Tìm hiểu Đấng Sáng tạo
Từ lúc con người bắt đầu có ý thức về sự hiện hữu của bản thân và của tạo vật xung quanh, việc tìm kiếm nguyên do sự hiện hữu của thế giới mình đang sống là lẽ tự nhiên. Bất cứ dân tộc nào trên thế giới, từ thời đại nguyên thủy cho đến hiện đại, bất cứ văn hóa nào, từ sơ khai đến văn minh tiến bộ, cũng có những sự tích bằng chuyện kể hay bài hát, để tìm hiểu nguồn gốc vũ trụ và con người. Con người từ mọi thời đại đã quan tâm đến căn nguyên của chính mình, cũng như tìm kiếm, nếu có thể được, một Đấng Chân Thần, sáng tạo nên muôn loài vạn vật. Bài viết sau đây tóm lược một vài nét đặc biệt về nỗ lực của con người đi tìm một Đấng Sáng Tạo, đặc biệt trong lĩnh vực tôn giáo và khoa học.
Đi ngược lại dòng lịch sử, những di tích văn hóa còn sót lại trong thời kỳ tiền sử cho thấy từ khi loài người biết suy tư, khài niệm về một Đấng Thần linh sáng tạo muôn loài và vận hành trong vũ trụ đã có ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống thường nhật của xã hội loài người. Văn hóa Trung Quốc, một trong những nền văn hóa lâu đời nhất của nhân loại được gìn giữ và bảo tồn không bị gián đoạn trên 4,500 năm, đã cho thấy sự quan tâm và tôn kính đối với một Đấng Thiêng Liêng tối cao. Khoảng trên 2,000 năm trước Thiên Chúa giáng sinh (B.C.), trước khi Khổng Giáo và Phật Giáo xuất hiện, nền văn hóa cổ kính này đã để lại những bằng chứng cho thấy người Trung Hoa thời thượng cổ đã tôn thờ một Đấng Tối cao gọi là ‘Shang Ti’, theo nghĩa tượng hình của chữ Shang Ti là ‘Vua trên trời’. Họ không thờ phượng một Đấng nào khác hơn, và gìn giữ nghiêm ngặt một truyền thống đạo đức duy nhất (John Ross, The Original Religion of China, pp 19, 20). Nền văn hóa cổ của người Trung Hoa với tôn giáo và phương thức thờ phượng độc thần (monotheistic) kéo dài trên 2,000 năm và sau đó đã bị thay thế bởi Khổng giáo (551 B.C.) và Phật Giáo (67 B.C.).
Nhắc đến văn hóa Trung Hoa cũng phải nói đến văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa không kém lâu đời. Trước khi có chữ viết, theo khẩu truyền dân tộc Việt trong thời tiền sử, tức thời đồ đá được khai quật, đã bắt đầu nhắc đến một ‘ông Trời’, một Đấng quyền phép vô song ở trên cao, làm ra tất cả: trái đất, núi non, sông biển, mưa nắng, sinh ra tất cả: loài người, muôn vật, cỏ cây… Đặc biệt trong văn hóa dân tộc miền núi, chẳng hạn như thần thoại Mèo, đã kể lại sự tích tạo lập vũ trụ một cách chi tiết, rất giống sự tích sáng tạo của Thánh kinh trong sách Sáng Thế Ký. Thượng đế, còn gọi là ‘chữ Làu’, hoặc ‘N đồ Chữ’, sáng tạo trời đất trong bảy ngày, trời trước đất sau, trong đó loài người là tạo vật cuối cùng được dựng nên mà có khả năng tương giao trực tiếp với ‘chữ Làu’ (Hoàng Trọng Miên, Việt Nam Văn Học Toàn Thư, trang 127, 128).
Về phương diện ngôn ngữ học, danh từ ‘God’ trong ngôn ngữ cổ Âu-Ấn (Indo-European), xuất phát từ tiếng Germanic ‘Gothic guth’, có nghĩa là một hình ảnh qua đó một của lễ được dâng lên, đồng nghĩa với chữ ‘huta’ của tiếng Ấn Độ cổ. Văn hóa cổ Hy lạp và La mã đề cập đến nhiều thần thánh (gods), nhưng chữ ‘deus’, có nghĩa là ‘Trời’, được dùng để nói lên một quyền lực siêu phàm, tương tự như chữ ‘devas’ của Ấn Độ. Khi nhắc đến ‘God’, người ta muốn nói đến một thân vị siêu nhiên, có quyền năng vô hạn và khả năng điều khiển mọi việc theo ý muốn.
Đứng về phương diện khoa học, ngoại trừ những thập niên cuối của thế kỷ Hai Mươi, ít khi các khoa học gia công khai bàn luận đến khài niệm một Đấng Sáng Tạo, bởi vì ngôn ngữ và phương pháp khoa học bị giới hạn trong phạm vi khảo sát và kiểm chứng. Tuy nhiên nguồn gốc của nền khoa học hiện đại Tây phương có thể nói bắt đầu từ triết học cổ Hy lạp, một nền triết học lâu đời tin tưởng vào một vũ trụ tinh vi, trật tự, và là một thể thống nhất. Các nhà triết học Hy lạp tin vào khả năng lý luận của trí tuệ, do đó đã để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực toán học và hình học. Plato, một nhà triết học lỗi lạc người Hy lạp, trong tiểu thuyết ‘Homer’, đã đề cập đến một thân vị toàn hảo, khôn ngoan, không thay đổi và không lay chuyển. Một nhà triết học Hy lạp lỗi lạc khác là Aristotle cũng tin tưởng vào một trí tuệ siêu phàm, khôn ngoan hoàn hảo. Do đó theo quá trình lịch sử phát triển của nền khoa học hiện đại, việc tìm hiểu thế giới tự nhiên là đi tìm giải đáp cho bài toán của vũ trụ đã được xếp đặt bởi bộ óc khôn khéo vô hạn của một Đấng Sáng Tạo.
Như đã đề cập đến ở trên, các khoa học gia trong những năm gần đây đã quan tâm và bàn thảo rất nhiều về vấn đề khoa học có thể liên hệ mật thiết với tôn giáo. Lần lượt các nhà khoa học có tên tuổi như Stephen Hawking, Frank Tipler, Paul Davies, Charles Townes, Henry Magenau, v.v… đã diễn thuyết cũng như viết sách thảo luận về đề tài khoa học nói gì về Thượng đế. Có thể nói khoa học hiện nay đang hướng về ngưỡng cửa tâm linh để tìm hiểu thế giới siêu hình qua lăng kính của vũ trụ học hiện đại (modern cosmology) và vật lý hạt cơ bản (elementary particles physics), hai bộ môn khoa học khá mời mẻ ra đời trong thế kỷ hai mươi.
Khi ngành vật lý hạt cơ bản ra đời, không ai có thể ước đoán được rằng con người rồi đây có thể ước định được tuổi của vũ trụ, giải thích cặn kẽ quá trình hình thành và vận chuyển của các thiên hà, ngân hà, các vì sao và các hành tinh của thái dương hệ. Các khám phá liên tục xác quyết bằng chứng của một vũ trụ có điểm khởi đầu và sự sắp đặt hài hòa của một thế giời sinh động.
Trước tiên là khám phá của nhà vật lý thiên văn Edwin Hubble vào năm 1929. Theo nguyên lý dịch chuyển đỏ từ các phương trình tương đối đặc biệt (special relativity) của Einstein, khi một vật di chuyển gần bằng tốc độ của ánh sáng phát ra một tín hiệu ánh sáng về phía một người đứng yên (rest observer), người quan sát viên đứng yên sẽ nhận được cùng một loại tín hiệu, nhưng với bước sóng dài hơn (red-shifted). Hubble quan sát rằng tất cả các thiên hà (galaxies) đang di chuyển khỏi thiên hà chúng ta với một tốc độ khủng khiếp, và các thiên hà ở càng xa thì có vận tốc càng lớn. Tính ngược lại theo dòng thời gian, khởi điểm của vũ trụ có thể nói bắt đầu cách nay khoảng 15 tỉ năm.
Tiếp theo sau khám phá của Hubble là khám phá của Arno Pelziac và Robert Wilson vào năm 1965. Khi hai ông này hướng máy dò vi ba (microwave detector) phát minh từ hồi đệ nhị thế chiến lên bầu trời, hai ông phát hiện vũ trụ từ mọi hướng tràn ngập một luồng sóng vi ba tương ứng với nhiệt độ -270 độ Celsius. Điều duy nhất có thể tạo nên hiện tượng ‘microwave background radiation’ này là cả vũ trụ bắt đầu như một khối lỏng thống nhất cô lập (primordial soup) với một mật độ tỉ trọng vô hạn (infinite density). Vào một thời điểm thời gian = 0, không gian= 0, khối lỏng này đã bị nổ tung (big bang), và vật chất từ trong đó bị phân tán đi mọi phía, trong đó có chiều thời gian quyện lẫn với chiều không gian, theo phương trình tương đối mở rộng (general relativity) của Einstein. Nhiệt độ này giảm dần theo thời gian khi vũ trụ nở rộng. Khi thể tích cũa vũ trụ vượt khỏi một giới hạn nào đó thì khắp mọi nơi xuất hiện một bức xạ nhiệt (radiation) tuân theo định luật ‘black body radiation’. Từ đó nhiệt độ của vũ trụ giảm dần cho tới nhiệt độ vi ba, tức khoảng 3 độ Kelvin.
Gần đây hơn (1994) nhà vật lý thiên văn George Smoot của đại học U.C. Berkeley đã dùng máy dò nhiệt độ vi phân trên satellite Cosmic Background Explorer (COBE) và đo được xê dịch rất nhỏ, tương ứng với khoảng một phần triệu độ Celsius, của nhiệt độ vi ba này, vừa đủ để giải thích sự hình thành của các thiên hà và cấu trúc đặc biệt của vũ trụ. Ông đã khẳng định rằng khoa học đã tìm thấy bằng chứng của sự hình thành vũ trụ. Ông còn nói thêm, khám phá này dường như giúp ông “nhìn thấy được bóng dáng của Đấng Tạo Hóa”.
Hiện nay các nhá khoa học thiên văn đang bàn thảo về một vài điểm đặc biệt của vũ trụ. Vũ trụ chúng ta đang sống được xếp đặt một cách hết sức tinh vi lạ lùng. Một trong những hấp lực quan trọng xuất hiện trong thời kỳ phôi thai của vũ trụ và còn lại đến nay là lực hấp dẫn (gravitational force) do Isaac Newton khám phá ra đầu tiên. Lực này được định đoạt bởi hằng số hấp dẫn (gravitational constant). Điều đặc biệt là nếu như hằng số này chỉ sai biệt trên 1/1060, theo tính toán cả thế giới sẽ sụp đổ ngay lập tức sau khi bùng nổ, hoặc mọi vật sẽ bay xa khỏi nhau quá nhanh làm cho vũ trụ không đủ mật độ để tạo nên vật chất như chúng ta đang có hiện nay. Một lực quan trọng khác là lực điện từ (electro-magnetic force), đôi khi còn gọi là lực tương tác yếu (electro-weak force). Nếu như lực này bị thay đổi khoảng 1/ 1040, vũ trụ không thể hình thành các hành tinh như trong thái dương hệ chúng ta đang sống.
Khi phân tích về các yếu tố tạo nên nguyên tử, phân tử, và các nguyên tố bền vững, các nhà khoa học cũng rất ngạc nhiên khi thấy trọng lượng các hạt cơ bản (elementary particles) rất quan trọng cho việc sinh tồn của thế giới tự nhiên. Nếu như tỉ lệ khối lượng hạt up-quark trên hạt down-quark chỉ xê dịch một chút, nguyên tử bền vững sẽ không thể hình thành. Bởi vì hai đơn vị up-quark và một đơn vị down-quark tạo nên proton, và hai hạt down-quark và một up-quark tạo nên neutron. Khối lượng neutron và proton rất quan trọng để tạo nên hydrogen và các nguyên tố bền vững khi kết hợp với electron qua lực tương tác yếu (electro-weak force) và lực tương tác mạnh (strong force). Ngoài ra có thể kể đến hàng trăm hạt cơ bản khác cỏ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến vật chất trong vũ trụ (xin đọc thêm Hugh Ross, The Creator and the Cosmos).
Trên đây chỉ là một vài ví dụ điển hình của những nét kỳ diệu trong sự hình thành vũ trụ. Mặc dù hữu thần hay vô thần, mọi người trong giới khoa học đều công nhận những điểm đặc biệt này và cho rằng vũ trụ được điều chỉnh hết sức chính xác ( a finely tuned universe). Một số người hoài nghi nhất cũng không thể phủ nhận sự hài hòa của vũ trụ là một sự huyền nhiệm, nằm ngoài khả năng ước tính theo xác xuất thống kê của khoa học.
Không những các hằng số vũ trụ có tính cách đặc biệt tạo nên một vũ trụ sống động, mà những định luật căn bản nhất của thế giới tự nhiên cũng tiềm ẩn một sự khôn ngoan lạ lùng. Không thể do trùng hợp mà các định luật vật lý cơ bản nhất của khoa học hiện nay đều dựa vào những định luật toán học chính xác, chặt chẽ và sâu sắc nhất. Từ những phương trình tương đối (relativity), cơ học lượng tử (quantum mechanics), cơ học sóng (wave mechanics), cho đến những lý thuyết tối tân nhất như thuyết ‘superstring’ giải thích cơ chế tương tác của mọi hấp lực trong vũ trụ, đều dựa trên căn bản của các định luật và phương trình toán học chính xác. Có lẽ chính vì vậy mà nhà bác học Einstein đã thốt lên rằng “Thượng đế có thể huyền bí nhưng không hề có ác ý” (“The Lord is subtle but not malicious”). Nhà vật lý thiên văn Stephen Hawking, trong quyển Stephen Hawking’s Universe (Stephen Hawking, pp. 121), đã viết “Tỹ lệ nghịch với khả năng vũ trụ như chúng ta đang có hiện nay ra từ một vụ nổ lớn chỉ bởi tình cờ thật là khổng lồ. Tôi nghĩ chắc phải có nguyên nhân sâu xa có tính cách tôn giáo.”
Một huyền nhiệm khác mà Đấng Sáng Tạo đã an bài trong bức tranh vũ trụ là sự hiện diện của sinh vật sống và của con người với trình độ trí tuệ khôn ngoan đặc biệt. Trái đất chúng ta đang sống đã được trang bị khéo léo để tạo nên một điều kiện môi sinh thích hợp cho sự tồn tại và phát triển của sinh vật sống. Thượng tầng khí quyển với lớp ozone đã ngăn chận bức xạ tuyến vũ trụ có thể gây tai biến trong cơ thể sinh vật sống. Trọng lượng trái đất, nhiệt độ và dưỡng khí trên mặt đất thích hợp cho sự sống, trục nghiêng của quả đất tạo nên bốn mùa, hoạt động của núi lửa và khối nước của đại dương bảo trì độ ẩm và điều hòa nhiệt độ và thời tiết. Cả vũ trụ với những hằng số đặc biệt và những định luật khôn ngoan đã được xếp đặt để tạo nên và duy trì sự sống của muôn loài vạn vật trong đó có con người. Đối với nhà khoa học Paul Davies, thế giới chúng ta đang sống là một thế giới có mục đích, và là một thế giới đầy sáng tạo. Ông công nhận đã bị thuyết phục bởi người thợ vẽ kiểu của thế giới này.
“Thế giới này không những chỉ thích hợp cho sự sống thông minh (intelligent life), nhưng còn phục vụ một cuộc sống phong phú (meaningful life)”, nhà sinh vật học người Anh John Maynard Smith đã thốt lên như vậy. Nếu quả đất nầy chỉ có toàn người máy không biết cảm xúc, không biết sung sướng hay đau đớn, thì có lẽ không có lý do gì để quan tâm đến. Sự sống trên một trái đất như vậy chỉ có vật chất mà hoàn toàn thiếu vắng cuộc sống tinh thần. Thật vậy, ý thức, tình cảm, hiểu biết, cảm xúc là những nhân tố vô cùng quan trọng cho một cuộc sống phong phú lành mạnh trên trái đất. Có thể nói đó cũng là phần thưởng quí giá của Đấng Sáng Tạo cho con người – cả thể chất lẫn tâm linh. Nhờ có trí tuệ và tình cảm, con người mới có thể cảm nhận được Đấng Sáng Tạo qua khả năng suy luận về vũ trụ và những định luật trong vũ trụ, hoặc kiêm nghiệm được bản thể Ngài qua sự phong phú của vật thọ tạo.
Không những con người có thể tìm hiểu Đấng Sáng Tạo qua cảm nhận từ thế giới tự nhiên, nhưng có thể qua kinh nghiệm tôn giáo. Cơ Đốc Giáo là một trong những tôn giáo bày tỏ sự tương quan mật thiết giữa con người và Thượng đế. Một điều thường được nhắc đến trong Cơ Đốc Giáo là kinh nghiệm siêu nhiên và những phép lạ. Kinh nghiệm được sự hiện hữu của Thượng Đế cho chính bản thân là một trong những kinh nghiệm siêu nhiên (divine revelation) mà mọi Cơ Đốc Nhân đều từng trải khi tiếp nhận Đấng Sáng Tạo là Chúa của đời sống mình. Các phép lạ như sự chữa khỏi bệnh trong khoảnh khắc, hoặc sự can thiệp đặc biệt từ trên (divine intervention) trong những trường hợp nguy biến, đã thường xuyên được ghi nhận và kiểm chứng. Tác dụng của sự cầu nguyện trong việc chữa bệnh cũng đã được công nhận trong giới y khoa và đã được thảo luận trong các Hội Đồng y khoa thường niên (gần đây nhất là trong Hội Đồng tháng mười của Hiệp Hội Family Doctor Yankelovich Partners thuộc Academy of Family Physicians).
Thánh Kinh cho biết Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo nên vũ trụ và con người. Từ thuở ban đầu Ngài muốn cho con người được hạnh phúc và thông công với Ngài. Con người vì lựa chọn bản ngã thay vì Thiên Chúa nên đã xa cách, đánh mất mối dây liên lạc với Thiên Chúa. Tuy nhiên, qua sự chết đền tội của Chúa Cứu thế Giê xu là Con Độc Sanh của Thượng Đế, loài người có thể được nối kết lại với Đấng Sáng Tạo nếu như bằng lòng tiếp nhận Chúa Giê xu làm Chúa của đời sống mình. Chỉ khi nào tìm được Thiên Chúa, khoảng trống vắng tâm linh của con người mới được lấp đầy. Chỉ qua sự tiếp nhận Chúa Giê xu, con người mới tìm và gặp được Thượng đế, và vật thọ tạo mới được có thể nối kết vơí Đấng Sáng Tạo. Khi đó con người có thể chiêm ngưỡng và thông công với Đấng Tạo Hóa qua thế giới hài hòa sinh động mà Ngài đã dựng nên.
Ân-Điển Nguyễn
01-14-1997
Sách tham khảo:
Boslough, John, Stephen Hawking’s Universe (New York: Harper & Row, 1979).
Davies, Paul, The Mind of God (New York: Simon & Schuster, 1993).
Hoàng, Trọng Miên, Việt nam Văn Học Toàn Thư ( Houston: Xuân Thu, 1976).
Kang, C.H. and Nelson, E., The Discovery of Genesis (St Louis: Concordia, 1979).
Ross, Hugh, The Creator and the Cosmos (Colorado Spring: NavPress, 1993).
Ross, John, The Original Religion of China (London: Oliphant, Anderson and Ferrier, 1909).