Trong suốt quá trình học đại học, có một vấn đề mà mình thấy mọi người thường xuyên gặp khó khăn đó là thực hiện chỉnh chu một bài thuyết trình. Ở môi trường đại học, hay xa hơn một chút là môi trường công sở, nơi có hàng tá thứ mà bạn cần trực tiếp nói ra trước khi bị người khác cướp mất cơ hội chứng minh giá trị bản thân. Nơi mà các bạn bắt buộc phải có kỹ năng thuyết phục và trình bày ý kiến để có thể thăng tiến trong sự nghiệp, ấy vậy mà khi được trao cơ hội tại giảng đường thì rất nhiều người lại bỏ qua và sử dụng chúng một cách lãng phí.
Vậy hoạt động thuyết trình nghĩa là gì?
Là thuyết phục và trình bày, chỉ đơn giản là cách bạn truyền đạt một thông tin cụ thể đến với người khác và thuyết phục họ tin tưởng những gì bạn nói.
Tại sao người thuyết trình kém lại không hề tìm cách cải thiện chúng?
Mình cho rằng, việc con người không cố gắng thay đổi một khuyết điểm của bản thân là vì họ cảm thấy điều đó không quan trọng. Nói cách khác, họ không có sự nhận thức đúng và đủ về tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của một kỹ năng mềm.
Có vẻ như việc một doanh nhân nào đó có khả năng ăn nói dõng dạc trước đám đông, hay những nghệ sĩ tự tin trình diễn trước mặt công chúng đã trở thành một điều hiển nhiên. Để rồi phần còn lại tự huyễn hoặc bản thần rằng kỹ năng này không dành cho mình, bởi vậy họ mới bình thản mà để cơ hội trôi tuột không nuối tiếc.
Mình là một người giỏi thuyết trình ngay từ đầu sao?
Chắc chắn là không rồi, bản thân mình là một người hướng nội full time, suốt cả năm nhất mình chẳng hề chủ động giao tiếp xã hội, giơ tay phát biểu hay thực hiện bất kỳ một bài thuyết trình nào. Tất cả những gì mình làm là núp bóng đằng sau hội nhóm và thực hiện công tác hỗ trợ, hậu cần, cho đến khi một ngã rẽ xuất hiện.
Hướng nội cũng khổ lắm cơ
Ở đầu năm hai, người bạn chuyên đại diện thuyết trình cho cả nhóm đột ngột nghỉ học, trong nhóm cũng dần xuất hiện những mâu thuẫn rồi mọi người lần lượt rời đi. Mình bắt đầu công cuộc “tâm sự cùng người lạ” khi lang bạt khắp nơi và hợp tác với những con người hoàn toàn mới, với một người hướng nội mà nói thì đây thật sự là một khổ ải nhân gian.
Mình đã chuẩn bị nền tảng như thế nào?
Bước sang tổ đội văn hóa mới, mình tiếp tục thực hiện công việc hậu cần nhưng mọi chuyện không mấy suôn sẻ, một kịch bản có hay đến đâu nhưng thiếu đi nét diễn xuất của một diễn viên kỳ cựu thì cũng không thể cứu vãng tình hình. Đây là lúc mình nhận ra, người bạn trước kia của mình đã tài giỏi đến nhường nào để có thể truyền đạt một cách tự nhiên tất cả những gì mà mình lên kế hoạch.
Mình bắt đầu sửa soạn lại một tâm hồn đẹp và đề ra công thức chung cho riêng mình:
- Powerpoint đẹp mắt
Với cách bài trí một bài Powerpoint, mình hoàn toàn có thể học trên mạng, hoặc sử dụng những mẫu template có sẵn, tất cả những gì mình cần là chuẩn bị một tư duy về thiết kế. Kể cả dùng các mẫu có sẵn, bạn vẫn phải chỉnh sửa lại cho phù hợp với bài thuyết trình, tùy theo chủ đề hay thời gian cho phép mà sắp xếp lại bố cục và điều chỉnh những mảng màu hợp lý.
Đây là 1 slide mình làm vào năm 2018
Và một slide giới thiệu về công ty Vinamilk năm 2019
Dưới đây là tổng hợp một số sai lầm của các bạn sinh viên khi làm slide:
1. Sử dụng các cặp màu chói lóa, trùng màu
2. Font chữ không thống nhất, độ to, đậm nhạt
3. Cố gắng nhồi nhét nội dung lên slide để khỏi phải nhớ
4. Lẫn lộn giữa văn nói và văn viết trong nội dung truyền tải
5. Thiếu hình ảnh/video minh họa
6. Không xét đến bố cục trên tổng thể
Và một mẹo quan trọng, ví dụ bạn đang muốn tìm hình ảnh minh họa cho buổi thuyết trình tại công ty thì công thức sẽ là: từ khóa bằng tiếng anh + png or vector
- Diện mạo chỉnh chu
Ở phần diện mạo, cái mình muốn bạn chú ý chính là trang phục của các bạn, khi mặc những bộ trang phục đẹp, được là ủi thẳng tắp, mang một đôi giày yêu thích đến phòng thi sẽ giúp cho bạn x100 lần tự tin.
Và trong nhiều trường hợp, trang phục còn làm cho bạn trở nên uy tín hơn trong mắt người khác, mình xin trích một câu thoại kinh điển trong bộ phim Catch me if you can.
“Con biết tại sao đội Yankees luôn thắng không, Frank? Vì họ có Mickey Mantle? Không, vì các đội khác luôn mất tập trung vào quần áo của họ”
Phim dựa trên câu chuyện có thật về hành trình lừa đảo và chạy trốn của thiên tài Frank Abagnale, một thiếu niên bỏ nhà ra đi đã ký hơn 4 triệu đô ngân phiếu giả bằng cách sắm vai một phi công của hãng máy bay danh giá, một giám đốc khoa nhi và một trợ lý chánh án tại toàn án tối cao khi chưa đầy 19 tuổi.
Phút 52 – Catch me if you can
Trong phân cảnh này, Frank đã xuất sắc hóa thân thành “đồng nghiệp” của nhân viên FBI Carl Hanratty, người đã luôn tìm kiếm cậu về quy án. Cậu đã đưa chiếc ví chứa đầy nhãn dán của các đồ vật trong phòng cho Carl mà tin chắc rằng ông sẽ không mở ví ra kiểm tra, còn Carl thì chẳng thể nào ngờ được tên tội phạm mà mình đang truy đuổi lại khoác lên mình một bộ suite sang trọng, với tâm thế ung dung và tự tin kể cả khi đang đối diện với nòng súng.
- Kịch bản chặt chẽ
Chỉ với hai yếu tố trên là chưa đủ, một kịch bản chặt chẽ là kim chỉ nam cho bạn tránh lạc lối khi cao hứng trong một phút thăng hoa. Việc hệ thống những gì bạn định nói thành kịch bản cũng giúp bạn rất nhiều trong quá trình luyện tập trước khi thuyết trình.
Còn với mình, kinh nghiệm đọc gần 300 bộ manga nhật bản đủ thể loại và hằng hà sa số các bộ phim điện ảnh trải dài từ Âu, Á, Ấn đã giúp mình có một kho ý tưởng khi chuẩn bị một kịch bản thuyết trình, những câu thoại đối đáp tự nhiên hay những mánh đùa nhỏ nhặt nhằm làm giãn cơ mặt của những vị thính giả khó tính. Tuy nhiên, mình không chắc điều này sẽ phù hợp với tất cả mọi người.
Khi soạn thảo kịch bản, bạn cần sử dụng trí tưởng tượng của mình một cách triệt để. Hình dung ra quang cảnh của ngày hôm đó, khi bạn đang từ từ bước lên bục giảng, bật máy chiếu và bắt đầu những lời chào đầu tiên cho đến khi kết thúc phần trình bày.
Tuy nhiên, bạn cùng đừng bám dính lấy kịch bản mà giết chết tính cảm xúc, hay sự tự nhiên trong phần trình bày của mình. Hãy cứ để những lời văn trong đầu mình tuôn ra, kịch bản chỉ đóng vai trò như một cái la bàn, nhắc nhở người sử dụng khi chệch hướng, còn cách đi đến đích thế nào hoàn toàn là nằm ở bạn.
Một số mẹo nhỏ:
- Soạn nội dung theo từng slide, slide chào hỏi sẽ nói gì, Slide dẫn nhập sẽ nói gì? vào nội dung slide 1-5 sẽ trình bày điều gì?
- Khi mở đầu phần thuyết trình, hay thu hút người xem bằng hình ảnh/ video/ câu hỏi/ sự tuyên bố… kết thúc phần thuyết trình bằng một lời kết.
- Chèn thêm những trò đùa tinh tế vào những ví dụ, để thính giả được vui vẻ và giảm bớt sự đề phòng với những gì bạn nói.
- Hình dung đến những vấn đề phát sinh khi bạn đặt câu hỏi, đối phương có thể làm khó bạn, cho nên hãy cân nhắc đến câu hỏi dạng yes / no và chắc chắn rằng bạn đã có sự chuẩn bị dù họ có chọn phương án nào đi nữa.
Giống như các ảo thuật gia trong Now you see me, bạn phải cầm trịch được thế trận, trong khi giả vờ rằng phản ứng của bạn trước câu trả lời của khán giả là hoàn toàn ngẫu nhiên.
- Luyện tập, luyện tập và luyện tập, cái gì quan trọng phải nói 3 lần. Luyện tập phong thái, cử chỉ, tông giọng, gương mặt, ngôn ngữ cơ thể…
4. Tâm lý vững vàng
TỰ TIN : bước lên bục thuyết trình, bạn chính là ngôi sao sáng nhất, là người điều khiển nhịp tim của tất cả mọi người. Cho dù bạn thật sự không tự tin thì bạn cũng cần phải diễn cho người xem thấy điều ngược lại.
Bản thân mình là người hướng nội, nên việc đứng lên tiếp xúc với nhiều người về cơ bản đã làm cho mình cảm thấy khó chịu. Hiểu được điểm yếu của bản thân, mỗi lần thuyết trình mình luôn đặt vào bản thân tâm lý của một chuyên gia, master trong lĩnh vực mà mình trình bày, nhờ đó mà mình đã thành công giữ chân được rất nhiều người nghe xuyên suốt trong cả buổi thuyết trình.
VỮNG VÀNG : Trong khi thuyết trình đối với môi trường đại học, yếu tố đúng sai có thể được lược bỏ, kiến thức của bạn trình bày không hoàn toàn đúng 100% so với thực tế, tuy nhiên điều đó không quan trọng, điều quan trọng là bạn có thuyết phục được người khác tin bạn hay không, khi người khác tỏ ra nghi hoặc về những gì bạn nói, hãy dập tắt điều đó bằng một sự chắc chắn và quyết đoán.
Một số hiệu ứng tâm lý bạn có thể áp dụng với người nghe
- Sự mâu thuẫn nhận thức
Ví dụ : Thầy giáo cho 1 câu hỏi với đáp án là A và B.
Mặc dù bạn biết chắc chắn là B, nhưng khi các học sinh đầu tiên đứng lên trả lời dõng dạc là A, và những người tiếp theo cũng vậy.. thì đến lượt bạn, bạn sẽ có xu hướng trả lời là A..
Kết luận: Con người cảm thấy lo lắng khi có sự mâu thuẫn giữa họ và môi trường ngoại cảnh. Để chấm dứt điều đó, họ thường chọn cách đồng hóa với môi trường đó.
Bài học rút ra : Muốn chơi chiêu phải cài cắm đồng bọn
- Trạng thái tâm lý không bình thường
Trong một bài thuyết trình về kỹ năng mềm, một chủ đề rất cơ bản, nhưng mình đã chọn cách đưa ra một thông điệp hùng hồn ngay từ câu đầu tiên để kích thích tâm trí của người nghe. Đại loại như sau :
Những bạn đã đăng kí vào khóa học này, hôm nay có mặt ở đây sẽ không bao giờ hối hận. Bởi vì chúng tôi không chỉ cho các bạn kiến thức để qua môn, những gì bạn học được ngày hôm nay, sẽ theo bạn đến cuối đời.
Trong bối cảnh tất cả các bài thuyết trình trước đó đều mở màn một cách đơn giản và nhàm chán thì câu nói của mình đã tạo ra sự khác biệt rõ rệt, và đẩy mọi thứ lên cao trào. Khi vừa dứt câu, hiệu ứng khán giả xuất hiện ngay lập tức, mọi sự chú ý đổ dồn vào những gì mình sắp nói tiếp theo, những lời bàn tán xì xầm xem người nói là ai…
Bài học rút ra : Muốn thu hút sự chú ý phải chơi nổi
- Hiệu ứng tiến sĩ Fox
Đây là thí nghiệm của ba nhà tâm lý giáo dục học Naftulin, Ware và Donnelly vào năm 1973. Họ đã mời một nhóm các bác sĩ, nhà tâm lý, nhà hoạt động xã hội, nhà quản lý giáo dục… ngồi nghe một bài giảng về chủ đề “Lý thuyết trò chơi và ứng dụng vào giảng dạy y học”
Họ giới thiệu rằng bài giảng này được trình bày bởi Tiến sĩ Myron L. Fox, đến từ Đại học Y dược Albert Einstein, là học trò của von Neumann, 1 chuyên gia ứng dụng toán học vào hành vi con người, là tác giả của hai quyển sách và nhiều bài báo về chủ đề này. Và cuối cùng buổi giảng kết thúc thành công tốt đẹp.
Không có một chuyên gia nào nhận ra, người đang thuyết giảng trên kia chỉ là một diễn viên tay ngang được mớm cho những kiến thức cơ bản về lý thuyết trò chơi. Người nghe hoàn toàn bị đánh lừa bởi các thủ thuật diễn thuyết (ẩn dụ, kể chuyện, ngôn ngữ cơ thể, thuật ngữ chế, câu nói nước đôi…) những miếng hài được thêm thắt khéo léo để phân tán sự chú ý về chuyên môn.
Bài học rút ra : Không quan trọng bạn nói điều gì, quan trọng là bạn làm người khác tin.