Bài 95
THỎA HIỆP
GIỚI THIỆU
Tài liệu được trích từ một bài xã luận đăng trong báo Moody Monthly của tiến sĩ James M. Gray, 1929, và các nguồn tài liệu khác.Từ “thỏa hiệp” không có trong Kinh Thánh, mặc dầu đó là một từ khác phổ thông trong từ vựng của người tín hữu Tin Lành ngày nay.
Tiến sĩ C. I. Scofield đã lập bố cục các phân đoạn trong Xuất Ê-díp-tô Ký 5:3; 7:16; 8:25-28; 10:11, 23-27, như là bốn sự thỏa hiệp Pha-ra-ôn đã đề nghị với Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên.
Thỏa hiệp là một từ phổ thông trong chính trị và trong việc giải quyết sự tranh chấp lao động.
Trong một cuộc đình công, khi mà công nhân đòi tăng một đô-la mỗi ngày và ban quản trị chỉ muốn tăng lên 20 xu, một trọng tài bắt đầu thương lượng với đôi bên để tìm một sự thỏa hiệp và có lẽ là sẽ tăng lên 60 xu. Cả hai bên thỏa hiệp và người ta cho rằng nếu “giỏi làm ăn” thì nên chấp thuận điều đó.
Có lẽ không bên nào thật vui với kết quả nhưng nếu đó là điều tốt nhất họ có thể đạt được trong hoàn cảnh đó thì việc chấp nhận sự thỏa hiệp là một giải pháp danh dự.
Chúng ta có thể dùng nguyên tắc này trong tôn giáo không? Trong mối tương giao của chúng ta với Chúa? với thế gian? với tội lỗi? v.v.
Thỏa hiệp trong tự điển có nghĩa: “Sự giải quyết một sự tranh chấp mà mỗi bên đều nhượng bộ.”
Thỏa hiệp đòi hỏi sự nhượng bộ, sự nhân nhượng, hi sinh nguyên tắc; là người tín hữu Chúa Cứu Thế chúng ta có thể làm như vậy được không? Không, mười ngàn lần KHÔNG.
Sự thỏa hiệp đời hỏi phải từ bỏ một phần quan điểm của mình để nhượng bộ cho đối thủ, (trong trường hợp của chúng ta đối thủ là Sa-tan và bộ hạ của nó).
Các thí dụ về sự thỏa hiệp:
1. Chúa bảo ông Giô-suê tiêu diệt dân Ca-na-an (Giô-suê 9:24), nhưng dân Ghi-bê-ôn đã đánh lừa Giô-suê và tạo được một sự thỏa hiệp-họ trở thành đầy tớ của ông.
2. Chúa bảo ông Sau-lơ hoàn toàn tiêu diệt A-ma-lét và tất cả tài vật của ông ấy (1 Sa-mu-ên 15:3) nhưng Sau-lơ thỏa hiệp và chừa một và thú vật để làm sinh tế (15:15). Vì sự thỏa hiệp gian ác này ông đã bị quở trách nặng nề và bị truất ngôi.
Các thí dụ về sự thỏa hiệp ngày nay:
1. Các giáo phái Tin Lành thỏa hiệp với những người theo chủ thuyết hiện đại.
2. Các tín hữu thỏa hiệp với tội lỗi.
3. Hội Thánh thỏa hiệp với thế gian.
I. SỰ THỎA HIỆP ĐẦU TIÊN DO PHA-RA-ÔN ĐƯA RA-Xuất 8:25, Dâng tế lễ trong xứ.
Lịnh của Chúa rất rõ ràng-Xuất 5:3. Đi ba ngày vào đồng vắng để dâng của tế lễ cho Chúa.
Xuất 7:16. Hãy để dân Ta đi, để họ hầu việc Ta trong đồng vắng.
Các mạng lịnh của Chúa rất chi tiết; Chúa có ý định rằng mạng lịnh đó phải được tuân hành triệt để, trong mỗi chi tiết.
Sự thỏa hiệp của Pha-ra-ôn chỉ là sự làm thành một phần ý chỉ của Chúa.
Mạng lịnh của Chúa là đòi hỏi cách chi tiết rằng dân Y-sơ-ra-ên phải cách xa Ê-díp-tô ba ngày đường.
Tại sao ba ngày? Rất có thể đó là hình ảnh của việc sống trên đất phục sinh, cách xa sự chết và trần gian ba ngày, như Chúa Cứu Thế đã làm.
Ngày nay Đức Chúa Trời cũng truyền lệnh phải cách xa như thế; Lu-ca 5:4, “Hãy ra ngoài khơi.” Hãy đi càng xa khỏi trần gian và chốn tội lỗi thì càng tốt.
Quí vị có bao giờ nghe câu chuyện về thằng bé bị rớt khỏi giường và giải thích việc đó như sau: “Con ở gần chỗ mà con vào quá.”
Cũng vậy trong Nước Trời, nhiều người ở gần chỗ họ vào quá, thỏa hiệp và không được hưởng các ơn phước thuộc linh với Chúa.
Hãy coi chừng sự thỏa hiệp: Hãy chèo ra nơi sâu thẳm của sức mạnh của Chúa; nơi sâu thẳm của tình yêu vô hạn của Chúa; nơi sâu thẳm của sự thành tín của Ngài.
Đối với dân Y-sơ-ra-ên, nếu họ dâng của tế lễ nơi Ê-díp-tô thì đó là một sự gớm ghiếc cho dân Ê-díp-tô và chắc hẳn đã đưa đến sự bạo động và sự ném đá dân Y-sơ-ra-ên; dâng chiên hay dê làm sinh tế trước người Ê-díp-tô hẳn là một điều nguyền rủa vì những con thú này là những con vật thiêng liêng đối với người Ê-díp-tô.
Có câu chuyện thuật về một sứ giả Rô-ma đã bị xé ra nhiều mảnh vì vô tình giết một con thú thiêng liêng tại Ê-díp-tô.
Môi-se không chịu chấp thuận sự thỏa hiệp nào; ông đòi hỏi vâng phục 100%; sự thờ phượng chân thật đòi hỏi sự phân rẽ; phân rẽ khỏi những điều gian ác, phàm tục, và bất kính.
Theo phương diện chánh trị, dân Y-sơ-ra-ên là nô lệ tại Ê-díp-tô nhưng về vấn đề tôn giáo họ phải được tự do; hoàn toàn tự do.
Nếu người Y-sơ-ra-ên đã dâng của lễ tại Ê-díp-tô, người ta đã nói: “Tôi không thấy có gì khác biệt giữa chúng ta; các tôn giáo của chúng ta giống nhau; mục tiêu và đích của chúng ta y hệt nhau.”
Một người trung bình ngày nay cho rằng tất cả các tôn giáo đều tốt, người ta chỉ cần chân thành với tôn giáo mình là được; và chỉ bởi một đời sống không thỏa hiệp chúng ta mới có thể chứng minh ngược lại cho họ được.
Người ta ngày nay thích một sự thỏa hiệp; một chút tôn giáo, một chút trần gian và tội lỗi; ma quỉ cũng muốn một tôn giáo thỏa hiệp, lạt nhợt.
Hãy chèo ra ngoài khơi sâu và xa hẳn một loại Cơ-đốc giáo thỏa hiệp, tầm thường.
II. SỰ THỎA HIỆP THỨ HAI CỦA PHA-RA-ÔN-Xuất 8:28, “Đừng đi xa lắm.”
Thay vì ba ngày đường vào trong đồng vắng, chỉ hãy đi qua bên kia biên giới; khoảng một hai cây số bên ngoài Ê-díp-tô.
Nghe khá hay ! Được phân rẽ, không còn người Ê-díp-tô nữa. Môi-se có chấp thuận không? Dĩ nhiên là không !
Pha-ra-ôn sợ rằng một khi ra khỏi đất Ê-díp-tô họ sẽ tìm cách trốn qua Ca-na-an và muốn để một mắt canh chừng họ và đem họ lại nếu cần.
Môi-se từ chối sự thỏa hiệp đó vì lằn ranh phân rẽ quá cận; quá giới hạn; quá gần Ê-díp-tô và trần gian; quá gần dưa hành và nồi thịt.
Sau khi được tái sanh hãy chèo mau ra khơi; đừng thỏa hiệp; hãy nhận lễ báp tem và giữ một lời chứng mạnh mẽ: hãy đốt tất cả các cây cầu đằng sau quí vị để quí vị không trở lại với trần gian.
Khi đã được tái sanh, hãy đốt rụi thuốc lá, đập bể bình rượu, xé nát bộ bài: hãy lớn tiếng xưng nhận Chúa Cứu Thế và đứng lên vì Ngài.
Hãy làm cho khoảng cách giữa quí vị và đời sống cũ càng lớn càng tốt.
Đừng như thằng bé mang theo bộ đồ tắm để phòng khi bị cám dỗ bơi lội chỗ cấm bơi.
Rô-ma 13:14, “Đừng nghĩ đến cách làm cho thỏa mãn các dục vọng của xác thịt” (BDM)
Theo Chúa Cứu Thế rồi trở lại với trần gian là môt điều kinh khủng; Sa-tan rất hài lòng với các tín hữu Chúa Cứu Thế nửa theo Chúa nửa theo đời.
Nếu quí vị là một người như vậy, hãy mau mau quở trách Sa-tan, ngưng thỏa hiệp và chèo ngay ra nơi sâu.
Chúa có phản ứng như thế nào với các tín hữu nửa nạt nửa mỡ này? Chúa phán rằng họ không nóng mà cũng không lạnh (Khải Huyền 3:15,16) và Ngài sẽ nhả họ ra khỏi miệng Ngài.
III. SỰ THỎA HIỆP THỨ BA CỦA PHA-RA-ÔN-Xuất 10:8-11, “Chỉ các ngươi, là đàn ông, phải đi hầu việc Đức Giê-hô-va.”
Pha-ra-ôn và Sa-tan biết rằng nếu các ông đi trọn ba ngày đường vào trong đồng vắng để dâng của tế lễ chẳng bao lâu họ sẽ trở lại với vợ con gia đình và với sự nô lệ.
Ma quỉ sẽ để cho quí vị đi nhà thờ nếu quí vị trở về và sống như trước-nghĩa là, dâng Chúa mỗi tuần một giờ và cho tư dục và Sa-tan 167 giờ còn lại.
Đây là một sự thỏa hiệp tinh vi; cha mẹ phục vụ Chúa nhưng con cái không dự phần; chúng là món quà quí báu chúng ta dâng lên lại cho Đấng Tạo Hóa.
Đàn ông trong đồng vắng và con trẻ tại Ê-díp-tô-quả là một chuyện bất bình thường! Một người có thể phục vụ cả hai được sao? Không.
Một người bạn của tôi tại Swift Current, Canada, đã bắt lấy lời hứa trong Công Vụ 16:31, “và cả nhà ngươi” cho tất cả các con và các cháu mình và Chúa đã thành tín đã khiến họ phục vụ Chúa một cách hiệp nhất vui vẻ cả gia đình.
Hỡi các cha mẹ, đừng chỉ mong con mình được cứu mà thôi; hãy đem chúng khỏi Ê-díp-tô-khỏi xa lằn ranh giới; đi rời xa trại quân với chính Chúa Jêsus.
Hãy coi chừng việc thỏa hiệp trong việc cử người đại diện đi nhà thờ hay buổi nhóm cầu nguyện; hãy đem cả gia đình theo; Môi-se bảo mọi người phải đi, nam và nữ, già và trẻ.
IV. SỰ THỎA HIỆP THỨ TƯ CỦA PHA-RA-ÔN-Xuất 10:24-27, Cho người đi, để thú vật lại.
Môi-se có nên nhận đề nghị tuyệt vời này không? Mọi người đều được đi, cách xa ba ngày đường đến chính chỗ Chúa muốn họ đến và thờ phượng. Không!
Môi-se khước từ đề nghị đó vì đó là sự vâng lời nửa vời; sự vâng lời không trọn vẹn nghĩa là thỏa hiệp. Làm sao để họ có thể dâng của tế lễ nếu không có các thú vật? Không thể nào được.
Làm sao chúng ta có thể thờ phượng mà không trình các tài vật của chúng ta cho Chúa nhừ điều Chúa đòi hỏi chúng ta?
Một người làm phép báp tem khám phá ra ông đã bỏ quên túi tiền trong quần dài, lấy ra và đưa cho người bạn giữ và nói, “Xin anh giữ cái này giùm tôi-cái này chẳng liên quan gì với lễ báp tem.” Vị Mục Sư trả lời thật đúng, “Một là tôi báp tem anh chung với cái ví, còn không thì thôi.” (Câu chuyện từ Erasto Aramus.)
Đây là một điểm mà chúng ta không thể thỏa hiệp; Đức Chúa Trời bảo họ đi và thờ phượng với sinh tế nhưng không nói rõ là loại thú nào và bao nhiêu con.
Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta cách vô điều kiện-tất cả những gì chúng ta có; vợ con và tài sản.
Không thể nào có sự thỏa hiệp; chúng ta không thể thương lượng với Chúa; Ngài phải là Chúa của tất cả, bằng không thì Ngài chẳng là Chúa của gì cả.
Chúa Jêsus xứng đáng với tất cả-chẳng nên để sót lại một cái móng nào; tất cả chúng ta dâng hiến cho Ngài.
Vui mừng dâng hiến trọn vẹn của tôi cho Ngài-tâm trí, sức lực, tấm lòng, linh hồn, thân thể, và tài sản.
KẾT LUẬN
Để ý sự tinh vi của sự thỏa hiệp của Sa-tan:
1. Tìm cách giữ dân Y-sơ-ra-ên trong xứ; 2. Tìm cách giữ dân Y-sơ-ra-ên gần xứ; 3. Tìm cách chia rẽ dân Y-sơ-ra-ên và 4. Tìm cách dẫy dân Y-sơ-ra-ên đi tay không, chẳng có phương tiện để phục vụ Chúa.
Môi-se không chịu chấp thuận bốn thỏa hiệp và đòi phải vâng phục 100% mà cuối cùng đã đạt được sau cái chết của các con đầu lòng xứ Ê-díp-tô trong đêm Vượt Qua đầu tiên đó.
Khi Phao-lô quy đạo ông đã cách dứt liên hệ với đời sống cũ.
Gia-cơ 1:27 nói về “Đạo trong sạch và không ô uế,” trong sạch, không pha trộn, không phai lợt, không thỏa hiệp.
Phân rẽ khỏi trần gian là một đặc tính không thể thiếu trong sự phục vụ Chúa cách chân thật.
Một sự cứu rỗi mà để dân Y-sơ-ra-ên còn ở lại Ê-díp-tô thì hẳn là một sự thất bại.
Một tín hữu Chúa Cứu Thế có nên thỏa hiệp không? Không. Tại sao? Vì thỏa hiệp là hi sinh nguyên tắc.
CÁC CÂU HỎI HỌC ÔN
941. Xin định nghĩa từ “thỏa hiệp.”
942. Xin đưa thí dụ về sự thỏa hiệp từ thương trường.
943. Tín đồ có được phép đối thoại với kẻ thù nhằm mục đích tìm một giải pháp thích hợp cho đôi bên không? Tại sao?
944. Chúa có chấp thuận sự thỏa hiệp khéo léo của Sau-lơ trong 1 Sa-mu-ên 15 không?
945. Xin liệt kê ba thí dụ về sự thỏa hiệp từ đời sống hiện tại.
946. Bốn sự thỏa hiệp Pha-ra-ôn đã đề nghị với Môi-se là gì?
947. Tại sao phải phân cách bằng ba ngày đường đi vào đồng vắng?
948. Tại sao dân Y-sơ-ra-ên không thể thi hành sự thờ phượng tại xứ Ê-díp-tô?
949. Sự liên kết giữa Xuất 10:11 và Công Vụ 16:31 là gì?
950. Xin liệt kê ba cách mà tín hữu Tin Lành thường thỏa hiệp ngày nay.