Bài 64
LỄ TIỆC THÁNH
LỜI GIỚI THIỆU:
Lễ tiệc thánh là thánh lễ do chính Chúa Jêsus sáng lập. Ma-thi-ơ 26:26-29 Chúa Jêsus chỉ dự lễ nầy một lần với các sứ đồ trong đêm Ngài bị nộp. Câu chuyện tiệc thánh đầu tiên được các sách Phúc âm kể lại và qua lời tường thuật ta có thể nhắc lại theo thứ tự sau đây:
1. Các sứ đồ họp nhau ở bàn ăn, nhưng họ nói lên cuộc tranh luận ai là lớn hơn hết (Lu-ca 22:24-30).
2. Để dạy họ bài học yêu thương, phục vụ nhau, Chúa rửa chơn cho họ (Giăng 13:1-20).
3. Chúa Jêsus tuyên bố một người trong bọn họ sẽ phản Ngài (Ma-thi-ơ 26:21-23).
4. Điều nầy gây nên sự ngạc nhiên và mỗi người đều đặt câu hỏi: “Lạy Chúa, có phải tôi không? ” (Ma-thi-ơ 26:21-23).
5. Chúa Jêsus phán rằng kẻ phản bội đang ăn chung với họ (Giăng 13:21,22).
6. Phi-e-rơ ra dấu cho Giăng xin hỏi Chúa (Giăng 13:23-25).
7. Chúa Jêsus tỏ ra dấu hiệu. Ngài nhúng bánh đưa cho Giu-đa (Ma-thi-ơ 26:23).
8. Giu-đa đi ra giữa sự ngạc nhiên của mọi người (Giăng 13: 26-30).
9. Chúa Jêsus lấy bánh, chúc phước, bẻ ra và trao cho các môn đồ ăn (Lu-ca 22:19)
10. Chúa Jêsus lấy chén, chúc phước và trao cho các môn đồ uống (Lu-ca 22:20).
11. Mọi người hát thánh ca và đi đến vườn Ghết-sê-ma-nê (Ma-thi-ơ 26: 30-36).
I. NGÀY NAY TA CÓ THỂ HÀNH LỄ TIỆC THÁNH Y NHƯ LỄ TIỆC THÁNH ĐẦU TIÊN KHÔNG?
Nếu chúng ta phải theo cách hành lễ Tiệc thánh đầu tiên thì những điều sau đây là cần thiết:
1. Vào buổi tối. Ma-thi-ơ 26:10.
2. Tổ chức trên phòng cao. Lu-ca 22:12.
3. Ăn bánh không men. Ma-thi-ơ 26:17.
4. Phải bẻ bánh ra. Lu-ca 22:19.
5. Phải dùng một ổ bánh và một ly nước nho. Ma-thi-ơ 26:26,27. Giáo hội Chánh thống Đông phương áp dụng phương thức nầy.
6. Phải nằm dựa vào bàn. giăng 13:23-26.
7. Phải tổ chức sau bữa ăn tối. Ma-thi-ơ 26:26.
8. Không có đàn bà dự, chỉ có Chúa Jêsus và các sứ đồ.
II. MỤC ĐÍCH CỦA LỄ TIỆC THÁNH :
Chúng ta không dự lễ Tiệc thánh để tiếp nhận sự tha tội. Thánh lễ không có quyền lực ban sự tha tội. Chúng ta dự tiệc thánh là vâng lời dạy của Chúa (1 Cô-rinh-tô 11:24). Chúng ta dự tiệc thánh trong sự mong đợi Chúa sớm tái lâm (1 Cô-rinh-tô 11:26). Chúng ta dự lễ tiệc thánh để phô bày sự chết của Chúa. Không ai dự tiệc thánh vì mình xứng đáng. Tất cả là nhờ ân điển Chúa mà chúng ta được sanh ra trong gia đình của Đức Chúa Trời. Không ai dự tiệc thánh mà lòng kiêu ngạo được. Chúng ta dự tiệc thánh với hai tâm trạng, một là cảm biết sự bất xứng của chúng ta, hai là lòng tin cậy của chúng ta. Nếu chúng ta là con cái thật của Đức Chúa Trời, chúng ta phải dạn dĩ đến bàn tiệc thánh để thông công và để thêm sức mạnh.
Chúng ta đừng xa lánh tiệc thánh vì sợ Chúa. Ngài mời gọi chúng ta đến và chúng ta không nên từ chối với Ngài niềm vui thông công của chúng ta.
Ở bàn tiệc thánh Chúa đến gần thông công với chúng ta như bủa ăn ờ làng Em-ma-út.
III. AI CÓ THỂ DỰ TIỆC THÁNH?
Chỉ những người được sinh ra trong gia đình của Đức Chúa Trời, mới có quyền ngồi vào bàn tiệc thông công với Chúa. Những người vô tín và người thiên nhiên thuộc về “bàn tiệc của quỉ” (1 Cô-rinh-tô 10:21). Một số Hội thánh có luật là chỉ tín đồ chịu báp tem rồi mới được dư tiệc thánh. Hội thánh Tin lành Việt nam theo luật nầy.
Hầu hết các giáo phái Tin lành đều hoan nghinh các tín hữu tốt ở các giáo phái khác đến tham dự Lễ tiệc thánh với họ.
Một số giáo phái khắc khe chỉ dành riêng Tiệc thánh cho các thuộc viên Hội thánh của họ mà thôi. Các tín đồ bị kỷ luật dứt phép thông công không được phép dự tiệc thánh trong một thời gian cho đến khi được phép trở lại.
IV. TỰ XÉT LẤY MÌNH LÀ ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT KHI DỰ TIỆC THÁNH :
1 Cô-rinh-tô 11:28 “Mỗi người phải tự xét mình, vì như thế mới ăn bánh uống chén.”
2 Cô-rinh-tô 13:5 “Chính anh em hãy tự xét để xem mình có đức tin chăng? Hãy tự thử mình…”
Thi 26:2 “Đức Giê-hô-va ơi, xin hãy dò xét và thử thách Tôi. Rèn luyện lòng dạ tôi”
Thi 139:23 “Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi và biết lòng tôi. Hãy thử thách tôi và biết tư tưởng tôi.”
Người dự tiệc thánh phải cầu nguyện: “Xin Chúa chiếu ánh sáng soi xét của Lời Ngài trên con.”
Tự xét lấy mình có nghĩa là cẩn thận suy xét, tìm kiếm và thử nghiệm.
1. Tôi phải xét ai? Có phải vị Mục sư? Có phải ông chấp sự? Có phải vợ tôi? Hay người hàng xóm? – Không. Tôi phải tự xét chính mình.
2. Tại sao tôi phải tự xét lấy mình?
a. Vì đây là mạng lịnh trực tiếp rõ ràng của Kinh thánh.
b. Vì ăn bánh không xứng đáng sẽ đem lại sự phán xét, sự yếu đuối, sự bệnh tật và sự chết sớm. Đây phải là sự tự xét tìm kiếm tội lỗi,và quăng xa tội lỗi trong sự thống hối ăn năn.
3. Tôi tự xét lấy mình như thế nào?
Tôi có thể tự hỏi các câu hỏi sau đây:
a. Tôi có thực lòng tin Chúa không? Công vụ 26:31.
b. Tôi có thực sự tái sanh trong gia đình của Chúa chưa? Giăng 3:3-7.
c. Có tội nào tôi chưa xưng ra trong đời sống tôi? Tôi tự ti, tôi tự cao? Tham lam? Không vâng lời? Biếng nhác? Không vâng lời? Yêu thích tội lỗi? Yêu mến thế gian? Tư tưởng tôi có trong sạch không? Tôi có làm chứng về Chúa liên tục không? Tôi có trung tín đọc Kinh thánh và cầu nguyện không? Tôi có giữ lời hứa cầu nguyện cho cá nhân nào đó không?
d. Tôi có hết lòng ăn năn tội không? Xưng tội mà không ăn năn là chuyện đùa giỡn.
e. Tôi có tự hứa trong lòng sẽ sống đời sống thánh khiết hơn không?
f. Tôi có yêu Chúa hết lòng,hết sức, hết linh hồn tôi không? Lu-ca 10:27a
g. Tôi có yêu kẻ lân cận như mình không? Lu-ca 10:27b
h. Tôi có tha thứ cho kẻ phạm tội nghịch cùng tôi không? Ma-thi-ơ 6:14-15, 5:23-24.
i. Tôi có hết lòng vâng theo mạng lịnh Chúa dành riêng cho tôi không? Chẳng hạn giảng Tin lành? Tôn vinh Chúa? Giúp người nghèo? Dạy Kinh thánh? Làm chứng đạo? Dâng phần mười?
j. Tôi có vâng lời chuẩn bị tấm lòng cho bữa lễ tiệc thánh này không?
V. NHỮNG YÊU CẦU CỦA LỄ TIỆC THÁNH :
Bánh và nước nho chỉ là tượng trưng cho Thân và Huyết Chúa. Chúng ta không chủ trương thuyết Biến thế nghĩa là bánh và nước biến thành thịt thật và huyết thật của Chúa, hoặc thuyết cho rằng thịt và huyết của Chúa có hiện diện (ngự vào), trong bánh và nước nho khi hành lễ. Chúng ta tin rằng bánh và nước nho chúng ta dự lễ cũng là bánh và nước nho y như nguyên chất của nó, nhưng chỉ là tượng trưng là hình bóng về thân và huyết mà thôi.
Bánh không men tượng trưng cho tội lỗi được bỏ đi. Từ đó chúng ta tin rằng sau khi dự lễ chúng ta phải sống đời sống trong sạch, thánh khiết hơn.
VI. CÁC KẾT QUẢ CỦA LỄ TIỆC THÁNH:
Người tín đồ được tinh sạch và thánh hóa khi tự xét lấy mình và cầu xin huyết Chúa không chỉ xóa sạch tội lỗi trong lòng, mà còn xóa sạch cả ước muốn phạm tội nữa.
Người tín đồ được tăng cường sự thông công với Chúa và với anh em khác.
Người tín đồ được gây dựng bồi linh khi suy gẫm về sự chết và sự tái lâm của Đấng
Christ.
KẾT LUẬN:
Sau lễ tiệc thánh chúng ta sẽ đi đâu? Có người đi ra chợ, đến quán rượu hay bàn cờ bạc? Điều này hoàn toàn sai.
Các môn đồ đã đi ra, đã chối Chúa, đã bỏ Ngài chạy trốn cứu thân sau khi dự tiệc thánh. Chúng ta sau khi dự tiệc thánh phải đến nơi cầu nguyện. Xin Chúa cho ơn phước Lễ Tiệc thánh có chiều sâu sắc hơn trong ta. Chúng ta phải tiến tới trong đời sống thuộc linh đắc thắng mỗi ngày trong Đấng Christ. Mỗi người tín đồ phải thường xuyên đến bàn tiệc thánh cách dạn dĩ nhưng khiêm nhường. Chúng ta phải dự tiệc trong tinh thần trông đợi “Cho đến khi Ngài đến.”
Hãy nhớ lại Lời Chúa Jêsus “Hãy làm diều này để nhớ Ta ” Khi tham dự lễ, chúng ta hãy nhớ suy nghĩ đến sự giáng sinh, sự báp tem, chức vụ cứu người, sự thăng thiên, sự cám dỗ, các phép lạ, các lời dạy bảo, sự thống khổ
Ghết-sê-ma-nê, sự xử án, sự chế giễu, hành hạ, sự chết, sự chôn, sự sống lại, sự thăng thiên,
sự tái lâm và sự cầu thay hiện tại của Ngài bên hữu Đức Cha. Hãy đầy dẫy tâm trí bạn với chính mình Ngài.