Kinh Thánh, Lời của Đức Chúa Trời, tường thuật toàn bộ lịch sử của dân Chúa để chúng ta không lặp lại sai lầm giống họ. So với dân Y-sơ-ra-ên thì Cơ Đốc nhân chúng ta ngày nay cũng không tốt hơn, vì toàn bộ loài người đều sa ngã. Vì thế, Phao-lô đã dùng kinh nghiệm của dân Y-sơ-ra-ên để cảnh báo chúng ta (xem 1.Cô-rinh-tô 10:6,7). Nếu hôm nay chúng ta muốn lớn lên trong đức tin, chúng ta phải học từ những sai lầm của họ. Câu chuyện về “Y-ca-bốt” là một bài học rất quan trọng đối với chúng ta.
Sau khi Đức Chúa Trời dẫn dân Ngài ra khỏi Ai Cập, Ngài muốn ngự ở giữa dân Ngài. Môi-se đã làm Đền Tạm theo như lời Đức Chúa Trời đã phán: “Ta sẽ lập chỗ ở Ta giữa các ngươi… Ta sẽ đi giữa các ngươi, và các ngươi sẽ làm dân Ta” (Lê-vi Ký 26:11-12). Khi Đền Tạm được hoàn thành, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã đi vào Đền Tạm. Đức Chúa Trời ở giữa dân Ngài.
Dời Đền Tạm ra khỏi doanh trại
Đáng tiếc là không lâu sau đó, dân Chúa đã sa ngã, họ đã thờ con bò vàng. Mặc dù những người Y-sơ-ra-ên đã trải nghiệm được sự giải thoát khỏi Ai Cập và tất cả phép lạ mà Đức Chúa Trời đã làm, nhưng họ không trung tín. Đức Chúa Trời đã phản ứng ra sao? Ngài dọn đi chỗ khác. Ngài không thể nào tiếp tục sống giữa dân Ngài nữa. Vì thế Ngài ra lệnh cho Môi-se không dựng Đền Tạm ở giữa dân Ngài nữa, mà phải dựng Đền Tạm ở ngoài doanh trại (xem Xuất Ai Cập Ký 33:1-11). Vì Đức Chúa Trời thánh khiết, Ngài không thể chịu đựng được những gì dân Ngài làm, cho nên Ngài phải biệt riêng mình ra. Từ đó, nếu ai muốn gặp Đức Chúa Trời thì phải phải đến Đền Tạm ở bên ngoài doanh trại.
Đức Chúa Trời lìa bỏ nhà của Ngài lần đầu tiên
Khi dân Y-sơ-ra-ên vào miền đất hứa Ca-na-an, họ dựng Đền Tạm ở Si-lô. Theo thời gian, dân Chúa ngày càng xa cách Ngài, đến nỗi chỉ có ít người quan tâm đến Đền Tạm, là nơi ngự của Đức Chúa Trời. Vào thời tiên tri Sa-mu-ên, chức tế lễ bị thoa hóa hoàn toàn. Đức Chúa Trời rất tức giận về điều đó. Ngài không thể nào chịu đựng dân Ngài được nữa (xem 1.Sa-mu-ên 2:22-36). Khi Đức Chúa Trời để cho Phi-li-tin tấn công người Y-sơ-ra-ên, dân Ngài có ý tưởng mang hòm giao ước ra trận để chiến thắng (1 Sa-mu-ên 4). Họ nghĩ nếu hòm giao ước cùng ra trận với họ thì Đức Chúa Trời sẽ ở cùng, nên họ chắc chắn sẽ chiến thắng. Nhưng cuối cùng họ lại bị người Phi-li-tin đánh bại, còn các thầy tế lễ bị sát hại. Thậm chí hòm giao ước bị rơi vào tay người Phi-li-tin!
Có phải người Phi-li-tin mạnh đến nỗi chiếm đoạt được hòm giao ước không? Hay người Y-sơ-ra-ên đã thất bại trong việc gìn giữ hòm giao ước? Thi Thiên 78 nói về điều này: “Họ chọc giận Ngài vì các nơi cao, khiến Ngài nổi giận vì những tượng chạm. Nghe điều ấy, Đức Chúa Trời nổi giận; Ngài nhất quyết từ bỏ Y-sơ-ra-ên. Ngài lìa bỏ Đền Tạm tại Si-lô, tức là lều trại, nơi Ngài ngự giữa loài người; Sức lực Ngài [có nghĩa là hòm giao ước] bị phó cho lưu đày, vinh hiển Ngài bị giao vào tay kẻ thù” (Thi Thiên 78:58-61). Như vậy, Đức Chúa Trời đã cố ý đi theo dân Phi-li-tin. Ngài đã quá chán ngán với cái dân bội nghịch nên đã lìa bỏ nhà của Ngài.
Y-ca-bốt và Hội Thánh trong thời Tân Ước
Khi vợ của thầy tế lễ Phi-nê-a hay tin thì nàng sinh một người con trai. “Nàng đặt tên cho đứa trẻ là Y-ca-bốt, vì nàng nói: Sự vinh hiển đã lìa khỏi Y-sơ-ra-ên!; nàng ngụ ý về việc mất Hòm Giao Ước của Đức Chúa Trời” (1.Sa-mu-ên 4:21). Cái tên Y-ca-bốt có nghĩa là không có sự vinh hiển.
Điều này có liên quan gì đến chúng ta? Trong thời Tân Ước, không có Đền Tạm bằng vật chất nữa, mà Hội Thánh là nhà của Đức Chúa Trời trong Linh (xem Ê-phê-sô 2:22; 1.Phi-e-rơ 2:5; 1.Ti-mô-thê 3:15). Như thế, tất cả những gì mà người ta gọi là Hội Thánh đều là nhà của Đức Chúa Trời hay sao? Đức Chúa Trời có công nhận tất cả các nhóm Cơ Đốc là Hội Thánh của Ngài không? Khi xưa, người Do Thái thờ Đức Chúa Trời, họ có Lời của Ngài và có Đền Tạm. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không nhìn vào những điều ở bên ngoài. Ngài đã lìa bỏ vì tình trạng của Hội Thánh. Ở đây không liên quan đến sự hiện diện chung chung của Đức Chúa Trời, mà liên quan đến sự vinh hiển Ngài, đến lời phán sống động của Ngài và sự xác nhận về nơi ngự của Ngài. Nếu những điều này không còn nữa thì tình trạng thuộc linh sẽ đi xuống. Nguyên lý của Y-ca-bốt cho thấy là sự vinh hiển của Chúa có thể không còn ở trong Hội Thánh nữa. Mà nó phụ thuộc vào tình trạng của Hội Thánh! Ngay cả khi Hội Thánh trước kia đã từng vinh hiển, tuy nhiên người ta không thể giữ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Người ta vẫn tiếp tục giữ lễ thờ phượng, nhưng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời không còn ở đó nữa.
Nếu Đền Tạm không có hòm giao ước thì nó chỉ là một cái lều trống rỗng. Mặc dù Lều được làm từ vàng và nhiều vật liệu quý, nhưng Đền Tạm mất hết giá trị vì bị thiếu điều quý giá nhất, nghĩa là thiếu Đức Chúa Trời. Tuy vậy, dân Chúa vẫn tiếp tục đến Si-lô để tìm kiếm Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài! Mặc dù Đức Chúa Trời không còn ở đó nữa, nhưng họ vẫn nghĩ Đền Tạm vẫn là nhà của Đức Chúa Trời. Nhưng, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã lìa bỏ nơi đó rồi.
Hôm nay chúng ta phải học từ điều này. Cơ Đốc nhân chúng ta quan trọng điều nào? Chúng ta tìm nơi có lễ thờ phượng tốt, có nếp sống Hội Thánh tốt, có bài giảng hay, có nhiều bạn bè và truyền thống… Nhưng chúng ta có bao giờ hỏi rằng Đức Chúa Trời có ở đó hay không? Có lẽ ở đó có nhiều bài giảng hay, đúng với Kinh Thánh, nhưng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời có còn ở đó hay không? Đối với Đức Chúa Trời thì tình trạng thuộc linh của chúng ta quan trọng hơn mọi điều khác.
Lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên được ghi lại trong Kinh Thánh để chúng ta ngày nay học từ bài học của họ. Khi chức tế lễ và tình trạng của dân Đức Chúa Trời trong 1.Sa-mu-ên 2 bị tha hóa hoàn toàn, Đức Chúa Trời không thể chịu đựng được nữa nên Ngài đã lìa bỏ nhà của Ngài. Sự vinh hiển của Ngài đã lìa khỏi Đền Tạm. Câu chuyện “Y-ca-bốt” (có nghĩa là: không có sự vinh hiển; xem 1.Sa-mu-ên 4) cho thấy rằng Đức Chúa Trời xem trọng tình trạng Hội Thánh của Ngài nhiều hơn là bài giảng tốt hay nếp sống Hội Thánh dễ chịu.
Đức Chúa Trời lìa bỏ nhà của Ngài lần thứ hai
Không lâu sau thời tiên tri Sa-mu-ên, nước Y-sơ-ra-ên đạt đến thời hoàng kim dưới triều đại của vua Đa-vít. Tiếc rằng tình trạng này không kéo dài được lâu. Sau đó, dân Y-sơ-ra-ên lại bị tụt dốc. Đầu tiên, vua Sa-lô-môn, con vua Đa-vít, đã xây đền thờ cho Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sau đó ông cũng lập các nơi thờ phượng cho các thần của dân ngoại. Trong các thế hệ tiếp theo, đền thờ (nhà của Đức Chúa Trời) dần dần trở thành một nơi thờ thần tượng. Tiên tri Ê-xê-chi-ên đã mô tả cảnh các thầy tế lễ, các vua và cả dân Chúa đã thờ các thần tượng của họ trong đền thờ như thế nào (xem Ê-xê-chi-ên 8). Đức Chúa Trời không bao giờ chấp nhận việc người ta thờ thần tượng trong nhà Ngài. Vì thế, Ê-xê-chi-ên cũng quan sát được sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã lìa bỏ đền thờ ra sao (xem Ê-xê-chi-ên 11:22-25).
Lần này, Đức Chúa Trời không chỉ đi ra ngoài mà Ngài còn dùng vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa để thi hành sự phán xét của Ngài. Đức Chúa Trời không muốn để cho nhà của mình bị phá hủy, nhưng Ngài không có sự lựa chọn. Nếu nhà có nhiều gián và chuột thì chính chúng ta cũng không muốn ở! Đức Chúa Trời cũng không muốn sống trong một tình trạng như vậy. Khi dân Y-sơ-ra-ên đi trong sa mạc, Đức Chúa Trời đã ra khỏi trại quân. Ở Si-lô, Ngài đã bỏ lều tạm. Còn bây giờ, cả sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã lìa khỏi đền thờ!
Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ở trong Hội Thánh
Cũng như lều tạm và đền thờ chứa đựng hòm giao ước, Hội Thánh ngày nay cũng phải là sự đầy dẫy của Đấng Christ. Hòm giao ước trong thời Cựu Ước chính là hình bóng của Đấng Christ trong thời Tân Ước. Đức Chúa Trời muốn có một Hội Thánh vinh hiển, thánh khiết, không tì vết để Ngài có thể sống ở giữa loài người (xem Ê-phê-sô 3:19; 5:27).
Sự khởi đầu của Hội Thánh trong sách Công Vụ thật vinh hiển vì Đức Chúa Trời đã sống giữa họ và Ngài tác động. Tuy nhiên, các thư kế tiếp thường thuật rằng tất cả Hội Thánh ở vùng Tiểu Á đã quay lưng lại (xem 2.Ti-mô-thê 1:15). Dù Chúa đã nhiều lần kêu gọi ăn năn, nhưng kết quả là Khải Huyền 3:20 “Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ”. Hội Thánh vẫn tiếp tục giữ lễ thờ phượng và vẫn tích cực, nhưng Chúa Giê-su đứng ở ngoài cửa và Ngài phải gõ cửa. Có nghĩa là Ngài ở ngoài Hội Thánh. Thế là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ở trong Chúa Giê-su Christ lại lìa bỏ Hội Thánh, cũng giống như “Y-ca-bốt” trong thời Cựu Ước.
Đức Chúa Trời luôn muốn đi tiếp, nhưng dân Ngài không muốn đi cùng. Mỗi lần, khi các tín đồ dừng lại về mặt thuộc linh, tình trạng thuộc linh cũng trở nên xấu đi, và “Y-ca-bốt” lại xảy ra. Bằng cách xây dựng một tổ chức, người ta cố gắng bảo tồn sự tác động của Đức Chúa Trời và truyền lại cho thế hệ kế. Người ta không hỏi rằng Đức Chúa Trời có đẹp lòng nữa hay không và sự vinh hiển của Ngài còn ở đó không. Đức Chúa Trời luôn muốn đi tiếp, không ai có thể giữ Ngài hay nhốt Ngài. Dù sự vinh hiển của Đức Chúa Trời không còn ở đó nữa, nhưng các tín đồ vẫn cứ tiếp tục.
Đi theo Chiên Con đến bất cứ nơi nào Ngài đến
Hôm nay chúng ta phải học từ lịch sử. Chúng ta phải làm gì nếu chúng ta nhận ra rằng Chúa không còn ở đó nữa? Anh em hãy hỏi chính Ngài rằng Ngài ở đâu. Nếu Ngài ở trong đó thì anh em cứ ở đó. Nhưng anh em đừng vội nói là Chúa đang ở bên trong! Nói là một chuyện, nhưng sự thật có phải như vậy không thì là chuyện khác. Nếu Ngài ở ngoài thì anh em hãy đi đến với Ngài. Đây là một quyết định đơn giản, không cần phải suy nghĩ nhiều. Nếu sự vinh hiển của Chúa đã lìa khỏi nhà của Ngài thì anh em hãy đi theo Ngài.
Ở cuối Kinh Thánh, Khải Huyền 14 cho chúng ta thấy một nhóm người trung tín đi theo Đấng Christ: “Những người ấy không bị ô uế với phụ nữ vì họ còn trinh khiết. Chiên Con đi đâu thì những người nầy theo đó. Họ đã được cứu chuộc từ giữa loài người để làm trái đầu mùa cho Đức Chúa Trời và Chiên Con. Trong miệng họ không tìm thấy sự dối trá nào; họ là những người không tì vết” (Khải Huyền 14:4-5). Đức Chúa Trời kêu gọi những trái đầu mùa từ trong dân Ngài, họ là những người đi theo Chiên Con đến bất cứ nơi nào Ngài đến. Chúng ta không đừng bám chặt lấy nền tảng của mình mà phải nhìn xem hôm nay Chiên Con đang đi đâu.
Chúng ta cũng phải hỏi điều này: Sự vinh hiển của Chúa đang ở đâu? Chiên Con đang ở đâu? Chúng ta phải đi theo Ngài. Đừng có đi theo một sự dạy dỗ chết chóc mà anh em đã học được. Nếu chúng ta muốn đi theo Chúa, chúng ta phải đi với với Ngài ra khỏi trại quân. Thư Hê-bơ-rơ cho biết điều này có liên quan đến đau khổ: “Vậy nên chúng ta hãy đi với Ngài ra bên ngoài trại quân để đồng chịu sỉ nhục với Ngài” (Hê-bơ-rơ 13:13). Được chịu sự sỉ nhục với Chúa là một đặc ân. Nếu chúng ta chịu bắt bớ vì Ngài, phần thưởng chúng ta ở trên trời là rất lớn (xem Ma-thi-ơ 5:10-12). Nếu chúng ta đi theo Chiên Con trên con đường này đến cùng, chúng ta sẽ nhận được phần thưởng khi Chúa trở lại và sẽ là trái đầu mùa đứng cùng với Ngài trên núi Si-ôn (xem Khải Huyền 14:1-5).
(Sưu tầm và dịch)