Tuyệt Ðiểm Của Sự Sáng Tạo
” Ðức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta ” (Sáng-thế-ký 1:26)
Người là tên Ðức Chúa Trời đặt cho tạo vật cao đẹp nhất của Ngài. Tiếng Hê-bơ-rơ là “A-đam.” Ðó không phải là một tên riêng như Ca-in và A-bên, mặc dầu thỉnh thoảng được dùng như thế, trong Sử-ký 1:1. “A-đam” là một danh từ Hê-bơ-rơ, được dịch ra tiếng Việt là ” Con người. ”
A-đam không có nghĩa là đàn ông, khác biệt với đàn bà; Nếu muốn nói là đàn ông thì phải dùng một tiếng khác. Riêng tiếng A-đam bao gồm cả nam và nữ. Ðó là tiếng dùng với nghĩa là loài người. Sự nầy hiển nhiên, vì có lời ghi chép trong Sáng-thế-ký 1:27 ” Ðức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. ”
Chân lý nầy cũng được bày tỏ thêm trong Sáng-thế-ký 5:1-2: ” Ðây là sách chép dòng dõi của A-đam. Ngày mà Ðức Chúa Trời dựng nên loài người thì Ngài làm nên loài người giống như Ðức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ, ban phước cho họ, và trong ngày đã dựng nên, đặt tên là người. ” Nghĩa chánh gốc của chử A-đam là đất đỏ, có lẽ ngụ ý con người đã được dựng nên bằng bụi đất.
Câu chuyện trong sách Sáng-thế-ký nầy đã khải thị nhiều chân lý về con người.
I. NGUỒN GỐC CON NGƯỜI
Con người đã xuất hiện từ đâu? Khoa học không trả lời dứt khoát về điều nầy. Có nhiều lý thuyết đã được đề ra, nhưng đó chỉ là lý thuyết, không lấy gì làm căn cứ. Chỉ có sự khải thị mới có thể trả lời chắc chắn được, và câu trả lời là: Ðức Chúa Trời dựng nên con người. Trong Sáng-thế-ký 1:27, sự Ðức Chúa Trời dựng nên con người đã được ba lần bày tỏ.
1) Sự kiện sáng tạo
Nội dung Sáng-thế-ký có ghi chép ba điểm về sự sáng tạo con người. Ðiểm thứ nhất, trong Sáng-thế-ký 1:27 có bàn về sự kiện sáng tạo. Ðiểm thứ nhì, trong Sáng-thế-ký 2:7 có khải thị vài điêù về phương pháp sáng tạo. Ðiểm thứ ba, trong Sáng-thế-ký 2:21-22 có chép về sự sáng tạo con người đã được nhắc lại trong Sáng-thế-ký 5:1-2.
2) Phương pháp sáng tạo
Trong khi sự kiện sáng tạo con người đã được đề cập đến nhiều lần, thì phương pháp Ðức Chúa Trời dùng để sáng tạo không được bày tỏ rõ rệt. Hầu hết những điều chúng ta biết đã được ghi chép trong Sáng-thế-Ký 2:7 : “Giê-hô-va Ðức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.”
Trong sự sáng tạo có ẩn tàng giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất chỉ thân thể con người: “Và Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đã dựng nên con người từ bụi đất.” Thân thể con người đã được sáng tạo từ những chất liệu đã có sẵn rồi. Thân thể con người có thể phân tích được, và tỷ lệ chính xác các nguyên tố cấu thành, đã được chứng minh. Nhưng Ðức Chúa Trời đã sáng tạo cơ thể con người ra sao, thì điều nầy ta không được khải thị cho biết.
Giai đoạn thứ nhì của sự sáng tạo nói về linh hồn hay bản chất thuộc linh của con người: “Và hà sanh khí vào lỗ mũi, thì con người trở nên một loài sanh linh.” Dĩ nhiên là động vật hạ đẳng không thể có sự sống như vậy được. Ðối với con người, Ðức Chúa Trời đã truyền sang cho họ một phần nào của Ngài.
Trong lúc nghe đề cập đến hai giai đoạn sáng tạo con người, thì chúng ta không có ý nghĩ rằng Ðức Chúa Trời đã chất bụi thành đống, nắn thành hình người, rồi thổi sanh khí vào. Delitzsch (nhà thần đạo người Ðức) đà luận giải như sau: “Ta không nên hiểu một cách máy móc sự dựng nên con người bằng bụi đất và sự hà sinh khi vào, như rằng Ðức Chúa Trời trước hết đã làm thành hình dáng con người từ bụi đất, và lúc bấy giờ mới hà sinh khí vào cục đất mà Ngài đã nắn thành hình người, làm cho nó trở thành một sanh linh. Nhờ sự toàn năng thiên thượng con người đã chổi dậy từ bụi đất; và đồng thời khi bụi đất , nhờ sự toàn năng sáng tạo của Ngài, đã tự chuyển biến thành hình người, thì luồng sinh khí thiên thượng đã thấm vào, và đã tạo nên một sanh linh, do đó ta không thể nói rằng xác thị có trước linh hồn.”
Những nhà tư tưởng theo thuyết tiến hoá, cho rằng toàn thể sự sáng tạo là kết quả của những thời kỳ phát triển lâu dài và con người đã tiến hoá từ trạng thái sinh vật hạ đẳng. Những nhà tư tưởng theo thuyết tiến hoá duy vật, đã để Ðức Chúa Trời hoàn toàn ra ngoài, trong khi có những nhà tư tưởng theo thuyết tiến hoá khác, tin ở tất cả những giai đoạn dưới sự chi phối của Ðức Chúa Trời. Nhưng dầu sao, giữa các nhà tư tưởng theo thuyết tiến hoá cũng không có sự đồng ý với nhau, và lý thuyết đã nêu lên nhiều câu hỏi, hơn là câu trả lời, và đã đặt ra nhiều vấn đề, hơn là giải quyết. Tín đồ Cơ đốc nói chung, đã thỏa mãn với sự tin tưởng chắc chắn rằng Ðức Chúa Trời đã dựng nên con người, và họ đã dừng lại ở điểm đó.
II. BẢN CHẤT CON NGƯỜI
Bản chất của giống sinh vật, gọi là con người, mà Ðức Chúa Trời đã dựng nên theo hình Ngài, như thế nào?
1) Hai khiá cạnh: Xát thịt và linh hồn
Như vừa trình bày trong cuộc thảo luận nói trên, chúng ta biết rằng bản chất con người gồm có hai mặt: vật chất và tinh thần. Con người có thể xát và linh hồn.
Vài học giả Kinh Thánh diễn tả con người như một tam-thể-xác thịt, tâm hồn và tâm linh. Trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23, Phao lô đã viết: “Nguyền xin chính Ðức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyện xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Ðức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến!” Tác giả Hê-bơ-rơ nói đến: “Sự chia tâm linh và tâm hồn.” (Hê-bơ-rơ 4:12). Thể theo sự nhận định nầy “tâm hồn” chỉ về con người như một sinh vật có ý thức, trong khi “tâm linh” chỉ về con người có linh tánh nhận biết Ðức Chúa Trời.
Tuy nhiên, hai danh từ “tâm hồn” và “tâm linh”, trong Kinh Thánh không được phân biệt rành rẽ. Thỉnh thoảng có chỗ lại được dùng lẫn lộn. Tấn sĩ A.H. Strong, trong tác phẩm “Hệ thống thần đạo học”, trang 246, nhận xét: “Bản chất con người không phải là một cái nhà ba tầng, mà là hai tầng, với cửa sổ ở tầng trên, nhìn ra hai phía–đất và trời.”
Những điều ghi chép ở Sáng-thế-ký diễn tả con người với bản chất chia ra làm hai mặt–thân thể và linh hồn. Cả hai được phối hợp lại để làm thành một vị cách. Dầu linh hồn là phần quan trọng hơn hết trong con người, thì xát thịt cũng không thể coi khinh được. Thân thể phải được coi trọng vì giá trị thật sự và phẩm cách của nó. Thân thể của tín đồ Cơ đốc được coi là đền thờ của Ðức Thánh Linh. “Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Ðức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Ðấng mà anh em đã nhận bởi Ðức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Ðức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 6:19-20). Chúng ta không nên coi thường hoặc lạm dụng thân thể, nhưng phải được gìn giữ cho được sạch sẽ, khỏe mạnh, để hầu việc Ðức Chúa Trời.
2) Theo hình của Ðức Chúa Trời
Trong tất cả những công trình mà Ðức Chúa Trời sáng tạo, chỉ riêng cho con người là mang hình ảnh Ngài, Ðức Chúa Trời phán rằng: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta, và theo tượng ta” (Sáng-thế-Ký 1:26). Ở đây dường như không có sự phân biệt rõ ràng giữa mình và sự giống nhau. Con người là một sinh vật sáng tạo giống như Ðức Chúa Trời. Nhưng con người được dựng nên theo hình ảnh Ðức Chúa Trời như thế nào? Chắc chắn đó không phải là sự giống nhau về cơ thể, vì Ðức Chúa Trời là Thần Linh, Ngài không có hình thể con người. Sự giống nhau là ở chỗ bản chất thiêng liêng của con người.
Tấn sĩ E.Y. Mullins, trong tác phẩm “Ðạo Cơ đốc trong sự thể hiện giáo lý”, trang 258-260, đề xướng tám điểm hệ trọng trong sự sáng tạo con người, theo hình ảnh Ðức Chúa Trời: một bản chất hợp lý, một bản chất khả dĩ phân biệt thiện ác, một bản chất tình cảm, sự làm chủ ý chí, một con người tự do, sự thiên về công nghĩa, sự được ngự trên các vật loại hạ đẳng và sự bất diệt.
(1) Vị cách: Con người là một sinh vật thông minh có ý thức và có tinh thần tự quyết. Các động vật hạ đẳng cũng có đời sống sinh động, nhưng không có vị cách. Chúng có một số bản năng hướng dẫn chúng làm một vài điều gì đó, nhưng chúng không có khả năng suy tưởng và bày vẽ kế hoạch. Tác giả Thi-thiên đã nói: “Chớ như con ngựa và con là, là vật vô tri” (Thi-thiên 32:9).
Con người là một nguyên động lực tự do, có năng lực chọn lựa đường hướng của mình. Ðức Chúa Trời không bắt buộc con người phải ngay thật hay hạn chế con người khi họ chọn lựa con đường quấy. Quyền tự do lựa chọn là một phần của hình ảnh thiên thượng trong con người.
Vì bởi con người là một sinh vật có trí tuệ, có ý thức và tinh thần tự quyết, nên con người có khả năng liên lạc với kẻ đồng loại và với Ðức Chúa Trời. Là người, con người có thể có sự giao thông với người đồng loại, cũng như với Ðức Chúa Trời.
(2) Bản chất tinh thần: Sự giống Ðức Chúa Trời có nghĩa là con người có một bản chất tinh thần như Ngài. Con người có thể phân biệt được điều phải, điều quấy, và có năng lực chọn lựa giữa hai điều. Sự này không đúng với loài động vật hạ đẳng. Chúng không có ý thức về điều thiện và điều ác.
Con người, như Ðức Chúa Trời đã tạo ra, rất toàn thiện về bản tính và hoàn toàn không tội lỗi. Sau khi con người được sáng tạo, ta biết có điều ghi chép nầy: “Ðức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành” (Sáng-thế Ký 1:31). Ðó đúng là những gì Chúa muốn phải được như thế, kể cả con người. Một Ðức Chúa Trời toàn thiện không thể sáng tạo một sinh vật bất toàn.
(3) Sự bất diệt: Con người, dựng nên theo hình Ðức Chúa Trời, là một sinh vật bất diệt. Khi ta hiểu rằng sự giống Ðức Chúa Trời không phải là một sự giống vật chất, nhưng là một sự giống về tinh thần, thì ta cũng hiểu rằng, sự bất diệt không chỉ thân thể con người, mà chỉ phần thuộc linh. Thân thể chết đi, nhưng linh hồn bất diệt. Diễn tả sự chết, tác giả Truyền đạo nói: “Và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Ðức Chúa Trời, là Ðấng đã ban nó” (Truyền đạo 12:7). Thân thể chết mất, thần linh tiếp tục sinh tồn.
Vì con người là một sinh vật có bản chất hợp lý và tinh thần, nên Ðức Chúa Trời đã cho ngự trị cả muôn loài: “Ðức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất” (Sáng-thế Ký 1:28).
Tiếp theo, trong Thi-thiên 8:4-6: “Loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm viếng nó? Chúa làm người kém Ðức Chúa Trời một chút, đội cho người sự vinh hiển và sang trọng. Chúa ban cho người quyền cai trị công việc tay Chúa làm, khiến muôn vật phục dưới chân người.”
Vì con người được dựng nên theo hình ảnh Ðức Chúa Trời, nên nhân vị của họ có một phẩm cách cần được tôn trọng. Ðức Chúa Trời đã thấy cần phải cấp cho con người những ân tứ và tài ba to lớn hơn những cái Ngài đã cho giống loài khác, nhưng thế không có nghĩa là những ai đã được ban cho nhiều đặc ân, có quyền xem thường các bạn đồng loại xấu số hơn mình. Tất cả đều đã được dựng nên theo hình ảnh Chúa, và phải được đối xử xứng đáng. Sự nô lệ, trực tiếp hoặc gián tiếp, không thể dung thứ được. Sự độc tài chuyên chế, coi cá nhân như răng bánh xe trong một bộ máy vĩ đại, cũng không có chỗ đứng trong tình giao hữu giữa con người với nhau. Phi-e-rơ nói rằng: Người đã lãnh hội được bài học lớn ở Sê-sa-rê, đại ý: “Ðức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai” (Công-vụ 10:34).
III. CHỖ Ở CỦA CON NGƯỜI
Chỗ ở Ðức Chúa Trời đã dành cho con người, được diễn tả trong Sáng-thế Ký 2:8-17. Ðó là một cảnh vườn Ngài lập ra: “Ðoạn Giê-hô-va Ðức Chúa Trời lập một cảnh vườn tại Ê-đen, ở hướng đông, và đặt người mà Ngài mới vừa dựng nên ở đó” (Sáng-thế Ký 2:8).
1) Ðịa điểm
Có vài người nghiên cứu Kinh Thánh cho rằng toàn thể câu chuyện về sự sáng thế chỉ là một chuyện ngụ ngôn. Ðối với họ, cảnh vườn là một biểu tượng, dựng nên để bày tỏ một vài chân lý. Nhưng sự việc ghi chép trong Kinh Thánh là để miêu tả sự thật.
Cảnh vườn có vị trí nhất định, “tại Ê-đen, về phía đông.” Cảnh vườn và Ê-đen không đồng nghĩa với nhau. Ê-đen có nghĩa sự lạc thú, là vùng đất mà cảnh vườn được chọn làm điạ điểm. Còn vùng đất nầy ở nơi nào, thì chúng ta không được khải thị cho biết. Nhưng cứ theo lời diễn tả, và những con sông được ghi chép, thì địa điểm có lẽ là một vùng nào đó, thuộc trung bộ Á-châu.
2) Sự dự bị
Trong khu vườn mà Ðức Chúa Trời đã dựng nên nầy, có sự đẹp đẽ và sung túc: “Giê-hô-va Ðức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon” (Sáng-thế Ký 2:9). Có hai cây kỳ diệu trong vườn: cây của sự sống, để cứu người khỏi chết, nếu họ không phạm tội lỗi; và cây của sự hiểu biết điều lành dữ, để thử sự trung thành của con người đối với Ðức Chúa Trời. –“Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác, thì ngươi chớ hề ăn đến: vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng-thế Ký 2:17).
3) Công việc của con người
Không có sự nhàn rỗi trong chương trình Chúa đã vạch ra cho con người: “Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen, để trồng và giữ vườn” (Sáng-thế Ký 2:15). Con người không phải vào ngồi trong khu vườn để ăn quả và thưởng thức cảnh đẹp. Con người phải trông nom khu vườn. Ðức Chúa Trời chẳng bao giờ có ý định để con người sống trong sự nhàn rỗi, ở đây và từ nay về sau. Trong sự diễn tả chỗ ở tốt đẹp trên trời, trong mấy chương cuối cùng của Kinh Thánh, tác giả được soi dẫn, đã chép: “Các tôi tớ Ngài sẽ hầu hạ Ngài” (Khải huyền 22:3).
IV. SỰ SA NGÃ CỦA CON NGƯỜI
Con người đã không gìn giữ trạng thái đầu tiên hoàn toàn không lỗi lầm của mình. Con người đã không nghe lời Ðức Chúa Trời và đã rơi xuống từ trạng thái cao cả và hạnh phúc đó. Sự sa ngã của con người đã được nói đến trong chương ba của sách Sáng-thế Ký.
1) Nguyên động lực của sự sa ngã
Kinh Thánh chép rằng con rắn là nguyên động lực của sự sa ngã: “Vả, trong các loài thú đồng ma Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đã làm nên, có con rắn là giống quỉ quyệt hơn hết. Rắn nói cùng người nữ rằng…” (Sáng-thế Ký 3:1). Còn Sa-tan là nguyên động lực của sự cám dỗ, thì đã được bày tỏ về sau, như là “Con rắn xưa, dỗ dành cả thiên hạ” (Khải huyền 12:9).
Còn nói về hình dáng và đặc điểm của con rắn trước lúc xảy ra sự sa ngã của con người, thì đó là một vấn đề trong vòng ức đoán. Có người đã phác họa ra một sinh vật đẹp, đi thẳng người thay vì bò trên bụi đất. Nhưng Kinh Thánh đã chép đó là một sinh vật quỉ quyệt và xảo trá hơn hết tất cả mọi sinh vật. Vì lẽ đó, ma quỉ đã chọn con rắn làm trung gian để cám dỗ.
Còn Sa-tan là ai? Kinh Thánh khải thị Sa-tan là chủ của ác quỉ, mà ác quỉ là có nhiều lắm. Nguồn gốc chúng ra sao, chúng ta không được rõ mấy. Theo vài đoạn Kinh Thánh đã khải thị đôi chút về chúng, thì chúng ta suy luận rằng chúng trước vốn là những sinh vật đã được dựng nên không có tội lỗi. Dưới sự cầm đầu của Sa-tan, chúng đã chống lại Ðức Chúa Trời và đã bị đuổi đi khuất mắt Ngài.
Kinh Thánh nói về sự sa đoạn của chúng: “Còn các thiên sứ không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình…” (Giu-đe 6). Phi-e-rơ nói: “Vả, nếu Ðức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên sứ đã phạm tội, nhưng quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét…”(II Phi-e-rơ 2:4). Ðức Chúa Jêsus đã phán cùng các môn đồ: “Ta đã thấy quỉ Sa-tan từ trời sa xuống như chớp” (Lu-ca 10:18). Lý do sự sa đọa của ma quỉ và các thiên sứ như thế nào, thì không thấy nói đến. Phao-lô cho rằng có lẽ vì tánh tự phụ kiêu căng: “Người mới tin đạo không được làm giám mục, e người tự kiêu mà sa vào án phạt của ma quỉ chăng” (I Ti-mô-thê 3:6).
Vì thế, Sa-tan đã trở thành kẻ thù ghê gớm của Ðức Chúa Trời và đã chỉ huy quân binh đồng bọn, chống lại Ngài bằng mọi cách. Cho nên, đến khi Ðức Chúa Trời sáng tạo loài người, ma quỉ đã tìm cách phá hại. Phương pháp của Sa-tan lúc bấy giờ chính là phương pháp nó đang dùng hôm nay. Nó đã lừa dối phỉnh gạt; nó đã che đậy tông tích thật sự; nó đã gieo sự nghi ngờ về lòng tốt của Ðức Chúa Trời; nó đã xuyên tạc lời Ðức Chúa Trời.
Ma quỉ đã đến gần người nữ, là người có lẽ dễ tin nghe hơn hết, trong hai người. Nàng đã để cho bị cám dỗ và ăn qủa cấm. Rồi nàng lại còn làm cho A-đam tin theo, để hiệp cùng nàng làm trái lời Ðức Chúa Trời. Phao-lô nói người nữ đã bị phỉnh gạt, chứ không phải người nam. A-đam thì biết rõ những điều mình làm: “Lại không phải A-đam bị dỗ dành, bèn là người đàn bà bị dỗ dành mà sa vào tội lỗi” (I Ti-mô-thê 2:14).
Vấn đề tự nhiên được đặt ra là tại sao Ðức Chúa Trời lại để cho tội lỗi vào thế gian. Sự tìm hiểu nguyên do và mục đích hành động của Ngài, không đem lại ích lợi gì nhiều. Nhưng có thể nói là, con người, nếu không có cơ hội chọn lựa điều thiện và điều ác, sẽ không còn là một vị cách tự do. Sự làm điều thiện của con người sẽ là một sự bắt buộc.
2) Hậu qủa của sự sa ngã
Hậu qủa của con người không vâng lời Ðức Chúa Trời thật là bi thảm. Những hậu qủa đó tai hại về ba phương diện:
(1) Ðối với đàn ông và đàn bà:
Bởi sự sa ngã của mình, đàn ông và đàn bà đã làm hỏng mất hình ảnh của Ðức Chúa Trời trong họ, và đã mất luôn tình giao hữu với Ngài. Họ đã bị sợ hãi và xấu hổ, và đã cố lẩn trốn trước mặt Ðức Chúa Trời. Có lời rủa sả họ rằng: “Ngài phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm cựu khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con; sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng, và chồn sẽ cai trị ngươi” (Sáng-thế Ký 3:16).
“Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi, trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật từ đất sanh ra mà ăn. Ðất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng, ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về buị” (Sáng-thế Ký 3:17-19).
Người nam và người nữ bị đuổi ra khỏi khu vườn: “Giê-hô-va Ðức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi vườn Ê-đen đặng cày cấy đất, là nơi có người ra” (Sáng-thế Ký 3:23).
Nhưng hậu qủa ghê gớm nhất của tội lỗi con người, được tóm tắt trong chữ “chết” : “Vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng-thế Ký 2:17). Sự chết nầy vừa là cái chết của thân thể, vừa là cái chết của linh hồn.
Từ ngày con người không vâng lời Ðức Chúa Trời thì họ trở thành một sinh vật đang đi về sự chết. Thể xác con người không chết ngay lúc phạm tội, nhưng đã phải chịu đựng sự đau ốm bịnh tật cho đến khi chết. Tuy nhiên con người, từ ngày phạm tội với Ðức Chúa Trời, thì phần thuộc linh đã chết. Sự chết không có nghĩa là chấm dứt đời sống, mà là sự chia cách hay tan biến.
Sự chết của cơ thể là sự chia cách giữa linh hồn và xác thịt. Có lời diễn tả rằng đó là sự “trút linh hồn” “Áp-ra-ham tắt hơi…” (Sáng-thế Ký 25:8); “A-na-nia nghe bấy nhiều lời, thì ngã xuống, và tắt hơi” (Công-vụ 5:5).
Sự chết thuộc linh là sự chia cách phần hồn với Ðức Chúa Trời. Tất cả mọi người ở đời, trong trạng thái tự nhiên, đều chết về phần hồn. Tin Chúa là đi từ sự chết đến sự sống: “Qủa thật, qủa thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Ðấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống” (Giăng 5:24). Ðiều nầy sẽ được bàn rộng hơn trong chương sau.
(2) Ðối với nhân loại
Vì sa ngã, con người chẳng những làm hư họai đời mình mà còn lại di hại cho hậu thế. Là tổ tông của giống người, A-đam đã truyền ảnh hưởng tội lỗi của mình cho con cháu. Họ đã trở nên những kẻ thừa tự bản chất sa ngã của A-đam.
Chân lý nầy đã được hoàn toàn chứng minh trong Kinh Thánh Tân và Cựu Ước. Ða vít đã nói: “Kià, tôi sanh ra trong sự gian ác, mẹ tôi hoài thai tôi trong tội lỗi” (Thi thiên 51:5). Không phải Ða-vít lên án mẹ mình tội lỗi, nhưng muốn nói rằng mình sanh ra với bản chất hư hỏng. Nhưng chính trong Tân Ước, chân lý nầy mới bày tỏ rõ ràng hơn.
Trong chương năm của sách Rô-ma, chúng ta thấy chép: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (câu 12); “Vả, nếu bởi tội một người mà sự chết đã cai trị bởi một người ấy” (câu 17); “….bởi chỉ một tội mà sự đoán phạt rải khắp hết thảy mọi người…” (câu 18); “Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội” (câu 19).
Trong Ê-phê-sô 2:3, Phao-lô nói: “Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác.”
Bởi tội lỗi, con người đã trở nên hư hỏng trong bản chất. Nhiều năm sau đó, Ðức Chúa Jêsus đã phán: “Cây nào xấu thì sanh trái xấu. Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt” (Ma-thi-ơ 7:17-18). Tổ tông hư hỏng không thể sản xuất một nòi giống vô tội được.
Chân lý nầy không những chỉ được khải thị trong Kinh Thánh mà thôi, nó còn được chứng minh bằng sự từng trải. Các con cái A-đam sanh ra đều biểu lộ bản chất hư hỏng của chúng. Xu hướng con cháu A-đam không đi về sự cải thiện, mà đi về sự suy đồi của tinh thần, cho đến khi ” Ðức Giê-hô-ra thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn” (Sáng-thế Ký 6:5).
Các thế hệ sau không thể sản xuất nổi lấy một người tốt. “Ðức Chúa Trời từ trên trời ngó xuống con loài người, đặng xem thử có ai thông sáng, tìm kiếm Ðức Chúa Trời chăng? Chúng nó thay thảy đều lui lại, cùng nhau trở nên ô uế, chẳng có ai làm điều lành dẫu một người cũng không” (Thi-thiên 53:2-3). Mỗi đứa trẻ sanh ra trên thế gian sớm bắt đầu biểu lộ những dấu hiệu của một bản chất tội lỗi.
“Sự sa đọa hoàn toàn” là từ ngữ dùng để diễn tả trạng huống của giống người. Nhưng đó không có nghĩa là con người càng cố sức làm xấu, và trong lòng không có sót lại một thiện ý nào; cũng không phải là tất cả mọi người đều hư hỏng như nhau. Chính ra là toàn thể con người đã bị ảnh hưởng của tội lỗi, và toàn thể bản chất con người cũng bị hư hỏng lây.
Theo tư tưởng đó tự nhiên có câu hỏi rằng: Thế còn trường hợp những đứa trẻ chết lúc sơ sinh, hay trước lúc đến tuổi biết nhận thức? Chúng có bị hư mất không? Trước đây nhiều năm, có người tin rằng trẻ con sơ sinh chết sẽ bị hư mất, nếu người ta không làm gì chúng, đã đưa dẫn đến lễ báp têm cho hài nhi.
Chúng ta tin rằng, những ai chết trước tuổi biết nhận thức đều được cứu dù có làm lễ báp têm hay không. Trước lúc đến tuổi biết nhận thức họ không bị xử phạt. Nước báp têm không có hiệu lực tẩy sạch một bản chất tội lỗi. Những kẻ chết trong thời ký sơ sinh, được cứu rỗi nhờ lòng thương xót và ân điển của Ðức Chúa Trời. Ða-vít đã biết chắc như vậy. Về đứa con nhỏ đã chết, người nói rằng: “Ta sẽ đi đến nó, nhưng nó không trở lại cùng ta” (II Sa-mu-ên 12:23).
Riêng về điểm lúc nào và như thế nào đứa bé được cứu, thì không thấy Kinh Thánh khải thị rõ ràng. Tấn sĩ ẠH. Strong, trong tác phẩm “Hệ thống thần đạo học” trang 357, luận giải như sau: “Vì không có gì chứng rằng con trẻ con sơ sinh, được tái sanh trước lúc chết, dù có áp dụng các hình thức lễ nghi hay không, nên rất có thể, sự tái sanh thực hiện bởi Ðức Thánh Linh, lúc linh hồn đứa bé nhìn thấy Ðấng Christ ở bên kia thế giới. Cũng như tính chất sa đọa tự nhiên còn sót lại của người tín đồ Cơ Ðốc, được trừ khử, không phải bởi sự chết mà là trong sự chết, bởi mình thấy Ðấng Christ và liên hiệp cùng Ngài, phút đầu tiên đứa bé nhận biết Cứu Chúa Jêsus Christ là lúc Ngài thực hiện sự thánh hoá hoàn toàn cho bản chất nó.”
(3) Ðối với muôn loài khác
Trong Kinh Thánh có nhiều câu hình như đã chỉ rằng sự rủa sả tội lỗi con người cũng đổ trên với muôn loài khác.
Sự rủa sả đã giáng trên thế giới loài vật. Với con rắn thì Ðức Chúa Trời đã phán: “Vì đã làm điều như vậy, mầy sẽ bị rủa sả trong vòng các loài súc vật, các loài thú đồng, mầy sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất trọn cả đời.” (Sáng-thế Ký 3:14). Toàn thể thế giới loài vật đã bị ảnh hưởng bởi sự sa đọa. Các loài thú ra mặt chống lại nhau, cấu xé và tiêu diệt lẫn nhau. Chắc chắn là lúc nguyên sơ, chúng không phải được dựng nên như vậy.
Sự rủa sả còn giáng xuống các vật chất. Ðức Chúa Trời đã phán cùng A-đam: “Vì người nghe lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; Trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn; đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê” (Sáng-thế Ký 3:17-18). Trong thơ Rô-ma 8:20-22, Phao-lô nói: “Vì muôn vật đã bắt phục sự hư không, chẳng phải tự ý mình, bèn là bởi cớ Ðấng bắt phục. Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải cứu khỏi làm tôi sự hư nát, đặng dự phần trong sự tự do vinh hiển của con cái Ðức Chúa Trời. Vì chúng ta biết rằng muôn vật đều than thở và chịu sự khó nhọc cho đến ngày nay.”
Vì tất cả muôn loài đều ở dưới sự rủa sả do tội lỗi gây ra cho nên muôn loài sẽ được dự phần vinh hiển của sự cứu chuộc. Khi diễn tả sự vinh hiển ở nước của Ðấng Mê-si, Ê-sau đã nói: “Bấy giờ muông sói sẽ ở với chiên con, beo nằm với dê con; bò con, sư tử con với bò nuôi mập cùng chung một chỗ, một đứa con trẻ sẽ dắt chúng nó đi. Bò cái sẽ ăn với gấu, các con nhỏ chúng nó nằm chung, sư tử ăn cỏ khô như bò. Trẻ con đương bú sẽ chơi kề ổ rắng hổ mang, trẻ con thôi bú sẽ thò tay vào hang rắng lục. Nó chẳng làm hại, chẳng giết ai trong cả núi thánh của ta, vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Ðức Giê-hô-va, như dòng nước che lấp biển” (Ê-sai 11:6-9).
Phê bình đoạn vừa rồi, Mục sư Tấn sĩ Alexander Maclaren nói: “Chúng ta không thể quyết đoán về một vấn đề mà chúng ta không thấu triệt, hay chắc chắn về điểm tượng trưng bao quát, được biểu hiện trong hình ảnh phác họa. Biết chắc rằng có một thời ký Vua của loài người và Chúa của muôn vật sẽ đem lại hoà bình giữa người và vật, và phục hồi “âm nhạc êm dịu mà muôn loài trổi mừng tôn vinh Chúa mình, là đủ rồi.” Expositions on the book of Isaiah). (Thuyết trình về sách Ê-sai, trang 62-63).
Giăng, khi nói về một trong những sự hiện thấy kỳ diệu đã chép: “Tôi lại nghe mọi vật dựng nên trên trời, dưới đất, bên dưới đất, trên biển, cùng mọi vật ở đó đều nói rằng: Chúa cho Ðấng ngồi trên ngôi cùng Chiên con được ngợi khen, tôn quí, vinh hiển và quyền phép cho đến đời đời!” (Khải huyền 5:13).
Nhưng, như Mục sư Tấn sĩ đã nhắc nhở chúng ta: “Chúng ta không thể quyết đoán về một vấn đề mà chúng ta không thấu triệt.”