CƠ ĐỐC NHÂN CÓ THỂ MẤT ĐI SỰ CỨU RỖI KHÔNG?
By Tom Brown
Đây là câu hỏi quan trọng nhất mà các Cơ-đốc-nhân có thể hỏi, vì sự sống đời đời của họ tùy thuộc vào điều đó.
Sự lừa dối lớn nhất do Satan đã bày ra và được rất nhiều Cơ-đốc-nhân chấp nhận là học thuyết sai “một khi được cứu, mãi mãi được cứu.” Lý thuyết của học thuyết này cho rằng một khi một người được cứu thì dù người ấy có làm điều gì đi nữa người đó cũng không bao giờ mất đi sự cứu chuộc. Kể cả người đó không có bông trái và mắc phải những tội lỗi nghiêm trọng, triết lý này dạy người đó vẫn được cứu. Không gì có thể xa lẽ thật hơn là triết lý này.
Lý do khiến nhiều Cơ-đốc-nhân Mỹ tin vào lời dối trá này chính do ảnh hưởng của John Calvin đối với đạo Cơ-đốc bên châu Âu. (Và, dĩ nhiên, Châu Âu ảnh hưởng đến Mỹ). Calvin là người đầu tiên loan truyền khái niệm tất cả các Cơ-đốc-nhân sẽ mãi mãi được cứu.
Mặc dù Chúa đã hứa một cách chắc chắn thực hiện phần của Ngài là cứu chuộc chúng ta cho đến cùng, điều này không có nghĩa chúng ta không có vai trò gì. Chúa hứa một sự bảo đảm đời đời, nhưng không phải một sự bảo đảm đời đời vô điều kiện. Tất cả lời hứa của Chúa hầu hết có điều kiện, nghĩa là, để những lời hứa đó được thành chúng ta cũng có phần phải làm trong đó.
KINH THÁNH DẠY ĐIỀU GÌ?
Chúng ta phải dựa vào Kinh Thánh – và chỉ Kinh Thánh thôi – để xem Chúa đã phán điều gì cho chủ đề quan trọng này. Bài này nhằm chứng minh sự cứu rỗi là món quà miễn phí từ Chúa, và phải được gìn giữ bởi sự thánh khiết và sinh ra trái tốt lành.
Có hai khía cạnh quan trọng để được cứu. Thứ nhất, sự cứu chuộc vì nó liên quan với người có tội. Người có tội được hưởng sự tái sinh bằng cách nhận Đấng Christ. Người có tội không cần làm gì khác để được tái sinh. Sự tái sinh, mà Kinh Thánh gọi là sự cứu rỗi, là món quà miễn phí. Khía cạnh thứ hai của sự cứu chuộc đối với Cơ-đốc-nhân đã tái sinh là sự gìn giữ sự cứu chuộc của mình. Người đó giữ gìn sự cứu chuộc bằng sự thánh khiết và sinh ra trái tốt lành.
Một số người sẽ tranh luận và nói, “Ông đang dạy để được cứu chuộc phải làm những việc tốt.” Không. Tôi không nói vậy. Sự cứu chuộc là miễn phí, nhưng việc gìn giữ sự cứu chuộc lại tốn kém.
Giả sử một người bạn cho tôi một chiếc xe mới mà anh ấy đã mua bằng tiền của anh ấy, và giờ đây cho tôi chủ quyền và chìa khóa xe và nói “Tom, đây là xe của bạn, hãy hưởng đi.” Mọi việc tôi cần làm là nhận lấy chìa khóa và chủ quyền xe và nói, “Cám ơn bạn!”
Tôi xin hỏi các bạn một câu hỏi. Chiếc xe là một món quà miễn phí cho tôi hay tôi phải mua nó? Nó miễn phí, đúng! Nhưng tôi xin hỏi thêm một câu nữa. Tôi có phải tốn tiền để giữ gìn chiếc xe không? Chắc chắn có. Tôi sẽ phải đổ xăng, thay nhớt, chỉnh máy,v.v… Chiếc xe cần nhiều tiền để giữ gìn, nhưng khi tôi nhận nó thì hoàn toàn miễn phí.
Sự cứu chuộc cũng tương tự như vậy. Tôi không thể có nó. Chúa cho không tôi sự cứu chuộc vì Đức Chúa Jesus đã mua sự cứu chuộc bằng sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá. Nhưng một khi tôi nhận được sự cứ chuộc, tôi phải gìn giữ nó. Đây chính là điều Phao-lô muốn nói khi người nói, “…mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình.” (Phi-líp 2:12)
Người không nói, “làm cho (work for) sự cứu chuộc mình.” Người nói, “làm nên (work out) sự cứu chuộc mình.” Bạn không thể làm nên cái mà bạn không có. Bạn phải có sự cứu chuộc trước khi bạn có thể làm nên nó. Sự cứu chuộc đến trước, sự gìn giữ đến sau. Chính sự gìn giữ sự cứu chuộc bạn là điều chúng ta đang nói đến trong bài này.
Đức Chúa Trời là Đấng đầu tiên đã đặt câu hỏi về con người, con người có thể mất đi sự cứu chuộc hay không. Trong Ê-xê-chi-ên 18:24, Ngài hỏi “Nhưng nếu kẻ công bình xây bỏ sự công bình của mình, nếu nó phạm sự gian ác, nếu nó bắt chước mọi sự gớm ghiếc mà kẻ dữ tự làm, thì nó sẽ sống không?” Đức Chúa Trời đang hỏi, “Nó sẽ sống không, nếu nó xa rời con đường công bình của nó?” Và câu trả lời như thế nào? “Không có một việc công bình nào nó đã làm sẽ được nhớ lại; vì cớ sự phạm pháp mà nó đã làm, và tội lỗi nó đã phạm, nên nó sẽ CHẾT trong đó.”
Người đó sẽ chết về tâm linh, không phải thân xác, vì tất cả chúng ta đều chết về thân xác. Sự chết ở đây là chết về tâm linh và sự chết đời đời. Kinh Thánh gọi hồ lửa là sự chết thứ hai. Sự hình phạt đời đời được Kinh Thánh gọi là sự chết.
Nhiều người sẽ muốn tranh luận với Đức Chúa Trời, nhưng những gì Đức Chúa Trời đã phán là vững bền. Đức Chúa Trời phán nó sẽ chết. Chúng ta phải nhìn nhận Lời của Ngài.
TÂN ƯỚC GIẢNG ĐIỀU GÌ?
Một số người có thể tranh luận, “Đúng, nhưng điều hăm doạ này thuộc Cựu Ước. Trong Tân Ước, Chúa không hăm doạ tín đồ bị đày đọa trong hỏa ngục nếu họ không sống thánh khiết.” Những ai cãi lý như vậy chỉ vì họ không hề xem những lời cảnh báo tín đồ trong Tân Ước về việc mất đi sự cứu chuộc mình. Chúng ta hãy xem Tân Ước dạy gì cho tín đồ về việc mất đi sự cứu chuộc họ.
Đức Chúa Jesus cảnh báo một cách rõ ràng, “Hễ nhánh nào TRONG TA [là các tín đồ] mà không kết quả, Cha ta chặt hết.” Và kết quả của những nhánh không ra quả này là sao? Đức Chúa Jesus tiếp, “Các nhánh khô sẽ bị quăng vào lửa.” (xem Giăng 15).
Chúng ta còn muốn Đức Chúa Jesus nói rõ ràng hơn như thế nào nữa ?
Trong Rô-ma 11:21, Phao-lô nói lại những lời cảnh báo của Đức Chúa Jesus đối với các tín đồ không kết quả “Vì nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các nhánh nguyên [dân Y-sơ-ra-ên không tin], thì Ngài cũng chẳng tiếc ngươi nữa [các tín đồ là dân ngoại].” Trong câu tiếp, Phao-lô tiếp “Vậy hãy xem sự nhân từ và sự nghiêm nhặt của Đức Chúa Trời: sự nghiêm nhặt đối với những kẻ đã ngã xuống, còn sự nhân từ đối với ngươi, miễn là ngươi cầm giữ mình trong sự nhân từ Ngài. Bằng chẳng, ngươi cũng sẽ bị chặt.” Nếu đây không phải là lời cảnh báo cho Cơ-đốc-nhân về việc mất đi sự cứu chuộc mình thì tôi cũng không biết là điều gì.
Phao-lô đưa ra nhiều lời cảnh báo trong hầu hết các bức thư của người. Thí dụ, trong Ti-mô-thê II 2:11-12 “…Nếu chúng ta chết với Ngài, thì cũng sẽ sống với Ngài; lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị…” Đến đây thì chưa ai có nan đề gì. Chính trong lời tiếp theo đã chỉ ra nan đề cho Cơ-đốc-nhân. “Nếu chúng ta chối Ngài, thì Ngài cũng sẽ chối chúng ta.” Hãy lưu ý hai từ “chúng ta” này. Các từ này rõ ràng nói đến chúng ta, các tín đồ. Đức Chúa Trời hứa rằng Ngài sẽ chối chúng ta nếu chúng ta chối Ngài. Lời cảnh báo này cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Trong Phi-e-rơ II 2:20-21, Phi-e-rơ mô tả các Cơ-đốc-nhân bị mất đi sự cứu rỗi họ như sau “Vả, chúng nó bởi sự nhận biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, mà đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, rồi lại mắc phải và suy phục những sự đó, thì số phận sau cùng của chúng nó trở nên xấu hơn lúc đầu. Chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình, thế thì thà rằng không biết là hơn.” Phi-e-rơ nói rằng các Cơ-đốc-nhân mà bị mất đi sự cứu chuộc mình còn tệ hơn những người chưa tin và chưa được cứu. Đây chính là lời thức tỉnh các Cơ-đốc-nhân đang ngủ quên.
Và chúng ta cũng không được quên chương nổi tiếng nhất trong Kinh Thánh nói về các Cơ-đốc-nhân bị mất đi sự cứu chuộc họ. Đó là Hê-bơ-rơ 6. Người viết đã cảnh báo rõ ràng điều gì sẽ xảy ra cho Cơ-đốc-nhân đã tái sinh, đã được đổ đầy Đức Thánh Linh, đã nếm đạo lành Đức Chúa Trời, được xức dầu nhưng lại vấp ngã. Người nói, “thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa.” Người mô ta những kẻ bội đạo này giống như cỏ rạ, gai gốc sẽ cuối cùng bị đốt. Tôi mong sẽ có nhiều Cơ-đốc-nhân xem xét lời cảnh báo này một cách nghiêm túc.
LỜI CẢNH BÁO CUỐI CÙNG
Cuối cùng hết, chúng ta hãy ghi nhớ những lời cuối cùng Đức Chúa Jesus nói với các hội thánh. Đó là những lời trong Khải-huyền chương 2 và 3.
Hãy nghe cho rõ một số lời cảnh báo mà Ngài gửi cho các hội thánh sa ngã cũng như những lời hứa dành cho các Cơ-đốc-nhân chiến thắng.
“Nếu ngươi không ăn năn thì ta sẽ cất chân đèn của ngươi khỏi chỗ nó.” (Khải-huyền 2:5)
“Kẻ nào thắng sẽ chẳng bị hại gì về lần chết thứ hai” (Khải-huyền 2:11). Điều ngược lại cũng đúng. Nếu ngươi không thắng, ngươi sẽ bị hại bởi lần chết thứ hai, chính là hồ lửa đời đời.
“Kẻ nào thắng sẽ được mặc áo trắng. Ta sẽ không xóa tên người khỏi sách sự sống và sẽ nhận danh người trước mặt Cha ta, cùng trước mặt các thiên sứ Ngài” (Khải-huyền 3:5). Hãy lưu ý cây viết của Chúa, đã viết tên bạn vào sách sự sống của Chiên Con, cũng có thể xóa tên đó đi bởi đầu kia. Tên có thể bị xóa khỏi sách sự sống nếu bạn không thắng.
“Hãy giữ lấy điều ngươi có, hầu cho không ai cất lấy mão triều thiên của ngươi” (Khải-huyền 3:11).
“Vậy, vì ngươi hâm hẩm – không nóng cũng không lạnh – nên ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng ta” (Khải-huyền 3:16). Lời cảnh báo này càng rõ ràng hơn.
LÀM SAO ĐỂ GIỮ ĐƯỢC SỰ CỨU CHUỘC?
Cho đến đây, bài viết này có vẻ rất tiêu cực. Tuy nhiên, tôi muốn kết thúc bằng một lời rất tích cực.
Bạn có thể nghĩ, “Lạy Chúa con, con có thể dễ dàng mất đi sự cứu chuộc con nếu con bị sa ngã khỏi Ngài.”
Bí quyết này được tìm thấy trong Phi-e-rơ II 1:10 “… Vì nếu anh em làm điều đó, anh em sẽ không hề bị vấp ngã.” Có điều gì đó bạn có thể làm để không bị vấp ngã. Đó là những điều gì có thể giúp bạn không bị vấp ngã?
Phi-e-rơ nói hãy thêm vào đức tin của bạn những bổn tính tuyệt vời của Đức Chúa Trời như sự nhân đức, sự tiết độ, tình yêu thương,v.v… Người nói, “Vì nếu các điều đó có đầy đủ trong anh em và đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Jesus Christ chúng ta đâu” (Phi-e-rơ II 1:8). Bạn cần có những bổn tính này một cách đầy dẫy. Nói cách khác, bạn cần luôn luôn lớn lên.
Không ai bị sa ngã khỏi Đức Chúa Trời nếu đang lớn lên. Người ta thường sa ngã khi ngừng lớn lên. Khi bạn còn lớn lên, bạn sẽ không bao giờ sa ngã.
Vậy lời hứa tuyệt vời của Đức Chúa Trời đối với Cơ-đốc-nhân đang lớn lên là gì? “Anh em sẽ được cho vào cách rộng rãi trong nước đời đời của Đức Chúa Jesus Christ là Chúa và Cứu Chúa của chúng ta” (Phi-e-rơ II 1:11). Tôi không thể nói cho bạn, nhưng tôi không muốn phải bước vào thiên đàng trơ trọi một mình. Tôi muốn được bước vào thiên đàng một cách huy hoàng.
Có kinh khủng không khi chúng ta chết và bước vào thiên đàng chỉ nghe thiên sứ nói, “Ủa, chỉ có mình ngươi.”? Không! Tôi muốn một sự chào đón rộng rãi vào vương quốc đời đời. Còn bạn thì sao? Bạn cũng làm được! Nếu bạn sống vì mục đích đời đời.