„Phước cho những người nghèo khó trong linh, vì vương quốc thiên đàng là của họ“ (Ma-thi-ơ 5:3).
Một người nghèo thì biết chính xác mình đang thiếu thốn điều gì và có thể nêu rõ nó ra. Còn đối với chúng ta thì sao? Chúng ta có nhận ra sự thiếu thốn của mình không? Nhận thức về sự thiếu thốn của chúng ta thường bị giới hạn bởi vật chất. Nếu chúng ta tự hỏi mình cần những gì thuộc về vật chất, đa số có thể lập một danh sách dài ngay lập tức. Còn đối với những điều thuộc linh thì như thế nào? Ví dụ, trong lời cầu nguyện của mình, chúng ta thường tập trung vào nhu cầu của chính mình. Nhưng nhận thức của chúng ta về sự thiếu thốn Đấng Christ thì sao? Chúng ta có cảm thấy thiếu thực tế của Đấng Christ trong cuộc sống hàng ngày của mình không? Chúng ta có thấy sự cần thiết phải sống bởi Đấng Christ nhiều hơn không? Trong sách Khải Huyền, Hội Thánh tại Lao-đi-xê đã bị Chúa quở trách: “Vì ngươi nói: Tôi giàu, tôi đã nên giàu có rồi, tôi không cần gì nữa. Nhưng ngươi không biết rằng mình đang khốn khổ, đáng thương, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ” (Khải Huyền 3:17)
Chúng ta chỉ hay thỏa mãn với sự dạy dỗ đúng về Kinh Thánh, hoặc chỉ thỏa mãn khi có ai đó giảng về một câu Kinh Thánh hoặc một chủ đề. Có lẽ chúng ta thỏa mãn khi ở trong một Hội Thánh “đúng” theo Kinh Thánh. Như vậy đã đủ chưa? Đức Chúa Trời sẽ không đo lường xem chúng ta hiểu gì về Lời Chúa hay chúng ta đang đi theo “Hội Thánh” nào. Câu hỏi của Đức Chúa Trời sẽ là: Đấng Christ có phải là cuộc sống của chúng ta không?
Nhận biết sự thiếu thốn
Những mong muốn và suy nghĩ của chúng ta thì như thế nào? Lòng chúng ta hướng đến điều gì? Hướng đến vương quốc của Đức Chúa Trời hay hướng đến những điều thuộc đất?
Suy nghĩ của chúng ta có hướng đến những điều thuộc trời không? Chúng ta có suy nghĩ về việc làm thế nào để vương quốc Đức Chúa Trời có thể lan rộng không? Chúng ta có một trái tim cho những người mà Chúa Giê-su muốn cứu không? Chúng ta có hỏi Chúa cách để chăm sóc thuộc linh và khuyến khích những người khác? Hay những suy nghĩ của chúng ta chỉ hướng đến những điều thuộc thế gian, đầy lo lắng về những thứ thuộc đất như học tập, công việc, gia đình, con cái hay tìm người yêu?
Trong lời nói của chúng ta cũng thường có nhiều thiếu thốn. Từ miệng chúng ta có ra những lời đầy ân điển, có ích cho việc xây dựng vương quốc Đức Chúa Trời, hay lời nói của chúng ta là vô ích? Chúng ta có xây dựng và mang sự bình an của Chúa vào môi trường xung quanh chúng ta không? Hay là lời nói của chúng ta là trống rỗng, và thậm chí có thể gây ra xung đột và bất hòa?
Là đại sứ của Đấng Christ, chúng ta nên khuyên bảo mọi người hãy làm hòa với Đức Chúa Trời (2 Cô-rinh-tô 5:20). Nhưng Phúc Âm mà chúng ta giảng thì như thế nào? Chúng ta có thờ ơ, chúng ta có sợ loài người, hay chúng ta viện lý do để không phải giảng Phúc Âm? Chúng ta có mở miệng khi ở cùng với đồng nghiệp, người quen và bạn bè không? Chúng ta có cảnh báo mọi người về sự đoán phạt đời đời trong hồ lửa nếu họ không tiếp nhận Đấng Christ? Chúng ta có nói sự thật về sự vô luật pháp, vô đạo đức và tội lỗi trong xã hội không? Chúng ta có cho họ biết Đấng Christ là Đấng Cứu Chuộc và Đấng Cứu Rỗi, sắp trở lại và sẽ mang lại sự công bình của Ngài trên trái đất không? Hay chúng ta cứ giữ im lặng, mặc dù chúng ta biết tất cả những điều này?
Lời Chúa bảo chúng ta phải cầu nguyện trong mọi lúc (1.Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). Chúng ta có làm điều đó không? Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có cầu nguyện rằng vương quốc của Đức Chúa Trời sẽ đến trái đất, sự bất công sẽ chấm dứt và sự công bình của Ngài sẽ đến trái đất này? Chúng ta có cầu nguyện để Chúa tập hợp phần dân sót của Ngài và Hội Thánh được xây dựng hoàn tất không? Chúng ta có cầu nguyện cho anh chị em, gia đình, đồng nghiệp để Chúa cứu họ, để họ được xây dựng và cùng với chúng ta trở nên trọn vẹn không?
Chúng ta có phải là những người hay than khóc (Ma-thi-ơ 5: 4) không? Chúng ta có thương xót cho những người khác để họ được hiển thị trước Chúa và đạt được mục tiêu của đức tin không? Khi nhận ra lỗi lầm của người lân cận thì thái độ của chúng ta như thế nào? Lòng chúng ta đầy những lời chỉ trích hay chúng ta mang người lân cận của mình đến với Chúa trong lời cầu nguyện và cầu xin Chúa thương xót cho người ta với một tấm lòng tim đau buồn?
Chúng ta phải nhìn nhận ra rằng mình còn thiếu rất nhiều sự sống của Chúa Giê-su. Chúng ta còn có thể nêu rất nhiều ví dụ khác nữa, đặc biệt khi đọc Ma-thi-ơ 5-7.
Hãy xin thì sẽ được
Một người nghèo thì không tự có gì cả, nên xin người giàu cho cho mình. Chúa Giê-su khích lệ chúng ta cầu xin Cha: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ, cửa sẽ mở cho các ngươi” (Lu-ca 11:9).
Nếu chúng ta nhận ra sự thiếu thốn về Đấng Christ thì điều đó là tốt. Nhưng chúng ta không nên bỏ cuộc hay thất vọng. Thay vào đó, nó sẽ là một động lực để chúng ta tìm kiếm Đức Chúa Trời và xin Ngài lấp đầy mọi thiếu thốn của chúng ta bằng cách viết luật pháp của Ngài vào lòng của chúng ta. Thật là một lời cầu nguyện tốt để nói: “Cha ơi, xin cho con một tâm linh nghèo khó”. Nhưng chúng ta cũng cần mong muốn trải nghiệm điều này. Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, rất thích nghe những lời cầu nguyện như vậy. Ngài là Cha của chúng ta! Chắc chắn Cha sẽ trả lời. Đôi khi chúng ta phải gõ cửa của Cha một vài lần. Cha muốn thấy rằng kinh nghiệm Giê-su Christ và sống theo hiến pháp của Ngài thực sự là mối quan tâm của chúng ta. Lu-ca 11:13 nói rằng: “Vậy, nếu các ngươi là người xấu còn biết cho con cái mình các vật tốt, huống chi Cha ở trên trời lại chẳng ban Thánh Linh cho người xin Ngài sao!”
Lời Đức Chúa Trời không hứa là chúng ta sẽ không gặp khó khăn trong cuộc sống. Thay vào đó, Cha muốn ban cho chúng ta Thánh Linh của Cha. Chính Thánh Linh sẽ giúp chúng ta đi vào thực tại của Lời Chúa, như Giăng 16:13 chép rằng:“Khi Linh của sự thật đến, Ngài sẽ dẫn các ngươi vào mọi sự thật…”.
Mời các bạn đọc tiếp phần 3 để biết cách kinh nghiệm Thánh Linh một cách cụ thể…
(Dịch từ bài “Selig sind die Armen im Geist (Teil 2)” của Himmlisches-Jerusalem.de)