Hãy đến với Chúa Giê-su, Đấng hằng sống, và đừng đến với một tôn giáo nào cả
Trong Ma-thi-ơ 11:28-30, Chúa Giê-su phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì tâm hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.” Tôi thuờng nghe câu này được trích dẫn khi nói về gánh nặng của tội lỗi: “Tất cả hãy đến cùng ta, những kẻ mệt mỏi và gánh nặng bởi tội lỗi, thuốc lá, rượu chè, vui thú của thế gian, …”. Nhưng thực ra câu này không nói đến gánh nặng của tội lỗi mà nói đến cái gánh buộc phải giữ luật lệ và truyền thống của tôn giáo.
Trong Ma-thi-ơ 23:4, Chúa rủa những kẻ lãnh đạo tôn giáo: “Bọn ấy buộc những gánh nặng khó chịu, để trên vai người ta, còn mình thì không muốn động ngón tay vào.” Quả thực, con người ngày đó đã bị gánh nặng bởi những đòi hỏi tôn giáo. Ngày nay, gánh nặng tôn giáo như thế vẫn còn ngăn cách nhiều người khỏi Chúa Giê-su. Hãy đến với Chúa Giê-su một cách đơn giản và đừng có thành kiến gì cả, Ngài sẽ cho bạn được yên nghỉ. Chúng ta hãy xem lại ví dụ về con chiên bị lạc một lần nữa.
Tình yêu của Thượng Đế
“Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao?” (Lu-ca 15:4).
Chắc chắn mọi người chăn chiên tốt bụng, quan tâm và thương yêu sẽ làm như vậy. Chúa Giê-su cũng thế khi Ngài ngồi ăn với người thâu thuế và người tội lỗi. Việc người Pha-ri-si chỉ trích hành động này của Chúa Giê-su đã lột trần chính họ và nói lên rằng họ không có lòng cho những con chiên bị lạc. Họ đánh giá thấp người thâu thuế và coi thường kẻ tội lỗi.
Nhưng Thượng Đế khác hẳn. “Thượng Đế là tình yêu” (1. Giăng 4:8). Có lẽ mọi người trong chúng ta biết câu Giăng 3:16: “Vì Thượng Đế yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” Vì tình yêu lớn lao của Ngài đối với mỗi người chúng ta là những tội nhân, Thượng Đế đã ban Chúa Cứu Thế Giê-su con của Ngài. Chúa đã thế chỗ chúng ta trên cây thập giá, dâng mình làm của lễ chuộc tội. Không có tình yêu nào lớn hơn điều này. Ngài chăm sóc mỗi chúng ta một cách yêu thương trìu mến!
Những con chiên không có người chăn
Thượng Đế so sánh chúng ta với những con chiên bị lạc mất. Con chiên là con vật khờ dại, ngây thơ, và dễ chạy lạc. Ê-sai viết: “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy. Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên Người” (Ê-sai 53:6). Trước khi đến với Chúa Giê-su, chúng ta không thấy được ý nghĩa và mục đích thực sự của sự hiện hữu của mình. Chúng ta đã không biết rằng mình từ đâu đến và sẽ đi đâu. Một số thì muốn thành đạt trong nghề nghiệp, nhưng sâu thẳm trong đáy lòng, họ luôn cảm thấy một sự trống rỗng nhất định. Và chúng ta cũng từng đọc hay nghe về nhiều con người thành đạt và nổi tiếng, cuộc sống của họ kết thúc bi thảm làm sao! Thỉnh thoảng chúng ta rơi xuống một cái hố và không có khả năng leo ra khỏi nơi đó; và khi chúng ta làm được, thì lại rơi xuống một cái hố kế tiếp. Như những con chiên, chúng ta dễ bị cám dỗ bởi con rắn xảo quyệt. Không có Thượng Đế, không có Chúa Cứu Thế thì nhân loại thực sự bị lạc mất!
Người chăn chiên hiền lành
Những dòng tiếp theo trong ví dụ cho chúng ta thấy Chúa Cứu Thế Giê-su là người chăn chiên hiền lành. Chính Chúa muốn che chở, dẫn dắt chúng ta và cung cấp lương thực cho chúng ta. Các bạn có nghĩ rằng Chúa như là một nguời chăn chiên tốt lại đòi hỏi con chiên của mình phải phục vụ mình chăng? Các con chiên chẳng có khả năng nào đáng kể cả. Chính Chúa muốn che chở cho chúng nó, muốn giúp đỡ, dẫn dắt và cung cấp lương thực cho chúng nó. Trong Thi thiên 23, ta thấy: “Ðức Giê-hô-va là Ðấng chăn giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì“. “Chẳng thiếu thốn gì” có nghĩa là chúng ta không phải chịu đựng sự thiếu thốn nào cả vì Chúa chăm lo chúng ta. Chúa muốn cho chúng ta tất cả những gì tốt nhất. Điều này nói lên tấm lòng của Thượng Đế. Chúa là sự chăm sóc đầy đủ cho loài người chúng ta!
Chính Thượng Đế toàn năng đã đến để tìm và cứu chúng ta, là những kẻ bị lạc mất. Nếu chúng ta chỉ một lần tạm ngừng và suy gẫm về tất cả những gì Chúa Giê-su đã chịu đựng và tự nguyện gánh lấy trên Ngài, thì chúng ta sẽ nhìn Chúa bằng con mắt khác. Tiên tri Ê-sai nói: “Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Thượng Đế đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Ðức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người” (Ê-sai 53:4-6). Chúng ta không thể hiểu được tình yêu của Thượng Đế dành cho chúng ta lớn như thế nào! Chính tình yêu này đã thúc đẩy chính Đấng Tạo Hóa đến với loài người để gánh tội lỗi của chúng ta và chết cho chúng ta. Chúa Giê-su là người chăn chiên hiền lành, đã vì những con chiên bị lầm lạc mà bỏ sự sống của chính mình (Giăng 10:11). Chúa thật đáng ngợi khen!
Chúa mang vác chúng ta
Ngay khi Chúa Giê-su đã tìm thấy chúng ta, với niềm vui tràn ngập, Ngài mang vác chúng ta lên vai. Tôi không xấu hổ khi nói rằng tôi cần một ai đó để mang vác tôi. Không một ai khác ngoài Chúa Giê-su có đủ tiêu chuẩn để mang vác chúng ta cả. Nhiều Cơ Đốc nhân có thể làm chứng rằng Chúa đã từng mang vác họ xuyên qua nhiều tình huống tưởng chừng như vô vọng. Nếu nhìn lại những gì đã trải qua trong cuộc sống và nhận ra Chúa đã thường xuyên mang vác chúng ta như thế nào, thì chúng ta chỉ có thể ngợi khen và cảm tạ Ngài. Thi thiên 23 thật là tuyệt vời :”Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi“. Hôm nay tôi có thể nói điều này: Dù bất cứ điều gì xảy ra cho tôi, tôi không sợ hãi vì tôi biết chắc rằng Chúa ở cùng tôi. Tôn giáo mang lại nhiều sự đòi hỏi và yêu cầu và để chúng ta mang vác một mình. Tuy nhiên, Chúa Giê-su muốn là người mang vác chúng ta đi. Ngài muốn mang vác bạn xuyên qua thung lũng bóng chết. Đôi khi việc học hành, công việc làm ăn, cuộc sống gia đình và các nan đề khác của bạn như là thung lũng chết. Bạn chưa từng trải qua điều này à? Khi vợ chồng gây gổ và nghĩ đến việc ly dị thì điều này không phải như “thung lũng bóng chết” sâu thẳm sao? Có biết bao nhiêu người đã nếm sự buồn rầu, cay đắng khi gia đình bị tan vỡ! Nhưng Chúa Giê-su có thể mang vác chúng ta xuyên qua mọi hoàn cảnh khó khăn. Ngài có thể cứu chúng ta và mang chúng ta trở lại với Thượng Đế. Chúa Giê‑su là như vậy đó!
Hãy mở lòng bạn ra cho Chúa một cách tự nhiên
Ví dụ này cũng chỉ cho chúng ta rằng phó thác mình cho Chúa và để Chúa mang vác chúng ta thật là đơn giản. Một con chiên không có sự hiểu biết gì nhiều, nhưng nó tin tưởng người chăn hiền lành. Có lẽ bạn không hiểu hoàn toàn về Thượng Đế. Tuy nhiên nếu bạn đến với Ngài một cách giản dị và thưa với Ngài: “Lạy Chúa, xin cứu con và mang vác con lên vai Chúa. Con cảm tạ Chúa về mọi điều mà Chúa đã làm cho con”, thì bạn sẽ khám phá rằng Chúa nhân từ như thế nào. Hãy để mọi thành kiến mang tính chất tôn giáo của bạn về Chúa Giê-su rơi xuống một cách đơn giản. Bạn chỉ cần nói với Chúa: “Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa và muốn quen biết Chúa!” Chắc chắn Chúa sẽ bày tỏ cho bạn. Thượng Đế không muốn ẩn mình truớc bạn, mà còn mong muốn bày tỏ chính mình cho bạn. Chúa chờ đợi bạn mở lòng ra. Điều này là tất cả! Bạn không cần phải chờ một cảm hứng hay một dịp đặc biệt nào. Hoàn cảnh hiện tại của bạn cho dù thế nào cũng không quan trọng! Hãy mở lòng bạn ra một cách đơn sơ cho Chúa. Ngài là thành tín! Chúa Giê-su sẽ luôn mang vác bạn mà không đòi hỏi bất cứ sự cố gắng nào nơi bạn cả. Ở đây không có chép rằng con chiên bị lạc quay lại với người chăn chiên; mà là Chúa Giê-su, người chăn chiên hiền lành, tự mình đi kiếm con chiên lạc, và khi tìm thấy nó, Ngài mang vác nó lên vai và mang nó về nhà. Chắn chắn bạn đã từng trải điều này: Bạn muốn làm một điều gì đó, nhưng lại không đủ sức. Bạn hãy để Chúa mang vác bạn! Hãy tin vào danh của Chúa Giê-su, và bạn sẽ được giải cứu!
Niềm vui của Thượng Đế
Vẫn còn điều gì đó ở cuối ví dụ này: Niềm vui lớn. Chắc chúng ta nghĩ rằng đó là niềm vui của con chiên. Nhưng bạn hãy nghe tôi nói: Khi Chúa Cứu Thế Giê-su tìm thấy bạn và cứu bạn, thì niềm vui của Chúa thậm chí sẽ lớn hơn niềm vui của bạn. Ví dụ này bày tỏ niềm vui lớn lao của Thượng Đế dành cho người có tội. Đoạn kết kể:” Khi đã kiếm được, thì vui mừng vác nó lên vai; đoạn, về đến nhà, kêu bạn hữu và kẻ lân cận, mà rằng: Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được con chiên bị mất!” Và tiếp theo: “Ta nói cùng các ngươi, trên trời cũng như vậy, sẽ vui mừng cho một kẻ có tội ăn năn hơn là chín mươi chín kẻ công bình không cần phải ăn năn“. Ăn năn không có nghĩa là chúng ta phải buồn rầu cả ngày, phải khóc thật nhiều, đấm vào ngực, và hứa với Chúa là sẽ không phạm nữa; mà chúng ta ăn năn bằng cách ngoảnh mặt lại với tội lỗi và trở lại với Thượng Đế. Điều này liên quan đến sự thay đổi hay đổi hướng trong suy nghĩ. Khi Thượng Đế soi sáng, chạm đến ta, và chỉ rằng ta đang theo hướng sai, ta nên phản ứng và quay lại với Thượng Đế. Và ngay khi một tội nhân quay lại với Thượng Đế, thì niềm vui của Thượng Đế còn lớn hơn niềm vui của con người.
Câu cuối trong ví dụ nói:”Ta nói cùng các ngươi, trên trời cũng như vậy, sẽ vui mừng cho một kẻ có tội ăn năn hơn là chín mươi chín kẻ công bình không cần phải ăn năn“. Người “công bình” là những người Pha-ri-si và thầy thông giáo tự cho mình là công bình và nghĩ rằng mình đã hiểu biết Thượng Đế và không cần phải ăn năn; nhưng trong thực tế họ thật xa cách Ngài. Nguyện xin Chúa mở mắt chúng ta để chúng ta bỏ mọi thành kiến về Thượng Đế. Hãy mở lòng bạn một cách đơn sơ cho Chúa Giê-su, Đấng hằng sống, và nói: “Lạy Chúa Giê-su, con tiếp nhận Chúa là Đấng Cứu Rỗi của con. Xin hãy mang vác con về nhà nơi Thượng Đế!”
John So
(Dịch từ bản tiếng Đức “Er is anders als du denkst!” của NXB Verlag Der Strom, Stuttgart, Đức