Sống giữa cộng đồng Ca-na-an, Áp-ra-ham nhổ lều trại nhiều lần – di chuyển từ nơi nầy sang nơi khác. Mỗi lần dựng lều trại, Áp-ra-ham dựng bàn thờ trang trọng để tôn thờ Chúa.
Ði đến đâu, Áp-ra-ham dẫn bầy súc vật đông đảo đến đấy. Lạc đà, lừa, ngựa, chiên, đầy tớ trai và gái rầm rộ đến và đi trên các ngả đường Ca-na-an quen thuộc. Rồi ngày khủng hoảng đau thương đến – Sa-ra, người vợ thân yêu ra đi.
Sa-ra qua đời – hưởng thọ 127 tuổi (23:1). Tại sao Sa-ra là người nữ duy nhất trong cả Thánh Kinh được ghi tuổi thọ? Chúa muốn mọi người biết rõ một điều.
Sa-ra người nữ đức hạnh – được ân phúc đặc biệt của Chúa, có tiếng là son sẻ nhưng sinh Y-sác – khi đã tròn tuổi chín mươi. Nhờ bà và con trai duy nhất đó, tuyển dân Israel ra đời, và nhân loại được phước qua sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế Jesus.
Sau hơn 100 năm của tình vợ chồng chung thủy, Áp-ra-ham để tang và than khóc vợ. Ông để lại người sau một gương mẫu chói sáng trong hôn nhân đầm ấm, hạnh phúc.
Sa-ra ở bên cạnh Áp-ra-ham qua từng cao điểm đáng nhớ – lời hứa về giao ước phước hạnh, lập lại mấy lần (12:2, 17:2, 18:18), đánh bại quân xâm lăng của bốn vua, đoàn quân chiến thắng được vua Mên-chi-xê-đéc tiếp đón long trọng, lễ cắt bì, lời cầu thay cho thành Sô-đôm, và việc dâng Y-sác.
Sa-ra cũng ở bên cạnh chồng những lần Áp-ra-ham thất bại, như khi bà bị lôi cuốn vào việc lừa dối rằng bà không phải là vợ mà chỉ là em gái. Và dĩ nhiên, Sa-ra cũng có những lầm lỗi tai hại chính mình gây nên.
Sa-ra lôi kéo A-ga, đầy tớ gái Ai-cập làm vợ bé Áp-ra-ham (16:2). Bà không tin khi cười nhạo lời Chúa hứa về việc sinh con trai trong tuổi già (18:12). Dầu vậy, Sa-ra được kể là nữ anh hùng đức tin (Hê-bê-rơ 11:11).
Là bạn đời chung thủy, bà đã sánh vai đồng hành với chồng suốt hành trình đức tin hơn sáu mươi năm – từ U-rơ đến Ca-na-an, xuống Ai-cập và trở về – làm khách lữ hành vòng quanh đất hứa.
Khi Áp-ra-ham dâng Y-sác, ông bà đã học tin cậy vâng lời “Ðức Giê-hô-va Giê-rê” – Chúa sẽ cung ứng (22:8). Chúa thử nghiệm và Ngài cung ứng mọi nhu cầu.
Bây giờ, Sa-ra, người vợ thủy chung của hơn một thế kỷ qua đời. Áp-ra-ham để tang và thương khóc vợ. Sa-ra qua đời tại Hếp-rôn, trung tâm của đất hứa mà hai người chưa hề nhận lãnh.
Ðứng bên thi hài Sa-ra, Áp-ra-ham yêu cầu dân họ Hết: “Tuy sống giữa các anh, tôi chỉ là một kiều dân. Xin các anh bán cho tôi một miếng đất chôn cất để an táng vợ tôi!” (23:3-4).
Biết rằng con cháu sẽ hưởng được đất hứa, Áp-ra-ham muốn chôn Sa-ra giữa lòng đất hứa thiêng liêng ấy. Làm chủ mảnh đất nhỏ, Áp-ra-ham hành động như một tiên tri – làm chủ nhân ông tối hậu và người đầu tiên viết Sử Thiêng Trên Ðất Thánh.
Xây mộ cho vợ tại Hếp-rôn – trung tâm đất hứa – Áp-ra-ham xác tín đức tin nơi Chúa thành tín. Nhận được khải tượng từ Chúa, ông nhìn thấy suốt cõi tương lai, “Bởi đức tin, ông cư ngụ như một ngoại kiều trong xứ Chúa đã hứa cho mình, sống trong lều trại như Y-sác và Gia-cốp, những người đồng thừa kế cùng lời hứa ấy” (Hê-bơ-rơ 11:9).
Giống như Áp-ra-ham, “là công dân trên trời, chúng ta trông đợi Ðấng từ đó đến, là Chúa Cứu Thế Jesus” (Phi-líp 3:20). Cái chết của người thân yêu thường là lúc chúng ta nghĩ đến cõi đời đời. “Ðến nhà tang chế hơn đến nhà yến tiệc, vì ai rồi cũng phải chết. Vậy người sống hãy để tâm suy gẫm thân phận mình” (Giáo Huấn 7:2).
Cái chết của Sa-ra đến với Áp-ra-ham cũng như cái chết của người thân yêu hôm nay – giúp chúng ta nhìn xa hơn, cao hơn với đôi mắt đức tin – đến cõi đời đời.
Câu trả lời của dòng họ Hết mô tả được phong thái khiêm tốn của Áp-ra-ham và lòng ngưỡng mộ của người địa phương. “Chúng tôi vẫn coi ông là bậc vương hầu của Ðức Chúa Trời. Ông muốn chọn đất chôn cất nào tùy ý. Chúng tôi không từ khước đất chôn cất của chúng tôi để ông chôn người chết của ông đâu!” (23:6).
Chúng ta không biết dòng họ Hết chân thành đến mức độ nào nhưng cung cách đối ứng của họ xác nhận Áp-ra-ham giàu, danh tiếng và được nể trọng. Ðặc biệt họ kính sợ Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham. Ðối với họ, Áp-ra-ham nổi bật, đáng kính và được ơn phước của Thiên Chúa.
Cúi đầu trước mặt dân họ Hết, Áp-ra-ham yêu cầu: “Các anh đã có nhã ý như thế, xin làm ơn nói Ếp-rôn, vui lòng bán cho tôi cái động Mặc-bê-la ở cuối khu đất của anh ta. Tôi xin trả đúng thời giá để mua cái động ấy làm đất chôn cất” (23:7-9).
Câu trả lời của Ếp-rôn, ở cổng thành khá lý thú: “Thưa ông, tôi xin biếu ông cả cái động lẫn khu đất. Ðây có dân chúng làm chứng, tôi xin tặng cả cho ông để ông an táng xác bà” (23:10-11).
Mặc dầu nói “xin biếu, xin tặng” đôi ba lần nhưng thực ra Ếp-rôn gò ép để bòn rút nhiều hơn điều Áp-ra-ham muốn. Áp-ra-ham chỉ hỏi mua cái động nhỏ khiêm tốn – Ếp-rôn gán thêm cả cánh đồng. Cộng thêm đất – moi thêm tiền.
Áp-ra-ham xin trả đúng thời giá để mua cái động làm mộ chôn vợ nhưng Ếp-rôn thấy cơ hội làm tiền ngàn năm một thuở. Biết điều đó nhưng trong cảnh tang chế, Áp-ra-ham không thể làm khác hơn.
Ông đáp lời Ếp-rôn: “Tôi xin mua và trả tiền sòng phẳng. Xin anh vui lòng nhận tiền, tôi mới dám an táng vợ tôi.” Ếp-rôn đáp: “Miếng đất trị giá bốn trăm lạng bạc nhưng chỗ tôi và ông, có gì đâu! Xin ông an táng bà đi!” (23:12-15).
Áp-ra-ham cân bốn trăm lạng bạc theo cân lượng thị trường – một giá khá cao, trả cho Ếp-rôn – trước sự chứng kiến của người Hết. Nhờ đó, về sau, không một người địa phương nào tranh tụng hay thắc mắc quyền sở hữu của Áp-ra-ham.
Có lẽ, đối với Áp-ra-ham, không có giá nào quá cao cho đệ nhất phu nhân mẫu mực của mình – lại tương xứng với phong cách tổ phụ đức tin và vương hầu của Ðức Chúa Trời – giữa cộng đồng dân ngoại. Áp-ra-ham để tiếng tốt cho đời.
Ðộng Mặc-bê-la nhỏ bé khiêm tốn trở thành nghĩa trang của các tổ phụ. Kiên quyết gửi nắm xương tàn của mình nơi đây, các tổ phụ là nhân chứng hùng hồn về lời hứa thành tín của Chúa và đức tin bền vững của họ.
Mặc-bê-la trở thành đài tưởng niệm lịch sử và bằng chứng hào hùng về đức tin không lay chuyển của Áp-ra-ham nơi lời hứa phước hạnh của Thiên Chúa thành tín. Nhờ đức tin của Áp-ra-ham nơi lời Chúa hứa, con cháu ông thừa hưởng đất hứa.
Nhờ đức tin, Áp-ra-ham kiều ngụ đất Ca-na-an gần một trăm năm – sống như là đất đã thuộc về mình (13:9; 21:34). Bởi đức tin, Áp-ra-ham chôn Sa-ra tại Mặc-bê-la, Hếp-rôn.
Bởi đức tin, Y-sác chôn Áp-ra-ham bên cạnh Sa-ra tại Hếp-rôn (25:9). Bởi đức tin, Gia-cốp chôn Y-sác tại Hếp-rôn (49:31). Bởi đức tin, khi ở Ai-cập, Gia-cốp căn dặn các con trai chôn mình tại Hếp-rôn (49:29). Bởi đức tin, các con trai Gia-cốp an táng người trong hang đá Mặc-bê-la (50:13).
Bởi đức tin, các dòng cuối của Sáng thế ký ghi lại lời trối trăn của Giô-sép, yêu cầu các anh dời hài cốt mình khỏi Ai-cập về Mặc-bê-la (50:25). Bởi đức tin, 430 năm sau, Môi-se đem hài cốt Giô-sép ra khỏi Ai-cập và suốt 40 năm hành trình sa mạc (Xuất 13:19).
Bởi đức tin, Giô-suê chế ngự đất hứa, an táng hài cốt Giô-sép trong phần đất Gia-cốp đã mua cho con mình (Giô-suê 24:32).
Dựa vào nguyên tắc tâm linh ý nghĩa, quan trọng nầy – hành động bởi đức tin – Giô-suê và Ca-lép, hai trong số mười hai thám tử, sau khi trinh sát đất hứa đã mạnh mẽ kêu gọi: “Chúng ta phải đi lên chiếm hữu đất nầy. Chắc chắn chúng ta sẽ thắng họ” (Dân số ký 13:30).
Về sau, Ða-vít được xức dầu làm vua lại Hếp-rôn (2 Sam 2:4). Thật vậy, hài cốt của các tổ phụ đã cất tiếng reo vang từ hang đá Mặc-bê-la rằng Chúa thành tín đã hứa ban đất nầy cho tuyển dân Y-sơ-ra-ên.
Áp-ra-ham mua hang đá Mặc-bê-la làm mộ cho Sa-ra giữa lòng đất hứa là tuyên ngôn đức tin, là hành động đức tin tuyệt đẹp. Không phải Áp-ra-ham tìm kiếm quê mẹ, hay xây dựng quê cha. Ông đi tìm một quê hương tốt hơn – như các anh hùng đức tin A-bên, Ê-nóc, Nô-ê.
Hê-bơ-rơ 11:13-16 ghi lại những dòng Sử Thiêng Trên Ðất Thánh hào hùng: “Tất cả những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận được những điều Chúa hứa. Họ trông thấy và chào mừng những điều ấy từ xa, nhìn nhận mình là người xa lạ và lữ khách trên đất. Họ minh định rằng họ đang tìm kiếm một quê hương. Họ mong ước một quê hương tốt hơn, là quê hương trên trời, nên Ðức Chúa Trời không hổ thẹn khi được gọi là Ðức Chúa Trời của họ vì Ngài đã chuẩn bị cho họ một thành.”
Riêng Áp-ra-ham, Hê-bơ-rơ ghi lại: “Bởi đức tin, ông cư ngụ như một ngoại kiều trong xứ Chúa đã hứa cho mình. Ông sống trong lều trại như Y-sác và Gia-cốp, những người đồng thừa kế cùng lời hứa ấy. Vì ông mong đợi một thành phố do Ðức Chúa Trời thiết kế và xây dựng” (11:9-10).
Tuyển dân Y-sơ-ra-ên đã nhận Đất Hứa – nhưng bi thảm quá – họ đánh mất Đất Hứa – khi quá chú tâm vào đất mà vội quên Chúa thành tín đã ban cho họ đất ấy!
Mục sư William Barclay viết, “Thế giới là một cây cầu. Người khôn ngoan đi qua cầu nhưng không xây nhà trên cầu ấy – The world is a bridge. The wise man will pass over it but will not build his house upon it.”
Phải, dấu hiệu của người đức tin và khôn ngoan thật – là “mong ước một quê hương tốt hơn – quê hương trên trời.” Thưa anh chị em thân yêu, quê hương chúng ta không phải là Úc, Âu, Mỹ hay Việt – mặc dầu là nơi chôn nhau, cắt rốn tuyệt đẹp, hào hùng!
Quê hương phước hạnh của chúng ta ở trên trời – nơi Cứu Chúa yêu dấu đang ngự. Ngài sẽ trở lại, đổi mới thân xác hèn mọn nầy. Anh, Chị và tôi sẽ mặc lấy thân thể mới vinh quang để theo Chúa về quê hương rạng rỡ, vĩnh cửu ấy.
Áp-ra-ham Ðược Gọi Ðể Dựng Nước. Chúa hứa ban Áp-ra-ham ba điều: đất nước, dòng giống, phước lành. Ca-na-an là đất hứa. Israel là tuyển dân, dòng giống. Phước lành kết tụ ở thượng đỉnh qua sự giáng sinh của Jesus – Cứu Chúa của nhân loại.
Giữa Mùa Phục Sinh 2011 nầy, nhìn lại chức vụ, sự chết và sống lại của Chúa Cứu Thế Jesus, người theo Chúa biết rõ – chính Ngài là Phước Lành cho mọi người. Sự phục sinh của Chúa Jesus là Tin Lành. Ðúng như Chúa đã bảo Áp-ra-ham: “Tất cả các dân tộc tin Ta đều sẽ được hạnh phước như con” (Ga-la-ti 3:8).
Áp-ra-ham nghe rõ tiếng Chúa gọi: “Hãy rời bỏ quê hương, thân tộc và đi đến xứ Ta sẽ chỉ dẫn” (Công Vụ 7:3). “Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi – ra đi để dựng nước – lên đường đến xứ mình sẽ nhận làm sản nghiệp” (Hê-bơ-rơ 11).
Chúa kêu gọi Anh, Chị và tôi rời bỏ, ra đi để dựng nước – xây dựng Nước Trời – bắt đầu từ Jerusalem – với gia đình, bạn bè, lớp học, điểm nhóm, Trường Chúa Nhật, làm chứng, thăm viếng, phục vụ…
“Ta sẽ làm cho con thành một nước lớn. Ta sẽ ban phước lành cho con và làm nổi danh con. Và con sẽ Thành Một Nguồn Phước” (Sáng thế ký 12:2).
Chúa hứa: “Hồ Xuân Phước, con sẽ Thành Một Nguồn Phước.” Chúa đã gọi và Ngài còn đang gọi Anh, Chị: “Con sẽ Thành Một Nguồn Phước!” Anh sẽ Thành Một Nguồn Phước. Chị sẽ Thành Một Nguồn Phước!
Anh, Chị hiểu lời hứa quý báu đó như thế nào? Và Anh, Chị sẽ sống như thế nào với lời hứa tuyệt vời ấy? Anh, Chị sẽ rời bỏ điều gì? Ra đi – Anh, Chị sẽ đi đâu? Ira Wilson và George Schuler đáp ứng tiếng Chúa gọi thế nầy:
“Ðem tình yêu Chúa Jesus truyền bá cho đời, và quyền năng thoát ách ma vương. Muôn người sẽ tin Ngài bởi môi miệng chúng con, và qua nếp sống mới trong con.
Nguyện con được đổi mới, nguồn phước cho muôn người. Qua nếp sống con, Jesus vinh quang. Lòng mong được đổi mới. Lạy Jesus yêu quý, nguyện xin ơn phước Ngài phát lưu ra qua con!
Chia lại bao phước thiêng con nhận lãnh nơi Ngài. Và yêu như Chúa đã yêu con. Vui lòng cứu giúp mọi thế nhân gặp khó khăn, và yêu như Chúa đã yêu con.
Nguyện con được đổi mới, nguồn phước cho muôn người. Qua nếp sống con, Jesus vinh quang. Lòng mong được đổi mới. Lạy Jesus yêu quý, nguyện xin ơn phước Ngài phát lưu ra qua con!”. Amen. (Make Me a Blessing – Mong Làm Nguồn Phước)
Mục sư Hồ Xuân Phước