Bài 57
GIỜ TĨNH NGUYỆN
LỜI GIỚI THIỆU:
Tôi tin rằng giờ tĩnh nguyện là bí quyết của đời sống hằng ngày của người Cơ đốc.
Các cuộc quan sát cho thấy rằng các Cơ đốc nhân thất bại ở đây chẳng bao lâu trở nên nguội lạnh và sa ngã.
Người tín đồ Cơ đốc cứ duy trì liên tục giờ tĩnh nguyện riêng sẽ tăng trưởng (lớn lên) đều đặn hằng ngày với Chúa.
Sáng 19:27 “Áp-ra-ham dậy sớm, đi đến nơi mà người đứng chầu Đức Giê-hô-va.”
Áp-ra-ham là gương mẫu tuyệt vời về giờ tĩnh nguyện buổi sáng. Ta hãy lưu ý :
1. Ông dậy sớm buổi sáng. Đây là thói quen tốt nhất của người Cơ đốc.
2. Ông có một nơi đặc biệt để gặp Chúa. Chúng ta cũng nên có một nơi gặp gỡ riêng với Chúa.
3. Ông thực hiện giờ tĩnh nguyện hằng ngày.
4. Ông đứng trước mặt Chúa, chờ đợi Ngài phán dạy với ông.
2 Phi-e-rơ 3:18 “Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta.”
Thảo mộc sống cần không khí, ánh sáng mặt trời và thức ăn.
Thân xác chúng ta cần thức ăn, ánh mặt trời và sự vận động thân thể.
Đời sống thuộc linh của chúng ta cũng cần sự bồi dưỡng, không phải bất thường, nhưng là mỗi một ngày trong đời sống Cơ đốc.
Đa-vít nói trong Thi 5:3 “Đức Giê-hô-va ơi, buổi sáng Ngài sẽ nghe tiếng tôi. Buổi sáng tôi sẽ trình bày duyên cớ tôi trước mặt Ngài và trông đợi.”
Chúa Jêsus chẳng những cầu nguyện vào mỗi buổi sáng nhưng đôi khi Ngài đã cầu nguyện suốt đêm.
Lu-ca 6:12″….Chúa Jêsus đi lên núi cầu nguyện và thức thâu đêm cầu nguyện Đức Chúa Trời.” Cũng xem Ma-thi-ơ 14:23.
Gương sáng của Chúa Jêsus và kinh nghiệm của các Cơ đốc nhân trưởng thành trong Chúa đã thành động cơ thúc giục chúng ta giữ kỹ giờ tĩnh nguyện với Chúa và với Lời Ngài.
Đây la sứ điệp mà tôi cần hơn hết trong đời sống Cơ đốc của cá nhân tôi (Douglas).
I. MỤC ĐÍCH GIỜ TĨNH NGUYỆN :
1. Tôi tin rằng mục đích căn bản của giờ tĩnh nguyện là giao thông với Đức Chúa Trời. Ngài mong muốn sự thông công nầy nhiều hơn là chúng ta mong muốn. Đức Cha muốn chúng ta thờ phượng Chúa hằng ngày. Tôi đã quan sát thấy những người yêu thương tìm đến bên nhau “Tôi đang yêu Đấng yêu thương linh hồn tôi.”
2. Mục đích thứ hai có lẽ là để có được sức mạnh hằng ngày. Đời sống người Cơ đốc là cuộc chiến tranh chống tội lỗi, thế gian và ma quỉ. Ê-phê-sô 6:12 “chúng ta đánh trận..” chống các kẻ thù thuộc linh.
3. Giờ tĩnh nguyện còn cho ta cơ hội để học Kinh thánh có hệ thống và cầu nguyện nữa.
II. SỬA SOẠN CHO GIỜ TĨNH NGUYỆN :
Hãy đi ngủ đúng giờ. Tránh thức khuya và uống cà phê đậm đặc gây khó ngủ. Bạn hãy duy trì một kỷ luật nghiêm khắc ở chỗ nầy và Đức Chúa Trời sẽ ban phước dư dật cho bạn.
Phải tỉnh thức hẳn trước khi bạn đọc Kinh thánh và cầu nguyện. Hãy rửa mặt bằng nước lạnh hoặc uống nước nóng.
Một người bạn nói: “Một tách trà giúp tôi có một giờ tĩnh nguyện sáng suốt.”
Nếu bạn đang quì gối mà còn buồn ngủ, hãy thay đổi vị thế của bạn Áp-ra-ham “đã
đứng.”
Bạn có thể vừa bước đi vừa cầu nguyện lớn tiếng nếu điều đó giúp bạn tập trung tâm trí.
Trong khi đọc Kinh thánh bạn phải dẹp hết những vật dụng dễ gây sự phân tâm (như thư từ, hình ảnh…)
Trong giờ bồi linh, đừng chỉ nói chuyện.
Thi 46:10 “Hãy yên lặng, và biết rằng Ta là Đức Chúa Trời.”
Hãy ngưng nói chuyện và lắng nghe tiếng phán của Chúa. Gióp 2:13. Các bạn của ông Gióp ngồi xuống với ông suốt bảy ngày “không nói một lời.” Ngày nay, chúng ta đã đánh mất nghệ thuật tuyệt vời nầy.
Hãy tìm kiếm sự dẫn dắt, chỉ đạo và ban phước của Đức Thánh Linh trong giờ tĩnh nguyện của bạn.
Hãy sẵn sàng vâng theo điều bạn đọc được trong Kinh thánh. Giăng 2:5.
Hãy đến trước mặt Chúa với tấm lòng trong sạch.
Thi 51:17 “Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là tấm lòng đau thương. Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dẽ đâu ”
III. TÀI LIỆU CẦN CHO GIỜ TĨNH NGUYỆN :
1. Kinh thánh: Dành thì giờ đọc Kinh thánh đều đặn trong giờ tĩnh nguyện. Dành một chỗ đặc biệt yên tĩnh để đọc và suy gẫm Lời Chúa. Hãy trông đợi sự hiện diện của Ngài. Hãy để lòng bạn yên tĩnh. Hãy đọc Kinh thánh cách trung tín theo chương trình vạch sẵn.
2. Sổ tay và viết máy để ghi lại sự dạy dỗ từ Lời Chúa.
3. Một sổ tay ghi lời cầu nguyện và dành chỗ trống sẵn để ghi câu trả lời của Chúa.
IV. KIM CHỈ NAM HỌC KINH THÁNH TRONG GIỜ TĨNH NGUYỆN :
Trong việc học Kinh thánh, nên chọn một kế hoạch. Đọc từng đoạn đọc từng sách hoặc đọc theo các đề tài. Sau khi đọc Kinh thánh, hãy ghi lại các câu trả lời theo các câu hỏi sau đây:
1. Hôm nay tôi đọc được điều gì mới?
2. Có mạng lịnh nào tôi phải vâng theo?
3. Có gương tốt nào tôi phải noi theo?
4. Có gương xấu nào tôi phải tránh?
5. Có tội lỗi nào tôi phải từ bỏ?
6. Có lời hứa nào tôi phải ghi nhớ?
7. Có tư tưởng gì mới về chính Đức Chúa Trời?
VI. MỘT CHƯƠNG TRÌNH CHO GIỜ TĨNH NGUYỆN:
Nên tránh để cho giờ tĩnh nguyện trở thành máy móc, khô khan. Ở đâu có Thánh Linh của Đức chúa Trời ở đó có tự do. Dầu vậy, cũng tránh những thay đổi bất thường, hoặc sự khuôn sáo trống rỗng.
Nếu được, hãy có giờ tĩnh nguyện vào đúng thì giờ định sẵn mỗi ngày.
Nên nhắm đến chương trình định sẵn, có lẽ nên dành phân nửa thì giờ đọc Kinh thánh và phân nửa thì giờ cầu nguyện.
Đừng cứng ngắc. Nếu Thánh Linh hành động trong giờ cầu nguyện, hãy tiếp tục cầu nguyện. Nến lời Chúa soi sáng ánh sáng mới mẻ, hãy tiếp tục đọc Lời Chúa cho đầy đủ.
Thứ tự gợi ý cho giờ tĩnh nguyện: Lời cầu nguyện ngắn, giờ đọc Kinh thánh và giờ cầu nguyện.
Điều nầy sẽ giúp ta không lập đi lập lại điều cầu nguyện. Hãy học cách cầu nguyện theo sự dạy dỗ của khúc Kinh thánh mà ta vừa học. Hãy dùng Kinh thánh như là Lời căn bản cho ta trong sự ngợi khen và khẩn nguyện.
VI. CẦU NGUYỆN TRONG GIỜ TĨNH NGUYỆN :
Sự cầu nguyện có chất lượng đòi hỏi phải trả giá. Nó đòi hỏi thời gian và kỷ luật. Sự kiên trì cầu nguyện mỗi ngày thực sự là sự thử nghiệm tinh thần cầu nguyện của ta.
Hãy kiểm tra lại sổ cầu nguyện và lưu ý sự trả lời của Chúa cho các vấn đề ta đã cầu nguyện. Đừng quên tạ ơn Chúa về sự trả lời cầu nguyện.
Thi thiên 50:15 “Trong ngày gian truân hãy kêu cầu cùng Ta. Ta sẽ giải cứu ngươi và ngươi sẽ ngợi khen Ta.” Hãy làm điều nầy và ngợi khen Chúa.
Trong sự cầu nguyện, hãy cầu khẩn cách đơn sơ nhưng thành thật. Hãy nói chuyện với Đức chúa Trời là Cha như người con nói với cha mình. Hãy lưu ý bốn yếu tố căn bản bao gồm trong sự cầu nguyện:
1. Tôn thờ: Ngợi khen và thờ phượng của linh hồn ta dâng lên Đức chúa Trời. Thi thiên 95:6 “Hãy đến cúi xuống mà thờ lạy. Khá quì gối xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng tạo hóa chúng tôi.”
2. Xưng tội: ăn năn và từ bỏ các tội được biết. Thi 32: 5 “Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian ác tôi. Tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va, còn Chúa tha tội ác tôi.
3. Cảm tạ: Tạ ơn Chúa về mọi sự, vui hay buồn. Phi-líp 4:6 “Dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn…”
4. Khẩn nguyện: Cầu thay, khẩn xin, thỉnh cầu và ước muốn. I Ti-mô-thê 2:1 “Phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn…”
VII. NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA GIỜ TĨNH NGUYỆN :
1. Sa-tan sẽ chú tâm chống nghịch bạn luôn luôn trong giờ tĩnh nguyện. Đây sẽ là cuộc tranh đấu hằng ngày. Nếu bạn bỏ sót một buổi sáng, không nhứt thiết đó là một sự thất bại. Hãy thừa nhận khuyết điểm của mình và được Chúa tha thứ ngay lúc Thánh Linh nhắc nhở bạn về sự thiếu liên tục kiên trì nầy.
2. Tập trung tinh thần trong giờ tĩnh nguyện là một vấn đề thực sự khó khăn. “Vì chúng ta đánh trận chẳng phải cùng thịt và huyết” (Ê-phê-sô 6:12). Đó là cuộc chiến tranh tư tưởng. Muốn chiến thắng, ta phải suy gẫm về thập tự giá. về huyết báu và về quyền phép lớn lao của sự phục sinh. Các con nhỏ trình bày một vấn đề thì cha mẹ lập tức thi hành một kế hoạch giúp đỡ. Chúa chúng ta là Cha hay thương xót sẽ giúp ta thành công trong giờ tĩnh nguyện với Ngài.