Trong những chương cuối cùng của Kinh Thánh, Đức Chúa Trời bày tỏ một điều huyền nhiệm: Ba-by-lôn lớn. Đó là kết quả của sự sa ngã của dân Đức Chúa Trời. Đồng thời Giê-ru-sa-lem trên trời cũng là sự hoàn tất của kế hoạch Đức Chúa Trời. Hai thành này có liên quan gì với chúng ta hôm nay? Chúng ta đang xây gì và xây như thế nào?
Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ mà Chúa Giê-su sắp trở lại. Kinh Thánh nói rất rõ là Chúa Giê-su không chỉ đến cách đây khoảng 2000 năm mà Ngài sẽ trở lại để thiết lập vương quốc của Ngài trên trái đất. Mặc dù Kinh Thánh không cho biết chính xác khi nào Ngài trở lại, nhưng Kinh Thánh cũng cho chúng ta rất nhiều dấu hiệu chứng tỏ rằng Chúa Giê-su thực sự sắp trở lại.
Khi Chúa trở lại, tình trạng của Cơ Đốc nhân chúng ta hiện nay rất quan trọng đối với Ngài. Có một quan niệm được phổ biến rộng rãi là tất cả các tín đồ chỉ cần chờ đợi rồi sau này tất cả sẽ được lên thiên đàng. Tuy nhiên, Kinh Thánh tuyệt đối không nói điều này. Kinh Thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời muốn mang vương quốc của Ngài xuống trái đất. Khi Chúa Giê-su trở lại, tất cả Cơ Đốc nhân phải trình diện trước tòa án của Đấng Christ. Lúc đó, tình trạng chúng ta hiện nay như thế nào sẽ mang tính quyết định. Do đó, chúng tôi muốn chia sẻ về đề tài này.
Trong bài này, chúng tôi sử dụng một tài liệu duy nhất là Kinh Thánh. Chúng ta không cần tài liệu nào khác vì Kinh Thánh là một quyển sách rất đặc biệt. Kinh Thánh không chỉ là một quyển sách để cung cấp thông tin mà Kinh Thánh là lời sống của Đức Chúa Trời. Đây thực sự là lời sống và linh nghiệm vì ẩn đằng sau đó là Đức Chúa Trời hằng sống. Chúng ta đừng xem buổi thuyết trình này như một buổi cung cấp thông tin mà chúng ta hãy để chính Đức Chúa Trời phán với chúng ta qua lời của Ngài. Vì thế trước khi bắt đầu, tôi muốn cầu nguyện để Đức Chúa Trời phán với chúng ta tối nay: “Lạy Đức Chúa Trời là Cha, chúng con cầu xin Cha ban cho chúng con một tấm lòng trong sạch để có thể tiếp thu tốt lời của Cha. Chúng con xin Cha ban cho chúng con khải thị và mở mắt lòng của chúng con, để Cha có thể phán rõ ràng với chúng con và để chúng con nhận ra được ý muốn của Cha hôm nay. Xin Cha hãy chúc phước cho bài này và cho tất cả những người nghe. Xin hãy hiện ra với chúng con và hãy tác động lời Cha đến chúng con. Amen!”
Để bắt đầu, tôi muốn chia sẻ vài điều về sách Khải Huyền, sách cuối cùng của Kinh Thánh. Câu đầu tiên của sách này rất thú vị. Chúng ta hãy đọc Khải Huyền 1:1 “Mặc khải của Giê-su Christ, mà Ðức Chúa Trời đã ban cho Ngài, để tỏ ra cho các đầy tớ Ngài biết những điều sắp xảy đến”. Kế đó là một lời đề nghị rất tuyệt vời: “Phước cho người đọc và những người nghe những lời tiên tri này, và vâng giữ những điều đã chép trong đó, vì thì giờ đã gần rồi” (câu 3). Nhiều Cơ Đốc nhân không đọc sách Khải Huyền vì họ nghĩ sách này toàn những điểu huyền nhiệm, có đọc cũng không hiểu được. Người ta xem sách này như quyển sách có bảy ấn. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời lại nói về sách Khải Huyền rằng: Nếu ai đọc thì sẽ được phước. Cho nên chúng ta nên đọc sách này. Dĩ nhiên nếu không đọc thì chúng ta sẽ không hiểu những điều mà Đức Chúa Trời muốn bày tỏ cho chúng ta. Vì thế, Đức Chúa Trời muốn đặt quyển sách này vào lòng chúng ta, muốn chúng ta tiếp nhận những lời trong đó cách nghiêm túc và gìn giữ những lời tiên tri này. Sách này vô cùng quan trọng đối với chúng ta hôm nay vì thì giờ đã gần rồi. Qua sách này, Chúa Giê-su Christ muốn bày tỏ cho chúng ta biết những điều sắp xảy đến. Do đó, chúng ta phải gìn giữ những lời này.
Sau đó, Chúa nói với sứ đồ Giăng: “Nguyền xin ân điển và sự bình an ban cho anh em từ nơi Đấng Hiên Có, Đã Có, và Sắp Đến, cùng từ nơi bảy Linh ở trước ngai Ngài, và từ nơi Giê-su Christ là chứng nhân trung tín, Đấng sinh trước nhất từ những kẻ chết và là Chúa của các vua trên đất!” (câu 4-5). Quyển sách này thực sự liên quan đến Giê-su Christ và các nhận xét của Ngài về các Hội Thánh thông qua ba chương đầu. Chúa sẽ phán xét dân Chúa và Hội Thánh của Ngài thông qua điều mà Ngài thấy. Sau đó, Giăng nói tiếp về Giê-su Christ “…Đấng yêu thương chúng ta đã lấy huyết mình giải thoát chúng ta khỏi những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta trở nên các vua và các thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, là Cha Ngài” (5-6). Điều này thật tuyệt vời! Qua Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời đã bày tỏ tình yêu của Ngài dành cho loài người chúng ta. Ngay từ lúc sinh ra, chúng ta đã là những tội nhân, bị chia cắt với Đức Chúa Trời. Tội lỗi chia cắt chúng ta với Đức Chúa Trời và cản trở chúng ta có mối quan hệ gần gũi với Ngài. Tuy nhiên, vì Đức Chúa Trời yêu thương loài người chúng ta rất nhiều, đến nỗi Ngài đã trở thành người trong Giê-su Christ. Và người Giê-su này đã sống một cuộc đời trọn vẹn và đã chết để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Điều này vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, nếu hôm nay những ai chưa tin tiếp nhận Chúa Giê-su thì chúng tôi khích lệ người đó hãy làm. Chỉ bởi đức tin nơi Chúa Giê-su và bởi báp-tem vào trong Ngài, con người mới được cứu rỗi, được cứu khỏi tội lỗi, khỏi sự xa cách Đức Chúa Trời và khỏi sự phán xét đời đời. Khi ngày phán xét của Ngài đến, những ai không có Chúa Giê-su sẽ bị hư mất đời đời. Kinh Thánh nói điều này rất rõ. Nhưng Đức Chúa Trời đã chuẩn bị tất cả, chúng ta chỉ cần tin Chúa Giê-su và tiếp nhận Ngài để được cứu.
Tuy nhiên, điều này chỉ là bước đầu tiên trong chương trình của Đức Chúa Trời. Tiếc rằng, nhiều tín đồ chỉ dừng lại ở điểm này. Sự tha thứ tội lỗi, sự cứu chuộc dĩ nhiên là rất quý vì chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và có thể đến với Đức Chúa Trời. Nhưng đó chỉ là bắt đầu. Phần hai trong câu Kinh Thánh ở trên nói rằng Đức Chúa Trời đã định cho chúng ta trở thành các vua và các thầy tế lễ. Đây là sự kêu gọi rất cao của Đức Chúa Trời đối với Cơ Đốc nhân chúng ta. Sau đó Kinh Thánh nói tiếp: “Kìa, Ngài đến với các đám mây. Mọi mắt sẽ nhìn thấy Ngài”. Ngay từ đầu, sách Khải Huyền đã nói rất rõ là Chúa Giê-su sẽ trở lại và mọi người sẽ thấy Ngài. Nên chúng ta phải chuẩn bị cho điều này.
Bây giờ chúng ta đi đến phần cuối của sách này và cũng là phần cuối của cả Kinh Thánh. Trước tiên, chúng ta cần ý thức điều này: nếu Đức Chúa Trời ban lời của Ngài thì chắc chắn trong những trang cuối cùng, Ngài sẽ nhấn mạnh và tóm tắt những điều cốt lõi. Vì vậy, hiểu được những gì ở cuối Kinh Thánh là điều quan trọng đối với chúng ta. Bài này chia sẻ về chương 17 và chương 21.
Trong chương 17, một trong bảy thiên sứ có bảy bát đến nói với Giăng: “Hãy đến đây, ta sẽ chỉ cho ngươi sự phán xét dành cho con điếm lớn…Thiên sứ ấy đem tôi trong Linh vào một hoang mạc. Và tôi thấy một người đàn bà,… Trên trán nó có ghi một cái tên: sự mầu nhiệm, Ba-by-lôn lớn, mẹ của các con điếm và của các sự gớm ghiếc trên đất” (câu 1-5). Ở đây Giăng thấy một con điếm lớn có tên là Ba-by-lôn, là tên của một thành phố. Như vậy chúng ta gọi khải thị thứ nhất là Ba-by-lôn, mẹ của các con điếm.
Trong chương 21, Giăng thấy một điều khác. Cấu trúc câu trong đó cũng khá giống với những câu ở trên. Một trong bảy thiên sứ có bảy bát lại đến với Giăng và cũng nói: “Hãy đến đây, ta sẽ chỉ cho ngươi Cô Dâu, là vợ của Chiên Con. Rồi thiên sứ ấy mang tôi đi trong Linh đến một ngọn núi lớn và cao, rồi chỉ cho tôi thành thánh Giê-ru-sa-lem từ Ðức Chúa Trời, từ trời mà xuống, có vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Khải Huyền 21:9-11). Như vậy chúng ta gọi khải thị thứ hai là Giê-ru-sa-lem, cô dâu của Chiên Con.
Như vậy, ở cuối Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã cho Giăng thấy hai người đàn bà. Một người thì Đức Chúa Trời gọi là con điếm, còn người kia là Cô Dâu, vợ của Chiên Con. Cả hai đều được gọi bằng tên của thành phố. Thành phố đầu là Ba-by-lôn, là thành lớn. Còn thành phố thứ hai là Giê-ru-sa-lem, được gọi là thành thánh. Ở đây Đức Chúa Trời muốn bày tỏ cho chúng ta hai điều. Chúng có liên quan với nhau, vì cấu trúc câu ở đây khá giống nhau.
Đầu tiên, chúng ta phải nhận ra được rằng cả hai người đàn bà này đều liên quan đến dân Chúa. Ba-by-lôn, con điếm lớn, không phải là người không tin Chúa, mà cả Giê-ru-sa-lem lẫn Ba-by-lôn đều nói đến dân Chúa. Trong toàn Kinh Thánh, Đức Chúa Trời xem dân Ngài, những người mà Ngài chọn, là vợ của Ngài. Ví dụ, trong sách tiên tri Ê-sai, khoảng 700 năm trước khi Chúa đến, Đức Chúa Trời phán: “Vì Ðấng tạo thành ngươi là chồng ngươi; danh Ngài là Chúa của các đạo quân” (Ê-sai 54:5). Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã chon dân Israel làm dân Ngài. Nhưng dân Chúa không chỉ như những người tin Ngài, mà Chúa phán rằng Ngài là chồng của họ. Ê-sai cũng nói họ là cô dâu của Đức Chúa Trời, còn Ngài, Đấng tạo thành họ, muốn kết hôn với họ. Chúa dùng từ “cô dâu” và “chú rể” ở đây. Tại sao Đức Chúa Trời gọi dân Ngài là vợ? Điều này nói lên mối quan hệ mà Đức Chúa Trời muốn có với loài người chúng ta. Đức Chúa Trời không chỉ muốn Ngài là Đức Chúa Trời của chúng ta, mà Ngài muốn có một mối quan hệ sâu sắc với loài người chúng ta, như giữa cô dâu và chú rể. Đó chính là mục tiêu của Đức Chúa Trời. Cô dâu và chú rể không chỉ là một quan hệ mà còn có liên quan đến hôn lễ. Khải Huyền 21 giới thiệu cô dâu vì cuối Kinh Thánh là một hôn lễ. Đức Chúa Trời muốn cưới dân Ngài. Trong thời Tân Ước, dân Ngài không chỉ là dân Israel mà trong thư 2.Cô-rinh-tô, Phao-lô viết cho các Cơ Đốc nhân “tôi đã đính hôn anh em cho một người chồng, dâng anh em như người trinh nữ tinh sạch cho Đấng Christ” (2.Cô-rinh-tô 11:2). Phao-lô muốn đính hôn những Cơ Đốc nhân với Đấng Christ. Sự đính hôn sẽ đi đến hôn lễ. Toàn bộ Kinh Thánh cho thấy là Đức Chúa Trời muốn cưới dân Ngài. Như vậy cụm từ “người đàn bà” có liên quan đến dân Đức Chúa Trời.
Nhưng tại sao dân Đức Chúa Trời lại trở thành con điếm? Kinh Thánh nói đến điều này rất rõ: “Như một người đàn bà không chung thủy với chồng mình thế nào thì các ngươi cũng không trung tín với Ta như vậy” (Giê-rê-mi 3:20). Trong Ê-sai 1, Chúa còn nói rõ hơn nữa “Ôi, thành trung tín xưa kia sao nay đã trở thành một con điếm!” (Ê-sai 1:21). Còn trong sách Khải Huyền, Chúa phải nói với các tín đồ thời Tân Ước từ rất sớm rằng “Nhưng Ta có điều trách ngươi, là ngươi đã bỏ tình yêu ban đầu” (Khải Huyền 2:4). Qua đó có thể thấy một sự phát triển. Đức Chúa Trời đã chọn một dân cho Ngài. Nếu chúng ta tin Chúa Giê-su thì chúng ta cũng thuộc về dân Ngài. Sau đó, Đức Chúa Trời muốn cưới dân Ngài và cũng muốn dân Ngài cũng trung thành với Ngài hoàn toàn. Tuy nhiên, dân Israel và các Cơ Đốc nhân đã bất trung với Chúa. Dân Israel đã thờ các thần khác và chạy theo các thần tượng. Đáng lẽ họ phải là một dân thánh, được biệt riêng cho Đức Chúa Trời và chỉ thuộc về Ngài thôi. Nhưng họ đã trộn lẫn với các nước xung quanh và đã phục vụ các thần tượng của chúng, dù đó chỉ là các hình tượng câm điếc. Như vậy, dân của Đức Chúa Trời đã từ cô dâu mà trở thành con điếm. Điều này phải cho chúng ta thấy rằng con điếm lớn Ba-by-lôn này không nói đến những người không tin Chúa mà nói đến những tín đồ đã trở nên bất trung với Đức Chúa Trời. Như vậy Ba-by-lôn có liên quan đến các Cơ Đốc nhân chúng ta ngày nay.
Trong bài này, chúng ta sẽ thấy có một câu hỏi mang tính quyết định là chúng ta thuộc về Ba-by-lôn, con điếm lớn, hay thuộc về Giê-ru-sa-lem, Cô Dâu?
Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời đã chọn Giê-ru-sa-lem làm nơi ở của Ngài, để Ngài có thể ở giữa dân Ngài. Trong Thi Thiên 132, “Vì CHÚA đã chọn Si-ôn [Giê-ru-sa-lem]; Ngài ước Si-ôn làm nơi ở của Ngài” (câu 13). Si-ôn này ở thành Giê-ru-sa-lem. Điều này nói lên rằng dù Đức Chúa Trời toàn năng có thể ở khắp nơi, nhưng Ngài muốn có một nơi để Ngài có thể ở giữa dân Ngài và có thể gần gũi họ. Đó cũng là nơi mà Ngài có được sự biểu lộ hay một lời chứng ở trên đất, và đó cũng là nơi mà Ngài có thể trị vì. Hình ảnh này cũng quan trọng đối với chúng ta ngày nay. Tác giả của sách Hê-bơ-rơ viết cho các tín đồ gốc Do Thái trong thời Tân Ước rằng họ đã đến núi Si-ôn, đến thành của Ðức Chúa Trời hằng sống (xem Hê-bơ-rơ 12:22). Câu này không nói đến Giê-ru-sa-lem trên đất ở nước Israel mà nói đến Giê-ru-sa-lem trên trời. Và câu sau đó cho biết Giê-ru-sa-lem trên trời này chính là Hội Thánh. Như vậy Hội Thánh không phải là một cái hội hay một tổ chức nào đó. Đối với Đức Chúa Trời, Hội Thánh phải là thành Giê-ru-sa-lem trên trời, là nơi mà Ngài có thể ở và trị vì, và là nơi mà Ngài được biểu lộ.