Vì Sao Jesus Chết
Vì sao có sự tập trung nhiều vào cái chết của Chúa Jêsus như vậy? Có sự khác nhau gì giữa cái chết của Ngài với cái chết của Socrates, hoặc một trong số những người thuận đạo hoặc các anh hùng trong chiến tranh không? Vì sao Ngài chết? Cái chết của Ngài đã đem lại điều gì? Sự chết của Ngài có ý nghĩa gì khi Tân Ước chép rằng Ngài chết ‘vì tội lỗi chúng ta?’ Đó là những câu hỏi mà tôi muốn tìm cách trả lời trong chương nầy.
Nhu cầu lớn nhất của loài người là gì?
Nhiều khi người ta bảo: ‘Tôi chẳng cần Cơ Đốc Giáo’. Họ nói câu gì đó đại loại như ‘Tôi hoàn toàn hạnh phúc, đời sống tôi đầy đủ và tôi cố gắng để sống tốt với người khác và có lối sống tốt đẹp là đủ.’ Để hiểu vì sao Chúa Jêsus chịu chết, chúng ta phải đi trở lại và xem xét nan đề lớn nhất mà mỗi một người đều phải đối diện.
Nếu thành thật, hết thảy chúng ta đều phải thú nhận rằng chúng ta thường làm những điều mà mình biết là xấu. Sứ đồ Phaolô viết rằng: ‘Mọi người đều đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời’ (Rô-ma 3:23). Nói cách khác, nếu xét theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời thì hết thảy chúng ta đều kém thiếu rất xa. Nếu chúng ta so sánh mình với những tên cướp có vũ khí hoặc những kẻ quấy nhiễu tình dục trẻ em hay thậm chí với những người hàng xóm thì có thể chúng ta nghĩ mình tốt hơn hẳn. Nhưng khi so sánh mình với Chúa Cứu Thế Jêsus, chúng ta thấy mình thật thiếu kém rất xa. Somerset Maugham đã từng nói rằng: ‘Nếu tôi viết xuống mọi ý tưởng mình đã nghĩ, và mọi hành động mình đã từng làm, thì người ta sẽ gọi tôi là một quái vật trụy lạc.’
Nguồn gốc của tội lỗi chính là do mối quan hệ bị gãy đổ với Đức Chúa Trời (Sáng-thế-ký 3:1-24) và hậu quả của nó là chúng ta bị phân cách với Ngài. Giống như đứa con trai hoang đàng (Lu-ca 15:1-32) chúng ta phát hiện mình rời xa khỏi nhà Cha, với cuộc sống của mình đang trong một cảnh hỗn độn. Đôi khi người ta bảo: ‘Nếu hết thảy chúng ta đều ở trong cùng một chiếc thuyền, thì thật sự có vấn đề gì đâu?’ Câu trả lời là có vấn đề đấy, bởi vì những hậu quả của tội lỗi trong đời sống chúng ta, là điều có thể được tóm tắt trong bốn tựa đề sau đây.
Sự ô uế của tội lỗi
Chúa Jêsus phán rằng: ‘Hễ sự gì từ người ra, đó là sự làm “dơ dáy” người. Vì thật là từ trong lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho “dơ dáy người” ‘ (Mác 7:20-23). Những điều đó đã làm ô uế đời sống chúng ta.
Bạn có thể bảo: ‘Tôi không phạm hầu hết những tội ấy.’ Nhưng chỉ cần một trong số các tội ấy cũng đủ làm bẩn đời sống chúng ta rồi. Có lẽ chúng ta ao ước Mười Điều Răn giống như là một tờ bài thi mà trong đó chúng ta chỉ phải ‘cố gắng chọn bất cứ ba điều nào’. Tân Ước nói rằng nếu chúng ta vi phạm bất cứ tội lỗi nào trong Luật Pháp thì cũng đáng tội như phạm hết thảy (Gia-cơ 2:10). Ví dụ, không thể nào bạn có được một bằng lái xe ‘khá đúng luật’ được. Hoặc chiếc bằng ấy là đúng luật, hoặc là không đúng luật. Một trường hợp vi phạm trong khi lái xe sẽ làm cho chiếc bằng ấy không còn là bằng lái trong sạch nữa. Đối với chúng ta cũng vậy. Một sự vi phạm đủ làm cho đời sống chúng ta ô uế.
Sức mạnh của tội lỗi
Những điều chúng ta làm quấy có một sức mạnh khiến chúng ta đam mê. Chúa Jêsus phán: ‘Ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi’ (Giăng 8:34), chúng ta dễ nhận thấy sức mạnh nầy trong một số những lãnh vực về thói hư tật xấu của mình hơn là trong những lãnh vực khác. Ví dụ, thật dễ hiểu nếu ai dùng chất kích thích nặng như hêroin thì chẳng bao lâu sau người ấy sẽ trở thành một con nghiện.
Cũng có khả năng để nghiện các tật xấu, sự ganh tÿ, kiêu căng ngạo mạn, ích kỷ, gièm pha, hay vô luân. Chúng ta có thể trở nên nghiện đối với những kiểu suy nghĩ hoặc cư xử mà tự chúng ta không thể thoát ra được. Đó là tình trạng nô lệ mà Chúa Jêsus đã nói đến và nó có một sức mạnh hủy diệt đời sống chúng ta.
Giám mục J.C.Ryle, vốn là một cựu Giám mục ở tại Liverpool, đã từng viết như vầy:Mỗi một tội lỗi cũng như hết thảy mọi tội lỗi đều chiếm hữu những đám tù nhân bất hạnh bị cột trói tay chân bằng những sợi xích của chúng… Những tù nhân khốn khổ nầy…đôi khi vẫn khoác lác rằng họ rất tự do… Thật không có tình trạng nô lệ nào giống như vậy. Tội lỗi thật sự là ông chủ cay nghiệt nhất. Nỗi đau đớn và sự chán ngán nằm trên đường đi, còn sự tuyệt vọng và địa ngục nằm ở cuối đường, đó là thứ tiền công duy nhất mà tội lỗi trả cho những tôi tớ của nó.
Hình phạt của tội lỗi
Có một điều gì đó trong bản chất của con người kêu đói sự công bình. Khi chúng ta thấy trẻ em bị quấy nhiễu tình dục, những người già bị tấn công tại nhà của họ, các em bé bị hành hạ và những chuyện tương tự, thì chúng ta ao ước những người làm những chuyện như vậy phải bị bắt cóc và bị trừng phạt. Thường các động cơ của chúng ta có thể bị lẫn lộn và bao gồm cả yếu tố hận thù trong đó. Nhưng cũng có một điều có thể được gọi là cơn giận công chính. Chúng ta đúng khi cho rằng tội lỗi phải bị trừng phạt; rằng những người gây ra những chuyện như vậy không thể thoát khỏi sự trừng phạt được.
Không phải chỉ có tội lỗi của người khác đáng bị trừng phạt, mà chính tội lỗi chúng ta cũng phải bị trừng phạt nữa. Hết thảy chúng ta một ngày kia sẽ phải ứng hầu trước sự đoán xét của Đức Chúa Trời. Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng ‘tiền công của tội lỗi là sự chết’ (Rô-ma 6:23).
Sự phân cách của tội lỗi
Sự chết mà Phaolô nói đến ở đây không phải là sự chết thuộc thể. Mà là sự chết thuộc linh dẫn đến sự phân cách đời đời với Đức Chúa Trời. Sự phân cách ấy bắt đầu từ lúc nầy. Tiên tri Êsai đã công bố: ‘Nầy tay Đức Giêhôva chẳng trở nên ngắn mà không cứu được, tai Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được đâu. Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa’ (Êsai 59:1-2). Những điều sai quấy chúng ta làm đã tạo ra sự ngăn trở ấy.
Đức Chúa Trời đã làm gì?
Hết thảy chúng ta đều cần phải giải quyết nan đề tội lỗi trong đời sống mình. Càng hiểu rõ nhu cầu của mình, chúng ta càng biết ơn Đức Chúa Trời. Ông Mackay thuộc Clashfern, vị Đại Chưởng Ấn, đã viết rằng ‘Chủ đề trọng tâm của đức tin chúng ta là sự hy sinh chính mình Chúa Cứu Thế Jêsus chúng ta trên thập tự giá vì cớ tội lỗi của chúng ta. Càng hiểu sâu xa nhu cầu của chính mình, chúng ta càng thêm lòng yêu kính Chúa Cứu Thế Jêsus, và bởi đó, càng sốt sắng khao khát được hầu việc Ngài’ 23. Tin mừng của Cơ Đốc Giáo chính là Đức Chúa Trời yêu chúng ta và đã không bỏ mặc chúng ta trong tình trạng hỗn độn mà chúng ta đã gây ra cho đời sống mình. Ngài đã đến trần gian, trong thân vị của Chúa Jêsus Con Ngài để chịu chết thế cho chúng ta (ICô-rinh-tô 5:21; Ga 3:13). Đây là điều John Stott, tác giả của nhiều quyển sách và là Chủ Tịch Danh Dự của All Souls, Quảng trường Langham gọi là ‘sự tự thế chỗ của Đức Chúa Trời’. Còn sứ đồ Phierơ thì nói như vầy: ‘Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ…lại nhơn những lằn đòn Ngài chịu, chúng ta được lành bệnh’ (IPhi-e-rơ2:24)
‘Tự thế chỗ’ có nghĩa là gì? Trong tác phẩm Phép Lạ trên Cầu Sông Kwai (Miracle on the Kiver Kwai) của mình, Ernest Gordon kể lại một câu chuyện thật về một nhóm các tù binh chiến tranh làm việc trên tuyến Đường Hỏa Xa Burma trong Đệ II Thế Chiến. Vào cuối mỗi ngày làm việc các dụng cụ đều phải được nhóm tư vấn thu gom lại. Lần nọ, một lính canh Nhật bản hét lên rằng đã thiếu nhất một cái xẻng và đòi buộc phải tìm cho ra kẻ nào đã lấy cái xẻng đó. Anh ta bắt đầu quát tháo ầm ĩ và rồi tự đưa mình vào cơn cuồng giận hoang tưởng và ra lệnh kẻ nào đã phạm tội phải bước ra. Không ai di chuyển. Hắn ta thét lên: ‘Tất cả phải chết! Tất cả phải chết hết!’ rồi lên đạn và hướng khẩu súng trường vào các tù binh. Ngay lúc ấy một người tù bước lên và tên lính gác đã dùng súng trường đập tới tấp vào người ấy cho đến khi người tù chết đi mà vẫn yên lặng trong tư thế đứng nghiêm. Khi họ đã trở về trại, người ta đếm lại các dụng cụ một lần nữa và phát hiện chẳng có chiếc xẻng nào bị thiếu cả. Người đàn ông đó đã bước lên phía trước như một người thay thế để cứu mạng những người khác.
Cũng vậy, Chúa Jêsus đã đến để thế chỗ của chúng ta. Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta. Cicero đã mô tả hành hình đóng đinh là ‘nhục hình dã man và ghê tởm nhất’. Chúa Jêsus đã bị lột trần và bị trói vào cây cột để đánh đòn. Ngài bị quất bằng bốn đến năm rợi roi da bện lại với nhau có những mẫu xương và chì sắc nhọn. Eusebius, nhà chép sử hội thánh vào thế kỷ thứ ba, đã mô tả việc đánh đòn của người La mã bằng những từ sau đây: ‘Các mạch máu của người bị đòn tét ra, và ngay cả các bắp thịt, những sợi gân, và ruột của nạn nhân cũng bị phơi ra’. Sau đó Ngài bị đưa đến tòa án dân, sự tại đây một chiếc mão bằng gai đã ấn chặt vào đầu Ngài. Ngài bị một tiểu đoàn gồm 600 người nam nhạo báng, đánh vào mặt và vào đầu Ngài. Rồi Ngài bị buộc phải vác một cây thập tự nặng nề trên đôi vai rỉ máu cho đến khi ngã quÿ, và Simôn người Syren bị ép buộc phải vác thay cho Ngài.
Khi đã đến chỗ đóng đinh, một lần nữa Ngài bị lột trần truồng. Ngài bị đặt lên cây thập tự, và những cây đinh dài 15 phân tây (khoảng sáu inch) được đóng xuyên thủng cánh tay ngay trên cổ tay. Hai đầu gối Ngài bị vặn tréo sang một bên để cho hai mắt cá có thể được đóng đinh vào giữa xương ống chân với gân nối gót chân với cơ bắp chân. Rồi họ dựng cây thập tự có Ngài trên đó lên và cắm chân thập tự vào một cái hục đào sâu trong đất. Tại đó Ngài bị treo dưới cái nóng nắng cực độ và bỏ mặc cho cơn khát không thể chịu nỗi, bị phơi trần ra trước sự chế nhạo của đám đông. Ngài đã bị treo ở đó trong nỗi đau đớn không thể tưởng tượng được, suốt sáu tiếng đồng hồ trong khi sức sống Ngài cạn kiệt dần một cách chậm chạp.
Song phần tồi tệ nhất trong cơn khổ hình của Ngài không phải là những thương tích thuộc thể hay sự hành hạ và nhục hình đóng đinh, thậm chí cũng không phải do nỗi đau đớn về mặt tình cảm khi bị thế gian từ khước và bạn hữu xa cách, mà chính là vì nỗi thống khổ trong tâm linh do bị phân cách khỏi Cha Ngài vì cớ chúng ta, đó là khi Ngài gánh những tội lỗi của chúng ta.
Những kết quả gì?
Thập tự giá cũng có nhiều khía cạnh giống như một viên kim cương xinh đẹp. Trên thập tự giá, các quyền lực của tội ác đã bị truất bỏ (Côlô-se 2:15). Sự chết và các thế lực của ma quỷ đã bị đánh bại. Trên thập tự giá, Đức Chúa Trời đã mặc khải tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Ngài đã chứng tỏ rằng Ngài không phải là Đức Chúa Trời cách xa sự đau đớn. Ngài chính là ‘Đức Chúa Trời chịu đóng đinh’ (như tựa đề của một cuốn sách do một nhà thần học người Đức, Jurger Moltmann, đặt tên). Ngài đã bước vào thế giới của chúng ta, Ngài biết và hiểu thấu tất cả những nỗi đau khổ của chúng ta. Tại thập tự giá, Chúa Jêsus đã để lại cho chúng ta một tấm gương về tình yêu tự phó mình (IPhi-e-rơ 2:21). Mỗi một khía cạnh trong những khía cạnh nầy, đáng phải mất một chương để nói cho hết, song thời gian không cho phép. Ở đây tôi muốn tập trung vào bốn hình ảnh mà Tân Ước sử dụng để mô tả điều Chúa Jêsus đã làm trên thập tự giá vì cớ chúng ta. Như John Stott chỉ rõ, mỗi một hình ảnh đó được rút ra từ mỗi lãnh vực khác nhau của đời sống hàng ngày.
Hình ảnh thứ nhất đến từ phiên tòa của pháp luật. Phaolô nói rằng bởi sự chết của Chúa Cứu Thế, chúng ta được ‘xưng công bình’ (Rô-ma 5:1), xưng công bình là một từ về luật pháp. Nếu bạn bị đưa ra tòa và được tha bổng, là bạn được xem là công bình.
Có hai người cùng học chung với nhau thời đi học, cùng vào đại học và nẩy nở một mối tình bạn gắn bó. Đời sống tiếp diễn, mỗi người theo con đường mình đã chọn và rồi họ không liên lạc với nhau nữa. Một người tiếp tục thăng tiến, trở thành một quan tòa, trong khi người kia cứ xuống dốc và cuối cùng trở thành một tội phạm. Một ngày kia tên tội phạm xuất hiện trước vị quan tòa. Anh ta đã phạm một tội ác và vị buộc tội. Vị quan tòa nhận ra người bạn cũ của mình, và phải đối diện với một hoàn cảnh thật khó xử. Vì là một quan tòa anh ta phải công minh; không thể tha cho kẻ phạm pháp được. Mặt kia, anh không muốn hình phạt con người ấy, vì anh ta thương bạn mình. Vì vậy anh bảo với người bạn của mình rằng anh sẽ phạt tiền người bạn một hình phạt đền đúng với tội phạm. Như vậy là công bằng và rồi anh ta bước xuống khỏi vị trí quan tòa viết một tờ ngân phiếu để trả cho tổng số tiền phạt. Anh ta trao tấm ngân phiếu cho người bạn mình, nói rằng anh sẽ trả số tiền phạt đó cho bạn mình. Tình yêu thương là như vậy.
Đây là một sự minh họa về điều Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta. Bởi sự công bình của Ngài, Ngài phải phán xét chúng ta vì chúng ta phạm tội, nhưng đồng thời, bởi tình yêu của Ngài, Ngài đã đến trong thân vị của Con Ngài, là Chúa Cứu Thế Jêsus và trả thay án phạt của chúng ta. Bằng phương cách ấy Ngài vừa ‘công bình’ (trong việc không cho phép kẻ có tội thoát khỏi hình phạt) vừa là ‘Đấng xưng công bình’ – Rô-ma 3:26 (bởi chính Ngài đã nhận án phạt, trong thân vị của Con Ngài, Ngài mới có thể giải phóng chúng ta). Ngài vừa là Quan Tòa của chúng ta vừa là Cứu Chúa của chúng ta. Ngài không phải là một người ngoài cuộc đơn sơ song chính Đức Chúa Trời là Đấng cứu chuộc chúng ta. Kết quả, Ngài ban cho chúng ta một tấm ngân phiếu và phán rằng chúng ta được lựa chọn. Vậy chúng ta muốn Ngài trả thay án phạt cho mình hay chúng ta muốn đối mặt với sự đoán xét của Đức Chúa Trời vì những việc làm sai xấu của chính mình?
Sự minh họa mà tôi vừa dùng chưa được chính xác vì ba lý do sau. Thứ nhất, tình trạng của chúng ta tồi tệ hơn. Hình phạt mà chúng ta đang đối diện không phải chỉ là hình thức phạt tiền, mà phải trả bằng sự chết. Thứ hai, mối quan hệ của chúng ta với Ngài còn gần gũi hơn. Không phải chỉ là tình bạn giữa hai người: mà là Cha thiên thượng của chúng ta, là Đấng yêu thương chúng ta hơn bất cứ người cha trên trần gian nào yêu con mình. Thứ ba, giá phải trả đắt hơn nhiều: không phải bằng tiền bạc của Đức Chúa Trời mà bằng chính Con độc sanh của Ngài – Đấng đã trả thay án phạt của tội lỗi.
Hình ảnh thứ hai đến từ nơi phố chợ-buôn bán. Nợ nần không những là một vấn đề chỉ bó hẹp trong thời buổi ngày nay, mà nó cũng là một nan đề trong thế giới ngày xưa. Nếu người nào mắc khoản nợ nghiêm trọng, người ấy có thể bị buộc phải bán mình làm nô lệ để trả cho hết món nợ đó. Giả sử có một người đang đứng nơi phiên chợ, bán chính mình như một tên nô lệ, một người khác động lòng thương xót anh ta và hỏi: ‘Anh mắc nợ bao nhiêu?’ Kẻ mắc nợ bảo: ‘10.000 Anh kim’. Giả sử người khách hàng đề nghị trả 10.000 Anh kim và phóng thích anh ta. Khi làm như vậy, là người ấy đã ‘chuộc anh ta’ bằng cách trả một ‘giá chuộc’.
Đối với chúng ta cũng tương tự như vậy ‘sự chuộc tội đã làm trọn trong Chúa Cứu Thế Jêsus’ (Rô-ma 3:24). Bởi sự chết của Ngài trên thập tự giá, Chúa Jêsus đã trả giá chuộc tội (Mác10:45). Bởi cách ấy, chúng ta được buông tha khỏi quyền lực của tội lỗi. Đó là sự tự do thật sự. Chúa Jêsus phán: ‘Nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do’ (Giăng 8:36). Điều nầy không có nghĩa là chúng ta không bao giờ phạm tội nữa, mà có nghĩa là sự cai trị của tội lỗi trên chúng ta đã bị phá hủy.
Billy Nolan hiện năm mươi tám tuổi. Ông đã từng nghiện rượu suốt ba mươi lăm năm. Trong hai mươi năm ông cứ ngồi ngoài nhà thờ Holy Trinity Brompton uống rượu và xin tiền. Nhưng vào ngày 13 tháng 5 năm 1990, ông đã nhìn vào gương và bảo: ‘Mi không còn là Billy Nolan mà ta đã từng quen biết nữa.’ Theo lối nói của riêng mình, ông đã mời Chúa Cứu Thế Jêsus ngự vào đời sống mình và lập một giao ước với Ngài rằng ông sẽ không bao giờ uống rượu nữa. Từ đó trở đi ông không uống một giọt rượu nào cả. Đời sống của ông đã được biến đổi. Từ nơi ông phát ra tình yêu thương và sự vui mừng của Chúa Cứu Thế. Có lần tôi nói với ông rằng: ‘Billy, trông ông hạnh phúc quá.’ Ông trả lời: ‘Tôi thật hạnh phúc bởi vì tôi được giải thoát. Cuộc đời giống như một cung mê hay là một mớ rối nùi mà cuối cùng nhờ Chúa Cứu Thế Jêsus, tôi đã tìm được lối ra’. Sự chết của Chúa Jêsus trên thập tự giá khiến chúng ta được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi.
Hình ảnh thứ ba đến từ đền thờ. Trong Cựu Ước, chính những luật lệ cẩn thận đã được đặt để nhằm nói về cách phải xử lý những tội lỗi như thế nào. Có nguyên một hệ thống các của lễ để bày tỏ tính nghiêm trọng của tội lỗi và nhu cầu được tẩy sạch khỏi tội lỗi.
Trong một trường hợp điển hình, tội nhân sẽ chọn một sinh vật. Con vật nầy phải càng hoàn hảo càng tốt. Tội nhân sẽ đặt hai tay mình lên đầu con sinh và xưng các tội lỗi của mình, như vậy tội lỗi được xem như đã chuyền từ tội nhân sang con sinh mà sau đó con sinh bị giết đi.
Tác giả sách Hêbơrơ rõ rằng ‘huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được’ (He-bơ-rơ10:4). Mà nó chỉ là một hình ảnh hoặc ‘hình bóng’ (He-bơ 10:1). Thực chất sự tha tội đến bởi sự hy sinh chỉ đến bởi huyết của Chúa Cứu Thế, Chúa Jêsus Đấng thay thế chúng ta, mới có thể cất tội lỗi chúng ta đi, bởi vì chỉ một mình Ngài là sinh tế hoàn hảo, vì chỉ có Ngài đã sống một đời sống hoàn hảo. Huyết Ngài tẩy sạch chúng ta khỏi mọi tội lỗi (I Giăng 1:7) và loại bỏ sự băng hoại của tội lỗi.
Hình ảnh thứ tư đến từ gia đình. Chúng ta đã thấy rằng nguyên nhân và hậu quả của tội lỗi đều là do mối tương quan gãy đổ với Chúa. Kết quả của thập tự giá là tính khả thi của một mối tương giao với Chúa được khôi phục lại. Phaolô nói rằng ‘Vì chưng Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ làm cho thế gian lại hòa với Ngài’ (IICô-rinh-tô 5:19). Một số người châm biếm sự dạy dỗ của Tân Ước và cho rằng Đức Chúa Trời bất công vì đã hình phạt Chúa Jêsus, bên vô tội, thay vì chúng ta. Đó không phải là điều Tân Ước phán. Mà Phaolô nói rằng: ‘Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ’, chính mình Ngài là Đấng thay thế trong thân vị của Con Ngài. Ngài đã làm cho chúng ta được phục hòa với Ngài trong mối tương quan đó. Sự phân cách của tội lỗi đã bị hủy phá. Điều đã xảy ra cho Người Con Trai Hoang Đàng có thể xảy ra cho chúng ta. Chúng ta có thể trở lại với Đức Chúa Cha và kinh nghiệm tình yêu và sự ban phước của Ngài. Mối tương quan ấy không những chỉ giành cho đời nầy, mà còn cho cả cõi đời đời. Một ngày kia chúng ta sẽ ở với Cha mình trên thiên đàng – tại đó chúng ta sẽ được buông tha, không những chỉ khỏi hình phạt của tội lỗi, quyền lực của tội lỗi, sự băng hoại của tội lỗi và sự phân cách của tội lỗi, mà còn khỏi sự hiện diện của tội lỗi. Đó là điều Đức Chúa Trời đã thực hiện bởi sự thay thế của chính mình Ngài trên thập tự giá.
Đức Chúa Trời yêu mỗi một người chúng ta và ao ước có được mối tương giao với chúng ta như một người cha ao ước có mối tương giao với từng đứa con của mình. Nói rằng Chúa Jêsus đã chịu chết cho mọi người thì chưa chính xác. Mà Ngài đã chết cho bạn, Ngài đã chết cho tôi, vì điều ấy thật riêng tư. Phaolô viết rằng: ‘Con Đức Chúa Trời là Đấng đã yêu tôi và đã phó chính mình Ngài vì tôi’ (Galati 2:20). Nếu bạn là người duy nhất trên thế gian, thì Chúa Jêsus cũng sẽ chịu chết thay cho bạn. Một khi bạn nhìn thập tự giá như một điều gì đó dành cho chính mình, đời sống chúng ta sẽ được biến đổi.
John Wimber, một Mục sư người Mỹ và là một vị chủ tọa HT, mô tả thế nào thập tự giá đã trở thành một thực hữu riêng tư đối với ông.Sau khi nghiên cứu Kinh Thánh…khoảng ba tháng, tôi đã có thể thi đậu trong một kỳ thi giáo lý căn bản về thập tự giá. Tôi đã hiểu rằng có một Đức Chúa Trời là Đấng có thể được hiểu biết qua ba thân vị. Tôi đã hiểu Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời hoàn toàn, vừa là một người hoàn toàn và Ngài đã chết trên cây thập tự giá vì cớ tội lỗi của thế gian. Nhưng tôi không hiểu rằng tôi là một tội nhân. Tôi nghĩ tôi là một anh chàng tốt. Tôi biết mình bị trục trặc, lộn xộn ở nhiều chỗ song tôi không nhận ra tình trạng nghiêm trọng của mình như thế nào.
Và rồi một buổi chiều vào khoảng thời gian đó, vợ tôi là Carol nói: ‘Em nghĩ lâu nay mình đã học nhiều quá rồi, đây là lúc mình phải làm cái gì chứ’. Và rồi trong lúc tôi nhìn xem nàng với sự sửng sốt hoàn toàn. Nàng quỳ gối trên sàn nhà và bắt đầu cầu nguyện mà theo tôi, vợ tôi đang cầu nguyện với một cái trần nhà quét vôi, chứ chẳng phải với Đức Chúa Trời. Nàng thốt lên rằng: ‘Lạy Chúa, con thật đau buồn vì tội lỗi của con’.
Tôi thật không thể tin được. Carol là một người tốt hơn tôi, vậy mà nàng cho mình là một tội nhân. Tôi có thể cảm nhận được nỗi đau đớn của nàng và sự sâu xa trong những lời cầu nguyện của nàng. Rồi nàng khóc và nhắc đi nhắc lại rằng: ‘Con thật đau buồn vì tội lỗi con’. Có sáu bảy người trong căn phòng ấy, ai nấy đều nhắm mắt. Tôi nhìn vào họ và điều đó đánh trúng vào tôi: Hết thảy đều cầu nguyện lời xưng nhận ấy! Mồ hôi tôi bắt đầu nhỏ giọt, tôi nghĩ mình sắp chết. Mồ hôi tuôn xuống mặt tôi và tôi nghĩ: ‘Mình sẽ không làm điều đó. Thật là một việc ngớ ngẩn. Mình là một người tốt mà’. Rồi tôi chợt hiểu ra, không phải Carol đang cầu nguyện với trần nhà; nàng đang cầu nguyện với một người, với một Đức Chúa Trời, Đấng luôn lắng nghe. Khi so sánh với Ngài, nàng biết nàng là một tội nhân cần được tha thứ.
Trong giây lát, thập tự giá trở nên có ý nghĩa riêng tư đối với tôi. Tôi chợt hiểu ra điều mà trước kia tôi chưa hề biết, tôi đã làm tổn thương những cảm nhận của Đức Chúa Trời. Ngài đã yêu tôi và bởi tình yêu dành cho tôi Ngài đã ban Chúa Jêsus. Nhưng tôi đã xây mặt khỏi tình yêu ấy; Suốt đời mình tôi đã lảng tránh tình yêu ấy. Tôi là một tội nhân, hoàn toàn cần đến thập tự giá.
Thế rồi tôi cũng quỳ gối trên sàn nhà, khóc nức nở, nước mắt nước mũi tuôn chảy, từng phân vuông trên thân thể đầm đìa mồ hôi. Tôi có cảm nhận mạnh mẽ lớn lao đó là tôi đang thưa chuyện với một Đấng vẫn ở cùng tôi suốt cuộc đời mình, song Ngài là Đấng tôi không nhận biết. Cũng như Carol, tôi bắt đầu trò chuyện với Đức Chúa Trời hằng sống, thưa với Ngài rằng tôi là một tội nhân, nhưng những chữ tôi có thể nói lớn lên chỉ là: ‘Chúa ôi, Chúa ôi’.
Tôi biết có điều gì đó đổi thay đang diễn ra trong tôi. Tôi nghĩ: ‘Mình mong cho điều nầy có công hiệu, bởi vì mình đang tự làm một điều hoàn toàn ngớ ngẩn’. Thế rồi Chúa đem đến tâm trí tôi một người mà tôi đã từng thấy ở Rersing Sqare Los Angeles cách đây vài năm. Người ấy mang một tấm bảng có dòng chữ: ‘Tôi là một kẻ dại vì Chúa Cứu Thế. Còn bạn là kẻ dại của ai? Lúc ấy tôi suy nghĩ thật là điều ngớ ngẩn nhất mà mình từng thấy’. Nhưng khi tôi quỳ gối trên sàn nhà tôi đã nhận ra chân lý của câu nói kỳ dị ấy: thập tự giá là sự dại dột của những người hư mất (ICô-rinh-tô 1:18). Đêm đó tôi quỳ tại thập tự giá và đã tin nhận Chúa Jêsus. Kể từ đó tôi trở thành một kẻ dại vì cớ Đấng Christ.
Nếu bạn chưa quả quyết mình đã thật sự tin Chúa Jêsus hay chưa, thì đây là một lời cầu nguyện bạn có thể cầu nguyện với Chúa như một cách để bắt đầu đời sống Cơ Đốc và nhận được tất cả những ích lợi mà sự chết của Chúa Cứu Thế đã làm cho khả thi.
Lạy Cha trên trời, con thật đau buồn vì những điều sai quấy trong cuộc sống mà con đã làm. (Dành vài phút để xin Ngài tha thứ bất cứ những điều cụ thể nào trong lương tâm bạn). Xin Ngài hãy tha thứ cho con. Bây giờ con xin từ bỏ mọi điều mà con đã biết là sai trái.
Con cảm tạ Ngài vì đã ban Con Ngài là Chúa Jêsus, chịu chết trên thập tự giá cho con để con được tha thứ và được buông tha. Từ rày trở đi con xin đi theo Ngài và vâng phục Ngài là Cứu Chúa của con. Con cảm tạ Ngài đã ban cho con ơn tha thứ nầy và ban Thánh Linh Ngài cho con. Con xin đón nhận món quà ấy.
Xin đến ngự vào đời sống con qua Thánh Linh Ngài là Đấng ở với con đời đời. Con cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Jêsus. Amen.