Chúng ta hãy lấy con bò làm ví dụ để xem xét điều này. Một con bò đi đến máng ăn 30 đến 60 lần một ngày và ăn khoảng 70 kg cỏ. Đầu tiên, nó chỉ ăn cỏ vào và hầu như không nhai, bởi vì con bò không có răng cửa ở trên. Thức ăn được nuốt bằng nước bọt rồi đi vào dạ cỏ, là một trong bốn dạ dày của con bò. Dạ cỏ có thể tích từ 150 đến 180 lít, chiếm gần như toàn bộ khoang bụng bên trái, là một buồng lên men rất lớn. Hàng tỷ vi khuẩn cư trú trong dạ cỏ để tạo ra axít. Axít sẽ tiêu hóa thức ăn và phân hủy các thành phần đơn giản như đường. Sau khi bò đã ăn xong, nó nằm nghỉ khoảng 10 đến 14 tiếng mỗi ngày để nhai lại phần lớn thức ăn. 200 lít nước bọt được hình thành mỗi ngày để chuyển thức ăn từ dạ cỏ trở lại vào miệng một lần nữa. Con bò lại nhai một thời gian dài và rồi nuốt thức ăn vào dạ dày thứ hai là dạ tổ ong. Dạ tổ ong co bóp, lọc thức ăn và chuyển những thức ăn đã bị phân hủy vào ngăn dạ dày tiếp theo là dạ lá sách, có nhiệm vụ hấp thu nước và chất dinh dưỡng. Ở đây cũng có các vi sinh vật để phân hủy thức ăn còn to. Cuối cùng là dạ múi kế. Thức ăn trong dạ múi khế được tiêu hóa giống như trong dạ dày người. Sau đó, thức ăn đi vào ruột.
Điều này có nghĩa gì đối với tín đồ chúng ta trong thời Tân Ước? Ngay cả chúng ta cũng phải học để tiêu hóa thức ăn thuộc linh theo cách đúng đắn. Cách chúng ta đến với lời Đức Chúa Trời là điều vô cùng quan trọng. Cũng như con bò, chúng ta cũng cần phải đọc Lời Chúa nhiều lần trong ngày để hấp thu Lời vào trong chúng ta (con bò làm điều này 30 đến 60 lần một ngày). Đầu tiên Lời Chúa đã đọc sẽ đi vào trong lý trí của chúng ta. Thường thì ở đó nó chỉ được lưu trong trí nhớ ngắn hạn, không được lưu dài hạn. Ngoài ra, Lời Chúa sẽ không tự động đi vào lòng của chúng ta và không sống trong đó. Nhưng Phao-lô nói rằng: “Hãy để lời của Đấng Christ sống đầy dẫy trong lòng anh em” (Cô-lô-se 3:16). Vì thế, đó là điều quan trọng để chúng ta dành thời gian để đọc Lời Chúa và nhai nuốt từng câu một. Chúng ta có thể đọc đi đọc lại vài câu Kinh Thánh, đồng thời kết hợp với cầu nguyện để tìm kiếm Chúa nghiêm túc qua những câu Kinh Thánh đó. Mỗi lần chúng ta ăn Lời Chúa như vậy, Thánh Linh sẽ tác động vào trong chúng ta một cách mới mẻ. Ngài sẽ ban cho chúng ta khải thị về Lời Đức Chúa Trời và sẽ soi sáng trong lòng chúng ta. Các anh em trong Chúa cũng có thể giúp đỡ chúng ta. Chúng ta có thể khích lệ lẫn nhau đọc Lời Chúa nhiều hơn, cầu nguyện nhiều hơn, và hơn tất cả là nhai lại nhiều hơn. Nếu chúng ta đến với lời hằng sống của Đức Chúa Trời càng nhiều, thực sự tiếp thu Lời, và áp dụng vào trong đời sống hằng ngày, cũng như kinh nghiệm Chúa Giê-su là các của lễ và các lễ, thì Lời Chúa ngày càng được tiêu hóa trong chúng ta và sẽ được chuyển đi tiếp đến các “dạ dày thuộc linh” khác. Qua cách này, Lời Chúa sẽ tác động trong chúng ta, chúng ta làm theo và sẽ tăng trưởng trong đức tin. Sau đó, Lời Chúa sẽ ở cùng chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, sẽ cứu chúng ta, chữa lành và dạy dỗ chúng ta: “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời hà hơi soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và dạy dỗ trong sự công bình, để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và được trang bị sẵn sàng cho mọi việc lành” (2.Ti-mô-thê 3:16-17).
(Sưu tầm và dịch)