Bài 17
SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚA GIÊXU
I. CHÚA ĐÃ BÁO TRƯỚC VỀ SỰ SỐNG LẠI CỦA NGÀI:
Sự sống lại cũng như sự chết của Chúa Giêxu không phải là ngẫu nhiên, hay là bởi sự bất lực của Ngài. Những việc nầy đã được Chúa tiên báo và nhắc lại nhiều lần.
1-Chúa sẽ chịu chết và sau 3 ngày sẽ sống lại như Giôna ở trong bụng cá 3 ngày và được cá mửa ra (Mat 12:38-40).
2-Khi sắp lên thành Giêru salem, Chúa báo trước Ngài sẽ chịu chết và đến ngày thứ ba sẽ sống lại (Mat 17:22-23).
3-Trên đường lên thành Giêrusalem, Chúa báo trước Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại, chịu đóng đinh trên Thập tự giá và sẽ sống lại (Mat 20:19).
4-Khi người Giu-đa đòi Chúa làm dấu lạ, Chúa bảo họ phá Đền thờ đi trong ba ngày, Ngài sẽ dựng lại. Đó là Chúa tiên báo sự Chết và sự Sống lại của Ngài (Giăng 2:18-22).
Sự sống lại của Chúa Giêxu được ghi trong Kinh thánh hết sức rõ ràng.
II. THỰC SỰ VỀ SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚA :
A: TRUYỆN TÍCH ĐƯỢC GHI TRONG KINH THÁNH :
1-Hai môn đồ làng Em-ma-út (Luca 24:13-35).
Khi Chúa Giêxu bị đóng đinh trên Thập tự giá, hai môn đồ nầy đã chứng kiến nên họ buồn bã vô cùng, trở về làng Em-ma-út một cách thất vọng. Đang khi đi đường trở về làng Em-ma-út, Chúa Giêxu đã sống lại, hiện ra cùng với họ, nhưng họ không nhìn biết Ngài, vì tâm trí của họ luôn luôn nghĩ rằng Ngài đã chết. Chúa hỏi: “Hai anh đang nói với nhau về việc gì đó?” . Họ đáp : “Không hiểu tại sao các thầy Tế lễ với Chánh quyền Lamã đóng đinh Đấng Cứu Thế trên Thập tự giá? “. Chúa dùng Kinh thánh chứng minh rằng Đấng Cứu Thế phải chịu chết trên Thập tự giá trước, rồi sau đó mới được vinh hiển. Ngài giải thích thì họ hiểu được lời của Đức Chúa Trời, nhưng họ cũng chưa biết Ngài thật sự đã sống lại. Trời về chiều, họ mời Chúa về ăn với họ trong quán. Khi Chúa lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao cho họ, là cách Chúa làm chứ không ai làm. Bấy giờ, họ mở mắt ra mà thấy rõ đây là Chúa Giêxu, Ngài đã sống lại. tức thì Chúa biến mất. Liền sau đó họ trở lại Giêrusalem, báo tin cho các môn đồ rằng Chúa Giêxu đã sống lại.
2-Sự nghi ngờ của Thôma (Giăng 20:24-29).
Khi đã sống lại, Ngài hiện ra với các môn đồ lần thứ nhất, nhưng không có Thôma. Trong vòng môn đồ có người gặp Thôma nó rằng : “Thôma ơi, Chúa Giêxu đã sống lại và hiện ra, chúng tôi đã gặp Ngài”. Thôma lắc đầu ngay : “Tôi không tin cho đến chứng nào ngón tay tôi đặtvào sườn của Chúa”. Lần sau, Chúa hiện ra với các môn đồ, có Thôma ở đó. Chúa nói : “Thôma ơi, hãy đặt tay của ngươi vào sườn Ta”. Thôma thấy rõ bàn tay còn dấu đinh của Ngài, sườn còn dấu giáo của Ngài. Bây giờ Thôma phủ phục dưới chân của Chúa mà thưa rằng : “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi” . Ông không còn nghi ngờ gì nữa về sự sống lại của Ngài.
3-Giăng và Phierơ đến phần mộ của Chúa Giêxu (Giăng 20:4-6).
Khi mấy bà đã đem thuốc thơm đến phần mộ để xức xác Chúa. Lúc họ đến thì thấy cửa mộ đã trống, mà trong mộ thì không thấy thi thể của Chúa Giêxu. Họ chạy về báo tin, thì hai môn đồ là Giăng và Phierơ chạy đến thấy quả thật mộ trống, không có thi thể của Chúa Giêxu ở đó.
4-Mari gặp Chúa (Giăng 20:11-18).
Mari Mađơlen là người yêu Chúa lắm, vì Bà đã bị bảy quỷ dữ ám vào, mà Chúa đã giải phóng Bà. Bà là một trong số 3 bà đến mộ để xức thuốc thơm cho xác Chúa. Họ đều thấy mộ trống, tưởng rằng ai đã ăn cắp xác Chúa dời đi đâu rồi, nên Mari ngồi khóc. Chúa Giêxu hiện ra với bà và hỏi : “Hỡi đàn bà kia, tại sao bà khóc?”. Ban đầu bà không nghĩ đó là Chúa Giêxu, nhưng sau khi được Chúa gọi đích danh, thì bà nhìn lại thấy chính Chúa. Ôi, bà vui mừng chạy đến ôm lấy chơn Ngài, thờ lạy Ngài.
5-Các môn đồ đi đánh cá (Giăng 21:7-14).
Khi các môn đồ biết rằng Chúa Giêxu đã chết và họ đã gặp Chúa sống lại. Nhưng Phierơ là con người có mặc cảm hơn hết, vì đã ba lần chối Chúa. ông tưởng Chúa bỏ mình rồi, nên trở về nghề cũ là đành cá. Các môn đồ cũng đã đồng ý với Phierơ. Suốt đêm họ không được gì cả, cho đến khi Chúa hiện ra trên bờ và bảo họ thả lưới bên hữu thuyền, thì họ được 153 con cá lớn và kéo lưới lên không nổi.
6-Cuộc trò chuyện giữa Phierơ với Chúa Giêxu (Giăng 21:15-17).
Ba lần Chúa gọi Phierơ : “Ngươi yêu Ta chăng? “. Ba lần Phierơ thưa: “Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi sự. Chúa biết rằng tôi yêu Chúa”. Và cũng ba lần Chúa bảo : “Hãy chăn chiên Ta”. Qua cuộc trò chuyện đó, Phierơ và các môn đồ còn gì nghi ngờ về sự sống lại của Ngài. Họ ăn bữa với Chúa, trò chuyện với Ngài, thì còn gì mà nghi ngờ được nữa.
Nói tóm một lời, những mẫu chuyện về Chúa sống lại gặp gỡ các môn đồ đã chứng minh cách hùng hồn cái thực sự không thể nào chối cãi được.
B. MỘ TRỐNG CỦA CHÚA GIÊXU LÀM CHỨNG :
1-Có phải các môn đồ đã ăn cắp xác Chúa Giêxu dời đi nơi khác không (Mathiơ28:11-15)?
Không thể nào có điều đó được vì các môn đồ đã sợ hãi, bỏ Ngài trốn hết từ khi Chúa bị bắt trong vườn Ghếtsêmanê(Mác 14:50-52). Tổng đốc Philát đã ra lệnh canh giữ mộ Chúa cẩn thận suốt những ngày đêm sau đó và miên phong lại. Thử lại : “Ai dám đến đó mà ăn cắp xác? “. Vì vậy chúng ta biết rằng Thiên sứ của Chúa đã hiện đến, lăn hòn đá ra và ngồi ở trên, để cho các môn đồ thấy rõ Ngài đã sống lại. Khi các bà đến xức thuốc thơn cho Chúa, Phierơ và Giăng đến xem, thì Thiên sứ bảo : “Tại sao tìm Đấng sống giữa vòng người chết? . Ngài sống lại rồi, không ở đây đâu” .
2-Có phải Chúa Giêxu đã bất tỉnh, rồi đi ra, chớ không phải là thật đã chết và đã sống lại.
Lý luận đó không thể nào đúng được. Một là Ngài đã chết sau sáu tiếng đồng hồ trên Thập tự giá, mà người lính Lamã còn muốn chắc chắn thì lấy giáo đâm vào trái tim của Ngài, đến nỗi nước và Huyết trào ra. (Giăng 19:33-34). Hai là cách khâm liệm của người Dothái thì người sống bị liệm cũng chết. Họ lấy một băng vải rất dài, rồi quấn thi thể nhiền lần như con sâu trong kén. Thử hỏi : “Nếu Chúa có tỉnh lại, thì làm sao mà lăn hòn đá ra khỏi mộ được, khi trên đường đến Gôgôtha, Ngài không còn đủ sức vác Thập tự giá? “. Quả thật Ngài đã chết và Sống lại.
3-Có phải các môn đồ không phải gặp Chúa Giêxu thật đâu, nhưng ở trong tình trạng ảo giác?
Ảo giác là gì?-Ảo giác là mơ mộng rồi thấy, không phải là chiêm bao, mà hơn chiêm bao, là mình ước ao cái gì đó rồi mình thấy như vậy. Cũng như người Aicập lạc đường trong sa mạc, đang khi khát quá thì ước ao có một giếng nước. Vì vậy người thường thấy một giếng nước hiện ra trước mặt mình, đi, đi,đi hoài mà không tới. Đó là ảo giác.
Trong trường hợp nầy, các môn đồ không bao giờ có ảo giác. Mộ là họ không bao giờ nghĩ rằng Ngài sống lại, mặc dầu Chúa đã bao nhiêu lần nói trước. Điều đó quá sức tưởng tượng của họ, nên họ không tin thì làm gì có ảo giác? Hơn nữa ảo giác thấy trong trí, mà không bao giờ rờ đụng được, còn đàng nầy các môn đồ ngồi ăn với Chúa Giêxu, Ngài bẻ bánh trao cho họ, Ngài trò chuyện với họ, thì làm sao gọi là ảo giác được? Ảo giác thì chỉ thấy một lần hay nhiều lần cùng một cách, còn ở đây Chúa hiện ra ba lần, có lần 500 người thấy, ở 13 địa điểm khác nhau, dưới 13 hình thức khác nhau, thì không thể nào gọi là ảo giác được?
Vì vậy, những điều mà Kinh thánh ghi về sự sống lại của Chúa, là những sự kiện lịnh sử đúng trăm phần trăm.
4-Dân Do thái dùng ngày thứ bảy làm ngày yên nghỉ nhưng Hội thánh kể từ khi thành được lập tại Giêrusalem, thì bắt đầu nhóm ngày thứ nhất trong tuần lễ, vì Chúa Giêsu đã sống lại nhằm ngày thứ nhất (Công20:77;Icôr 16:2).
5-Cũng kể từ đó, các môn đồ luôn luôn giảng về sự sống lại của Chúa Giêxu (Công 2:23-24;32,56;3-14-15;4:10;5:30).
Khi Chúa Giêxu bị bắt, các môn đồ sợ hãi chạy trốn hết. Phierơ là người can đảm nhất, chỉ theo Chúa xa xa rồi chối Chúa. Nhưng sau khi Chúa sống lại, thì Phierơ vá các môn đồ trở nên can đảm phi thường. Nhờ đó, Hội thánh không những tồn tại, mà còn cứ tiến bộ và phát triển cho tới ngày nay. Nếu Chúa chết như bất kỳ ai và rục xương trong phần mộ, thì Hội thánh sẽ bị tiêu diệt ngay tại Giêrusalem trong vòng mấy năm sau. Vì sự sống lại của Ngài chứng minh Ngài là Đức Chúa Trời đã làm người ở giữa chúng ta, chịu chết đền tội cho chúng ta, Ngài là Cứu Chúa độc nhất vô nhị, ngoài Ngài không còn ai.
III. SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚA GIÊXU RẤT QUAN TRỌNG :
1-Trong Tân ước có 104 lần đề cập đến sự sống lại của Ngài.
2-Qua các bài giảng được ghi lại trong sách Công vụ các sứ đồ, sự sống lại của Chúa được đề cập nhiều hơn bất cứ vấn đề nào khác (Công 1:21-22;2:24,29-32;17:18;23:6)
3-Sự sống lại của Chúa Giêxu là một trong các giáo lý căn bản. Mỗi người phải biết Chúa đã chết vì mình, và cũng đã sống lại vì mình (Côr15:1-4,14,17).
Biết Chúa Giêxu sống lại là cao vọng của các Tín đồ (Philíp 3:10). Chúng ta phải ước ao có kinh nhgiệm quyền năng sự sống lại của Chúa Giêxu. Sự sống lại của Chúa tỏ ra Ngài có quyền năng tuyệt đối, không những là tha thứ tội chúng ta trong dĩ vãng, nhưng còn có quyền giải phóng chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi trong hiện tại và tương lai. Dầu hiện nay chúng ta không thấy Ngài, nhưng Chúa thấy chúng ta, ở với chúng ta và ở trong lòng chúng ta.
Khi mới tin Chúa, tôi nghĩ rằng các môn đồ sung sướng quá, vì họ đi đường với Chúa, trò chuyện với Chúa, còn chúng ta sống xa Chúa quá. Nhưng khi đã lớn lên trong đời sống thuộc linh, tôi thấy rằng ngày nay chúng ta sung sướng hơn các môn đồ ngày xưa. Vì Chúa đã ở với họ mà chưa bước vào đời sống của họ. Vì vậy, Phierơ tự tín, Thôma nghi ngờ, và các môn đồ tranh luận với nhau ai là hơn hết trong nước Trời. Bây giờ bất cứ chúng ta đi đâu, ở nơi nào, giờ phút nào, Chúa đều ở với chúng ta và ngự ở trong lòng chúng ta. Biết điều đó chúng ta sẽ sống cuộc đời thánh khiết, đắc thắng, vinh hiển, không biết điều đó là một thiệt thòi lớn. Thí dụ : Có người vào trong Nhà thờ không hút thuốc lá, nhưng ra khỏi Nhà thờ lại hút thuốc lá. Tại sao làm vậy?-Vì tưởng Chúa có mặt trong Nhà thờ mà không có mặt trong chỗ khác. Sau khi đã sống lại, Ngài hiện diện khắp nơi. Với người ngồi tù, Chúa cũng có trong tù, với người học tập cải tạo, Chúa cũng có tại trại học tập cải tạo. Chúng ta hiểu như vậy mới giữ được niềm tin, giữ nếp sống Thánh khiết.
IV. KẾT QUẢ SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚA :
Chúa Giêxu đã sống lại, làm cho mỗi chúng ta biết rằng :
1-Ngài là Con Đức Chúa Trời Quyền năng vô cùng (Mat 28:18;Rôma 1:4).
2-Nhờ Ngài chúng ta được tái sanh và hưởng sự sống đời đời (Iphi 1:3-4).
3-Sự sống lại của Chúa Giêxu cho chúng ta hi vọng cùng sống lại với Ngài khi Chúa từ trời trở lại (Itês 4:14;IICôr 4:14;Philíp 3:21).
Trên đảo Bátmô, Chúa Giêxu đã hiện ra với Giăng và phán : “Đừng sợ chi, Ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng, là Đấng sống, Ta đã chết, kìa, này Ta sống đời đời, cầm chìa khoá của sự chết và Âm phủ” (Khải 1:17-18). Chúa phán những lời đó, vì trong lòng 12 sứ đồ thì 11 người đã chết vì Danh Chúa, chỉ Sứ đồ Giăng còn lại, hơn nữa bị đày ra đảo Bátmô. Vì vậy, nhìn về tương lai, Sứ đồ Giăng sợ Hội thánh bị tiêu diệt một ngày không xa dưới quyền Đế quốc Lamã. Chúa muốn nói: “Các hoàng đế Lamã lần lượt lên ngôi rồi qua đi, nhưng Chúa trước hết và còn mãi suốt mọi thời đại cho đến vô cùng. Vì vậy, không lý do gì mà sợ”.
Chúa có chìa khóa của sự chết và Âm phủ, Ngài có thể mở, Ngài có thể đóng ; cầm quyền sự chết trong tay Ngài. Ma quỷ không có quyền đó, Đế quốc Lamã không có quyền đó, một mình Chúa Giêxu có quyền đó.