Thông điệp từ Trời
Trong câu chuyện khoa học viễn tưởng “Contact”, mà gần đây đã được Hollywood chuyển thành phim, nhà văn và khoa học gia Carl Sagan đã mô tả những giây phút hồi hộp trong đời của nhà thiên văn trẻ tuổi Ellie Arroway, khi cô nhận được một số tín hiệu khác thường đến từ ngoại tầng không gian trong khi dò thám tín hiệu lạ từ các thiên hà lân cận. Sau khi xem xét, Dr. Arroway và đồng nghiệp xác nhận rằng đây là những tín hiệu thật sự phát xuất từ ngoài không gian. Những tín hiệu này là một chuỗi các số nguyên tố (prime number) mà các nhà khoa học tin rằng không chỉ riêng con người nhưng bất cứ một thế giới văn minh nào cũng có thể khám phá và xử dụng được. Điều mà cô Ellie trông chờ bao nhiêu năm nay đã thành sự thật. Câu chuyện kết thúc sau khi Ellie bắt liên lạc và gặp được người gởi tín hiệu cũng chính là người cha ruột quá cố của cô. Mẫu chuyện cảm động phần nào nói lên tâm trạng của Sagan, người đã vận động Quốc Hội Mỹ ủng hộ và tài trợ cho các chương trình thám hiểm không gian và tim kiếm những nền văn minh ngoài trái đất. Điều đáng buồn là cho đến khi Sagan mất vào năm 1996, ông vẫn chờ đợi trong tuyệt vọng để nhận tín hiệu mang một thông điệp từ Trời, nhưng vẫn vô tăm. Thật ra cách đây hai ngàn năm đã có một thông điệp từ ngoại tầng không gian, bên ngoài không thời gian bốn chiều của vũ trụ mênh mông. Thông điệp đó đã đến với thế giới loài người từ cõi Trời. Đó chính là thời điểm lịch sử Thượng đế từ Trời đến với nhân loại qua sự ra đời của hài nhi Giê xu Christ. Đáng tiếc thay, vì niềm tin hẹp hòi và tánh tự cao, Sagan đã dành cuộc đời mình hoài công tìm kiếm một thông điệp trong cõi trần, nhưng không nhận diện được bản thể chân chính của thông điệp từ cõi Thượng.
Lý do nào khiến Sagan và nhiều khoa học gia ngày nay tin tưởng vào sự hiện diện của một thế giới khác hơn thế giới chúng ta đang sống? Có lẽ Sagan cũng như bao nhiêu khoa học gia khác trân trọng và thán phục trước sự kỳ diệu của trật tự trong vũ trụ, sự hiện diện của sự sống và một nền văn minh trên đất. Nhờ vào những viễn vọng kính tối tân, các nhà khoa học có thể quan sát được những thiên thể xa xăm trong vũ trụ, nơi mà ánh sáng phải mất hàng tỉ năm mới đến trái đất. Trái đất chỉ là một phần tử rất nhỏ bé trong một bầu vũ trụ bao la. Trái đất thuộc về Thái dương hệ trong đó có mặt trời. Thái dương hệ là một phần trong hàng tỉ ngôi sao khác của dải Ngân hà (Milky Way galaxy). Dải Ngân hà và nhiều thiên hà (galaxy) khác xoay quanh một trung tâm của cụm thiên hà (cluster). Nhiều cụm thiên hà tạo nên siêu thiên hà (superclusters). Tổng cộng có khoảng 1023 ngôi sao trên bầu trời, có lẽ bằng hoặc nhiều hơn số lượng cát trong lòng đại dương. Thế nhưng các tinh tú trên trời dịch chuyển hết sức chính xác từ năm này sang năm nọ theo một định luật tuần hoàn không sai trật, không thay đổi theo thời gian hoặc không gian. Những trật tự, định luật, và những hằng số thiết lập trong vũ trụ chắc chắn phải đến từ một trí thông minh xuất chúng bên ngoài trái đất.
Nếu như trật tự ở ngoại tầng khí quyển không thể có căn nguyên từ trái đất, thì sự sống ngay trên trái đất cũng không ngoại lệ. Nhờ kính hiển vi, các nhà khoa học có thể quan sát cấu trúc tinh vi của sự sống. Mỗi một tế bào sống là một xưởng xây cất khổng lồ. Những RNA là thợ chuyên chở xây cất, protein là vật liệu xây dựng, và DNA là bản thiết kế họa đồ. Cả ba phải hợp tác chặt chẽ mới khuôn đúc nên một tế bào phức tạp sống động. Mặc dù với số lượng vật liệu và nhân công khổng lồ trong một thể tích tí hon, nhưng hầu như không bao giờ có hiện tượng tắc nghẽn lưu thông, mất trật tự. Trái lại những nhân công của tế bào sống luân phiên chuyên chở vật liệu một cách nhịp nhàng, hài hòa và đến địa điểm luôn luôn chính xác, nhanh chóng, và đúng lúc. Hơn nữa, khác với những hợp chất hóa học vô tri, tế bào sống vô cùng hữu dụng vì có chứa đựng lượng thông tin (information) khổng lồ. Tế bào sống hoạt động vô cùng uyển chuyển và tinh vi giống như một chiếc máy điện toán tối tân, nhưng nếu không có hệ thống thông tin sẽ trở nên một chiếc máy vô dụng như những chiếc máy khác. Được thiết kế với một cấu trúc cực kỳ tinh vi như vậy, sự sống không thể nào bắt nguồn từ những vật liệu vô tri vô giác từ trái đất.
Nhờ có sự sống, những hoạt động của quả địa cầu trở nên phong phú. Thời tiết trở nên điều hòa theo thời gian với chu kỳ hô hấp tuần hoàn của thế giới thực vật. Nhiệt độ trái đất cũng trở nên bớt khắc nghiệt khi lớp ozone trên thượng tầng khí quyển được hình thành và lớp thán khí được thải ra giữ hơi ấm trên mặt đất. Chính tại cao điểm hoàn mỹ của hệ thống môi sinh trên trái đất, con người và một nền văn minh vượt bực đã ra đời. Thế giới dường như đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với mục đích nghênh đón sự xuất hiện của loài người. Xã hội loài người có lẽ không thể tồn tại lâu dài nếu hệ thống môi sinh của địa cầu chưa hoàn chỉnh và cân đối. Với sự ra đời của con người có lý trí, tình cảm nhạy bén và tâm hồn phong phú, trái đất trở nên sống động bội phần hơn. Ngược lại nếu như không có loài người, thế giới có sinh động hài hòa bao nhiêu cũng chỉ như một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhưng không có người thưởng thức và xử dụng.
Những trật tự trong vũ trụ, sự sống trên trái đất, ngay cả nguồn gốc loài người, nếu như không thể bắt nguồn từ địa cầu, thì phát xuất từ đâu? Có thể nào từ một nền văn minh của một hành tinh khác có trước trái đất chăng, giống như trong câu chuyện “Contact” của Sagan? Câu trả lời này không thỏa đáng vì bất cứ một nền văn minh nào cũng không thể thiết lập trật tự trong vũ trụ đã có từ buổi ban đầu khi vũ trụ được hình thành. Khoa học cho biết ngay cả bốn chiều không và thời gian của thế giới chúng ta cũng có khởi đầu cách đây hơn 10 tỉ năm. Như vậy bộ óc khôn ngoan thiết kế nên vũ trụ phải đến từ bên ngoài vũ trụ. Đấng sáng tạo nên vũ trụ, sự sống và con người phải ở ngoài một thế giới vật chất tuy bao la nhưng có giới hạn trong bốn chiều không và thời gian.
Câu hỏi kế tiếp đặt ra là, Đấng sáng tạo là ai và có bản chất như thế nào? Chúng ta biết rằng Đấng đó không thể chỉ giống như một Đấng đó không thể nín lặng như một vật vô tri vô gíác, nhưng chắc hẳn phải có tư tưởng và khả năng truyền đạt (communicate) tư tưởng. Nếu Đấng sáng tạo thật sự liên lạc với loài người, thì thông điệp của Ngài là gì và có thể tìm thấy ở đâu? Thông điệp đó có thể tìm thấy trong khoa học, toán học, nhân văn, hay trong tôn giáo chăng? May mắn thay, khi tìm hiểu lịch sử loài người và các tôn giáo trên thế giới, có thể tìm thấy trong Cơ Đốc giáo là một tôn giáo duy nhất xác nhận sự hiện diện của một Thượng đế là Đấng sáng tạo nên vũ trụ và loài người. Thông điệp của Ngài cho loài người được chép lại trong Thánh Kinh và bày tỏ qua Chúa Cứu thế Giê xu, cũng chính là hiện thân nhục thể của Đấng sáng tạo. Chúa Cứu thế Giê xu đã từ bỏ bản thể siêu phàm để bước vào thế giới thu hẹp ba chiều hữu hạn của loài người vào hai ngàn năm trước để bày tỏ cho con người biết bản chất của Thượng đế và chương trình kỳ diệu của Ngài dành cho loài người.
Khác với những kinh điển khác dạy con người phương pháp tìm đến Thượng đế, Thánh kinh cho biết Thượng đế đã tìm đến với loài người và muốn nối kết sự thông công với loài người. Mặc dầu với trí tuệ khôn ngoan và khả năng phi thường, con người không thể trực tiếp liên lạc và thông công với Thượng đế là Đấng thánh thiện, bởi vì loài người đã một lần sa ngã phạm tội tạo nên một hố sâu đen tối ngăn cách giữa con người và Thượng đế. Giải pháp duy nhất của Thượng đế là dùng chính Thượng đế Ngôi Hai giáng thế làm người để hoàn thành sự nối kết thông công giữa loài người và Thiên Chúa. Hơn thế nữa, chính Ngôi Hai Thiên Chúa là Đấng vô tội chấp nhận gánh lấy bản án tội của loài người bằng cách xả thân chịu chết như một tử tội, để qua đó bởi niềm tin trong Chúa Cứu thế con người được hoàn nguyên vị làm con và có thể thông công trực tiếp với Thiên Chúa.
Như vậy thông điệp từ Trời chính là cuộc đời của Chúa Cứu thế Giê xu, chức vụ kỳ diệu và sự hy sinh cao cả của Ngài trên thánh giá. Tiếc thay nhà khoa học Sagan đã không nhìn nhận thông điệp này và qua đời trong tuyệt vọng. Ngày nay khi hân hoan kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giê xu, người Cơ Đốc bởi đức tin nhận được sự tha thứ và thông công với Đấng Sáng tạo vũ trụ cần được nhắc nhở về tình thương của Chúa Ngôi hai là Đấng mang thông điệp cứu rỗi cho nhân loại từ cõi Trời.
Nguyễn Lê Ân-Điển, Ph.D.