Hoàn cảnh
Mùa hè năm 2012 vì bị burnout, tôi phải đi nghỉ dưỡng trong một viện y tế tại vùng Bad Dürrheim, nằm ở khu Rừng Đen của Đức.
Tôi bị cách ly với gia đình, chung quanh tôi toàn những người xa lạ là những bệnh nhân trầm cảm (depression), burnout và những bệnh khác tương tự. Mỗi ngày tôi thấy những khuôn mặt ủ rũ, than thân trách phận; sau giờ điều trị đa số chỉ ở trong phòng, hầu như không làm gì chung với nhau cả. Bệnh burnout và trầm cảm là những bệnh nguy hiểm, các bác sĩ thường hỏi tôi: „Anh có bao giờ có ý định tự tử chưa?“ Bấy giờ tôi mới ý thức được là tại sao những nghệ sĩ nổi tiếng và nhiều người Nhật tự tử. Nguyên nhân vì depression và burnout. Tôi trả lời với bác sĩ là :“Chưa“ Ông hỏi tôi: „Điều gì đã gìn giữ tôi“. Tôi đáp: „Niềm tin nơi Chúa Jesus Christ. Tôi có hiện thực của Ngài.“
Đúng vậy! Vì bệnh burnout mà khả năng lao động của tôi bị giảm đi rất nhiều, dù mới 33 tuổi. Tôi đã mất gần như tất cả: sức khỏe, của cải và những gì tôi đã đầu tư vào học tập và sự nghiệp. Nhưng, có một điều tuyệt vời mà tôi không bao giờ mất, nó mãi mãi là của tôi
Đức Chúa Trời là phần của tôi
„Thể xác và tâm hồn con bị tiêu hao, nhưng Đức Chúa Trời là sức mạnh của lòng con; và là phần của con đến đời đời“ (Thi Thiên 73:26).
Tạ ơn Chúa. Đức Chúa Trời đã dùng bệnh burnout để mở mắt tôi, cho tôi thấy điều này có nghĩa gì. Ngài, Đấng Thượng Đế đã tạo nên trời và đất, là phần của tôi, là sở hữu của tôi mãi mãi. Vì tôi tin Chúa Jesus và đã tiếp nhận Ngài nên Ngài vào sống trong tôi mãi mãi. Không ai có thể tách Ngài ra khỏi tôi được, kể cả cái chết. Tôi đã khóc và xin lỗi Chúa lâu này tôi không thực sự biết quý điều này, dù tôi đã có nhiều kinh nghiệm sống động với Ngài.
Sau khi được Chúa mở mắt, tôi ý thức dùng thời gian để hưởng thụ phần của tôi. Sở hữu Chúa chưa đủ, tôi muốn hưởng thụ Ngài, muốn kinh nghiệm Ngài nhiều hơn. Tôi đã đến với Chúa và Lời Ngài trong Kinh Thánh rất nhiều. Tôi phải làm chứng với các bạn một điều Chúa của tôi rất thành tín, Ngài không bao giờ bỏ rơi tôi cả. Trong vực thẳm của cuộc đời, Ngài vẫn ở bên tôi, như Thi Thiên 23:4: „Dù khi con đi trong trũng bóng chết, con sẽ chẳng sợ tai họa nào, vì Chúa ở cùng con; Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi con“.
Ngài thật sống động và gần gũi đối với tôi, tôi có thể chạm được Ngài và Ngài nói chuyện với tôi, thỉnh thoảng tôi có thể nghe Chúa thật rõ. Lúc tôi buồn, Chúa đi theo dỗ dành tôi. Khi tôi đến với Lời Ngài, sự sống của Chúa như dòng sông chảy tràn trề trong lòng tôi. Giăng 7:37-38 thật đúng: „Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đă chép vậy“.
Chúa chính là sức mạnh của lòng tôi, đã tiếp sức cho tôi để không ở lì trong phòng như các bệnh nhân khác, mà tôi có sức mạnh để vận động thật nhiều trong thiên nhiên để sức khỏe tôi tiến triển và ổn định hơn. Mỗi ngày tôi đi dạo một mình trong khu Rừng Đen. Không phải, tôi không có một mình mà Chúa cùng đi với tôi. Tôi dùng Lời Chúa để trò chuyện với Ngài, tôi thường gọi tên Ngài thật to, tôi nói với Chúa của tôi: „Chúa Jesus ơi, cảm tạ Chúa vì tất cả. Con yêu Chúa. Không gì có thể ngăn cản đến với Ngài.
Ở giữa rừng, tôi hát những bài hát mà chúng tôi đã dịch từ tiếng Đức sang, tôi đã mấy lần khóc vì vui sướng. Xin trích hai đoạn sau:
„Chúa Jesus là tình yêu đầu; Người chúng con yêu hơn tất cả. Khi trái tim chúng con yêu Ngài, lòng tràn dâng những điều ngọt ngào!Chúng con yêu Ngài vì chính Ngài, Nào phải đâu những điều Chúa làm. Chẳng có chi mà so sánh bằng. Niềm vui khi chúng con yêu Ngài”
“Jesus, con yêu Ngài, và tình yêu Chúa cho con làm con luôn luôn đi tìm Ngài, và kéo con theo Ngài,
làm con luôn luôn đi tìm Ngài,và bước chạy theo sau.
Hỡi Chúa, đáng yêu sao! Chúa thật đáng yêu, đẹp mọi bề, là Đấng khiến con vui sướng ở trong Chúa”
Trái táo
Trái táo là một kỷ niệm tuyệt vời giữa tôi với Chúa trong thời gian này. Một hôm, khi thưởng thức Chúa ở trong Nhã Ca đoạn 2, đoạn sau làm tôi thắc mắc:
“Người em yêu giữa các thanh niên,
Như cây táo giữa đám cây rừng.
Em thích thú được ngồi dưới bóng chàng,
Và trái chàng ngọt lịm trong miệng em.” (câu 3).
Tôi vốn thích sô-cô-la hơn trái cây nhiều, ít khi tôi ăn trái cây lắm. Còn trái táo tôi không ưa. Mười năm ở Đức, hiếm khi tôi ngó ngàng đến trái táo, vì tôi thấy nó đâu có gì ngon đâu. Thế tại sao Chúa lại dùng cây táo để ám chỉ Ngài? Tôi hỏi Chúa:
“Trong câu 1 và câu 2 Chúa dùng cây ly ly để ám chỉ Hội Thánh, người mà Chúa yêu thì con đồng ý. Nhưng tại sao Chúa lại dùng cây táo? Cây táo đẹp ở chỗ nào? Chúa đã tạo ra tất cả thì dĩ nhiên Chúa phải biết cây nào đẹp nhất. Xin cho con biết”. Chúa im lặng. Tôi vẫn tiếp tục đến với Ngài, không thắc mắc điều đó nữa.
Trước khi hết thời gian nghỉ dưỡng, tôi mua thử trái táo ăn. Úi dào, trái táo ngon tuyệt, thật tuyệt vời, thật ngọt ngào. Tôi không ngờ nó ngon như thế. Từ đó đến bây giờ trên 2 tháng rồi, mỗi ngày tôi ăn 2,3 trái táo. Số lượng táo tôi ăn còn nhiều hơn mười năm qua. Chúa đã trả lời tôi bằng cách thay đổi tôi. Tôi phải thừa nhận với Chúa: “Đúng vậy, cây táo thật đẹp, trái táo là trái ngon nhất”.
Chưa hết, tôi hết nghiền Sô-cô-la như trước, tôi còn ăn nhiều loại trái cây khác, ăn thường xuyên. Tôi thưởng thức trái cây với một tấm lòng biết ơn.
Tôi nói với Ngài: “Cảm tạ Chúa đã tạo ra rừng và thiên nhiên tuyệt đẹp để con hưởng thụ. Cảm tạ Chúa đã tạo ra nhiều loại trái cây để con thưởng thức. Con xin lỗi Ngài vì con đã không biết ơn Ngài và thích những gì con người làm ra hơn là do Ngài làm ra.”
(Lời chứng của An)