Bốn Định Luật Thuộc Linh
- Viết bởi Bill Bright
Bill Bright học tại Chủng viện thần học Princeton và Fuller, trường rất nổi tiếng, để trang bị cho chức vụ hầu việc Chúa trong tương lai. Vào năm cuối tại Chủng viện Fuller, Thánh Linh đặt gánh nặng về những linh hồn hư mất trên vai, Bright đã vâng lời Chúa ra đi truyền bá Phúc Âm và tin tưởng vào cá nhân chứng đạo ngay từ lúc mới tiếp nhận Chúa. Quyển sách nhỏ “Bốn Định Luật Thuộc Linh” là phương pháp chứng đạo ông dùng trong nhiều năm, tính đến nay nó đã được ấn hành trên 100 triệu quyển.
Sau đây là lẽ thật Thánh Kinh giản dị được trình bày dưới hình thức “Bốn Định Luật Thuộc Linh”.
Vũ trụ hữu hình được chi phối bởi những định luật vật lý, cũng vậy có những định luật thuộc linh chi phối sự tương quan giữa bạn và Thượng Đế.
ĐỊNH LUẬT THỨ NHẤT:
ĐỨC CHÚA TRỜI YÊU THƯƠNG VÀ ĐÃ HOẠCH ĐỊNH MỘT CHƯƠNG TRÌNH KỲ DIỆU CHO ĐỜI SỐNG BẠN.
(Nếu có thể được, xin bạn hãy đọc các câu Kinh Thánh trưng dẫn trong quyển sách nhỏ nầy qua mạch văn của câu đó trong bộ Kinh Thánh Cựu – Tân Ước).
Tình Yêu Thương Của Đức Chúa Trời:
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài,
hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời”
(Giăng 3:16).
Chương Trình Của Đức Chúa Trời:
Chúa Giê-xu đã phán cùng họ rằng:
“… Ta đã đến, hầu cho nhân loại (chiên) được sự sống và được sự sống dư dật
(nghĩa là được sự sống sung mãn và đầy ý nghĩa)”
(Giăng 10:10).
Nhưng tại sao nhiều người vẫn chưa kinh nghiệm được sự sống dư dật, sung mãn? Muốn biết rõ lý do chúng ta bước vào định luật thứ hai.
ĐỊNH LUẬT THỨ HAI:
LOÀI NGƯỜI TỘI LỖI BỊ PHÂN CÁCH VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI, NÊN KHÔNG THỂ HIỂU BIẾT VÀ KINH NGHIỆM ĐƯỢC TÌNH YÊU THƯƠNG CÙNG CHƯƠNG TRÌNH KỲ DIỆU CỦA NGÀI ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG CỦA MÌNH.
Loài người tội lỗi
“Vì mọi người đều đã phạm tội thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rôm 3:23).
Loài người được dựng nên để tương giao với Đức Chúa Trời, nhưng vì ý riêng, bướng bỉnh chọn lấy con đường riêng của mình, do đó sự tương giao với Đức Chúa Trời bị gián đoạn. Ý riêng ấy thể hiện qua sự phản loạn tích cực hoặc bằng thái độ hững hờ tiêu cực, là bằng chứng của điều Kinh Thánh gọi là tội lỗi.
Loài người bị phân cách
“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết” tức là phân cách phần tâm linh khỏi Đức Chúa Trời” (Rô-ma 6:23).
Biểu đồ bên đây cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời là thánh khiết, còn loài người là tội lỗi. Một vực sâu thăm thẳm phân cách hai bên. Những mũi tên chỉ loài người phải cố gắng liên tục vươn lên cùng Đức Chúa Trời và mong muốn có sự sống sung mãn bằng những nỗ lực riêng như: nếp sống đạo đức, thánh thiện, triết lý hoặc tôn giáo. Nhưng rồi con người cũng không thể nào đạt được.
Vậy con người làm sao có thể đạt được, định luật tiếp theo sẽ giải đáp cho quí thân hữu thấy chiếc cầu duy nhất nối liền vực sâu ngăn cách nầy.
ĐỊNH LUẬT THỨ BA
CHÚA CỨU THẾ GIÊ-XU LÀ GIẢI PHÁP DUY NHẤT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CHO VẤN ĐỀ TỘI LỖI. NHỜ CHÚA CỨU THẾ, BẠN CÓ THỂ HIỂU BIẾT VÀ KINH NGHIỆM TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CÙNG CHƯƠNG TRÌNH KỲ DIỆU MÀ NGÀI DÀNH CHO ĐỜI SỐNG CỦA BẠN.
Chúa Cứu Thế đã chết thay cho chúng ta “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Chúa Cứu Thế đã vì chúng ta mà chịu chết” (Rôm 5:8) .
Chúa Cứu Thế sống lại từ cõi chết “Đấng Cứu Thế chết vì tội chúng ta… Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại theo lời Kinh Thánh; và Ngài hiện ra cho Phi-e-rơ, sau lại hiện ra cho mười hai sứ đồ. Rồi, Ngài hiện ra cho năm trăm anh em xem thấy…. ” (ICôr 15:3-6).
Chúa Cứu Thế là con đường duy nhất đến cùng Đức Chúa Trời
Chúa Cứu Thế phán rằng: “Ta là đường đi, chân lý và sự sống, chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha”(Giăng 14:6).
Biểu đồ bên đây cho thấy rằng Đức Chúa Trời đã nối liền vực sâu ngăn cách chúng ta với Ngài bằng cách sai Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu đến thế gian chịu chết trên thập tự gíá thay thế cho chúng ta.
Sau khi biết ba định luật trên vẫn chưa giải quyết được nan đề trên đời sống, chúng ta cần biết định luật cuối cùng.
ĐỊNH LUẬT THỨ TƯ
MỖI NGƯỜI CHÚNG TA PHẢI ĐÍCH THÂN TIẾP NHẬN CHÚA CỨU THẾ GIÊ-XU LÀM CỨU CHÚA VÀ CHỦ CỦA ĐỜI MÌNH, NHƯ VẬY, CHÚNG TA MỚI CÓ THỂ HIỂU BIẾT VÀ KINH NGHIỆM TÌNH YÊU THƯƠNG CÙNG CHƯƠNG TRÌNH KỲ DIỆU CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CHO ĐỜI SỐNG CHÚNG TA.
Chúng ta phải tiếp nhận Chúa Giê-xu: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12).
Chúng ta tiếp nhận Chúa bằng đức tin: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, đều đó không phải đến từ anh em, bèn là nhờ sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Êph 2:8-9).
Chúng ta tiếp nhận Chúa bằng cách đích thân mời Ngài ngự vào lòng: Chúa Cứu Thế phán: “Này ta đứng ngoài cửa mà gõ, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy” (Khải 3:20).
Tiếp nhận Chúa bao hàm chúng ta phải từ bỏ bản ngã để quay về cùng Đức Chúa Trời, tin cậy Chúa Cứu Thế, mời Ngài ngự vào đời sống, xin Ngài tha thứ tội lỗi và biến đổi chúng ta trở nên con người Chúa muốn. Nếu chỉ lấy lý trí cho rằng Chúa Giê-xu là con Đức Chúa Trời và Ngài đã chết thay tội cho chúng ta trên thập tự giá hoặc chỉ kinh nghiệm bằng cảm xúc thì chưa đủ. Chúng ta phải tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu bằng đức tin như một hành động của ý chí.
Khi tiếp nhận Chúa, chúng ta kinh nghiệm sự tái sanh (đời sống mới): Thể xác chỉ sinh ra thể xác, Thánh Linh mới sanh ra tâm linh, “Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần” (Giăng 3:6).
Hai vòng tròn này tiêu biểu cho hai hạng đời sống.
Vòng tròn nào tượng trưng cho đời sống của bạn? Bạn muốn chọn vòng tròn nào?
Giải thích cho thân hữu biết cách tiếp nhận Chúa Cứu Thế như thế nào:
Bạn có thể lấy đức tin tiếp nhận Chúa Cứu Thế ngay bây giờ bằng sự cầu nguyện: Đức Chúa Trời biết rõ tấm lòng của bạn. Ngài quan tâm đến thái độ hơn là những lời nói của bạn. Sau đây là lời cầu nguyện đề nghị:
“Kính lạy Chúa Giê-xu, con cần đến Ngài. Con tạ ơn Chúa vì Ngài đã chết thay trên cây thập tự giá vì tội của con. Con tin rằng Ngài đã từ cõi chết sống lại, Ngài là con đường duy nhất đưa con đến cùng Đức Chúa Trời. Con xin rộng mở tấm lòng và đời sống tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa và Chủ của con. Con cảm ơn Ngài đã tha tội cho con và ban cho con sự sống đời đời. Xin Chúa ngự trị trên ngai lòng của đời sống con. Xin biến đổi con trở nên con người Chúa muốn. Amen”.
Lời cầu nguyện trên đây có bày tỏ nguyện vọng của bạn không? Nếu có, ngay bây giờ xin bạn hãy thành khẩn lặp lại những lời cầu nguyện như trên. Chúa Cứu Thế sẽ ngự trị vào đời sống của bạn ngay như lời Ngài đã hứa.
Làm thế nào để bạn biết Chúa Cứu Thế đang ngự trị trong đời sống của bạn. Khi vừa cầu nguyện bạn có mời Chúa Cứu Thế ngự trị vào đời sống của mình chưa? Theo lời Chúa hứa trong Khải 3:20, bây giờ Chúa Cứu Thế Giê-xu đang ở đâu trong mối liên hệ đối với bạn? Chúa Cứu Thế đã phán rằng Ngài sẽ ngự vào đời sống của bạn.
Làm thế nào biết được Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện của bạn? Ấy là nhờ sự thành tín vào lời hứa của Ngài.
Đức Chúa Trời hứa ban sự sống đời đời cho mọi người tiếp nhận Chúa Cứu Thế: “Đức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng ta và sự sống ấy ở trong Con Ngài. Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống, Ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống. Ta đã viết những điều này cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời, là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời” (IGiăng 5:11-13). Hãy thường xuyên tạ ơn Chúa: vì Ngài ngự trị trong đời sống của bạn và Ngài không bao giờ lìa bỏ bạn: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu.”
(Hêb 13:5). Căn cứ vào lời hứa của Chúa để mời Ngài ngự vào lòng mình, Chúa Cứu Thế không lừa dối bạn đâu.
Đừng tin cậy nơi cảm giác: Lời hứa Đức Chúa Trời mới là uy quyền chứ không phải là cảm giác. Cơ Đốc nhân sống bởi đức tin (tin cậy) nơi sự thành tín của Đức Chúa Trời và lời phán của Ngài.
Bạn đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế: Ngay lúc bạn mở lòng ra tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu như một hành động của đức tin, có nhiều việc lạ lùng xảy ra cho bạn sau đây.
- Chúa Cứu Thế ngự vào đời sống bạn (Khải 3:20 và Côl 1:27 “Đấng Christ ở trong anh em”).
- Mọi tội lỗi của bạn được tha thứ (Côl 1:14 và 2:13, 14).
- Bạn trở nên con cái của Đức Chúa Trời (Giăng 1:12).
- Bạn bắt đầu một đời sống dư dật sung mãn theo như mục đích của Đức Chúa Trời đã dựng nên bạn (Giăng 10:10, II Côr 5:17 và ITês 5:18).
- Bạn có sự sống đời đời (Giăng 3:16).
Bạn có thể tưởng tượng điều nào kỳ diệu hơn việc bạn tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu không? Bạn có muốn dâng lên Đức Chúa Trời lời tạ ơn về những việc Ngài đã làm cho bạn không? Chính hành động tạ ơn Đức Chúa Trời biểu lộ đức tin của bạn.
Những Đề Nghị Giúp Cho Cơ Đốc nhân Trưởng Thành: Tăng trưởng thuộc linh là kết quả của sự đặt lòng tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. “Người công bình sẽ sống bởi đức tin” (Gal 3:11). Một đời sống đức tin sẽ giúp bạn tin cậy Đức Chúa Trời mỗi lúc càng thêm lên trong đời sống, đồng thời giúp bạn thực hành những điều quan trọng sau.
- Đến với Đức Chúa Trời bằng sự cầu nguyện hằng ngày (Giăng 15:7).
- Đọc lời Chúa mỗi ngày: “Ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh” (Công 17:11).
- Nên bắt đầu đọc sách Tin lành Giăng.
- Vâng phục Đức Chúa Trời từng giây, từng phút (Giăng 14:21).
- Làm chứng về Chúa bằng chính nếp sống và lời nói của bạn (Mat 4:19, Giăng 15: 8).
- Tin cậy Đức Chúa Trời trong từng chi tiết của đời sống bạn (IPhi 5:7).
- Hãy để Đức Thánh Linh điều khiển và ban quyền năng cho đời sống và sự làm chứng hằng ngày của bạn (Gal 5:16-17; Công 1:8).
Tầm quan trọng của một Hội Thánh đầy ơn: Trong sách Hêb 10:25, khuyến cáo chúng ta “Chớ bỏ qua sự nhóm lại…”. Nhiều thanh củi nhóm lại trong lò lửa sẽ cháy sáng thêm, nếu lấy một thanh củi đó ra ngoài, nó sẽ tắt. Mối liên hệ giữa bạn với các Cơ Đốc nhân khác cũng vậy. Nếu bạn chưa gia nhập vào Hội Thánh, xin đừng chờ đợi người ta đến mời bạn. Hãy đi bước đầu đến thăm vị Mục sư hay Truyền đạo của một Hội Thánh gần nhà bạn, nếu Hội Thánh đó tôn thờ Chúa Cứu Thế Giê-xu và rao giảng Lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Hãy khởi sự ngay từ tuần này và sắp xếp thời gian đi nhóm đều đặn hàng tuần.
Phê Bình Phương Pháp
BỐN ĐỊNH LUẬT THUỘC LINH
Phương pháp nầy có những ưu điểm:
- Rất dễ thực hành: Thân hữu chỉ cần biết đọc thì có thể sử dụng phương pháp nầy. Trong lúc trình bày Phúc Âm, chứng đạo viên sẽ cầm sách đọc và giải thích cho thân hữu.
- Kết quả đầy khích lệ: Hàng chục ngàn người đã được biến cải. Các lẽ đạo Thánh Kinh và thần học rất vững chắc đặt nền tảng trên các câu Kinh Thánh quen thuộc, đáp ứng nhu cầu tâm linh của họ.
- Chú trọng đến công tác của Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời ban phước cho phương pháp nầy vì nó chứa đựng Phúc Âm cứu rỗi và quyền năng của Đức Thánh Linh.
- Phương pháp nầy mở đầu với lời khẳng định tích cực “Đức Chúa Trời thương yêu bạn”. Theo sau là những câu Kinh Thánh và ví dụ minh họa giúp cho chứng đạo viên làm chứng cách tích cực, tự tin vì biết mình sẽ nói gì. Phần trình bày theo sát chủ đề dễ dẫn đến cơ hội cho sự quyết định.
Phương pháp nầy có những khuyết điểm:
- Việc trình bày Phúc Âm bằng cách cầm cuốn sách BỐN ĐỊNH LUẬT THUỘC LINH đọc cho thân hữu nghe giống như đọc những công thức, nói lên tính máy móc của phương pháp và có thể đánh mất sự hướng dẫn của Thánh Linh.
- Phương pháp nầy không nhấn mạnh về sự ăn năn. Cách trình bày Phúc Âm cũng còn đơn giản và không giải đáp những câu hỏi lai thế.