Khi Chúa Giê-su sống ở thế gian này, người ta biết Chúa như là “người bạn của kẻ thâu thuế và người tội lỗi” (Ma-thi-ơ 11:9). Những người này sẵn lòng đến với Chúa vì họ muốn nghe Ngài. Trong những ngày ấy, con người không chỉ có kinh nghiệm một số điều về Chúa Giê-su, mà còn quen biết Chúa một cách cá nhân. Vì vậy, họ được thu hút đến Ngài không phải là một điều lạ!
Ví dụ về con chiên bị lạc mất
“Hết thảy các người thâu thuế và người có tội đến gần Ðức Chúa Giê-su đặng nghe Ngài giảng. Các người Pha-ri-si và các thầy thông giáo lằm bằm mà nói rằng: Người nầy tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ăn với họ! Ngài bèn phán cho họ lời thí dụ nầy: Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao? Khi đã kiếm được, thì vui mừng vác nó lên vai; đoạn, về đến nhà, kêu bạn hữu và kẻ lân cận, mà rằng: Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được con chiên bị mất. Ta nói cùng các ngươi, trên trời cũng như vậy, sẽ vui mừng cho một kẻ có tội ăn năn hơn là chín mươi chín kẻ công bình không cần phải ăn năn” (Lu-ca 15:1-7).
Chúa Giê-su chống lại tôn giáo – nền tảng của ví dụ trên
Khi Chúa Giê-su sống ở thế gian này, người ta biết Chúa như là “người bạn của kẻ thâu thuế và người tội lỗi” (Ma-thi-ơ 11:9). Những người này sẵn lòng đến với Chúa vì họ muốn nghe Ngài. Trong những ngày ấy, con người không chỉ có kinh nghiệm một số điều về Chúa Giê-su, mà còn quen biết Chúa một cách cá nhân. Vì vậy, họ được thu hút đến Ngài không phải là một điều lạ!
Trong khi những người tội lỗi đến với Chúa Giê-su, thì những kẻ lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ như người Pha-ri-si, thầy thông giáo, thầy tế lễ thượng phẩm, và các truởng lão lại không muốn tiếp nhận Chúa, thậm chí còn tìm cách bắt bớ Ngài. Những người này cố giữ chặt truyền thống khắt khe của mình mà bỏ qua thân vị sống động của Đấng Cứu Thế. Trong Ma-thi-ơ 15:1-9, chúng ta thấy họ tìm gặp Chúa Giê-su ở Giê-ru-sa-lem và thách thức Ngài: “Bấy giờ, có mấy người Pha-ri-si và mấy thầy thông giáo từ thành Giê-ru-sa-lem đến gần Ðức Chúa Giê-su, mà thưa rằng: Sao môn đồ thầy phạm lời truyền khẩu của người xưa? Vì họ không rửa tay trước khi ăn“. Chúa Giê-su đáp lời họ: “Còn các ngươi sao cũng vì truyền thống của mình mà phạm điều răn của Thượng Đế?… Như vậy, các ngươi đã vì truyền thống mình mà bỏ lời Thượng Đế. Hỡi kẻ giả hình! Ê-sai đã nói tiên tri về các ngươi phải lắm, mà rằng: Dân nầy lấy môi miếng thờ kính ta; nhưng lòng chúng nó xa ta lắm. Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, vì chúng nó dạy dỗ điều luật của loài người”. Tình trạng của chúng ta ngày nay hoàn toàn tương tự như vậy. Truyền thống Cơ Đốc hai ngàn năm với vô số các giáo lý và sự chia rẽ khác nhau đã ngăn chặn nhiều người đến với Chúa Giê-su. Tất cả chúng ta phải được giải thoát khỏi truyền thống này và đến với Chúa Cứu Thế Giê-su, Ngài thật sống động và vô cùng kỳ diệu; chỉ mình Ngài và duy nhất Ngài mới là Thượng Đế chân thật mà thôi (1.Giăng 5:20).
Hãy để thành kiến của bạn qua đi
Một lần kia, một bạn trẻ nói với bạn mình là Cơ Đốc nhân: “Tôi chẳng muốn dính líu gì với Thượng Đế của bạn cả! Ngài đặt yêu cầu quá cao. Ngài trông đợi tôi phải bỏ điều này, điều kia; tôi cũng không được phép đến nơi mà tôi muốn và phải cư xử như theo qui định – kể cả khi tức giận, tôi cũng phải cười.” Người bạn trẻ này đã mắc một sai lầm lớn là anh ta hoàn toàn hiểu sai về Thượng Đế. Ngài không đòi hỏi bất cứ điều gì nơi chúng ta cả! Vì nếu Thượng Đế có mong đợi điều gì đó nơi chúng ta thì chúng ta cũng không bao giờ có khả năng sống tốt để thỏa mãn yêu cầu cao của Ngài. Hãy xem một ví dụ đơn giản từ mười điều răn mà Phao-lô đã trích dẫn trong thư Rô-ma 7:7 “Ngươi chớ tham lam“, và chúng ta hãy thử thực hiện một điều răn này thôi! Chúng ta sẽ thất bại. Trái lại, lời Chúa nói trong Rô-ma 10:4: “Chúa Cứu Thế là sự cuối cùng của luật pháp.”
Ngày nay, trong thời đại của Tân Ước, Thượng Đế chẳng đòi hỏi hay mong đợi một điều gì nơi chúng ta cả. Hơn thế nữa, chính Thượng Đế đã đến trong con người Chúa Cứu Thế Giê-su và chết trên thập giá để tha thứ và rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta. Sau khi phục sinh, theo Kinh Thánh dạy, Chúa đã trở thành “thần ban sự sống” (1.Cô-rinh-tô 15:45) để ban cho các Cơ Đốc nhân sự sống vĩnh hằng của chính Ngài. Chỉ duy nhất sự sống của Chúa trong Cơ Đốc nhân mới có thể làm cho họ có khả năng sống một cuộc sống thiên thượng và làm trọn mọi đòi hỏi công chính của luật pháp Thượng Đế (Rô-ma 8:4).
Được nên công chính bởi đức tin,chứ không phải bởi việc làm theo luật pháp
Thượng Đế biết rằng Ngài không thể đòi hỏi bất cứ điều gì nơi chúng ta là con người sa ngã. Nếu Chúa Giê-su dùng luật pháp và điều răn để đối chất thì người thâu thuế và kẻ tội lỗi có muốn đến với Ngài không? Chắc chắn là không rồi! Chỉ có người theo tôn giáo mới đòi hỏi họ.
Thế tại sao Thượng Đế lại ban luật pháp – mười điều răn – cho chúng ta? Trước tiên, luật pháp chứng tỏ cho chúng ta biết chúng ta là tội nhân. Tất cả chúng ta đều là những người sa ngã và vi phạm luật pháp. Kể cả khi thực hiện được vài phần trong luật pháp, thì chúng ta cũng thất bại với đa số các phần khác. Luật pháp chứng minh rằng chúng ta là người có tội, và thậm chí rủa sả chúng ta nữa (Rô-ma 7:7; Ga-la-ti 3:10). Thứ hai, luật pháp cho chúng ta thấy rằng Thượng Đế thánh thiện và công chính – luật pháp phản ánh bản tính thánh thiện và công chính của Thượng Đế. Thứ ba, luật pháp đã được ban như là người bảo hộ để gìn giữ và dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Cứu Thế (Ga-la-ti 3:24-26). Luật pháp trong Cựu Ước chỉ đường cho chúng ta đến với Chúa Cứu Thế.
Bây giờ chúng ta có thể hiểu được vì sao Kinh Thánh nói rằng “vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi. Nhưng hiện bây giờ, sự công bình của Thượng Đế, mà luật pháp và các đấng tiên tri đều làm chứng cho, đã bày tỏ ra ngoài luật pháp; tức là sự công bình của Thượng Đế, bởi sự tin đến Chúa Cứu Thế Giê-su, cho mọi người nào tin, chẳng có phân biệt chi hết, vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Thượng Đế, và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Chúa Cứu Thế Giê-su, là Ðấng Thượng Đế đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Ðấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia” (Rô-ma 3:20.25).