Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng Đức Chúa Trời nhận xét gì về chúng ta, là dân Ngài không? Trong Ê-sai 1, chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời. Khi nghe đến sách Ê-sai và các sách trong thời Cựu Ước, nhiều người nghĩ các sách này đã chỉ liên quan đến người Do Thái khi xưa, không cần thiết cho chúng ta ngày nay vì đã lỗi thời rồi. Tuy nhiên, thái độ của sứ đồ Phao-lô đối với Kinh Thánh hoàn toàn khác. Trong 1.Cô-rinh-tô 10:1-12, ông nhắc lại một số sự kiện trong thời Cựu Ước: người Do Thái đã đi xuyên qua biển Đỏ, có trụ mây và trụ lửa đi theo, họ đã uống nước từ tảng đá. Phần lớn không được vào xứ tốt lành mà phải bỏ mạng ở sa mạc. 23000 người đã bị Đức Chúa Trời hủy diệt vì phạm tội dâm dục,.. “Những điều ấy xảy đến với họ để làm gương cho chúng ta. Những chuyện ấy được ghi lại để cảnh cáo chúng ta, những người đang sống ở cuối các thời đại” (câu 11). 2.Ti-mô-thê 3:16-17 cho biết rằng toàn bộ Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời hà hơi soi dẫn và tất cả đều cần thiết để dạy dỗ chúng ta. Như vậy, những gì Đức Chúa Trời đã phán qua tiên tri Ê-sau đều có liên quan đến chúng ta.
Trong Ê-sai 1, Đức Chúa Trời bày tỏ tình trạng thảm hại của chúng ta. “Hỡi các tầng trời hãy nghe, hỡi đất hãy lắng tai! Vì CHÚA phán rằng: Ta đã nuôi nấng con cái, cho chúng lớn khôn, nhưng chúng phản loạn cùng Ta” (Ê-sai 1:2). Những người tin Chúa đều được tái sinh, trở thành con của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sau nhiều năm tin Chúa, chúng ta có luôn sống vì Cha và luôn làm đẹp lòng Cha không? Nhiều lần Cha bảo làm điều gì đó, chúng ta lại không làm. Khi Cha bảo đừng làm thì chúng ta lại làm. Đức Chúa Trời rất buồn vì con cái Ngài hay phản loạn với mình. Trong câu 3 Ngài nói tiếp: “Bò còn biết chủ mình, lừa còn biết máng cỏ của chủ; nhưng Y-sơ-ra-ên thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì”. Ở đây, Chúa còn khen con bò, con lừa hơn dân Ngài. Con bò quen biết chủ của nó một cách sống động, dù nó không đọc sách vở hay có nhiều hiểu biết. Chúng ta tuy có nhiều hiểu biết về Kinh Thánh nhưng không quen biết Ngài. Con bò thấy chủ và nghe tiếng chủ, còn chúng ta đâu có nghe tiếng Chúa. Giăng 10:4 “chiên theo sau, vì chiên quen tiếng người”. “Ta là người chăn chiên hiền lành, Ta quen chiên Ta, và chiên Ta quen Ta” (câu 14). Tuy chúng ta hiểu câu này, nhưng chúng ta không ý thức rằng mình phải nghe tiếng và quen người chăn mình. Hiểu biết mà câu 3 nói đến không phải là hiểu biết “chay” về Kinh Thánh. Không phải những người Pha-ri-si và thầy dạy luật năm xưa là những bậc thầy về Kinh Thánh sao? Nhưng khi Chúa đến, họ không nhận ra Chúa mà còn đóng đinh Ngài nữa, dù toàn bộ Kinh Thánh nói về Chúa (Giăng 5:39-40). Chúng ta có quen biết Đức Chúa Trời thánh khiết không? Nếu chúng ta biết Đấng Thánh thì chúng ta cũng thánh khiết. Chúng ta có quen Đức Chúa Trời công chính không? Nếu có, chúng ta sẽ không dám làm nhiều điều sai trái. Chúa muốn có một Hội Thánh như thế nào? Hội Thánh chúng ta có vinh hiển, thánh khiết, không gì trách được như Ê-phê-sô 5:26-27 nói không? Con chó luôn muốn gần gũi với chủ mình, còn lòng chúng ta thì hay xa cách Chúa. Mỗi ngày chúng ta chỉ theo đuổi những điều của thế giới này, nhưng hiếm khi quan tâm đến việc của Chúa. Trong Ma-thi-ơ 15:7-8, Chúa nói về chúng ta rất chính xác: “Hỡi kẻ giả hình! Ê-sai thật đúng khi nói tiên tri về các ngươi rằng: Dân nầy lấy môi miệng thờ kính Ta; nhưng lòng chúng nó xa Ta lắm”. Tôi thấy xấu hổ với con bò. Con bò thấy rõ chủ của nó, quen tiếng chủ của nó, còn tôi thì không.
“Khốn cho quốc gia tội lỗi, dân phạm tội nặng nề, dòng dõi làm ác, con cái đồi bại kia! Chúng đã lìa bỏ CHÚA, khinh bỉ Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, trở nên xa lạ và quay lưng đi… Nếu CHÚA các đạo quân chẳng để lại một phần dân sót rất ít, thì chúng ta đã như thành Sô-đôm và giống như thành Gô-mô-rơ rồi!” (Ê-sai 1:4,9). Thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ vì phạm tội tày trời nên đã bị Đức Chúa Trời thiêu hủy. Bây giờ, Ngài so sánh dân Ngài với hai thành này. Ngài thật đau đớn trong lòng biết bao vì dân Ngài cũng như Sô-đôm và Gô-mô-ra. Nhưng đó là sự thật, ngoài việc đi nhà thờ ngày Chúa Nhật thì chúng ta chẳng có khác gì với người thế gian cả, cũng tội lỗi, ô uế, gian dối, tham lam, hối lộ như họ…. Chuyện Cơ Đốc nhân quan hệ ngoài hôn nhân là chuyện bình thường. Chúng ta cũng mất sự cảm biết như dân ngoại, không ý thức rằng tội dâm dục là tội rất nghiêm trọng, làm ô uế thân thể chúng ta là đền thờ Thánh Linh (1.Cô-rinh-tô 6:18-20). Lời Chúa trong 1.Cô-rinh-tô 5 cho biết tội dâm dục, tham lam, xay xỉn là những tội không thể chấp nhận trong Hội Thánh vì chúng làm ô uế thân thể Chúa. Phao-lô khuyên Hội Thánh hãy đuổi những người phạm tội đó ra. Có một số mặt Cơ Đốc giáo còn “vượt trội” so với dân ngoại. Điển hình là vô số vụ loạn dâm, ấu dâu của các tu sĩ Công Giáo ở các nước châu u trong thời gian vừa qua. Về sự chia rẽ thì bên Tin Lành xứng đáng được hưởng “cúp vô địch” vì không có tổ chức nào của loài người chia rẽ như vậy. Có đến hàng nghìn hệ phái khác nhau, được hình thành do những người lãnh đạo bất đồng quan điểm với nhau, không chấp nhận nhau được nên tách ra. Dân ngoài cười nhạo chúng ta vì điều này. Nhiều người vì sự chia rẽ này mà họ không chịu tin Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không những không biết xấu hổ mà còn bào chữa bằng lý do: “nhiều hệ phái nói lên sự phong phú của Đức Chúa Trời”. Chúa ơi! Có cha mẹ nào mà con cái cãi vã, chia rẽ mà cảm thấy đẹp lòng không? Trong 1.Cô-rinh-tô 1:10-13, Chúa muốn chúng ta phải đồng một tiếng nói, không được phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng với nhau. Lúc đó, trong nội bộ Hội Thánh Cô-rinh-tô chỉ mới xuất hiện một số phe phái thôi, nhưng Phao-lô đã lên án: “Đấng Christ bị phân rẽ hay sao?”. Ga-la-ti 5:19-21 nói rất rõ “chia rẽ”, “tranh đấu”, “cãi vã”,.. là những việc làm của xác thịt.
“Phải đánh các ngươi ở đâu đây, vì các ngươi cứ tiếp tục nổi loạn? Cả cái đầu bị bệnh, lòng thì mòn mỏi. Từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, không chỗ nào lành” (Ê-sai 1:5-6). Chúng ta cần ánh sáng của Chúa để thấy rõ tình trạng của mỗi người chúng ta: bị bệnh từ đầu đến chân. Đoạn này không nói đến các bệnh bên ngoài mà là bệnh bên trong, những bệnh thuộc linh. Mỗi khi phạm tội, chúng ta thường xưng nhận tội đó với Chúa và xin Ngài tha thứ. Điều đó rất đúng. Nhưng nếu chúng ta lại tiếp tục phạm tội đó hoài, không chừa được thì có gì đó không ổn. Tha thứ tội lỗi chỉ giống như chữa theo triệu chứng, như nhức đầu thì uống thuốc nhức đầu. Nhưng vì nguyên nhân của tội không được chữa trị nên chúng ta cứ phạm tội đó hoài. Xuất Hành 15:26 bày tỏ một danh hiệu đặc biệt của Chúa: “Giê-hô-va, bác sĩ của ngươi”. Chúng ta cần đến với “bác sĩ” Giê-su để Ngài chuẩn đoán và trị bệnh cho chúng ta kịp thời, vì nhiều bệnh để lâu quá thì không thể chữa được nữa.