Sau khi Đức Chúa Trời làm sạch trái đất bằng lụt đại hồng thủy thì mọi thứ đều trở nên tốt đẹp. “Bấy giờ Nô-ê lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va. Ông bắt các loài thú thanh sạch và các loài chim thanh sạch làm tế lễ thiêu dâng lên bàn thờ. Đức Giê-hô-va vui hưởng mùi thơm và tự nhủ: Ta sẽ chẳng bao giờ vì loài người mà nguyền rủa đất nữa” (Sáng Thế Ký8:20-21). Thật tuyệt vời!
Nhưng như chúng ta đã thấy từ lúc đầu Kinh Thánh, mỗi khi Đức Chúa Trời làm điều gì đó tốt đẹp, kẻ thù của Ngài là Sa-tan đã rình mò trước cửa để tiêu diệt sự hiệp một giữa Đức Chúa Trời và loài người. Sau lụt đại hồng thủy thì loài người lại sa ngã một cách nhanh chóng. Trong vũ trụ này có một cuộc chiến tranh khốc liệt! Sau khi Nô-ê dâng những của lễ thiêu cho Đức Chúa Trời, thì chỉ hai chương sau đó, kẻ thù của Ngài đã làm gì? Hắn bắt đầu dựng lên kiệt tác của mình: tháp Ba-bên!
Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho người cư ngụ trên toàn trái đất (Sáng Thế Ký 1:28), nhưng loài người lại ở một nơi và xây một cái tháp cao đến tận trời để làm rạng danh mình và không bị phân tán (Sáng Thế Ký 11:3). Loài người đã trở nên kiêu ngạo.
Như chúng ta đã thấy trong các buổi thông công trước, sự kiêu ngạo là căn bệnh nguyên thủy của Lu-xi-phe (Ê-xê-chi-ên 28:15-17) và sau khi hắn cám dỗ loài người, làm loài người sa ngã thì sự kiêu ngạo cũng trở thành vấn đề chính của loài người. Đức Chúa Trời chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng Ngài ban ơn cho người khiêm nhường.
Đức Chúa Trời đã phản ứng như thế nào khi Ngài thấy những gì loài người làm? Ngài đến với họ, quan sát mọi thứ và làm rối loạn ngôn ngữ của họ để không ai có thể hiểu được người kia. Nếu loài người không còn hiểu nhau được thì sẽ rất khó để hoàn thành một dự án như vậy. Thế là họ phải ngừng xây dựng và phân tán khắp nơi trên trái đất. Vì vậy, thành phố đó được gọi là Ba-bên (tên theo tiếng Hy Lạp là Ba-by-lôn), có nghĩa là “rối loạn” hoặc “phân tán”.
Ngay cả câu chuyện này của Kinh thánh cũng liên quan rất nhiều đối với chúng ta hôm nay. Chúng ta cũng bị cám dỗ để thiết lập một kiệt tác vĩ đại, thậm chí được cho là tuyệt vời theo cách nhìn của loài người. Tuy nhiên cuối cùng nó chỉ nhằm để tạo ra một cái danh cho chính chúng ta. Anh em đừng có nhầm lẫn: Đức Chúa Trời không để cho người ta nhạo báng đâu và Ngài không trao danh dự của Ngài cho ai khác!
Trong sách cuối cùng của Kinh Thánh, sách Khải Huyền, chúng ta thấy cái thành được bắt đầu xây trong Sáng Thế Ký 11 đã được hoàn tất như thế nào (xem Khải Huyền 17 + 18). Điều đáng sợ ở đây là nó không còn một thành phố bằng vật chất nữa, mà trở thành “sào huyệt của các quỷ, ngục tù của của các tà linh và của các loài chim ô uế, đáng ghét” (Khải Huyền 18:2). Thật khó để nhận ra Ba-by-lôn, bởi vì loài người thường hay bị mù đối với những điều thuộc linh. Nhưng Lu-xi-phe đã không làm cho chúng ta thấy được Ba-by-lôn, con điếm lớn, cách dễ dàng, bởi vì “người đàn bà mặc áo đỏ tía và đỏ điều, trang sức bằng vàng, đá quý và ngọc trai; tay cầm một chén vàng” (Khải Huyền 17: 4). Nếu không có ánh sáng của Đức Chúa Trời, loài người chúng ta không thể nhìn đằng sau hậu trường và nhận ra rằng bên trong cái chén “chứa đầy những thứ gớm ghiếc và ô uế của sự gian dâm nó” và thậm chí người đàn bà này là “mẹ của những con điếm”. Ở đây nói đến sự gian dâm thuộc linh; có nghĩa: dân của Đức Chúa Trời, tuy đã được đính hôn với chính Đức Chúa Trời, nhưng đã bắt đầu theo đuổi thần tượng khác và không còn tinh sạch cho Đấng Christ nữa (xem Ê-xê-chi-ên 16). Đối với Đức Chúa Trời, đó là sự gian dâm tồi tệ nhất và Ngài sẽ trừng phạt nó rất nặng. Chúng ta không được nghĩ rằng Đức Chúa Trời chấp nhận mọi thứ, ngay cả khi chúng ta là con cái của Ngài. Cuối cùng, Ba-by-lôn thậm chí sẽ bị trừng phạt gấp đôi (Khải Huyền 18:6).
Giống như lúc trước, sau khi xây tháp Ba-bên thì mọi người đều bị rối loạn, thì ngày nay Cơ Đốc giáo cũng như vậy. Mọi người đều suy nghĩ khác nhau, và khi bạn nói một câu, thì người này sẽ hiểu thoàn toàn khác với người kia và không ai thực sự biết được điều mà Đức Chúa Trời muốn làm. Vì vậy, hôm nay Cơ Đốc nhân chỉ làm theo những gì họ nghĩ. Sa-tan làm cho phần lớn dân của Đức Chúa Trời bị rối loạn bởi các cuộc tấn công có hệ thống của nó để họ không bắt đầu thực hiện mục đích của Đức Chúa Trời với chúng ta: đó là chức tế lễ thánh và hoàng gia.
Tất cả mọi thứ bị pha trộn trong Ba-by-lôn. Nhiều thứ nghe có vẻ tốt, ví dụ: tặng bánh pizza cho ai đó rồi trả lời câu hỏi về Đức Chúa Trời, hoặc tổ chức lễ thờ phượng trong một vũ trường có nhạc sôi động và đèn xoay nhiều màu để giảng Phúc Âm cho giới trẻ. Ý tưởng và động lực đằng sau nó chắc chắn là tốt, nhưng Đức Chúa Trời ghét sự pha trộn. Chúa nói với Hội Thánh Lao-đi-xê: “vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên Ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng Ta” (Khải huyền 3:15).
Do đó, chúng ta nên nghiêm chỉnh yêu cầu xin Đức Chúa Trời cho chúng ta thấy Ba-by-lôn rõ ràng, giống như Giăng đã cho thấy trong Khải Huyền chương 17 và 18. Ba-by-lôn là một bí ẩn lớn (xem Khải Huyền 17:5), nhưng chúng ta có thể biết ơn Đức Chúa Trời vì đã phơi bày nó hoàn toàn trong Lời của Ngài. Nếu hôm nay Ngài mở mắt chúng ta để chúng ta thấy Ba-by-lôn, thì chỉ có một lựa chọn duy nhất cho chúng ta: “Tôi lại nghe một tiếng khác từ trên trời nói rằng: Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi nó, để các ngươi khỏi bị dự phần vào những tội lỗi của nó, và để các ngươi không hứng chịu những tai họa của nó! Vì tội lỗi nó chất cao tày trời, và Đức Chúa Trời đã nhớ đến các sự gian ác nó” (Khải Huyền 18:4-5).
(Sựu tầm và dịch)