Chúa Giê-xu đến thế gian không phải để buộc tội, nhưng để thế gian nhờ Ngài mà được sự cứu rỗi. Sách Rôma 5:8 cho biết Chúa Cứu Thế ban cho sự tha thứ trong khi chúng ta còn ở trong tình trạng tội lỗi. Trên cây thập tự Chúa cầu xin : “ Xin Cha tha thứ cho họ bởi họ chẳng biết mình làm điều chi”, Chúa ban tặng sự tha thứ cho cả nhân loại. Đó là hành động yêu thương mà Chúa đang yêu cầu chúng ta noi theo hầu có thể dẫn dắt mọi người đến sự ăn năn. Sự thành công của công cuộc truyền bá Phúc Âm tùy thuộc vào mức độ tha thứ của chúng ta.
Trước Thế Chiến Thứ Hai, có một thương gia xây cất người Pháp gốc Ý tên là Enrico sống ở Paris, không lâu sau khi tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của đời mình, ông có dịp đi dạo vào một đêm khuya nọ. Chợt ông thấy hai bóng người nhảy ra khỏi xe vận tải và tiến về khu vật liệu của ông. Enrico dừng lại cầu nguyện “Con phải làm gì bây giờ thưa Chúa ?” Một kế hoạch lóe lên trong tâm trí ông.
Enrico tiến lại gần hai người đàn ông và yên lặng giúp họ chất gỗ lên xe. Sau vài phút ông hỏi “Các ông sẽ làm gì với những tấm gỗ nầy ?” Họ cho ông biết dự định của họ. “Vậy tôi nghĩ các ông nên dùng đống gỗ kia là tốt hơn”. Enrico gợi ý.
Sau khi chiếc xe đã được chất đầy gỗ, một trong hai người lạ mặt tỏ lời khen ngợi “ông quả thật là một tay ăn trộm thiện chí”.
_“Không đâu, tôi không phải là kẻ trộm.” Enrico trả lời.
_“Này, sĩ diện làm gì. Ông biết rõ chúng tôi đang làm gì lúc nửa đêm, chính ông còn tiếp tay cho chúng tôi nữa.”
_“Tôi biết các ông đang làm gì chứ, nhưng tôi không phải là kẻ trộm, tôi là chủ nhân của khu vật liệu và đống gỗ nầy.”
Hai người lạ mặt trở nên sợ hãi. “Đừng sợ” Enrico an ủi họ “Tôi quan sát việc các ông làm nhưng tôi quyết định không gọi cảnh sát. Các ông chưa biết đến cách sống công bình nên tôi sẽ chỉ cho các ông. Trước hết các ông hãy nghe tôi nói, sau đó các ông có thể đem đống gỗ trên xe nầy về nhà.”
Lập tức Enrico có ngay những khán giả thật nghiêm túc cho “buổi truyền giảng ngoài trời” của ông. Trong vòng ba ngày sau, cả hai anh chàng đều đầu phục Chúa Giê-xu, một người sau trở thành mục sư, còn người kia trở nên chấp sự trong Hội Thánh. Đống gỗ Enrico cho họ thật chẳng có gì đáng so sánh với giá trị của hai linh hồn, đặc biệt trong ánh sáng của Lời Chúa Giê-xu rằng một linh hồn còn quý giá hơn tất cả mọi sự trên thế gian nầy.
Không phải đống gỗ Enrico tặng đã đưa họ đến với Chúa, ấy chính là tấm lòng vị tha của ông khi họ bị bắt quả tang trong khi hành động tội lỗi. Họ biết Enrico có thể bỏ tù họ, nhưng ông đã bày tỏ thiện chí trước khi họ tỏ thái độ ăn năn. Cũng vậy, Chúa Giê-xu tha thứ cho nhân loại trên thập tự trước khi chúng ta ăn năn hối lỗi.
Trong câu chuyện tiếp theo, Enrico phải trả giá cho sự tha thứ nhiều hơn là một đống gỗ.
Sau khi quân phát xít Đức tràn vô nước Pháp, một gia đình Do Thái đến xin trú ẩn trong nhà của Enrico. Ông nhận lời và che giấu cũng như nuôi nấng gia đình nầy trong hai năm trời. Công việc bị bại lộ, cảnh sát đến bắt gia đình kia và Enrico nữa.
Lễ Nô-ên năm 1944 đến với Enrico trong phòng giam lạnh lẽo. Giám đốc nhà tù gọi ông lên văn phòng và chỉ cho ông một bàn đầy những món ngon lành. “Vợ ông quả là một tay nội trợ khéo léo. Hằng ngày bà ta gởi cho ngươi những bửa cơm và ta đã mạn phép ăn nó hộ ngươi. Hôm nay ta gọi ngươi lên để chiêm ngưỡng bửa ăn lễ Nô-ên trước khi ta thưởng thức nó.”
Enrico đứng run rẩy trong thân thể với da bọc xương, cặp mắt hóc hác vì cơn đói, ông đưa mắt nhìn lên bàn đầy thức ăn của ngày lễ và nói “Vâng tôi biết vợ tôi là người nấu ăn khéo, tôi tin rằng ông sẽ hài lòng với bữa ăn Nô-ên của ông”. Tên giám ngục bắt Enrico nhắc lại những lời nói trên. Enrico nhắc lại từng chữ “tôi hi vọng ông hài lòng với bữa cơm nầy.” Rồi ông nói thêm “Bởi vì tôi yêu mến ông”.
Tên giám ngục gào lên “Hãy đem thằng tù nầy ra khỏi đây đi, nó điên rồi”.
Khi chiến tranh kết thúc Enrico được trả tự do. Ông phải mất hai năm mới phục hồi lại sức khỏe. Chúa cũng bắt đầu chúc phước cho công việc làm ăn của ông.
Để bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa trong sự bảo toàn mạng sống của mình. Enrico đưa vợ đến thăm nơi ông bị giam cầm trước đây. Khi đến nơi họ được biết viên giám ngục kia vẫn còn sống trong làng. Chúa bày tỏ cho Enrico một phương cách bày tỏ sự tha thứ hết sức độc đáo. Họ đi chợ rồi tìm một chỗ để nấu ăn, xong xuôi họ đến gỏ cửa nhà kia với hai rỗ đầy thức ăn thơm phức.
Sau khi được mời vô nhà, Enrico nói “Chắc ông không nhận ra tôi phải không ?” Quả thật hình dạng ông Enrico thay đổi nhiều từ khi ra khỏi tù, ông lên cân vì được vợ chăm sóc chu đáo.
Chủ nhà lắc đầu.
Enrico nói tiếp “Ông có nhớ ngày lễ Nô-ên năm 1944, tôi được ông gọi lên văn phòng của ông… Tôi có nói là tôi yêu mến ông và ông cho tôi là người điên…”
Mặt chủ nhà xám ngắt, bước lùi lại một bước. Enrico nói tiếp “Đừng sợ, tôi đến đây không với mục đích làm hại ông, nhưng để nói cho ông biết rằng tôi vẫn yêu mến ông.”
Chủ nhà vẫn đứng trơ ra đó trong yên lặng, cặp mắt không hồn cứ nhìn chằm chằm về phía trước.
_“Tôi không điên đâu. Tôi nhớ thực đấy, muốn chứng minh điều ấy ngay bây giờ. Chiến tranh đã kết thúc rồi. Bây giờ là thời bình, vợ chồng tôi muốn ngồi xuống để dùng bửa cùng vợ chồng ông. Liệu ông có cho chúng tôi niềm hân hạnh nầy không ?”
Khi cả hai gia đình bắt đầu ngồi xuống bàn trước những món ăn ngon lành mà vợ Enrico đã nấu, tự nhiên chủ nhà ném dao, đĩa xuống và hỏi “Các vị thực sự đã muốn làm gì tôi?”
Enrico giải thích “Chẳng có gì đâu, chúng tôi chỉ muốn ông biết rằng chúng tôi yêu mến ông và đã tha thứ cho ông.”
_“Làm sao các vị có thể làm được chuyện đó ?”
_“Chắc chúng tôi không đủ sức nếu nhờ cậy vào khả năng bản thân nhưng…” Enrico nói chân tình “Chúa Giê-xu dạy chúng tôi biết cách tha thứ.”
Sau khi nghe giải thích thêm trước khi người chủ nhà có thể tiếp tục bữa ăn, ông đã quỳ gối xuống tiếp nhận Giê-xu làm Cứu Chúa của đời sống mình.
Loren Cunningham