Khao khát thật, hạnh phúc thật
“Đức Giê-hô-va phán. Dân ta đã làm hai điều ác: chúng nó đã lìa bỏ ta, là nguồn nước sống, mà tự đào lấy hồ, thật, hồ nứt ra, không chứa nước được” (Jeremiah/Giê-rê-mi 2:12-13).
Xót xa trước những đau khổ của kiếp người, hoàng tử Gautama Siddhartha (563-483 TCN), 29 tuổi, đã rời bỏ gia đình, vợ con để đi tìm ý nghĩa cuộc sống, và ông được gọi là Buddha/Đức Phật hay “Đấng giác ngộ”.
Ông thấy được thế gian chỉ là tạm bợ, không gì tồn tại mãi, nhưng con người vẫn cứ khao khát những thứ tạm bợ đó. Họ khao khát chiếm hữu sự sống, sức khỏe, tài sản và… khao khát lẫn nhau. Nhưng tất cả những điều trên, kể cả con người, rồi cũng qua đi, trở về bụi đất, hư không, hư mất. Những khao khát của con người cuối cùng đều đối diện với nỗi hụt hẫng, buồn bã, thất vọng. Đức Phật cho rằng đây chính là nguyên nhân dẫn đến những nỗi thống khổ của con người. Vì thế ông kết luận: nếu có thể giết chết những ham muốn của mình (diệt dục), trở nên miễn nhiễm với cái thiện và ác ở đời, thì đau khổ sẽ chấm dứt và con người sẽ hạnh phúc; sẽ được giải thoát khỏi cái khổ và vòng lặp lại vô tận của “kiếp luân hồi”. Đó chính là Nirvana/Niết-bàn – là đoạn triệt luân hồi, là tận diệt gốc rễ của 3 nghiệp bất thiện: tham, sân, si.
Trớ trêu thay, lý do khiến các Phật tử khổ luyện để giết chết những khao khát của mình, lại là khao khát lớn nhất của cả nhân loại: niềm hạnh phúc bất diệt.
Triết lý này không có sự tồn tại của Đức Chúa Trời, rằng Chúa không liên quan gì đến hạnh phúc con người. Thay vào đó, hạnh phúc là được giải thoát khỏi những khao khát dẫn đến đau khổ và kiếp luân hồi – một kết thúc tốt đẹp cho sự tồn tại của mỗi cá nhân, một sự hủy diệt ngọt ngào.
Trong Kinh Thánh có câu chuyện về một người trai trẻ giàu có nhưng đầy phiền muộn đến gặp Chúa Jesus và bày tỏ mong muốn tìm được niềm hạnh phúc đời đời, Ngài đáp: “Hãy đi, bán hết gia tài mình, bố thí cho kẻ nghèo khổ, chắc sẽ được của báu ở trên trời, rồi hãy đến mà theo ta” (Mark/Mác 10:21).
Chúa Jesus dạy người trai trẻ rằng phải buông bỏ tài sản mình, Ngài phán: “Nước thiên đàng giống như của báu chôn trong một đám ruộng kia. Một người kia tìm được thì giấu đi, vui mừng mà trở về, bán hết gia tài mình, mua đám ruộng đó” (Matthew/Ma-thi-ơ 13:44).
Thông điệp của Chúa rất rõ ràng: hãy khao khát kho báu thật. Khao khát đến nỗi “coi mọi sự như là sự lỗ” để có được điều đó (Philipians/Phi-líp 3:8).
Một đàng muốn diệt tất cả khao khát để hòa mình vào vũ trụ chung. Một bên Chúa muốn chúng ta hãy khao khát, say mê Đấng mà “tại trong Ngài, chúng ta được sống, động”(Acts/Công vụ các sứ đồ 17:28a).
Trong cuộc chiến chống lại những khao khát tội lỗi, Chúa hoàn toàn có thể giúp chúng ta. Vì bởi khao khát hạnh phúc, khao khát cõi đời đời của chúng ta được “lập trình” bởi Đức Chúa Trời. Khao khát đó không hề xấu. Cái xấu chính là lìa bỏ, chối bỏ Đấng Tạo hóa, Đấng sáng tạo ra mình: “Hỡi các từng trời, hãy lấy làm lạ về sự đó; hãy kinh hãi gớm ghê, hãy rất tiêu điều, Đức Giê-hô-va phán. Dân ta đã làm hai điều ác: chúng nó đã lìa bỏ ta, là nguồn nước sống, mà tự đào lấy hồ, thật, hồ nứt ra, không chứa nước được” (Jeremiah/Giê-rê-mi 2:12-13).
Chúng ta được “thiết kế” để chỉ có thể thỏa lòng trong một Đức Chúa Trời Hằng hữu duy nhất. Tội lỗi là khi chúng ta tin rằng Chúa không thể khiến chúng ta thỏa lòng, và vì thế, ta tự theo đuổi hạnh phúc ở những “nguồn” khác. Đó cũng chính là bản chất của tội lỗi. Và cách để chống lại tội lỗi không phải “giết chết” tất cả ham muốn, mà là từ bỏ khao khát vô ích với những cái hồ, những cái hố do mình tự đào, và rồi nó “nứt ra”, không thể chứa nước.
Vì thế hãy đến với Chúa, Nguồn Nước Sống. Trong Chúa chúng ta có tất cả. Còn trong hư không chỉ có hư không mà thôi.