Sự Cứu Rỗi Vĩ Ðại
“Nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được?” (Hê-bơ-rơ 2:3).
Trong chương vừa qua, chúng ta đã thảo luận vễ sự dự bị của Ðức Chúa Trời để cứu rỗi loài người bị hư mất, bởi sự ban cho Con Ngài. Ðấng Christ trong sự chết cứu chuộc và sự sống lại vinh hiển, đã mở đường cứu rỗi cho tất cả nhân loại. Nhưng thế không nghĩa là tất cả mọi người đều sẽ được cứu. Có vài điều kiện cần thiết trước khi mọi người được cứu.
I. Kinh nghiệm của sự cứu rỗi
Ðức Chúa Trời chỉ có một kế hoạch duy nhất để cứu chuộc loài người; ” Vả ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điễu đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Ðức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:8). Sự cứu rỗi là nhờ ân điển Ðức Chúa Trời và được thực hiện bởi sự tin Ðức Chúa Jêsus Christ, trong lòng mỗi người. Ðức Chúa Trời không có kế hoạch cứu rỗi nào khác nữa.
Có người muốn cho chúng ta tin rằng trong suốt thời ký Cựu Ứơc, con người đã được cứu nhờ tuân theo luật pháp. Trong thơ gởi cho người Ga-la-ti và những đoạn văn khác, Phao-lô đã đinh chánh quan niệm sai lầm ấy. Ông đã tuyên bố: ” Dầu vậy, đã biết rằng người ta được xưng công bình, chẳng phải bởi các việc luật pháp đâu, bèn là cậy đức tin trong Ðức Chúa Jêsus Christ… Vì chẳng có ai được xưng công bình bởi các việc luật pháp” (Ga-la-ti 2:16).
Sau đó Phao-lô đã bày tỏ sự Áp-ra-ham và những thánh nhân khác trong Cựu-Ứơc đã được cứu rỗi bởi sự tuân theo luật pháp: “Như Áp-ra-ham tin Ðức Chúa Trời, thì đã kể là công bình cho người” (Ga-la-ti 3:6). Chúa Jêsus đã phán : “Cha các ngươi là Áp-ra-ham đã nức lòng nhìn thấy ngày của ta; người đã thấy ngày của ta; người đã thấy rồi, và mừng rỡ” (Giăng 8:56).
Trong Hê-bơ-rơ 11:24-26, chúng ta thấy lời chép về Môi-se như sau: ” Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn, bỏ danh hiệu mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, đành cùng dân Ðức Chúa Trời chịu hà hiếp hơn là tạm hưởng sự vui sướng của tội lỗi”.
Những người nầy đã được cứu bởi đức tin trong Ðấng Christ, Ðấng sẽ đến cũng như chúng ta được cứu, bởi đức tin trong Christ, Ðấng đã đến.
II. Vài Chân Lý Về Sự Cứu Rỗi
Trong sự nghiên cứu cẩn thận và suy nghĩ thấu đáo những lời dạy trong Kinh Thánh, ta cần đặc biệt chú tâm đến một vấn đề quan trọng. Về điểm nầy nhiều người thường hiểu lầm.
1. Một sự ban cho
” Sự ban cho của Ðức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Ðức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23). Con người không thể mua sự cứu rỗi, cũng như không thể lãnh được nó bởi những công việc làm tốt đẹp của mình: ” Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Ðức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; vì chúng là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Ðức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Ðức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” ( Ê-phê-sô 2:8-10).
Chúng ta không phải được cứu nhờ những việc làm tốt đẹp, nhưng được cứu để làm việc tốt đẹp. Ðó là một bài học khó hiểu đối với con người. Con người đã cố gắng tìm kiếm sự cứu rỗi bằng đức tánh cuả họ. Nhưng sự cứu rỗi là điều ban cho của Ðức Chúa Trời, và không một người nào có thể có được, trừ phi họ bằng lòng nhận đó là một món quà ban tặng.
Nhưng có người sẽ nói: ” Phao-lô đã chẳng bảo lấy lòng sợ sệt làm nên sự cứu chuộc mình là gỉ” (Phi-líp 2:12). Chúng ta nên nhớ rằng những điều nầy nói với những người đã là tín đồ Cơ-đốc trong câu tiếp theo đây, Phao-lô nói: ” Vì ấy chính Ðức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn, vừa làm theo ý tốt Ngài.” Ðức Chúa Trời tác động bên trong, con người phải tác động bên ngoài.
Việc cũng tỉ như chuyện người cha cho trai mình một miếng ruộng. Miếng ruộng không tốn kém cho người con một tí gì, vì đó là vật người cha đã ban cho. Nhưng người con có thành công trong sự khai thác miếng ruộng không, là tùy ở sự gia công của mình vào đấy. Nếu người con bỏ lớ không săn sóc đến miếng ruộng mình, thì cỏ dại sẽ không sản xuất được gì. Nhưng nếu người con cố gắng trồng trọt, thì mùa gặt hái sẽ được tốt đẹp.
Cùng một lối, sự cứu rỗi là một tặng phẩm của Ðức Chúa Trời. Người nhận lãnh không phải hao tốn gì cả. Nhưng sự người ấy có thành công hay không, trong đời sống của mình, còn tùy thuộc nơi sự đóng góp của anh. Nếu ngươi ấy hờ hững và không chú tâm, thì đời sống thuộc linh của anh nghèo nàn lắm. Nhưng nếu anh cố gắng hết lòng, anh sẽ nhận được phần thưởng dồi dào. Ðó là điều Phao-lô muốn bày tỏ khi nói: ” Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy” ( I Cô-rinh-tô 3:14-15).
2. Một từng trải cá nhân riêng-biệt
Lời Ðức Chúa Trời ca ngợi giá trị cá nhân cà phẩm cách của nhân vị. Trong kinh nghiệm cứu rồi, Ðức Chúa Trời không tiếp nhận từng gia đình hay đoàn nhóm. Cùng một lúc, có thể có một số người được cứu, nhưng mỗi người phải từng trải sự cứu rỗi của riêng mình. ” Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ khai trình việc mình với Ðức Chúa Trời” (Rô-ma 14:12). Ðó là lời Phao-lô cảnh cáo các tín đồ Cơ đốc thành Rô-ma.
Vả điều nầy là sự thật, nên có hai chân lý liên hệ cần được nhấn mạnh:
1) Khả năng thông công của linh hồn
Mỗi cá nhân, tự mình có khả năng giao tiếp với Ðức Chúa Trời. Ðiều nầy có khi được gọi là khả năng thông công của linh hồn. Khi thông công với Ðức Chúa Trời, mỗi người không cần có mục sư hay người đỡ đầu nào làm trung gian. Tự cá nhân mình có thể trực tiếp với Ngài không cần có sự giúp đỡ của con người hoặc cơ sở thờ phượng. Mỗi cá nhân chỉ có thể thông công với Ðức Chúa Trời cho chính bản thân mình thôi, vì không có ai khác có thể trả lời thay cho mình trước mặt Chúa. Trong tôn giáo không thể có sự uỷ nhiệm. Cha mẹ hay bạn bè có thể giúp cho cá nhân tiến gần Ðức Chúa Trời, nhưng không thể thay mặt cá nhân mà trực giao với Ngài.
2) Sự tự do của linh hồn
Cá nhân có quyền thông công với Ðức Chúa Trời cho riêng mình, một quyền mà không ai có thể phủ nhận được. Ðiều nầy được gọi là sự tự do của linh hồn. Cá nhân phải được tự do để đọc và suy nghiệm lời Ðức Chúa Trời cho bản thân mình, và cá nhân có quyền thờ phượng Ðức Chúa Trời, thể theo lời kêu gọi của lương tâm mình.
Không một người nào hay một cơ sở nào có quyền đứng giữa một linh hồn và Ðức Chúa Trời, để ngăn cản linh hồn không cho tiến gần Ngài. Nếu một cá nhân phải chịu trách nhiệm cho riêng mình trước Ðức Chúa Trời, thì cá nhân ấy phải được tự do gần gũi Ngài cho riêng mình. Người khác có thể giúp cho cá nhân ấy mà không có quyền ngăn cản.
3) Một từng trải gồm ba phần
Sự cứu rỗi gồm có ba phần. Từng trải thứ nhất–Sự tái sanh; kế đến sự từng trải lớn lên–Sự nên thánh; và sự từng trải tuyệt điểm–Sự vinh hiển. Ðó là sự cứu khỏi sự trừng phạt của tội lỗi, sự cứu khỏi quyền lực của tội lỗi và cuối cùng là sự cứu khỏi sự hiện diện của tội lỗi. Sự cứu rỗi gồm có ba thời kỳ: Thời kỳ quá khứ, chúng ta đã được cứu–đó là sự tái tạo (Ê-phê-sô 2:5, 8); thời kỳ hiện tại, chúng ta đang được cứu–đó là sự nên thánh (Phi-líp 2:12); thời kỳ tương lai, chúng ta sẽ được cứu–đó là sự vinh hiển (Rô-ma 5:9; 13:11).
4) Một sự cứu rỗi đời đời
Khi một người đã được cứu rỗi thật sự, người ấy được cứu rỗi đời đời. Ðức Chúa Jêsus phán rằng: “Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta. Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta. Cha ta là Ðấng lớn hơn hết đã cho ta chiên đó, và chẳng ai cướp nổi chiên đó khỏi tay Cha” (Giăng 10:27-29).
Về phía con người, sự nầy được gọi là sự bền gan của các thánh đồ. Về phía Ðức Chúa Trời, đó là sự gìn giữ thiêng liêng. Các thánh đồ rất bền gan, và Ðức Chúa Trời bảo tồn: “Tôi tin chắc rằng Ðấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết, cho đến ngày của Ðức Chúa Jêsus Christ ” (Phi-líp 1;6); “Là kẻ bởi đức tin, nhờ quyền phép của Ðức Chúa Trời giữ cho, để được sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt!” (I Phi-e-rơ 1:5).
Ðiều nầy chẳng những phù hợp với lời hứa của Ðức Chúa Trời, mà còn phù hợp với những lời được dùng để mô tả sự cứu rỗi. Ðó là một sự tái sanh. Khi một người được cứu, người ấy Ðược sanh ra từ Ðức Chúa Trời. Ðó là sự từng trải chỉ có một lần mà thôi. Khi một người tin cậy Ðức Chúa Jêsus Christ, người ấy nhận được sự ban cho cuộc sống đời đời: ” Ai tin Con thì được sự sống đời đời” (Giăng 3:36). Ðã là đời đời thì không thể ngừng nghỉ được, và kéo dài vô tận.
5) Lời kêu gọi xưng nhận nơi công cộng
Chúng ta có lời của Phao-lô như sau: “Vậy nếu miệng ngươi xưng Ðức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Ðức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin ở trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi” (Rô-ma 10:9-10).
Người ta không biết rằng một người không xưng nhận đức tin của mình nơi Ðấng Christ một cách công khai có được cứu hay không. Nhưng có điều rất đúng sự thật là người nào từ chối sự xưng nhận công khai của đức tin mình, người ấy không bao giờ kinh nghiệm được những sự vui thỏa đầy đủ của sự cứu rỗi.
6) Thái độ vâng phục biểu lộ sự cứu rỗi
Ðây là lời phán của Chúa chúng ta: “Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta” (Giăng 14:23); và Ngài tiếp: “Còn kẻ nào chẳng yêu mến ta, thì không vâng giữ lời ta; ” (câu 24). Và trước giả sách Hê-bơ-rơ nói: “Và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài” (Hê-bơ-rơ 5:9). Sự cứu rỗi được thể hiện bằng thái độ vâng phục.
Sự vâng phục có tính cách vừa thụ động vừa chủ động. Ðiều nầy có nghĩa là sự giữ gìn không phạm mọi điều ác, và giữ mình khỏi sự ô uế của thế gian (Gia-cơ 1:27). Ðiều nầy còn có nghĩa là sự thực hành những việc tốt đẹp, và hiến dâng đời mình để hầu việc Chúa.
Hai khía cạnh của sự vâng phục đã được bày giải trong sách Rô-ma 12:12: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xói của Ðức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh đẹp lòng Ðức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Ðừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Ðức Chúa Trời là thể nào.”
7) Sự cứu rỗi sẵn dành cho mọi người
Kinh Thánh tuyên bố rằng Ðức Chúa Trời “lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (II Phi-e-rơ 3:9); và “Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi, và hiểu biết lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:4).
Vì Ðức Chúa Trời thương yêu thế gian, nên Ngài đã ban Con một Ngài xuống thế gian: ” Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).
Chính vì để cứu chuộc thế gian mà Ðức Chúa Jêsus đã đi đến thập tự giá và chịu chết: Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi của chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa” (Giăng 2:2).
Ðức Chúa Trời đã uỷ thác cho giáo hội đem Tin Lành đến khắp thế gian: “Vậy hãy đi dạy dỗ muôn dân” (Ma-thi-ơ 28:19).
Dân Giu-đa đã chấp nhận chân lý nầy cách khó khăn. Họ cứ tưởng rằng sự cứu rỗi chỉ dành riêng cho người Giu-đa mà thôi. Khi Phi-e-rơ nhờ quyền năng của Ðức Thánh Linh, đã mang sứ điệp Tin Lành đến nhà Cọt-nây, điều nầy đã gây ra sự phẫn nộ trong giáo hội thành Giê-ru-sa-lem, lúc bấy giờ chỉ gồm toàn những tín đồ người Giu-đa. Nhưng Ðức Chúa Trời không thiên vị ai cả. Ðối với muôn dân các nước, Ngài không ưa thích riêng ai. Ðối với một số người, Ngài ban cho nhiều cơ hội thuận tiện hơn đối với một số người khác, nhưng cơ hội thuận tiện nhiều thì luôn luôn đòi hỏi những trách nhiệm lớn.
III. Giáo thuyết của sự lựa chọn
Giáo thuyết của sự lựa chọn trong Kinh Thánh vốn là một hòn đá đã làm hụt chân nhiều người. Kinh Thánh đã tuyên bố rằng Ðức Chúa Trời đã chọn lấy một vài người để cứu rỗi, có khi trước lúc họ ra đời: ” Vì, khi hai con chưa sanh ra, chưa làm điều chi lành hay dữ–hầu cho được giữ vững ý chỉ Ðức Chúa Trời, là ý định sẵn bởi sự kén chọn tự do của Ngài, chẳng cứ việc làm, nhưng cứ Ðấng kêu gọi– thì có lời phán cho mẹ của hai con rằng: Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau” (Rô-ma 9:11-13).
Trong Ê-phê-sô 1:4-5, ý kiến nầy được phát biểu mạnh mẽ hơn: “Trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Ðấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Ðức Chúa Trời, bởi sự yêu thương của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Ðức Chúa Jêsus Christ, theo ý tốt của Ngài.”
Và trong II Tê-sa-lô-ni-ca 2:13: ” Hỡi anh em yêu dấu của Chúa, còn như chúng tôi, phải vì anh em tạ ơn Ðức Chúa Trời không thôi, vì vừa lúc ban đầu, Ngài đã chọn anh em bởi sự nên thánh của Thánh Linh, và bởi tin lẽ thật, đặng ban sự cứu rỗi cho anh em.” Chúng ta có thể trích dẫn nhiều đoạn Kinh Thánh khác, có bàn đến giáo thuyết của sự lựa chọn. Một giáo thuyết như thế nầy, có chứng tỏ sự thiên vị của Ðức Chúa Trời và sự hủy diệt tự do của cá nhân không? Không ai chối cãi là trong giáo thuyết có điều bí ẩn. Và chắc là không ai đòi một sự giảng giải đầy đủ. Nhưng Kinh Thánh đã ghi chép rằng sự lựa chọn đã căn cứ trên sự biết trước của Ðức Chúa Trời: “Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài” (Rô-ma 8:29); “Những người được chọn, theo sự biết trước của Ðức Chúa Trời là Ðức Chúa Cha, và được nên thánh bởi Ðức Thánh Linh, đặng vâng phục Ðức Chúa Jêsus Christ và có phần trong sự rải huyết Ngài” (I Phi-e-rơ 1:1-2).
Ðức Chúa Trời không bị hạn giới bởi thời gian. Với Ngài không có hiện tại, quá khứ và tương lai, nhưng có một sự hằng hữu đời đời. Vì thế sự lựa chọn của Ðức Chúa Trời không thủ tiêu sự lựa chọn tự do của con người. Ðức Chúa Trời biết sự chọn lựa của con người sẽ như thế nào. Những đoạn Kinh Thánh trên đây rọi ít ánh sáng vào điểm khó hiểu của giáo thuyết, nhưng không hoàn toàn giải thích nó.