Trẻ em qua đời có được cứu không?
Trần đình Tâm
Trẻ em từ lúc sơ sinh cho đến lứa tuổi hiểu biết để có thể nghe và hiểu về Tin Lành cứu rỗi, nếu qua đời có được cứu không và sẽ đi đâu? Để trả lời câu hỏi nầy, chúng ta cần phải giải đáp một số vấn đề khác có liên quan như sau: Trẻ em có mắc tội không, có phải là tội nhân (sinner) không? Đến tuổi nào (bao nhiêu tuổi) thì trẻ em có sự hiểu biết để phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình (accountability)?
1. Trẻ em có mắc tội không?
Đây là câu trả lời: CÓ và KHÔNG.
Trẻ em là một tội nhân (sinner) trước mặt Đức Chúa Trời:
“Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác. Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.” (Thi Thiên 51:5)
“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 3:23)
Tất cả mọi người trên thế gian đều là tội nhân, bao gồm cả trẻ em, không miễn trừ một người nào.
Trẻ em là tội nhân vì mắc tội do A-đam truyền lại. Kinh Thánh khẳng định tội của A-đam có đặc tính lưu truyền trong dòng dõi loài người: “Cho nên, bởi một người (A-đam) mà tội lỗi vào trong thế gian…” (Rô-ma 5:19), “Như trong A-đam mọi người đều chết…” (I Cô-rinh-tô 15:22)
Như vậy, tất cả trẻ em đều mắc nguyên tội do A-đam truyền lại.
Trên phương diện khác, trẻ em vô tội (innocent). Các câu Kinh Thánh sau đây chứng minh điều nầy:
“Con trẻ ấy sẽ ăn mỡ sữa và mật, cho đến chừng nào biết bỏ điều dữ và chọn điều lành. Vả, trước khi con trẻ biết bỏ điều dữ chọn điều lành, thì nước của hai vua mà ngươi đang ghét sẽ bị bỏ hoang.” (Ê-sai 7:15,16)
“vì chúng nó đã lìa bỏ ta, đã làm chỗ nầy nên xa lạ, đã đốt hương ở đó cho các thần khác mà chúng nó, tổ phụ chúng nó, các vua Giu-đa đều chưa từng biết, và vì chúng nó đã làm cho máu vô tội đầy nơi nầy. Lại xây đắp các nơi cao cho Ba-anh, đặng đốt con trai mình làm của lễ thiêu dân cho Ba-anh.” (Giê-rê-mi 19:4)
“về phần Rê-be-ca, khi bà ấy bởi tổ phụ chúng ta là Y-sác mà có thai đôi cũng vậy. Vì, khi hai con chưa sanh ra, chưa làm điều chi lành hay dữ…” (Rô-ma 9:10,11)
Các câu Kinh Thánh trên cho thấy có một giai đoạn trong lứa tuổi trẻ thơ, kể từ lúc mới sanh cho đến tuổi biết phân biệt phải trái. Trong giai đoạn nầy, trẻ em chưa phát triển hoàn thiện về tâm trí, chưa có khả năng phân biệt điều thiện điều ác, nên không thể buộc chúng phải chịu trách nhiệm về hành vi của chúng. Trẻ em trong giai đoạn nầy được kể là vô tội (innocent).
2. Đến tuổi nào thì trẻ em chịu trách nhiệm về hành vi của mình?
Các nhà nghiên cứu về giáo dục đưa ra độ tuổi: 6,7 tuổi; các nhà tâm lý học thì đề nghị lứa tuổi 14 đến 16; các nhà làm luật thì đề nghị độ tuổi cao hơn: 18 tuổi! Tất cả đều đưa ra những kết luận khác nhau dựa trên chuyên ngành của họ. Chúng ta không nên tin vào những con số mà họ nêu ra. Điều quan trọng là Đức Chúa Trời bày tỏ về vấn đề nầy như thế nào? Kinh Thánh không có chổ nào khẳng định về số tuổi mà đứa trẻ được kể là vô tội. Chúng ta đều biết rõ mỗi cá nhân đều hoàn toàn khác nhau, không ai giống ai. Đức Chúa Trời tạo dựng mỗi người khác nhau, sự trưởng thành ở mỗi đứa trẻ khác nhau, sự cách biệt có thể tính bằng nhiều năm, cũng có khi sự cách biệt chỉ là vài tháng. Đức Chúa Trời biết rõ điều nầy và Ngài không nêu ra một quy định nào về số tuổi mà đứa trẻ được kể là vô tội. Điều nầy chỉ có Chúa biết rõ, mỗi cá nhân đứa trẻ đều phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa vào thời điểm mà đứa trẻ đó hiểu và phân biệt được điều phải trái.
Điều thú vị là có một câu chuyện trong Cựu Ước dường như có liên quan đến số tuổi do Đức Chúa Trời ấn định: Sự kiện có một số dân Y-sơ-ra-ên được vào xứ Ca-na-an, một số khác không được vào mà phải chết trong đồng vắng.
“Những con trẻ của các ngươi và các ngươi đã nói rằng sẽ thành một miếng mồi, và những con trai các ngươi hiện bây giờ chưa biết điều thiện hay là điều ác, sẽ vào xứ đó. Ta sẽ ban cho chúng nó xứ nầy làm sản nghiệp.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 1:39)
Môi-se nhắc lại cho dân Y-sơ-ra-ên nhớ lại, sau khi 12 thám tử được cử đi dọ thám xứ Ca-na-an trở về, ngoại trừ Giô-suê và Ca-lép tin chắc Chúa ban xứ Ca-na-cho họ, còn lại 10 thám tử kia chẳng những không tin mà còn xúi giục dân Y-sơ-ra-ên quay trở lại Ê-díp-tô. Kinh Thánh cho biết tất cả dân Y-sơ-ra-ên nghe theo 10 thám tử kia, tất cả dân Y-sơ-ra-ên nổi loạn chống lại Môi-se và đòi quay trở lại Ê-díp-tô. (Dân Số Ký 14:1-4). Trước thái độ phản loạn đó, Đức Chúa Trời quyết định hình phạt họ: Họ sẽ phải chết trong đồng vắng. Dù tất cả dân Y-sơ-ra-ên nổi loạn, nhưng Đức Chúa Trời không hình phạt những người dưới 20 tuổi:
“Đức Giê-hô-va nói rằng: Ta chỉ sự hằng-sống ta mà thề, ta sẽ đãi các ngươi tùy theo lời ta đã nghe các ngươi nói; những thây các ngươi sẽ ngã nằm trong đồng vắng nầy. Các ngươi mà người ta đã tu bộ, hết thảy bao nhiêu cũng vậy, từ hai mươi tuổi sắp lên, là những kẻ đã lằm bằm cùng ta, thì chẳng hề được vào xứ.” (Dân Số Ký 14:29)
Chúng ta nhận thấy Đức Chúa Trời không kể những người Y-sơ-ra-ên dưới 20 tuổi là thật sự mắc tội phản loạn mặc dù họ có hành vi phản loạn. Chúng ta có thể kết luận rằng những người Y-sơ-ra-ên dưới 20 tuổi nầy chỉ làm theo sự xúi giục của những người lớn tuổi hơn mà thôi, những người trẻ nầy chưa đủ trưởng thành để phân biệt đúng sai, nên Đức Chúa Trời không buộc tội họ phải chết chung với những người khác. Đức Chúa Trời thật rất yêu thương và công bằng, Ngài không hề bắt tội khi con người chưa đủ hiểu biết về điều phải và điều trái.
Chúng ta không nên dựa vào câu chuyện trên để áp đặt tuổi 20 là thời điểm cho một người trẻ phải chịu trách nhiệm về hành động và quyết định của mình, vì đây chỉ là lứa tuổi áp đặt cho Dân Y-sơ-ra-ên trong thời Cựu Ước [Thời Cựu Ước nêu lên những “con số”, Thời Tân Ước chú trọng đến “con người bên trong”]
Tân Ước ghi lại câu chuyện một người mù từ lúc mới sanh, được Chúa Jesus chữa lành (Giăng chương 9). Những người Pha-ri-si không tin người mù được chữa lành, nên họ tra hỏi cha mẹ người mù, cha mẹ người mù trả lời cho người pha-ri-si: “Nó đã đủ tuổi, hãy hỏi nói” (Giăng 9:23). Dù Kinh Thánh không cho biết người mù lúc được chữa lành là bao nhiêu tuổi, nhưng khi đọc xuyên suốt câu chuyện, chúng ta hiểu ngay người mù đã đủ tuổi để biết rõ người chữa lành mình là ai, và biết do đâu người nầy có khả năng chữa cho mắt mình được sáng.
3. Trẻ em qua đời có được cứu không?
Không có câu Kinh Thánh nào trực tiếp giải đáp cho câu hỏi tế nhị nầy, nhưng chúng ta có thể căn cứ vào ý nghĩa của một số câu Kinh Thánh để đi đến kết luận: Trẻ em khi qua đời trước khi được nghe Tin lành, sẽ được cứu:
1. Giăng 3:18: “Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi.”
Ai không tin thì bị đoán xét. Lứa tuổi ấu nhi chưa đủ trí khôn để hiểu về Tin Lành nên không thể quyết định, như vậy, đứa trẻ sẽ bị Chúa xét đoán.
2. II Tê-sa-lô-ni-ca 1:8,9: “báo thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng phục Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta. Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài.”
Những người bị hình phạt trong hồ lửa đời đời là những người không nhận biết Đức Chúa Trời và khước từ Tin Lành cứu rỗi. Trẻ em không thể nằm trong số người nầy.
3. Khải Huyền 20:11-15; “Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy. Biển đem trả những người chết mình chứa; Sự chết và Âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa.”
Trong ngày phán xét sau cùng, người ta sẽ bị Chúa phán xét tùy theo công việc họ làm lúc còn sống. Trẻ em được kể là vô tội về những hành vi của mình.
4. Lu-ca 18:16,17: “Nhưng Đức Chúa Jêsus gọi họ mà phán rằng: hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn cấm; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những người giống như con trẻ ấy. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai không nhận lãnh nước Đức Chúa Trời như một đứa trẻ, thì sẽ không được vào đó.”
5. Ma-thi-ơ 18:2-5: “Đức Chúa Jêsus gọi một đứa trẻ đến, để ở giữa môn đồ, mà phán rằng: quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu. Vậy, hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng. Hễ ai vì danh ta chịu tiếp một đứa trẻ thể nầy, tức là chịu tiếp ta.”
6. Trường hợp đứa con còn rất nhỏ của Đa-vít và Bát-sê-ba: Đứa trẻ bị bệnh trong 7 ngày rồi chết. Đa-vít nói: “Khi đứa trẻ còn sống, ta kiêng ăn và khóc lóc, vì ta nghĩ rằng: Nào ai biết; có lẽ Đức Giê-hô-va sẽ thương xót ta, và cho đứa trẻ được sống chăng. Nhưng bây giờ nó đã chết, ta kiêng ăn làm chi? Ta có thế làm cho nó trở lại ư? Ta sẽ đi đến nó nhưng nó không trở lại cùng ta.” (II Sa-mu-ên 12:22,23)
Câu trên không nói rõ trẻ em sau khi chết sẽ được cứu, nhưng câu trên giúp cho chúng ta hiểu theo chiều hướng đó: Đa-vít tin rằng đứa trẻ sẽ được cứu và ông sẽ gặp nó trong tương lai, sau khi ông qua đời.
7. I Giăng 2:2: “Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa.” Rô-ma 5:19: “như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình.”
Chúa Jesus chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho toàn thể nhân loại, trong đó có trẻ em. Nguyên tội của đứa trẻ do A-đam truyền lại sẽ được tha thứ qua sự chết của Chúa Jesus.
8. I Ti-mô-thê 2:4; “Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.”
Đức Chúa Trời là Tình Yêu, Ngài không muốn một ai bị hư mất nhưng muốn tất cả mọi người được cứu, trong đó có cả trẻ em vô tội.
4. Số phận của những trẻ em bị chết trong gia đình không kính sợ Chúa.
Theo kế hoạch của Đức Chúa Trời, khi dân Y-sơ-ra-ên tiến chiếm xứ Ca-na-an, họ phải giết tất cả dân thành Giê-ri-cô, trong đó có cả trẻ em:
“Khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi vào xứ mình sẽ nhận được, đuổi khỏi trước mặt ngươi nhiều dân tộc, là dân Hê-tít, dân Ghi-rê-ga-sít, dân A-mô-rít, dân Ca- na-an, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, và dân Giê-bu-sít, tức bảy dân tộc lớn và mạnh hơn ngươi, khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã phó cho các dân ấy cho, và ngươi đánh bại chúng, thì phải diệt hết chúng đi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:1,2)
“Vậy, dân sự la lên, và những thầy tế lễ thổi kèn. Vừa khi dân sự nghe tiếng kèn, bèn la lớn lên, và vách thành liền ngã sập, dân sự leo lên thành, mỗi người ngay trước mặt mình. Chúng lấy thành, đưa gươm qua diệt mọi vật ở trong thành, nào nam phụ lão ấu, cho đến bò, chiên, và lừa.” (Gôi-suê 6:20,21)
Hoặc Chúa ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên tiêu diệt dân A-ma-léc, trong đó bao gồm cả trẻ em:
“Vậy, hãy đi đánh dân A-ma-léc và diệt hết mọi vật thuộc về chúng nó. Ngươi sẽ không thương xót chúng nó, phải giết người nam và nữ, con trẻ và con bú, bò và chiên, lạc đà và lừa.” (I Sa-mu-ên 15:3)
Nhiều người đã thắc mắc về hành động của Đức Chúa Trời và số phận của những trẻ em trong bối cảnh lịch sử nêu trên: Tại sao Chúa cho phép dân của Ngài giết những trẻ em được kể là vô tội, tức là những đứa trẻ chưa biết phân biệt điều thiện điều ác, mặc dù chúng sinh ra trong gia đình không kính sợ Chúa? Những đứa trẻ nầy có được cứu không?
Các bậc ông bà hay cha mẹ trong gia đình có khuynh hướng truyền dạy cho con cháu niềm tin hay tín ngưỡng của mình. Đối lại, con cháu trong nhà lúc còn trẻ thơ thường chịu ảnh hưởng của sự giáo dục do cha mẹ truyền lại. Con trẻ thường bắt chước những gương xấu (hay tốt) từ bậc cha mẹ thể hiện qua nếp sinh hoạt hằng ngày.
[Trong nhà nhiều người Việt Nam thường lập bàn thờ để thờ lạy tổ tiên. Sự thờ cúng ông bà được lưu truyền cho con cháu từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.]
Những dân tộc không kính sợ Chúa, thờ lạy tà thần trong Kinh Thánh (người dân trong xứ Ca-na-an cũng như các dân tộc khác) thường truyền dạy sự thờ lạy hình tượng cho con cháu trong nhà khi chúng còn nhỏ dại, những đứa trẻ vô tội nầy khi trưởng thành sẽ tiếp tục thờ lạy tà thần và chúng sẽ tiếp nối truyền dạy sự thờ tà thần cho con cháu của chúng. Câu chuyện Đức Chúa Trời hứa ban xứ Ca-na-an cho con cháu của Áp-ra-ham chứng minh rõ điều ấy: “Đức Giê-hô-va phán cùng Áp-ram rằng: Phải biết rằng, dòng dõi ngươi sẽ ngụ trong một xứ chẳng thuộc về chúng nó (xứ Ai-cập), làm tôi mọi cho dân xứ đó và bị họ hà hiếp bốn trăm năm. Nhưng, ta sẽ đoán phạt dân mà dòng dõi ngươi sẽ làm tôi mọi đó; rồi khi ra khỏi xứ, thì sẽ được của cải rất nhiều. Còn ngươi sẽ bình yên về nơi tổ phụ, hưởng lộc già sung sướng, rồi qua đời. Đến đời thứ tư, dòng dõi ngươi sẽ trở lại đây (tức là xứ ca-na-an), vì tội lỗi của dân A-mô-rít chưa được đầy dẫy.” (Sáng Thế Ký 15:13-16)
Khi Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham lời hứa trên, thì dân A-mô-rít, là một dân thuộc xứ Ca-na-an, là dân tộc đang sống trong tội lỗi, nhưng chưa đến mức quá độ. Vào thời điểm đó, thật dễ dàng để hình dung ra rằng trong số dân A-mô-rít, cũng có rất nhiều trẻ em trong lứa tuổi vô tội sống chung trong gia đình có cha mẹ ông bà phạm tội. Tuy nhiên, khi chúng trưởng thành, chúng đã trở nên những người phạm tội, vì chúng bắt chước thói hư tật xấu do người lớn trong gia đình truyền lại, vì thế đến thế hệ thứ tư, Đức Chúa Trời cho phép dân Y-sơ-ra-ên tiêu diệt dân A-mô-rít để chiếm xứ Ca-na-an.
Trở lại với thời điểm dân Y-sơ-ra ên tiêu diệt dân Ca-na-an bao gồm cả trẻ em. Như vậy tốt hơn cho chúng, vì chúng được xem là vô tội và sẽ được Chúa cứu. Còn hơn là để chúng trưởng thành mà phạm tội vì sẽ không được cứu!
Trong mọi trường hợp, chúng ta phải tin nơi sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời: “Quả thật Đức Chúa Trời không làm ác, Đấng Toàn năng chẳng trái phép công bình.” (Gióp 34:12), “Ngài sẽ lấy công bình đoán xét thế gian, dùng sự ngay thẳng mà xử các dân tộc.” (Thi Thiên 9:8).