Mấy hôm trước, ngày 30 tháng 3, 2020, có một video cho thấy một người đàn ông 57 tuổi nhảy từ lầu rất cao của một chung cư ở New York để tự sát, rơi ập xuống lề đường vắng vẻ, trước cái nhìn đầy hoảng sợ của một số người qua lại. Thấy cảnh đó, không ai mà không khỏi chạnh lòng. Mấy hôm sau, cũng nghe ở gần nơi chúng tôi đang cư ngụ là Virginia Beach có một người đàn ông lấy súng bắn vợ rồi tự sát. Những người thân của họ chắc chắn sẽ hối tiếc vì đã thiếu quan tâm đến những người nầy trong những ngày qua. Biết đâu họ đã bị mất một số tiền lớn vì đầu tư vào thị trường đang xuống dốc quá nhanh? Cũng có thể vì bị thất nghiệp hay tiệm buôn bị đóng cửa? Hoặc đang bị dương tính khi được xét nghiệm Covid? Tai họa cứ dồn dập ụp đến, nên nhiều người đang cảm thấy không còn đủ sức chịu đựng, nhất là họ đang không được gần gũi với những người thân và các đoàn thể thân quen!
Những tâm lý gia tại Hoa kỳ đang rất bận rộn làm việc qua điện thoại. Nhiều Mục sư người Mỹ cũng không được ngồi yên dù đang bị cách ly ở nhà. Nhiều con cái Chúa gọi đến để than thở, vì cần lời an ủi và cầu thay của họ.
Xã hội chúng ta chắc chắn cũng đang có nhiều người âu lo, chán nãn, và suy sụp tinh thần nhưng không biết tâm sự cùng ai, vì văn hóa người Việt hay xét đoán và không kín miệng. Là con cái Chúa chúng ta phải sống thế nào cho xứng đáng và sẵn sàng được Chúa sử dụng để làm ánh sáng cho những người chung quanh, cũng như là nguồn phước hạnh cho anh em mình, hầu giúp họ vượt qua giai đoạn đầy khó khăn nầy mà tinh thần không hoàn toàn bị suy sụp.
SỨC KHOẺ TÂM THẦN là một khía cạnh đã và đang bị xem thường trong Hội Thánh Chúa khắp nơi. Con cái Chúa dù có đức tin nơi Chúa vẫn bị chứng trầm cảm và buồn chán, nhất là ở lứa tuổi “teen”. Có thể chúng ta không chú ý, nhưng chắc chắn có một số không nhỏ các em trong Hội thánh đang gặp chứng trầm cảm, nhất là trong bối cảnh hiện tại. Cách đây vài ngày, một con cái Chúa rất đau lòng và bối rối, nhờ tôi cầu nguyện cho con gái ông đang bị trầm cảm nặng và đòi tự tử.
Trong bối cảnh bệnh Covid nầy, các tôi tớ Chúa hãy chú ý đến mọi người, không riêng gì các bạn “teen”. Bệnh trầm cảm sẽ tấn công nhiều người, cả lớn lẫn nhỏ, vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn và sự tự do đi lại bị cấm cản để ngừa bệnh. Nhiều người mất công ăn việc làm, đang lo âu sợ hãi bởi đủ thứ nan đề, bực bội vì mọi người phải sống gần nhau 24/7 trong những căn nhà chật chội và oi bức.
Để giúp đỡ họ, mọi người nên tránh những lời tiêu cực, đừng tỏ ra thiêng liêng quá mấu lên án họ là thiếu đức tin, quá lo lắng hay đua đòi, thiếu cầu nguyện và đọc Kinh Thánh, v.v. Dĩ nhiên họ cần Lời Chúa và sự tương giao gần gũi với Ngài. Nhưng họ đang cần sự bình an, lời an ủi, sự cầu thay, và quyền năng chữa lành của Chúa. Họ không cần nghe những lời trách móc và những câu Kinh Thánh mà bạn tuôn ra ào ạt vào tai họ. Như người bị tai nạn giao thông, họ không cần bị rầy la hay đánh đòn thêm. Họ chỉ cần lời an ủi, xoa bóp, băng bó, và xức dầu. Dĩ nhiên, người đang bị trầm cảm, quá lo lắng hay khủng hoảng tinh thần cần được cầu thay, sự giúp đỡ vật chất cách thực tế, những lời khuyên nhẹ nhàng và khích lệ tích cực. Trong một số trường hợp nào đó có thể họ cần được giải cứu bởi quyền năng siêu nhiên của Chúa. Nhưng nhiều người cũng cần được uống thuốc do bác sĩ chuyên môn cho toa, nhất là trong những trường hợp mà chúng ta đã bó tay. Vì Chúa sử dụng hết tất cả những phưong tiện đó để bày tỏ tình yêu và quyền năng của Ngài cho họ.
Dĩ nhiên Chúa Cứu Thế đến thế gian không phải chỉ để chết thay cho tội lỗi chúng ta, mà Ngài cũng chữa lành bệnh tật và ban cho chúng ta một đời sống sung mãn. Nhiều lúc Ngài cho chúng ta trãi qua những thử thách, khó khăn để chúng ta kinh nghiệm được sự hiện diện và sự gần gũi của Ngài trong đời sống. Nhưng không phải người nào cũng có đủ trình độ để chịu nỗi, vì cớ đó trong hoàn cảnh khó khăn như hiện tại thì đây là cơ hội cho những người trưởng thành và hiểu biết Lời Chúa cần thêm ơn để giúp đỡ cho anh em yếu đuối hơn mình. Nếu chúng ta thiếu ơn Chúa, thiếu quan tâm, thiếu cầu nguyện, và thốt lên những lời thiếu suy nghĩ thì sẽ đẩy người đang bị trầm cảm vào con đường cùng và tự sát như đã từng xảy ra!
Chúng ta cần ý thức về bệnh tâm thần trong hội thánh. Đừng lên án những người đó là thiếu đức tin nơi Chúa hoặc không cố gắng. Có thể không phải họ thiếu đức tin, nhưng họ đang bị THIẾU NHỮNG HÓA CHẤT thiên nhiên nào đó trong não bộ nên không thể suy nghĩ như lúc bình thường! Nhiều người đã hết sức cố gắng vương lên nhưng vẫn đang cảm thấy tuyệt vọng! Đừng thắc mắc tại sao họ không nghe theo lời khuyên của mình mà cứ hồi hộp, lo lắng, hay trầm cảm. Thà tìm cách nào đó để an ủi và giúp đỡ họ cách tích cực thì tốt hơn, thay vì làm cho họ thêm mặc cảm, xấu hổ, và cảm thấy mình là người không bình thường.
Bên Mỹ, có nhiều Mục sư và lãnh đạo Hội Thánh không biết làm gì mà còn khuyên cha mẹ đừng cho con mình dùng thuốc mà bác sĩ đã cho toa. Kết cuộc là con của họ đã tự sát trong sự hối tiếc và đau lòng của nhiều người.
Mục sư Rick Warren có một đứa con trai đã tự sát cách đây vài năm vì chứng trầm cảm kinh niên, trong khi cậu nầy có cuộc sống đầy đủ và cha mẹ cũng là người khôn ngoan hết lòng giúp đỡ! Sau khi đứa con qua đời, ông bà nghe đủ thứ lời trách móc và vu oan nặng nề. Ông bà vô cùng đau lòng vì mất đứa con yêu dấu lại thêm nãn lòng trước những lời thiếu yêu thương của nhiều người. Nhưng họ không có gì hối hận vì đã làm hết bổn phận cha mẹ của mình. Để mọi người hiểu biết và quan tâm đến những người có chứng trầm cảm và bệnh tâm thần, Mục sư Rick Warren đã bỏ ra một ngân quỹ rất lớn để lập Mục vụ Sức Khoẻ Tâm Thần, tổ chức những đại hội, và phổ biến những thông tin cần thiết hầu giúp cho các tôi con Chúa hiểu rõ về bệnh nầy. Từ đó, nhiều người đã giảm bớt cái nhìn tiêu cực, biết giúp đỡ cách tích cực hơn cho những người bị bệnh tâm thần và trầm cảm trong hội thánh tiếp tục sống cách hữu ích cho Nhà Chúa. Dù vậy, trong Hội Thánh, vẫn còn có rất nhiều người nghĩ rằng chứng hồi hộp, trầm cảm là tội lỗi và vì những người đó “thiếu đức tin” nơi Chúa.
Là Cơ đốc nhân, chúng ta có thể dùng Lời Chúa trong Thi Thiên hoặc nhiều câu Kinh Thánh khác để khích lệ những người đang bối rối và bị trầm cảm, như câu: “Vì Đức Chúa Trời không ban cho chúng ta tinh thần nhút nhát, nhưng tinh thần mạnh mẽ, có tình yêu thương và tự chủ” (2Timôthê 1:7). “Đức Chúa Trời ban mọi ơn đã gọi anh em đến sự vinh hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christ, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng, và thêm sức cho.” (1Phierơ 5:10). Tuy nhiên, không nên dùng Lời Chúa để lên án, gieo nghi ngờ cho những người đang chiến đấu cách mệt mỏi với những nan đề trong đời sống họ, hoặc với chứng bệnh trong não bộ của họ. Chúng ta không nên nghĩ rằng nan đề nầy rất đơn giản và dễ giải quyết.
Những chứng bệnh tâm thần có ảnh hưởng đến con người toàn diện. Đừng chỉ tập trung vào ảnh hưởng của bệnh nầy trên đời sống thuộc linh, nhưng cũng hãy chăm sóc và quan tâm đến ảnh hưởng của nó trên con người toàn diện – tâm linh, tâm trí, và thể xác.
Phần TÂM LINH sẽ được lành mạnh hơn khi họ được sinh hoạt, thông công với cộng đồng hội thánh, được học hỏi Lời Chúa, và được cầu thay bởi mục sư và anh em trong hội thánh.
Phần TÂM TRÍ sẽ được sáng suốt hơn, mạnh mẽ hơn khi được nuôi dưỡng, được khích lệ bởi những lời khuyên đầy thông cảm và tích cực từ những người có ơn, được nghe những bài giảng và thông công với anh em mình qua những buổi học hỏi Lời Chúa thường xuyên.
Phần THỂ XÁC cũng được khoẻ mạnh hơn khi họ được ngủ nghỉ đầy đủ, dùng thức ăn đầy dinh dưỡng, dùng thuốc bổ, và thể dục đều đặn. Họ cũng cần thay đổi những gì phải thay đổi trong đời sống, như là tránh xa những người tiêu cực. Trong nhiều trường hợp họ phải cần gặp những tâm lý gia chuyên môn hoặc bác sĩ tâm lý để được uống thuốc.
Chúa Cứu Thế đã đến để chịu chết vì tội lỗi chúng ta. Ngài cũng đã phục sinh để chúng ta được có cuộc sống sung mãn, chẳng những trong đời sau nhưng cũng trong đời tạm nầy. Là anh em cùng một đại gia đình thuộc linh, ngày nào chúng ta còn sống trên đời nầy thì mỗi người phải biết mình có trách nhiệm chăm sóc và nâng đỡ anh em mình bằng tình yêu Agapé. Hầu cho không ai cảm thấy bị xét đoán vì bệnh tâm thần, mọi người kinh nghiệm được sự bình an phước hạnh mà Đức Chúa Trời hứa ban cho con cái Ngài.
✅ Cầu xin Chúa giúp cho chúng ta có tình yêu thương để quan tâm cách thành thật đến những anh em còn yếu đuối trong tâm thần lẫn đức tin, giúp họ đứng vững trước hoàn cảnh đầy thách thức và khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 như hiện tại. Amen.