc được hoàn thành qua dân sự của Ngài.
• Cả hai sách nầy đều kết thúc bằng một giọng điệu lạc quan đầy khích lệ về mặt thuộc linh.Những Bài Học Đặc Sắc Từ Exơra.
Mặc dù hai sách Exơra và Nêhêmi có nhiều điểm giống nhau, song chúng cũng có những điều khác biệt. Chúng ta hãy tìm hiểu thêm về Exơra.
Khi nghiên cứu sách Exơra, tôi muốn chú trọng vào con người. Exơra nên được đặt ngang hàng với các vĩ nhân như Môise, Samuên và Đavít. Chức vụ của ông đem lại sự phục hưng quan trọng trong Lời của Đức Chúa Trời.
Exơra 7:10 chép “Vì Exơra đã định chí tra xét luật pháp của Đức Giêhôva, giữ làm theo, và dạy cho dân Ysơraên biết những luật pháp và giới mạng”. Câu Kinh Thánh nầy nêu lên cuộc đời của ông gồm ba giai đoạn. Một phần ba đầu tiên của cuộc đời Exơra là sự chuẩn bị cho hai phần ba còn lại. Ông ham thích học hỏi, tìm hiểu và chuyên tâm nghiên cứu Lời của Đức Chúa Trời. Phần giữa cuộc đời, ông đã dâng mình để sống theo Lời Chúa, áp dụng những gì Chúa đã dạy. Trong phần cuối đời, Exơra dâng mình để dạy Lời Chúa và cố vấn cho người khác về đường lối của Đức Chúa Trời.
Đó là một gương tốt để bạn biết cách sử dụng cuộc đời của mình. Tôi nghĩ một trong những nan đề trong việc dạy dỗ ngày nay là chúng ta có thể chuẩn bị người cho công tác dạy dỗ,nhưng họ chỉ có thể dạy lý thuyết mà thôi. Họ không thể thu hút người khác từ một bể chứa kiến thức. Vị thầy dạy tốt nhất là người đã dùng phần ba thứ nhì của đời mình để thực hành những gì đã học được trong phần ba thứ nhất của đời ông. Sau khi đã kinh nghiệm, thì phần ba sau cùng, ông có thể sử dụng để giảng dạy cách ích lợi.
Khi nghiên cứu sự góp phần của Exơra vào công việc Chúa, bạn có thể hiểu vì sao ông nên được xếp ngang hàng với Đavít, Samuên và Môise. Như tôi đã đề cập, Exơra được xem như là tác giả của các sách Sử ký, Exơra, Nêhêmi, và ông cũng là tác giả viết chương dài nhất trong Kinh Thánh, Thi thiên 119, có 176 câu. Trong 176 câu Kinh Thánh đó, cứ mỗi hai câu thì có một câu đề cập đến Lời Chúa. Qua đó, ta có thể thấy Exơra là người sốt sắng với Lời Chúa là dường nào.
Về mặt truyền thống, các học giả tin rằng khi Exơra đang còn trong cảnh nô lệ, không thể thực hiện được chức năng tế lễ trong đền thờ, thì ông đã thành lập nơi mà ngày nay ta biết là nhà hội, tương đương với lớp Trường Chúa Nhật hiện nay. Các học giả cũng tin rằng Exơra đã giữ một vai trò quan trọng trong việc sắp xếp thứ tự sách Cựu ước như đang có hiện nay.
Ngoài những việc đó ra, ông đã hướng dẫn dân sự từ Babylôn trở về lần thứ nhì. Chính Exơra là người đã đem sự dạy dỗ năng động vào trong đền thờ, là nơi được tái xây dựng trước thời điểm đó. Ông đem trở về đúng một ban gồm các thầy tế lễ, các nhà thần học Do Thái, là những người cùng ông giảng dạy Lời Chúa sau đó.
Nguyên Tắc Và Kiểu Mẫu Cho Công Việc Của Đức Chúa Trời.
Sách Exơra cho chúng ta những bài học liên quan đến công việc của Đức Chúa Trời – Sau đây là một số nguyên tắc và kiểu mẫu:
Nguyên tắc thứ nhất: Khi cần thực hiện công việc Chúa thì chính Đức Chúa Trời sẽ là Đấng thúc đẩy và tác động tối cao (đối chiếu Rôma 11:36), là Nguồn Năng lực ở đằng sau công việc và mục đích là vì sự vinh hiển của Ngài. Căn cứ vào những câu đầu sách Exơra, tôi tin đó là cách mà ông đã đặt thứ tự ưu tiên cho công việc trong cuộc đời mình.
Nguyên tắc thứ nhì: Khi Đức Chúa Trời, Đấng Tác Động Tối Cao, muốn hoàn tất công việc của Ngài qua dân sự, Ngài sẽ hướng dẫn rõ ràng cho các cấp lãnh đạo là những người sẽ hoàn thành công việc đó.
Nguyên tắc thứ ba: Đức Chúa Trời, Đấng Tác Động Tối Cao và là Đấng Hướng Dẫn, sẽ cung cấp mọi điều cần thiết để hoàn thành công việc của Ngài. Đây là một nguyên tắc rất quan trọng, được nói rõ nhiều lần trong Kinh Thánh. Trong Mathiơ 6:33, Chúa Jêsus đã phán với các môn đồ Ngài, “Trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”. Khi chúng ta biết điều Chúa muốn chúng ta làm, và làm đúng theo ý Ngài, Ngài sẽ cung cấp mọi nhu cần để hoàn tất công việc
Ngài.
Nguyên tắc thứ tư: Khi Đức Chúa Trời muốn hoàn thành công việc, Ngài không những cung cấp đủ nhu cầu, mà còn cung cấp cách dư dật, vượt quá những gì chúng ta cầu xin, thậm chí là vừa mới nghĩ đến thôi (xem Êphêsô 3:20). Trong mọi điều Exơra làm, những người hồi hương không những có đủ để hoàn tất công việc, mà còn có hơn điều họ cần để xây dựng lại đền thờ.
Nguyên tắc thứ năm: Khi bạn đang làm công việc của Đức Chúa Trời, hãy thận trọng, vì Satan sẽ tìm cách phá hoại việc tốt nhất mà bạn muốn làm cho Chúa bằng một điều gì đó cũng có vẻ như là tốt. Kẻ thù sẽ cố gắng làm chúng ta chệch hướng khỏi việc chúng ta làm tốt nhất cho Chúa bằng cách thì thầm, “Anh chỉ nên hoàn thành một vài điều tốt thôi, chứ đừng dành hết cuộc đời anh để cố hoàn tất kế hoạch tốt nhất cho Chúa làm gì!” Chúng ta sẽ xem xét nhiều chi tiết nữa trong nguyên tắc thứ năm nầy ở chương kế tiếp.
Chương 5: CÁC THẾ LỰC CHỐNG ĐỐI CÔNG VIỆC CHÚA
Nguyên tắc thứ năm chúng ta tìm thấy trong sách Exơra là: Khi khởi sự làm công việc Chúa, thế lực tối tăm trong thế gian là ma quỷ sẽ chống đối chúng ta. Chúng ta cần phải nghiên cứu sâu hơn về các chiến lược của Satan để hiểu được điều mà Exơra và những người trở về đã đối phó.
Sứ đồ Phaolô khuyến khích chúng ta tìm hiểu các sách lược của Satan (II Côrinhtô 2:11; 10:3-5; 11:13-15). Satan là kẻ lừa dối. Nó chuyên bắt chước và dối gạt mọi người. Nó biết kẻ thù lớn nhất của điều tốt nhất là điều tốt. Khi Đức Chúa Trời đang làm việc qua bạn, bạn sẽ nếm biết điều tốt nhất của Đức Chúa Trời. Satan không muốn bạn được như vậy. Satan rất khôn ngoan, nó biết rằng làm cho bạn chệch hướng, khỏi làm điều tốt nhất mà Chúa muốn, bằng cách cám dỗ bạn đi cướp ngân hàng thì rất khó, thà là cám dỗ bạn làm điều gì đó cũng tốt, sẽ hiệu quả hơn. Nếu bạn đang sống trong sự giàu sang đầy đủ tiện nghi và điều tốt nhất Chúa dành cho bạn là trở thành một giáo sĩ lo về y tế, thì Satan sẽ cám dỗ bạn trở nên một bác sĩ giỏi trong phòng mạch tiện nghi, sang trọng. Đó sẽ là mục tiêu tốt cho cuộc đời của bạn, nhưng không phải là điều tốt nhất, nếu như Đức Chúa Trời đã muốn bạn trở thành một giáo sĩ lo về y tế, giúp đỡ những người nghèo khó trong nơi khốn khổ.
Nguyên tắc thứ sáu: Nguyên tắc nầy của Exơra cũng có sự liên hệ mật hiết với những nguyên tắc trước đó: Hãy kiên nhẫn chờ xem sự chống đối khi bạn dự định làm công việc của Chúa. Đôi khi có người vừa bắt tay làm công việc Chúa, lại gặp ngay sự chống đối, họ tỏ ra nghi ngờ sự hướng dẫn, hoặc không nhận biết ý muốn của Ngài. Họ tin cách lệch lạc rằng sẽ không bao giờ có chống đối nếu như họ phục vụ Chúa. Điều nầy hoàn toàn sai lầm! Đức Chúa Trời làm việc qua con người, và Satan cũng thế, vì lẽ Satan luôn chống nghịch lại mọi công việc của Đức Chúa Jêsus Christ. Vậy, chúng ta hãy chờ đợi sự chống đối khi Đấng Christ làm việc qua chúng ta. Đôi khi những người chống đối bạn không ý thức được rằng họ là công cụ của Satan (so sánh Mác 8:27-33).
Sách Exơra cho chúng ta biết rằng sự chống đối thường đến từ hai hướng. Thứ nhất là sự chống đối rõ ràng từ bên ngoài. Sẽ luôn có nhiều người mong chúng ta không nhận được điều tốt lành khi chúng ta khởi sự làm công việc Chúa. Ví dụ, khi đoàn người lưu đày trở về Giêrusalem để xây lại đền thờ, các cư dân địa phương đã tìm cách làm họ nản lòng và hoảng sợ. Những người nầy đã gởi đơn tố cáo chứa đầy những lời dối trá lên vua Ạttaxétxe. Dân sự của Đức Chúa Trời đã bị buộc phải ngưng việc xây cất (Exơra 4). Sách Nêhêmi cũng cho biết rằng khi họ xây lại vách tường thì một tay cầm bay và tay kia phải cầm vũ khí (Nêhêmi 4:17). Trong một ý nghĩa nào đó, sự chống đối từ bên ngoài thường dễ xử trí hơn bởi vì nó hiển nhiên – chúng ta nhìn thấy được và có thể chống lại.
Loại chống đối kế tiếp đến từ bên trong. Khi những người lưu đày trở về để xây lại đền thờ thì dân ngoại đang cư trú tại Giêrusalem và Giuđê lúc đó, đã đến đề nghị cùng Xôrôbabên và Giêsua: “Chúng tôi muốn đồng xây cất với các ngươi, vì chúng tôi tìm cầu Đức Chúa Trời của anh em, cũng như anh em, và chúng tôi đã tế lễ cho Ngài từ đời ÊsaHađông,vua Asyri, đem chúng tôi lên đây” (Exơra 4:2). Nhưng Xôrôbabên và Giêsua trả lời rằng: “Các ngươi chẳng được phần chung với chúng ta đặng cất một đền thờ cho Đức Chúa Trời của chúng ta; song chúng ta, chỉ một mình chúng ta, sẽ cất một đền thờ cho Đức Chúa Trời mà thôi” (4:3). Xôrôbabên và Giêsua đã lập ra một nguyên tắc: Công việc của Đức Chúa Trời phải được thực hiện bởi chính dân sự của Ngài.
Kế Hoạch Của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời ban quyền năng cho dân sự Ngài để hoàn thành các mục đích theo kế hoạch của Ngài.
Công việc của Đức Chúa Trời phải được thực hiện bởi dân sự của Ngài. Những kẻ vô tín không có phần trong đó. Theo tôi, một trong những nhược điểm của Hội thánh ngày nay là Hội thánh bị pha trộn giữa tín đồ và những người chỉ mang danh là tín đồ. Nhiều Hội thánh thường chọn những người lãnh đạo các ban ngành qua địa vị, uy tín, tiền bạc, và danh tiếng của họ – cho dù họ có là tín đồ thật hay không. Công việc Chúa phải được thực hiện bởi dân sự của Chúa, chứ không phải bởi bất cứ người nào muốn thành một phần tử trong số họ, dầu người đó có thể đang thành công trong lãnh vực kinh doanh hay được chấp nhận về mặt xã hội. Thử tưởng tượng có một đối tượng cần quen biết nhiều người để thuận lợi hơn trong nghề của mình (ví dụ như một nha sĩ không tin Chúa nhưng cần quen biết nhiều gia đình đông con).
Người đó muốn trở thành nhân sự của ban Trường Chúa Nhật trong một Hội thánh lớn tại thị xã vì cần tiếp cận những gia đình nầy. Điều đó cũng dễ thực hiện vì một Hội thánh đang cần nhân sự sẽ vui vẻ đón nhận ông. Và như thế, Hội thánh đó đã vi phạm những nguyên tắc mà chúng ta vừa học được từ Exơra liên quan đến công việc Đức Chúa Trời.
Nguyên tắc thứ bảy: Đức Chúa Trời là Đấng thúc đẩy và tác động tối cao, Đấng hướng dẫn rõ ràng, và cũng là Đấng cung cấp mọi nhu cầu cho công việc của Ngài. Nguyên tắc tốt đẹp nầy đem lại sự khích lệ và niềm hy vọng cho tôi tớ Chúa trên khắp thế giới là những người trung tín chịu đựng sự chống đối.
Trong thời điểm của Exơra và Nêhêmi, Đức Chúa Trời đã vượt qua sự chống đối trước công việc của Ngài thể nào, thì ngày hôm nay, Đức Chúa Trời cũng thể ấy (Exơra 6:6-8). Bản báo cáo gởi lên Vua Ạttaxétxe nói rằng, người Do Thái là một dân phản nghịch, là dân có một lịch sử phản loạn, và hậu quả là họ không được phép xây dựng lại đền thờ (4:11-16).
Song vị vua kế tiếp, Đariút, đã tìm tòi trong biên niên sử, phát hiện vua Siru đã từng ra chiếu chỉ cho phép và cung cấp vật liệu để xây dựng lại đền thờ. Ông đã viết:“Khá để cho quan cai của người Giuđa và những người trưởng lão của chúng xây cất lại đền thờ của Đức Chúa Trời tại nơi cũ nó. Nầy ta ra lệnh, truyền các ngươi phải làm gì đối với các trưởng lão dân Giuđa, đặng giúp việc cất lại ngôi đền của Đức Chúa Trời: Hãy lấy thuế khóa thâu của bên kia sông, vội cấp phát các tiền chi phí cho những người đó, để công việc chẳng bị dứt chừng” (6:7-8).Đức Chúa Trờiõ san bằng sự chống đối. Ý muốn và công việc của Ngài đã được thực hiện.
Nguyên tắc thứ tám: Khi Đức Chúa Trời làm việc qua dân sự Ngài, dân ngoại có thể sẽ được cứu khi họ nhận biết Đức Chúa Trời đang hành động. Khi dân chúng thấy Chúa làm việc qua chúng ta, và nhận biết chúng ta chỉ là những ống dẫn bằng đất, không thể hoàn tất công việc nầy theo sức riêng mình, thì họ bắt đầu ý thức rằng đó là việc làm của Đức Chúa Trời. Họ hiểu rằng Đức Chúa Trời chính là Đấng Tác động và Thúc đẩy Tối Cao, Nguồn Năng Lực phía sau tất cả mọi điều mà dân sự của Ngài đang làm.
Đây là cách mà dân chúng có thể nhận được sự cứu rỗi khi họ quan sát công việc của Đức Chúa Trời. Trong Exơra 6:21-22, chúng ta thấy một số người ngoại đạo được tái định cư tại Giuđa đã lìa bỏ các phong tục phi luân lý của họ và tham gia thờ phượng Giêhôva Đức Chúa Trời khi nhìn thấy dân Giuđa dự Lễ Vượt Qua. Điều nầy khác hẳn với việc những kẻ vô tín, chưa được tái sanh, nhưng lại muốn dự phần trong công việc của Đức Chúa Trời. Khi một người được cứu, họ trở thành dân sự của Đức Chúa Trời, là những người mà qua đó Đức Chúa Trời sẽ thực hiện công việc của Ngài trong thế gian nầy.
Nguyên tắc thứ chín: Tất cả những người liên quan đến việc điều hành sẽ tìm thấy công việc của Chúa được bày tỏ ra trong Lời của Đức Chúa Trời. Tại điểm nầy, Exơra trở thành khuôn mẫu cho chúng ta. Exơra đã khẳng định trong lòng mình là sẽ học Lời Chúa, vâng theo Lời Chúa, và sẽ dạy dân Ysơraên các luật lệ và giới mạng được bày tỏ trong Lời Ngài.Ông đã biết công việc Chúa là gì bởi vì ông biết Lời Chúa. Công việc Đức Chúa Trời dành cho Exơra là đưa sự dạy dỗ năng động vào trong ngôi đền thờ được tái xây dựng đó.
Nguyên tắc thứ mười: Đây là một nguyên tắc có tính thực tế: Khi công việc được hoàn thành, Chúa thường cho phép các nhân sự của Ngài gặp sự thất bại, để tỏ rõ rằng quyền năng chỉ đến duy nhất từ Chúa mà thôi. Trong cả hai sách Exơra và Nêhêmi, sau khi công việc lớn lao của Đức Chúa Trời đã hoàn tất, dân sự đã bội đạo. Dân Chúa bị lôi cuốn vào các phong tục gớm ghiếc của dân ngoaiï sống trong xứ đó. Đây là một lối mòn đáng buồn và khá nghiêm trọng trong đời sống của nhiều bậc vĩ nhân và trong công việc của Đức Chúa Trời. Có thể Chúa muốn cho chúng ta và toàn thế giới hiểu rằng Ngài mới chính là coi nguồn gốc của công việc chứ không phải là những phương tiện của con người. Còn một lý do khác cho thấy vì sao điều nầy thường xảy ra, và do Satan hành động. Nguyên tắc thứ mười một: Khi Chúa dùng một người để hoàn thành công việc Ngài, Satan lại thích làm mất uy tín của chính người đó.
Đây là một số nguyên tắc trong công việc Chúa mà chúng ta vừa học được từ sách Exơra. Để tóm tắt và nhấn mạnh, tôi xin nhắc lại điều mà Exơra nói với chúng ta: Đức Chúa Trời sử dụng quyền năng của Ngài qua dân Ngài để hoàn thành mục đích theo kế hoạch của Ngài.Có phải bạn là con dân của Chúa không? Bạn có nhận biết mình là một công cụ trong quyền năng Chúa không? Bạn có biết mục đích của quyền năng Chúa bên trong bạn là để công việc Ngài có thể được hoàn thành qua bạn, tùy theo kế hoạch của Ngài hay không?
Chương 6: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO
Trong khi sách Exơra dạy cho chúng ta những nguyên tắc để biết rõ việc chúng ta làm cho Đức Chúa Trời là công việc của Đức Chúa Trời, thì sách Nêhêmi lại chú trọng đến người lãnh đạo, mẫu người mà Chúa cần tìm để thực hiện công việc của Ngài thông qua con người. Nêhêmi chính là khuôn mẫu của người lãnh đạo đó.
Khi Nêhêmi giữ chức vụ tổng trấn, dân sự cần một sự phục hưng. Nhiều người Giuđa đã có mối liên hệ thông gia với dân ngoại, điều nầy vi phạm trực tiếp đến luật pháp của Đức Chúa Trời. Hãy lắng nghe lời quở trách của Nêhêmi: “Cũng trong lúc đó, tôi thấy những người Giuđa lấy đàn bà Áchđốt, Ammôn và Môáp làm vợ. Con cái của chúng nó nói phần nửa tiếng Áchđốt, không biết nói tiếng Giuđa, nhưng nói tùy theo tiếng của dân nầy hay dân kia. Tôi quở trách chúng nó, rủa sả chúng nó, đánh đập một vài người trong chúng nó, nhổ tóc chúng nó; biểu chúng nó chỉ Đức Chúa Trời thề, mà rằng: Các người sẽ không gả con gái mình cho con trai họ, hay là cưới con gái họ cho con trai mình, hoặc là cưới cho chánh mình các ngươi” (Nêhêmi 13:23-25).
Bạn có thể thấy Nêhêmi lãnh đạo theo một cách riêng! Hầu như không có vị mục sư nào lãnh đạo theo cách nầy, nhưng Nêhêmi đã làm thế vì là điều cần thiết cho dân sự Chúa lúc đó.Chúng ta có thể nói rằng Exơra là người vạch ra kế hoạch, trong khi Nêhêmi là người thực hiện. Đây là điều Chúa giao cho cả hai người. Nêhêmi là người thực tế. Ông muốn có mặt tại chỗ để điều động công việc cho đến khi hoàn tất. Cả hai đều là những mẫu người lãnh đạo xuất sắc, mặc dầu họ có nhiều điểm khác biệt.
Khi nghiên cứu sách Nêhêmi, chúng ta nên chú ý đến nguyên tắc lãnh đạo, hoặc là các đức tính mà Đức Chúa Trời cần để làm công việc của Ngài. Tôi gọi sách Nêhêmi là “Tiểu sử sơ lược một nhà lãnh đạo công việc của Đức Chúa Trời”.
Đặc điểm đầu tiên Nêhêmi bày tỏ là: Lòng cưu mang về công việc mà Đức Chúa Trời muốn làm. Một trong những dấu hiệu đầu tiên Đức Chúa Trời muốn dùng bạn để thực hiện một công việc nào đó là: Ngài khiến bạn có lòng cưu mang về công việc đó. Nếu bạn cảm nhận và đang cầu nguyện về điều đó, thì có thể Đức Chúa Trời muốn bạn tham dự vào câu trả lời cho lời cầu nguyện của bạn.
Đặc điểm thứ hai: Người làm việc Chúa phải có một sứ điệp từ Đức Chúa Trời liên quan đến công việc đó. Trong Nêhêmi 1:9, Nêhêmi nhớ lại lời Đức Giêhôva phán với Môise:“Còn nếu các ngươi trở lại cùng Ta, giữ gìn làm theo các điều răn của Ta, dầu khi kẻ bị tan lạc của các ngươi ở cuối tận trời, Ta cũng sẽ từ đó chiêu tập chúng nó về, và dẫn chúng nó đến nơi Ta đã chọn đặng cho danh Ta ngự tại đó”. Nơi đó là Giêrusalem. Đức Chúa Trời muốn Nêhêmi xây dựng lại tường thành Giêrusalem.
Đặc điểm thứ ba: Cam kết với Đức Chúa Trời là công việc sẽ hoàn thành. Một người, dầu là nam hay nữ khi được Chúa chọn vào chức vụ lãnh đạo không chỉ cảm thấy có một gánh nặng, có một sứ điệp từ Chúa mà thôi, nhưng cũng phải có sự cam kết với Chúa là công việc của Ngài sẽ được hoàn tất. Sự cam kết của Nêhêmi với công việc Chúa được tỏ ra trong sự mạo hiểm khi ông còn là vị quan tửu chánh của vua. Luật pháp Mêđi-Pherơsơ quy định là nếu một người có vẻ mặt buồn rầu hay thái độ tiêu cực khi đứng trước nhà vua thì sẽ bị xử tử. Dù thế, trong Nêhêmi đoạn 2, chúng ta đọc rằng nhà vua đã hỏi Nêhêmi: “Nhân sao mặt mày ngươi buồn đến vậy?”(2:2). Nêhêmi kể lại rằng ông sợ hãi và thầm cầu nguyện,sau đó ông tâu với vua: “Nguyện vua vạn tuế! Lẽ nào mặt tôi không buồn khi cái thành, là nơi có mồ mả của tổ phụ tôi, bị phá hoang, và các cửa thành bị lửa thiêu đốt?”(2:3) Đức Chúa Trời ở cùng Nêhêmi vì nhà vua đã hỏi:“Ngươi cầu xin cái gì?”(2:4). Sau một lời cầu nguyện nhanh, Nêhêmi tâu với vua: “Nếu vua thấy điều đó là tốt lành, nếu kẻ tôi tớ vua được ơn trước mặt vua, xin vua hãy sai tôi về Giuđa, đến thành có mồ mả của tổ phụ tôi, để tôi xây cất thành ấy lại”(2:5). Nhà vua không những thuận phê chuẩn lời cầu xin của ông, mà còn ban cho ông cả vật liệu xây dựng nữa. Đức Chúa Trời đã ban phước cho Nêhêmi vì lời cam kết của ông trong công việc Chúa.
Đặc điểm thứ tư : Một khải tượng cho công việc của Đức Chúa Trời. “Ở đâu không có khải tượng, dân sự bị hư mất” (Châm ngôn 29:18). Người lãnh đạo công việc Chúa phải có một khải tượng và phải chia sẻ khải tượng đó. Khi Nêhêmi trở về Giêrusalem, ông đã tự mình thanh sát tình trạng của thành cho đến khi có được tất cả thông tin cần thiết. Rồi ông gặp các thầy tế lễ, những người quyền quý và các quan trưởng, bảo họ rằng: “Hãy đến, xây lại vách thành Giêrusalem!” (17) Khi xác định điều cần làm, ông nói cho những người khác biết.
Đặc điểm thứ thứ năm: Khích lệ nhiều người tham gia vào công việc. Khi một nhà lãnh đạo có khải tượng từ Đức Chúa Trời, hãy chia sẻ khải tượng của ông, dân sự sẽ chấp nhận sự lãnh đạo của ông. Đôi khi, các nhà lãnh đạo thuộc linh cảm thấy thất vọng vì dân sự Đức Chúa Trời không vâng theo họ. Nhưng họ và chúng ta nên nhận biết rằng sự thiếu “những người tình nguyện” là một lời tuyên bố tiêu cực về sự lãnh đạo của chúng ta, vì một trong những đức tính của người lãnh đạo là năng lực thúc đẩy dân sự bước theo họ để tham gia vào công việc của Đức Chúa Trời.
Đặc điểm thứ sáu: Một nhà lãnh đạo đích thực được xức dầu thì thường gặp sự chỉ trích. Khi bạn bắt đầu làm điều gì, đặc biệt là công việc của Đức Chúa Trời, bạn có thể phải đương đầu với sự chống đối và chỉ trích – thậm chí từ những người rất tin kính. Tất nhiên Nêhêmi đã được chứng thực bởi sự chỉ trích nầy (4:1-3).
Đặc điểm thứ bảy: Đời sống chuyên tâm cầu nguyện cho công việc Đức Chúa Trời. Hãy nhớ lại những lần Nêhêmi cầu nguyện. Nêhêmi cầu nguyện khi bị người ta chê cười và chế nhạo (4:4-5), trước khi tâu với vua (2:4). Ông cho chúng ta thấy việc đó thật có ý nghĩa, vậy hãy thực hiện lời khích lệ của sứ đồ Phaolô: “Hãy cầu nguyện không thôi!” (I Têsalônica 5:17).
Đặc điểm thứ tám của người lãnh đạo: Ở cùng dân sự khi họ tham gia công việc Chúa. Nêhêmi luôn có mặt tại chỗ làm cùng với nhiều người khác.
Đặc điểm thứ chín: Phẫn nộ chính đáng khi công việc Chúa gặp chống đối và ngăn trở. Sự khác nhau giữa phẫn nộ chính đáng và giận dữ là gì? Nếu bạn giận dữ vì có điều gì hay người nào cản đường bạn, sự giận dữ đó là tội. Nhưng nếu bạn đang làm việc Chúa, và nổi giận với những quyền lực của địa ngục đang ngăn trở, lúc đó sự nóng giận của bạn là phẫn nộ chính đáng. Ví dụ, khi Chúa Jêsus nhìn thấy tổ chức tôn giáo đã biến đền thờ Đức Chúa Trời thành nơi chợ búa và sào huyệt của kẻ trộm cắp, Ngài biểu lộ sự căm phẫn chính đáng (Giăng 2:12-16). Người lãnh đạo công việc Chúa có thể giận dữ cách chính đáng khi công việc bị chống đối. Nêhêmi thuộc mẫu người lãnh đạo như thế.
Đặc điểm thứ mười: Tận hiến cho công việc của Đức Chúa Trời. Hãy xem những câu Kinh Thánh trong Nêhêmi 4: 21-23 “Chúng tôi làm công việc là như vậy; phân nửa họ cầm cây giáo từ lúc rạng đông cho đến khi sao mọc. Trong lúc ấy, tôi cũng nói với dân sự rằng: Mỗi người hãy cùng tôi tớ mình ngủ đêm tại Giêrusalem, để ban đêm chúng phòng giữ, và an ngày làm công việc. Nào tôi, nào anh em tôi, nào các người đầy tớ tôi, nào những người lính canh theo tôi, chẳng có ai cởi áo mình ra, mỗi người đều đeo binh khí nơi bên hữu mình, thậm chí khi anh ta đi lấy nước”. Đây là sự minh họa tuyệt vời về lòng tận hiến cho công việc của Đức Chúa Trời.
Đặc điểm thứ mười một: Khá lạ lẫm, Có khải tượng đường hầm. Khải tượng đường hầm có thể là tiêu cực hoặc tích cực. Điều nầy trở nên tiêu cực khi chúng ta từ chối một cách ngoan cố, không chịu lắng nghe lý do, nhưng sẽ là tích cực khi luôn nhắc nhở chúng ta làm công việc Đức Chúa Trời cách cẩn trọng. Người ta không thể kéo Nêhêmi rời khỏi bức tường ông đang xây. Nhiều người đã cố gắng bằng đủ mọi cách để đánh lừa ông bước xuống, nhưng họ không thể khiến ông xao lãng khỏi mục tiêu của mình vì ông đã có khải tượng, cần
phải tập trung vào công việc của Đức Chúa Trời.
Đặc điểm thứ mười hai: Có sức thuyết phục mạnh mẽ. Trong đoạn 5, khi Nêhêmi biết có vài người đang bóc lột các anh em bằng cách cho vay nặng lãi, ông buộc chúng không được chèn ép người Giuđa, anh em mình (5:1-13). Nêhêmi là một người có sức thuyết phục mạnh mẽ.
Đặc điểm thứ mười ba: Sự tin quyết. Nêhêmi biết ông đang thực hiện một trọng trách và tin chắc là Chúa kêu gọi ông vào công việc đó. Điều nầy đem lại cho Nêhêmi một sự tin chắc, không hề lay chuyển khi ông làm công việc mà Chúa ủy thác.
Đặc điểm thứ mười bốn: Can đảm, không hề khiếp sợ. Lòng can đảm hiển nhiên là nét đặc trưng quan trọng trong tiểu sử của nhà lãnh đạo được Đức Chúa Trời sử dụng.
Đặc điểm thứ mười lăm: Sự nhịn nhục. Trong Rôma 5, sứ đồ Phaolô cho thấy ích lợi của sự nhịn nhục: “Chúng ta biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh ra sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy. Vả, sự trông cậy không làm cho hỗ thẹn, vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta” (5:3-5). Sự nhịn nhục có nghĩa là ở với điều gì đó và không bỏ cuộc thậm chí trong sự hoạn nạn, vẫn phải chịu đựng.
Đặc điểm thứ mười sáu: Có kỹ năng tổ chức. Kinh Thánh kể ra các vai trò và chức vụ hầu việc Chúa trong Hội thánh (đối chiếu I Côrinhtô 12:28, đặc biệt là về ân tứ quản trị).Trong Nêhêmi 7, Nêhêmi lập những người Lê-vi, các quan cai và lính gác. Ông cũng tu bộ dân chúng theo số các gia tộc. Đó là sự tổ chức!
Đặc điểm thứ mười bảy: Chăm chú vào mục tiêu ưu tiên. Hãy quan sát thứ tự ưu tiên của Nêhêmi trong chương 10. Ông buộc dân sự hứa rằng họ sẽ không để con cái mình kết hôn với dân ngoại, không làm việc trong ngày Sabát, và để cho đất nghỉ vào năm thứ bảy. Ông cũng buộc dân chúng phải nộp thuế hằng năm cho công việc của đền thờ, dâng hoa quả đầu
mùa cho Đức Chúa Trời, và dâng con đầu lòng của mình cùng con đầu lòng súc vật lên cho Đức Chúa Trời. Dân sự của Đức Chúa Trời hứa với Nêhêmi rằng họ sẽ dâng cho Chúa một phần mười của mọi thứ. Nêhêmi biết điều gì là ưu tiên nhất, và ông hướng dẫn dân sự theo điều đó.
Đặc điểm thứ mười tám: Hướng dẫn bằng cây gậy của người chăn bầy. Là người chăn tốt, người lãnh đạo dùng cây gậy của người chăn bầy để dẫn dắt và kỷ luật dân sự của Đức Chúa Trời. Giống như cha mẹ, người lãnh đạo phải có đủ lòng yêu thương đối với dân sự khi kỷ luật họ.
Đặc điểm thứ mười chín: Nhà lãnh đạo phải có tính người. Nhà lãnh đạo cần phải có cảm xúc của con người và biết rõ điều đó. Ông không chỉ cảm biết tính người trong bản thân mình mà còn cần thông cảm với tính người của dân sự mà mình đang dẫn dắt.
Sau cùng, Nêhêmi cho chúng ta thấy đặc điểm thứ hai mươi mà nhà lãnh đạo của Đức Chúa Trời cần có, đó là phải hoàn tất công việc Chúa giao, đem lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Nêhêmi đã hoàn tất việc xây lại bức tường, hầu cho danh Chúa được vinh hiển!
Chúng ta đừng để mất đi tầm nhìn xuyên suốt đến điểm cuối của đường hầm, khi chúng ta đang nỗ lực thực hiện công việc Đức Chúa Trời làm qua chúng ta. Người lãnh đạo của Đức Chúa Trời là một người có thể thưa trình với Chúa Jêsus: “Con luôn làm vinh hiển Ngài trên đất. Con đã làm xong công việc Chúa giao … Mọi việc đã được trọn!” (Giăng 17:4; 19:30).
Chương 7: HÃY ĐOÁN XEM AI SẼ ĐẾN DỰ BỮA TỐI!
Cựu ước ghi lại bốn sự giải thoát quan trọng cho dân sự Đức Chúa Trời. Sự giải thoát đầu tiên qua Giôsép, người cứu dân Hêbơrơ khỏi nạn đói. Thứ hai là ra khỏi Êdíptô –Ysơraên được giải cứu khỏi ách nô lệâ. Thứ ba là sự trở về từ Babylôn của người Giuđa. Sự giải thoát thứ tư được ghi lại trong sách Êxơtê.
Các sách Rutơ và Êxơtê ghi lại câu chuyện về những người nữ đầy đức tính. Họ đã đóng góp nhiều cho công việc của Đức Chúa Trời. Sách Rutơ kể về một thiếu nữ ngoại bang lập gia đình với một người Giuđa, và đã trở thành tổ mẫu trong gia phả của Đấng Mêsi. Sách Êxơtê kể lại chuyện một người nữ Hêbơrơ kết hôn với một người ngoại và đã cứu dân tộc Do Thái khỏi nạn diệt chủng, bảo tồn dòng dõi Đấng Mêsi. Sách Êxơtê có nhiều tình tiết mang đầy kịch tính, nên tôi sẽ trình bày sự nghiên cứu của mình về sách Êxơtê như thể nó là một vở tuồng.
MÀN 1: KẾ HOẠCH CỦA CON NGƯỜI
Cảnh 1: Bữa Tiệc Của Pherơsơ.
Vào năm 482 TC, một bữa tiệc được bày ra cho 127 tỉnh của Mêđi Pherơsơ, bao gồm cả Đế quốc Pherơsơ. Nhân vật trung tâm là vị hoàng hậu bị phế, hoàng hậu Vảthi. Chồng bà là vua Xétxe, hay Asuêru (tuỳ theo bản dịch Kinh Thánh). Buổi tiệc nầy đã kéo dài khoảng 6 tháng một tuần, rượu được phép uống tự do tùy theo tửu lượng của mỗi người (Êxơtê 1:8). Hoàng hậu Vả Thi cũng có những buổi tiệc chiêu đãi riêng cho giới nữ. Nhưng rắc rối đã xảy ra khi bà được vua triệu đến để cho mọi người nam được chiêm ngưỡng sắc đẹp của bà. Chúng ta có thể hiểu được vì sao bà từ chối. Nhưng bất hạnh thay, Vua Xétxe chẳng hiểu được điều đó!
Cảnh 2: Hoàng Hậu Vả Thi Bị Phế.
Vua Xétxe rất tức giận, bèn truyền hỏi ý kiến của những cận thần. Họ tâu rằng hành vi của hoàng hậu Vả Thi không những chỉ đắc tội với vua mà còn với mỗi người nam trong vương quốc, vì cớ bà đã không vâng lời vua nên các bà vợ trong vương quốc cũng sẽ bất tuân và thiếu kính trọng chồng mình. Do đó họ xin nhà vua truyền lệnh truất phế Vả Thi và thay một hoàng hậu khác phù hợp hơn (và dễ bảo hơn). Rồi thì, khi các bà vợ trong nước thấy điều đã xảy ra cho Vả Thi, thì họ sẽ kính trọng chồng mình (16-20) Vua Xétxe và quần thần lấy làm đẹp ý với điều nầy. Vì vậy, vua nghe theo lời tâu của họ và gởi chiếu chỉ cho tất cả 127 tỉnh, tùy theo các thứ tiếng địa phương, nhấn mạnh đến vai trò của người đàn ông là phải cai quản nhà mình và tỏ rõ quyền hạn của mình (21-22).
Cảnh 3: Một Đám Rước Pherơsơ Linh Đình.
Để chọn một tân hoàng hậu, một cuộc tuyển lựa người đẹp được tiến hành trong toàn đế quốc. Đây không phải là cuộc thi sắc đẹp bình thường: Những thiếu nữ đẹp nhất trong nước được đưa đến hậu cung. Vua sẽ chọn một người trong những thiếu nữ đó, là người mà vua yêu thích nhất để lập làm hoàng hậu (2:2-4a). Xin cho phép tôi chú thích thêm về sự đáp ứng của nhà vua: “Lời đề nghị đó đẹp ý vua, vua cho thực hiện kế hoạch đó ngay lập tức” (4b).
Cuộc tuyển lựa nầy thực sự mang tính tàn nhẫn vì những thiếu nữ bị ép buộc đưa vào hậu cung. Ngày xưa, mối quan hệ của một quốc vương với nhiều thiếu nữ trong hậu cung không giống như mối quan hệ vợ chồng. Một quốc vương thời xưa như Xétxe thường có hai hậu cung, chúng ta có thể gọi là hậu cung A và hậu cung B. Khi những thiếu nữ đã trải qua cuộc
tuyển lựa trên toàn đế quốc Pherơsơ, họ được đưa về sống trong hậu cung A. Tại đây họ được phát cho những hương phẩm cần dùng cho sự tẩy uế trong một năm. Sau đó họ được triệu đến để ngủ với nhà vua. Sáng hôm sau, họ được đưa về hậu cung B, là nơi mà họ sẽ sống suốt quãng đời còn lại, họ chỉ được gặp lại nhà vua khi nào được đòi đến. Thường thì vua đã quá say đến nỗi không nhớ người thiếu nữ nào đang có mặt ở đó. Theo cách nhìn của một vị quốc vương thì mục đích của đời sống người thiếu nữ đó là được trải qua một đêm với vua và ông không còn nhớ đến nữa.
Hai nhân vật kế tiếp mà chúng ta sẽ gặp là Mạcđôchê, một người Giuđa bị lưu đày, và Êxơtê, người cháu trẻ tuổi đáng yêu của ông, được ông nuôi từ lúc cha mẹ nàng qua đời.
Êxơtê xinh đẹp lạ thường vì thế nàng bị buộc tham dự vào cuộc tuyển chọn. Mạcđôchê căn dặn Êxơtê không được nói cho ai biết nàng là người Giuđa. Điều đó cũng bày tỏ sự dự phòng
của Đức Chúa Trời trong cuộc đời Êxơtê.
Khi Êxơtê được triệu đến với vua Xétxe, vua yêu thích nàng hơn tất cả và lập nàng làm hoàng hậu của xứ Mêđi-Pherơsơ. Đức Chúa Trời đã đặt một thiếu nữ Giuđa lên ngai vàng của đế quốc hùng mạnh nhất thế giới (nhiều năm sau đó, vua ẠttaXétxe, con trai của Êxơtê, cho phép Nêhêmi trở về và xây lại bức tường thành Giêrusalem).
Một hôm, khi Mạcđôchê đang ngồi ở cổng hoàng cung, ông nghe lõm được hai người đàn ông đang bàn tính mưu sát nhà vua. Mạcđôchê kể lại cho hoàng hậu và bà đã báo cho vua biết. Mạng sống của vua được bảo tồn và hai kẻ mưu sát bị treo lên cây mộc hình. Việc làm của Mạcđôchê được chép lại trong sách Sử ký của nhà vua, nhưng sự kiện nầy chưa được vua Xétxe lưu ý và khen thưởng. Đây cũng là sự dự phòng của Chúa đúng lúc cần đến trong câu
chuyện hấp dẫn nầy.
Cảnh 4: Cuộc Thanh Lọc Của Pherơsơ.
Trong tấn bi kịch nầy, chúng ta gặp kẻ hung ác: Người đàn ông tên là Haman, một trong các quan trưởng cao cấp nhất của nhà vua. Khi ông đi trên đường phố, ông yêu cầu mọi người phải cúi lạy mình. Mọi người đều cúi lạy, ngoại trừ Mạcđôchê vì không muốn vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời là chỉ thờ lạy một mình Ngài mà thôi (Xuất Êdíptô Ký 20:3-4).
Haman rất giận dữ và thề tiêu diệt không chỉ một mình Mạcđôchê mà thôi, nhưng sẽ diệt toàn thể dân tộc của ông (Êxơtê 3:5-6). Ông ta thuyết phục nhà vua ban ra một chiếu chỉ là tất cả những người Giuđa ở trong đế quốc Pherơsơ sẽ bị giết vào ngày 28/2 của năm kế tiếp (7-11). Haman và nhà vua bỏ thăm hay ném súc sắc để chọn ngày. Trong ngôn ngữ Pherơsơ, chữ “Pur” có nghĩa là “ném súc sắc”. Lễ Phurim của người Giuđa, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Nguồn gốc cái tên của lễ nầy là từ sự cố nghiêm trọng: Tận diệt dân tộc Giuđa.
Khi Mạcđôchê biết được chiếu chỉ gian ác nầy, ông xé áo mình, mặc lấy một cái bao và phủ tro lên đầu, đi ra giữa thành, lớn tiếng kêu khóc cách cay đắng (4:1). Trong 127 tỉnh của xứ Mêđi-Pherơsơ, dân Giuđa đều rơi vào cảnh sầu thảm, tuyệt vọng. Họ khóc lóc, kiêng ăn.
Khi Êxơtê hay tin Mạcđôchê mặc bao gai và lớn tiếng kêu khóc với Đức Chúa Trời, bà cho người đến tìm hiểu xem có vấn đề gì. Mạcđôchê nhờ sứ giả chuyển lời yêu cầu bà can thiệp với nhà vua, xin tha chết cho tất cả những người Giuđa trên toàn Đế quốc Pherơsơ. Êxơtê cho biết là nếu đi gặp vua khi không được triệu đến thì sẽ bị xử tử, trừ phi được vua đưa cây phủ việt ra, và bà thì đã không được vời đến một tháng rồi (4:11). Qua sứ giả, Mạcđôchê chuyển đến cho Êxơtê một lời nhắn quan trọng: “Chớ thầm tưởng rằng ở trong cung vua,ngươi sẽ được thoát khỏi phải hơn mọi người Giuđa khác; vì nếu ngươi làm thinh trong lúc nầy đây, dân Giu đa hẳn sẽ được tiếp trợ và giải cứu bởi cách khác, còn ngươi và nhà cha ngươi đều sẽ bị hư mất; song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị hoàng hậu sao?” (4:1314).
Êxơtê xin Mạcđôchê nhóm hiệp các người Giuđa lại để cầu nguyện và kiêng ăn, chính bà cũng cầu nguyện và kiêng ăn nữa. “Khi điều nầy đã làm xong”, bà nói với ông: “Tôi sẽ vào cung vua, dù nó là trái luật pháp. Và nếu tôi phải chết, thì tôi chết”(4:16).Khi Êxơtê diện kiến, vua Xétxe vui vẻ đưa cây phủ việt ra và hứa sẽ chuẩn y lời cầu xin, cho dù bà có xin đến phân nửa nước (5:1-3). Bà mời vua và Haman đến dự một bữa tiệc.Tại bữa tiệc, nhà vua lại hỏi bà lần nữa về lời cầu xin của bà. Thay vì đi thẳng vào vấn đề, bà lại mời vua và Haman dự một tiệc khác nữa vào ngày hôm sau, và bà hứa là sẽ tâu cho vua Xétxe biết điều mà bà muốn cầu xin (5: 6-8)
Haman rất vui sướng vì ông được mời đến dự các buổi ăn tối có tính cách riêng tư nầy, chỉ với nhà vua và hoàng hậu mà thôi! Nhưng thái độ của Mạcđôchê vẫn khiến cho ông tức điên lên. Khi về đến nhà sau bữa tiệc đầu tiên, ông bộc lộ nổi giận dữ của mình cho gia đình biết. Bạn bè và gia đình khuyên ông dựng lên một cây mộc hình dành cho Mạcđôchê, rồi sớm mai hãy cầu xin vua cho phép ông treo Mạcđôchê trên đó (5:14). Tối hôm đó, Haman dựng ngay một cây mộc hình.
MÀN 2: SỰ DỰ PHÒNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong chương 6, đề cập đến sự dự phòng của Đức Chúa Trời, và đây cũng là chủ đề của sách Êxơtê. Trong thánh ý của Chúa, sau khi cùng Haman dự bữa tiệc đầu tiên của Êxơtê,đêm đó nhà vua không thể ngủ được. Vua truyền đem sách Sử ký ra đọc. Viên chức đọc Sử ký cho vua nghe, tình cờ đọc trang có ghi chép việc Mạcđôchê khám phá ra việc mưu sát vua, nhờ đó vua được thoát chết. Được biết công trạng của Mạcđôchê, vua hỏi ông đã được khen thưởng gì chưa. Khi biết Mạcđôchê chưa từng được khen thưởng gì cả, vua hỏi là giờ nầy có viên quan nào bên ngoài không? Đầy tớ tâu với vua rằng có Haman.
Cảnh 1: Tình Thế Đảo Lộn.
Để khen thưởng Mạcđôchê, vua Xétxe triệu Haman (là người đến cung điện rất sớm để xin treo Mạcđôchê lên cây mộc hình) đến và hỏi: “Phải làm chi cho người nào vua muốn tôn trọng?” Tất nhiên Haman thầm tưởng ông ta là người mà vua muốn tôn trọng. Vì thế, Haman đưa ra một kế hoạch thật tuyệt: “Khá đem cho áo triều của vua mặc, ngựa của vua cỡi, và đội mão triều thiên của vua trên đầu của người đó… dẫn người cỡi ngựa dạo chơi các đường phố của thành nội, và la lên rằng: Người mà vua muốn tôn trọng được đãi như vậy!”(6: 6-9)
“Ngươi hãy đi và làm như thế cho Mạcđôchê!”, vua phán với Haman. Ông kinh ngạc và cảm thấy bị sỉ nhục, nhưng buộc phải tuân lệnh (6:10). Sau đó Haman trở về nhà cách buồn thảm pha lẫn nỗi sợ hãi.
Tại bữa tiệc kế tiếp, nhà vua lại hỏi Êxơtê về lời cầu xin. Êxơtê xin cho bà và dân tộc của bà được bảo tồn mạng sống (7:3-4). Nhà vua gầm lên: “Kẻ dám toan lòng làm như vậy là ai?” Êxơtê thưa: “Đó là Haman, kẻ đã dùng mánh khóe để vua chuẩn y một đạo luật rằng thiếp và toàn thể dân tộc của thiếp sẽ bị tiêu diệt vào ngày 28 tháng hai”.
Trong cơn giận của mình, vua Xétxe đứng dậy bước ra khỏi bàn tiệc. Giờ đây, Haman biết rằng ông đã đến ngày tận số. Để cứu lấy mạng sống, Haman phủ phục trên ghế dài của Êxơtê và cầu khẩn. Khi vua trở vào, thấy Haman phục xuống trên ghế dài của Êxơtê thì nói: “Trong cung tại trước mặt ta, nó còn muốn lăng nhục hoàng hậu sao?” (7:8). Một trong những hoạn quan tâu với vua về cây mộc hình mà Haman đã dựng lên để xử treo Mạcđôchê. Vua ban lệnh treo Haman trên cây mộc hình đó! (7: 9-10).
Cảnh 2 : Sắc Lệnh Giải Thoát.
Dân Giuđa sống tại nước Pherơsơ còn phải đối đầu với một nan đề – sắc lệnh tiêu diệt họ vẫn còn hiệu lực do đạo luật của người Mêđi-Pherơsơ không thể thay đổi. Xétxe, Êxơtê và Mạcđôchê phải thảo ra một sắc lệnh thứ nhì cho phép người Giuđa được tự vệ và tiêu diệt kẻ thù vào ngày 28 tháng hai (đoạn 8). Bấy giờ mới là tháng Bảy, và trong vòng sáu tháng,những người đưa thư đem đến cho toàn đế quốc một tin tốt lành: Đem lại sự sống cho tất cả những người Giuđa đang ở dưới đạo luật của sự chết. Đạo luật sự sống nầy đã cứu sinh mạng của tất cả những người Giuđa.
Áp Dụng Cá Nhân.
Qua sách Êxơtê, chúng ta có thể rút tỉa điều gì để áp dụng trong đời sống cá nhân?
Trước nhất, chúng ta cần phải truyền bá về đạo luật sự sống của Chúa Jêsus cho những người đang sống dưới đạo luật của sự chết.
Thứ nhì, chúng ta tin vào sự thành tín của Đức Chúa Trời, Đấng sẽ làm trọn mọi lời hứa.Sách Êxơtê cho thấy Đức Chúa Trời làm trọn giao ước của Ngài với Ápraham: “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi” (Sáng 12:3).
Thứ ba, quy tắc bằng vàng có thể được áp dụng ngược lại. Sự chết của Haman là một sự minh họa tiêu cực của quy tắc bằng vàng: (Hãy làm cho người khác điều chi ngươi muốn họ làm cho mình): “Chớ hề làm điều chi cho ai mà ngươi không muốn họ làm điều đó cho mình”.
Thứ tư, sự chăm sóc, dự phòng của Đức Chúa Trời dành cho những người yêu mến và vâng lời Ngài. Sứ đồ Phaolô đã bày tỏ điều đó theo cách nầy: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rôma 8:28). Ngay cả lúc Êxơtê bị ép buộc vào cuộc tuyển chọn sắc đẹp đáng sợ ấy, Đức Chúa Trời vẫn tể trị cuộc đời của bà, biến tai họa đó trở nên tốt đẹp theo ý muốn của Ngài để giải cứu người Giuđa khỏi nạn diệt chủng.
Sự quan phòng của Đức Chúa Trời trong cuộc đời bạn và tôi là một trong các sứ điệp quan trọng nhất của Êxơtê. Bạn có tin rằng Đức Chúa Trời tể trị trong mọi trường hợp của cuộc đời bạn hay không? Có một điều kiện để nhận được lời hứa nầy – nếu bạn không yêu mến Đức Chúa Trời và không đi theo mục đích và kế hoạch của Ngài, thì Ngài sẽ không khiến mọi sự hiệp lại để làm ích lợi cho bạn. Nhưng nếu bạn yêu mến Ngài, bày tỏ tình yêu của bạn qua việc bước đi theo sự kêu gọi và đường lối của Ngài, thì bạn hãy tin rằng Ngài sẽ khiến bất cứ điều gì xảy ra cho bạn đều trở nên ích lợi cho Ngài và cho cả bạn nữa.
Biên Soạn: Dick Woodwar
Nguồn tài liệu: HỘI HỢP TÁC TRUYỀN GIÁO QUỐC TẾ TRƯỜNG CAO ĐẲNG THÁNH KINH