Bài 1
SỰ THỰC HỮU CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
LỜI GIỚI THIỆU:
Để bắt đầu nghiên cứu giáo lý Thánh kinh, chúng ta phải bắt đầu với Đức Chúa Trời.
Chúng ta thường xuyên được các nhà vô thần, các nhà hoài nghi, và những người ưa chất vấn hỏi vặn, thách thức chúng ta chứng minh là có một Dức Chúa Trời. Thật khó cho một người thiên nhiên tin vào một điều gì mà người đó không thấy được, không rờ được hoặc không cảm thấy được(Cô-rinh-tô 2:14). Vấn đề cho Cơ Đốc nhân đã được giải quyết với câu đầu trong Kinh Thánh: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất” (Sáng 1:1).
Kinh thánh không phải là sách giáo khoa chứng minh sự thực hữu của Đức Chúa Trời. Kinh thánh mở đầu với sự kiện là Đức Chúa Trời thực hữu. Các tác giả khác nhau của Kinh thánh không hề có ý chứng minh cho sự kiện nầy, Kinh thánh nói rõ rằng thật là điên rồ khi chối bỏ sự thực hữu của Đức Chúa Trời. Thi Thiên 14:1 “Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời.” Bất cứ ai có trí thông minh bình thường đều phải thừa nhận các bằng cớ về một Đức Chúa Trời hằng sống.
Bằng cớ lớn nhất không nằm trong Kinh Thánh là sự tương giao hằng ngày của chúng ta với Ngài trong sự cầu nguyện. Tôi biết có một Đức Chúa Trời bởi vì tôi đã nói chuyện với Ngài hôm nay và Ngài đã nghe, đã trả lời cho sự cầu nguyện trong lòng tôi, cho dù đó chỉ là lời thì thầm yên lặng.
I. BẰNG CỚ TỪ THÁNH KINH:
– Thi Thiên 19:1 “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm.” Vẻ đẹp và sự vinh hiển của các từng trời tuyên bố lớn tiếng rằng: Đức Chúa Trời thực hữu.
– Rô-ma 1:20 đi xa hơn và gợi ý rằng sự sáng tạo còn dạy ta về quyền năng đời đời của Đức Chúa Trời, “Bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy khi người ta xem xét công việc Ngài cho họ không thể chữa mình được.” Người chấp nhận Thánh Kinh sẽ sẵn sàng thừa nhận sự thực hữu của Đức Chúa Trời.
Chúng ta hãy nghiên cứu một số các lý luận khác có tính chất thuyết phục.
II. BẰNG CỚ TỪ LƯƠNG TÂM:
Con người được sinh ra với một niềm tin phổ quát vào một Đấng tối thượng, không một bộ lạc nào, dân tộc nào thiếu niềm tin nầy. Mọi người đều biết rằng có một Đấng nào đó sáng tạo và điều khiển thế gian.
– Rô-ma 2:25 “Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy đều đã ghi trong lòng họ, chính lương tâm mình đã làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vượt mình.” Sự thực hữu của Đức Chúa Trời được viết trong lương tâm con người.
– Công vụ 17:23 “Vì khi ta trải khắp thành các ngươi, xem xét các khí vật các ngươi dùng thờ phượng thì thấy có một bàn thờ chạm chữ rằng Thờ Chúa không biết. Vậy Đấng các ngươi thờ mà không biết đó là Đấng ta đương rao truyền cho.” Lương tâm đã dạy họ rằng có một Đức Chúa Trời mặc dù họ không biết Ngài cách cá nhân. Một số các nhà vô thần có thể tuyên bố rằng lương tâm của họ không nói cho họ về Đức Chúa Trời, nhưng thật ra người đó đã dập tắt tiếng nói của lương tâm mình bằng sự vô tín rành rành.
Một số người quá đui mù đến nỗi họ có thể khước từ sự hiện hữu của mặt trời trên không trung, nhưng điều đó không thay đổi sự kiện mặt trời thực hữu, mọc và lặn mỗi ngày. Không một người nào quá đui mù bằng một người không chịu thấy. Một người trung thực sẽ tìm thấy một tiếng bên trong nhỏ nhẹ nói rằng: “Đức Chúa Trời thực hữu và Ngài đang sống hôm nay.”
Con người khước từ sự thực hữu của Đức Chúa Trời không phải vì họ không tìm được Ngài, nhưng vì họ sợ đối diện với trách nhiệm, phải tính sổ với Ngài sau khi chết. Sự vô thần là một trong số các phương tiện của ma quỷ ru ngủ con người không chịu tiếp nhận sự cứu rỗi. Nếu không có Đức Chúa Trời thì tôi không chịu trách nhiệm với bất cứ ai, tôi có thể sống và chết như ý tôi muốn. Nhưng trong những giờ phút yên tĩnh, con người trở về với chính mình thì lương tâm họ sẽ thì thầm trong lòng họ “có một Đức Chúa Trời”, và chỉ có những người điên mới khước từ tiếng nói ấy.
Một người nhìn lên trời thấy một chiếc máy bay và không thấy phi công rồi nói rằng: phi cơ ấy tự nhiên bay, thì cũng buồn cười như nhìn lên trời và nói rằng không có Đức Chúa Trời chỉ vì ta không thấy được Ngài. Ít người trong chúng ta đã từng thấy bộ óc con người, nhưng chúng ta tin rằng chúng ta có bộ óc trong đầu, bởi vì đó là hệ thống điều khiển trung tâm của cơ thể chúng ta. Cũng một thể ấy, chúng ta nhìn xem vũ trụ vạn vật, chúng ta tin có Đức Chúa Trời.
III. LÝ LẼ TỪ NGUYÊN NHÂN: (vũ trụ học)
Thế giới đang ở đây, nó phải đến từ một nơi nào đó, có ai đó, hoặc cái gì đó đã tạo thành nó vào một thời điểm nào đó.Đây là một cuốn sách phải có người nào đó viết sách. Không có một nhà máy in nào dù tối tân đến bao nhiêu có thể tự tạo ra một cuốn sách. Một số người xây dựng nhà ở, công ốc… một Đấng nào đó đã tạo dựng nên các cây cối, vạn vật, một ai đó đang vận hành vũ trụ.
Nếu tất cả các bộ phận của cái đồng hồ được đặt vào trong một hộp, và cái hộp đó được lắc nhe nhàng hàng triệu năm đi nữa, thì cái đồng hồ cũng không bao giờ tự động lắp ráp lại và chạy đều để chỉ đúng giờ giấc được.
Vậy câu trả lời duy nhất hợp lý cho vấn đề hiện hữu của vũ trụ là sự hiện hữu của một hữu thể rất thông minh mà ta gọi là Đức Chúa Trời.
IV- LÝ LẼ TỪ KIỂU MẪU: (thuyết mục đích)
Một cái đồng hồ không chỉ hiện hữu, nhưng nó còn có người vẽ kiểu nó được hoạch định cho một mục đích đặc biệt. Một cái đồng không phải vẽ kiểu để cho con muỗi ở, nó được hoạch định bởi một đầu óc sắc bén thông minh nhằm mục đích chỉ đúng thời gian.
Sự nghiên cứu thế giới và các vật lớn cũng như nhỏ, chứng tỏ rằng mỗi loài, mỗi vật đều được hoạch định bởi một đầu óc thông sáng nhằm một mục đích đặc biệt trong cuộc sống. Các màu sắc của con chim và phương tiện tự vệ của các thú vật không phải tự nhiên mà có. Đó là kết quả của một kế hoạch, của một tâm trí cao siêu sáng tạo.
V. LÝ LẼ ĐẠO ĐỨC: (nhân loại học)
Con người có một bản tính thông minh và đạo đức, chứng tỏ rằng Đấng sáng tạo nên con người không thể chỉ là một lực lượng vô tính nhưng là một hữu thể đạo đức sống động thông minh.
– Sáng thế ký 1:26 “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta, và theo tượng ta.”
– Sáng thế ký 1:27 “Đức Chúa Trời dựng nên loài người theo hình tượng của Đức Chúa Trời”, tức là theo kiểu mẫu của Ngài.
– Thi thiên 94:9 “Đấng đã gắn tai há chẳng nghe sao? Đấng đã nắn con mắt há sẽ chẳng thấy ư?.”
Đức Chúa Trời đã ban cho con người lỗ tai con mắt, sự hiểu biết, trí thông minh và sức mạnh của ý chí vì đây là những khả năng mà Ngài vốn có. Lương tâm dạy cho con người điều phải và điều trái, tốt và xấu; bởi vì Đấng sáng tạo là một hữu thể đạo đức, thánh thiện, yêu sự công bình và ghét sự gian ác.
VI- LÝ LẼ TỪ SỰ SỐNG:
Sự sống đến từ sự sống và sự sống nguyên thủy phải đến từ một hữu thể có sự sống vĩnh cửu, tứ là sự sống vốn hiện hữu trước khi sự sống thuộc thể được sáng tạo. Người ta có thể tìm thấy sự sống ấy ở đâu? Chỉ có thể tìm thấy sự sống ấy nơi Đức Chúa Trời là Đấng sở hữu sự sống vĩnh cửu. Thi thiên 36:9 “Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa.”
Cây táo nhận sự sống từ cây táo mẹ của nó, con chiên nhận sự sống từ con chiên mẹ. Nhưng chúng lấy sự sống ấy từ đâu? Chúng ta phải trở về sự sáng tạo ban đầu. Chúa Jêsus phán trong Giăng 11:25 “Ta là sự sống lại và sự sống”, Giăng 14 :16 “Ta là….sự sống” và trong Giăng 10:28 “Ta ban cho chúng sự sống đời đời.”
Mọi sự sống đều phát xuất từ Đức Chúa Trời. Lý thuyết về sự sống được phát xuất cách tự nhiên đã được chứng minh là sai và hoàn toàn không được giới khoa học có thẩm quyền chấp nhận.
Sự sống phải có một sự khởi đầu. Câu trà lời hợp lý duy nhất là sự khởi đầu đó đến từ Đức Chúa Trời.
VII- LÝ LẼ TỪ SỰ TƯƠNG HỢP: (Congruity)
Lý thuyết vô thần không giải quyết được vấn đề, nhưng chỉ gia tăng những sự mâu thuẫn không giải thích được. Việc chấp nhận sự thực hữu của Đức Chúa Trời, Đấng sáng tạo thế gian giống như chiếc chìa khóa nhiệm mầu thích hợp với tất cả các sự kiện của Thánh linh, của sự khải thị, sự tri thức và khoa học. Giáo lý không thể bác bỏ được nầy đã được vô số người bền bỉ vâng giữ và tìm được nguồn an ủi sâu xa trong cuộc sống của mình.
KẾT LUẬN:
Người thừa nhận chủ nghĩa vô thần chỉ gia thêm mối hoài nghi vô tín, dẫn đến sự tối tăm tuyệt vọng mà thôi. Chấp nhận Sáng thế ký 1:1 “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” dẫn người tìm chân lý đến sự khải thị đầy đủ hơn về chính mình Đức Chúa Trời.
Hê-bơ-rơ 11:6 “Kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.”
Chúng ta hãy đến với Đức Chúa Trời như người con với đức tin đơn sơ, tin cậy Ngài hoàn toàn căn cứ trên lời hằng sống của Ngài.
Câu hòi:
1. Đức Chúa Trời có viết Kinh thánh như là sách giáo khoa chứng tỏ sự thực hữu của Ngài không? Hãy giải thích.
2. Người vô thần trước mắt Đức Chúa Trời là gì?
3. Đưa ra hai câu Kinh thánh chứng tỏ sự thực hữu của Đức Chúa Trời.
4. Tại sao Công vụ 17:23 dân thành A-thên đã xây một bàn thờ cho thần không biết?
5. Mục đích chính của người vô thần khi họ khước từ sự thực hữu của Đức Chúa Trời là gì?
6. Lý lẽ từ nguyên nhân để chứng minh sự thực hữu của Đức Chúa Trời là gì?
7. Lý lẽ từ kế hoạch (kiểu mẫu) chứng minh sự thực hữu của Đức Chúa Trời là gì?
8. Làm thế nào để chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời không phải là một lực lượng vô tình?
9. Lý lẽ từ sự sống chứng minh sự thực hữu của Đức Chúa Trời là gì?
10. Điều kiện tuyên quyết cho đức tin nơi Đức Chúa Trời là gì?