Đừng ngã trên bục giảng – Duy Kinh Thánh (Sola Scriptura) nhắc nhở nhiều đến “mục vụ bục giảng”.
HTTL Hà Nội – Trong năm kỷ niệm 500 năm Tin Lành cải chính, Hội Thánh Chúa khắp nơi đã có rất nhiều sự kiện, chương trình để hướng đến lễ kỷ niệm mang tính trọng đại, toàn cầu. Nhắc đến Cải chính là nhắc về một công cuộc quay trở về với Lẽ Thật. Và với “những người chăn bầy” đang mang một trách nhiệm lớn lao hơn cả.
Nếu đặt câu hỏi quý tôi tớ Chúa có phải khai trình bài giảng của mình trước mặt Chúa hay không? Thì chắc hẳn mỗi một người sẽ thận trọng với Lời Chúa hơn nữa. Bài viết này là sự quan sát nhiều năm tại nhiều nơi hy vọng sẽ đóng góp trong sự suy ngẫm, giảng dạy, thực hành Lời Chúa. Bài viết không nhắm đến một Hội Thánh cụ thể mà là sự trình bày chung nhất về những lỗi mà chúng ta thường mắc phải khi đứng trên bục giảng, để chúng ta cảm thức về điều đó trong sự khiêm nhường, cẩn trọng. Ba vấn đề chính yếu mà chúng ta hay gặp:
Thiếu sự chuẩn bị, sự riêng tư với Chúa
Đây là lỗi lớn không chỉ với những người giảng mà cũng là lý do cho tất cả các mục vụ khác. Nan đề trong bối cảnh của cuộc sống bận rộn hiện nay là đang tồn tại rất nhiều lý do “hợp lý” cả khách quan, chủ quan để giải thích cho một người chăn bầy, giảng lời Chúa thiếu sự chuẩn bị, sửa soạn cho bài giảng, cho cách mình trình bầy trên bục giảng. Chuẩn bị ở đây trước hết với những người chăn bầy đó là đời sống thờ Chúa từng giây phút của họ. Không phải chỉ vào thời điểm họ được mời giảng luận. Nếu họ có đời sống tâm linh quá nghèo nàn với Chúa, với Lời của Chúa thì họ không thể có một bài giảng, cách trình bày như Chúa Giê-xu đang mong đợi. Nhưng nếu họ “nghèo đói trong tâm linh” với nghĩa mà Chúa Giê-xu từng dạy rằng phúc cho những người nghèo đói trong tâm linh (Ma-thi-ơ 5:3) để mô tả về một sự đói khát Thiên Chúa, khao khát chính Đức Chúa Trời; khao khát kinh nghiệm sự hiện diện, sự “xức dầu” của Chúa; sự tương giao sâu sắc cá nhân với Chúa thì chắc hẳn những bài giảng, sự trình bầy sẽ có sự lôi cuốn cũng như “có sức sống” và làm sáng danh Chúa Giê-xu là bao. Cũng như các tín hữu sẽ nhìn thấy rất rõ sự dẫn dắt của Thánh Linh trên những người chăn bầy không chỉ trong giờ họ giảng luận. Vậy đâu là điều tín hữu muốn nhìn thấy? Không phải là thần học của người chăn bầy cao bao nhiêu, giỏi bao nhiêu, giảng hay bao nhiêu, hùng hồn bao nhiêu… nhưng mà điều mà tín hữu muốn nhìn thấy là mối quan hệ cá nhân của người chăn bầy với Chúa rõ nét là bao nhiêu. Vì không ai dám khẳng định 100% chuyện mối quan hệ cá nhân của tôi với Chúa chỉ có Chúa và tôi mới biết còn người khác không thể biết. Đây là một sai lầm rất lớn nếu chúng ta khẳng định ở mức 100%, vì tín hữu sẽ chứng kiến phần nào đời sống của những người chăn bầy trong đời sống hàng ngày và sẽ có những tiêu chuẩn cơ bản theo như Kinh Thánh để nhìn nhận. Nếu một người có mối quan hệ sâu sắc với Đức Chúa Trời họ không thể sống như A, B, C… họ không thể làm điều X, Y,Z…, họ không thể phát ngôn như J,Q,K… họ không để bỏ đói dân sự như D,E,G … hay họ phải là như thế này, như thế kia v.v. Để hiểu cho đơn giản hơn, chúng ta thử đặt một câu hỏi: Điều nào tốt hơn giữa một người Đầy dẫy Đức Thánh Linh giảng về Đầy dẫy Đức Thánh Linh hay là người chưa Đầy dẫy Đức Thánh Linh giảng về Đầy dẫy Đức Thánh Linh? Thực sự rằng lối sống của những người chăn bầy có thể là cú huých cho cuộc cải chính bùng nổ, cú huých lớn góp phần cho sự tăng trưởng của đời sống tín hữu nhưng cũng có thể ảnh hưởng ngược lại.
Vì vậy, trong vấn đề giảng luận cũng như mọi sự, sự ưu tiên trước hết luôn dành cho Chúa, điều này không thể bị đánh đổi. Sự chuẩn bị về mặt tấm lòng, sự cầu nguyện thờ phượng, tình yêu với Kinh Thánh; sự chịu khó, thời gian, sự suy ngẫm, việc học Lời Chúa, soạn bài, phân bổ thời gian hợp lý; cách thức trình bầy, sự cập nhật, tính ứng dụng của bài giảng, lời mời gọi … tất cả phải được sự đầu tư một cách cá nhân với sự hết lòng cùng những giọt nước mắt trong “phòng cầu nguyện”. Mục sư E. M. Bounds chia sẻ lỗi thông thường và nghiêm trọng hơn hết của giới Mục sư, truyền đạo là đặt để ý tưởng hơn cầu nguyện, và “đầu óc” hơn “tấm lòng” vào bài giảng. Soạn bài bằng “đầu óc” dễ hơn soạn một bài giảng bằng “tấm lòng”. Và phòng riêng cầu nguyện chính là căn phòng của tấm lòng. Những bài giảng ra từ sự cầu nguyện luôn tốt hơn những bài giảng chỉ ra từ thư viện. Trong phòng cầu nguyện, chúng ta sẽ học được cách giảng, điều phải giảng hơn là từ thư viện.[1]. Sự cầu nguyện cũng chính là chìa khóa cho sự xức dầu mà sẽ nói trong phần tiếp theo. Sự xức dầu dạy dỗ chúng ta mọi sự trong đó có điều quan trọng là dạy chúng ta ở trong Chúa (I Giăng 2:27).
Để tóm gọn phần này, Kinh Thánh cho biết sự tận cùng của mọi vật vẫn không thể so sánh với Lời Chúa rộng lớn, bao la (Thi thiên 119:96) vậy tại sao có những “bài giảng thiếu thốn” ở nhiều người? Lý do đầu tiên đó là bởi vì họ đã có một đời sống tâm linh quá nghèo nàn với Đức Chúa Trời, họ thiếu tình yêu với Kinh Thánh. Khả năng tĩnh lặng để lắng nghe tiếng Chúa dạy dỗ trong phòng kín của họ ngày càng suy giảm, họ không thể gặp Đức Chúa Trời sâu sắc thì làm sao có thể giảng? Thậm chí là dấu chấm hết cho sự giảng dạy. Họ thiếu sự chuẩn bị. Hãy thưa lên với Chúa :
“Xin mở mắt tôi, để tôi thấy sự lạ lùng trong luật pháp Chúa” (Thi thiên 119:18)
“Xin hãy ban cho tôi trí hiểu, để tôi học điều răn Chúa” (Thi thiên 119:73)
“Xin hãy khiến tôi đi trong đường điều răn Chúa, vì tôi lấy làm vui vẻ tại đó” (Thi thiên 119:35)
“Tôi ưa thích luật lệ Chúa, sẽ chẳng quên Lời Của Chúa” (Thi thiên 119:16)
Thiếu sự xức dầu, khô cứng, quá tập trung vào “kỹ thuật”.
Năm 1924, Mục sư W.Ch. Cadman – Quản nhiệm Hội Thánh Tin lành Hà Nội chúng ta đã cho dịch và xuất bản sang tiếng Việt cuốn sách “Power Through Prayer” của Mục sư E.M. Bounds mà từ xưa cho đến ngày nay nó được dịch là: “Linh lực từ Đời sống Cầu nguyện”. Cuốn sách của thế hệ đi trước đã làm thế hệ đi sau cảm thấy nhỏ bé biết chừng nào.
Khái quát và tóm lược theo quan điểm của Mục sư E.M. Bounds, sự xức dầu tức là sự xức dầu bằng Đức Thánh Linh để biệt riêng ra cho công việc của Chúa và ban cho đủ tư cách để làm công việc ấy. Theo ông, không có sự xức dầu thì diễn đàn trần tục cũng có sức mạng ngang bằng bục giảng Tin lành. Người chăn bầy nếu đánh mất sự xức dầu thì cũng mất luôn nghệ thuật giảng dạy thiên thượng dù họ vẫn có thể giữ được những kỹ thuật giảng, hùng biện, làm hài lòng người nghe… nhưng không thể làm hài lòng Chúa Giê-xu, Đấng đang dõi theo bài giảng của họ. Sự xức dầu thiên thượng làm Lẽ Thật của Chúa có quyền năng, sự lôi cuốn, gây dựng, cáo trách và cứu vớt người ta. Có một điều chúng ta không thể cắt nghĩa cho thông suốt về “sự xức dầu ở đây” nghĩa là gì? Nhà thuyết giáo nổi tiếng C.H. Spurgeon chỉ mô tả một ơn sáng láng mà sự cầu nguyện đem lại cho chức vụ mục sư chính là một cái gì đó không thể mô tả, không thể bắt chước được đó là sự xức dầu từ Đấng Thánh. Ông cho rằng không thể hiểu rõ nổi sự giảng dạy có sự xức dầu kèm theo có nghĩa là gì, tuy nhiên người giảng dạy sẽ biết mình có được xức dầu hay không và người nghe ngồi ở dưới thì nhận thấy người giảng thiếu xức dầu hay không?[2]
Sự xức dầu thiên thượng trên những người chăn bầy do Lời Đức Chúa Trời sinh ra kết quả, có thể tạo nên những ấn tượng. Nhưng E.M. Bounds cũng lưu ý có những cái có vẻ giống như sự xức dầu này được bao với vẻ bề ngoài như sự nhiệt thành, lòng sốt sắng được khuấy động bởi một bài giảng, sự êm dịu, sự gây cảm động, cảm xúc có vẻ giống với sự xức dầu thiên thượng nhưng nó không có sức mạnh làm đau xót, thấm thía và tan vỡ tấm lòng. Trong những hành động bề mặt, cảm xúc đó nó không triệt để, không dò xét và cứu chữa tình trạng tội lỗi. Còn sự xức dầu thiên thượng nó dầm thấm Lẽ Thật với sức mạnh của Chúa. Nó soi sáng Lời Kinh Thánh, làm trí tuệ mở mang, phong phú để hiểu biết Lời Chúa. Nó nâng tấm lòng của người chăn bầy lên đúng tiêu chuẩn của sự mềm mại, tinh sạch, mạnh mẽ, nhẹ nhàng… sự xức dầu giúp cho lời giảng được tự do, đầy trọn. [3]
Sự giảng dạy suy sụp là vì yếu tố thiếu sự xức dầu này. Người giảng có thể có học thức, tài khéo, sự hùng biện xuất sắc, có thể làm người nghe thích thú và say mê… nhưng thiếu sự xức dầu thì giống như sự vắng mặt của Đức Chúa Trời và những điều mang tính kỹ thuật chỉ như gợn nước hung hăng, bọt nước có thể phủ trắng xóa ghềnh đá nhưng các ghềnh đá vẫn cứ trơ trơ, lặng lẽ, không sao lay chuyển được. Lòng cứng cỏi của con người vẫn đầy những điều dơ bẩn. [3] Mục sư E.M . Bounds một lần nữa nhấn mạnh: “
“Sự sốt sắng là tốt và cảm động; thiên tài là quý giá và cao trọng; tư tưởng khuyến khích và soi dẫn; nhưng phải có một khả năng thiên phú hơn, một năng lực mạnh mẽ hơn sự sốt sắng, hoặc thiên tài, hoặc tư tưởng, thì mới đập tan được xiềng xích của tội lỗi, mới chinh phục được những tấm lòng xa cách hoặc hư hoại trở về cùng Đức Chúa Trời, mới sửa chữa được những chỗ nứt rạn và phục hồi được Hội Thánh vào địa vị thánh khiết và quyền năng như trước. Trừ sự xức dầu [của Chúa] ra không chi làm được việc này” [4]
Mục sư E.M. Bounds cũng khuyên răn các Mục sư, truyền đạo rằng sự xức dầu không phải là khả năng thiên phú, cũng không thể tìm thấy ở lâu đài TRI THỨC, không tài hùng biện nào chinh phục được nó, không có sự siêng năng nào có thể chiếm lấy nó. Không bàn tay lãnh đạo Giáo hội nào có thể ban phát nó. Đây là món quà của Chúa đóng ấn vào các sứ giả của Ngài, là những người đã được tuyển lựa và tìm kiếm sự xức dầu thiên thượng này qua biết bao giờ đồng hồ đổ nước mắt CẦU NGUYỆN. Sự xức dầu còn được mô tả qua kinh nghiệm từng trải của những người đi trước như họ như nhận thấy chữ của Kinh Thánh [văn tự] được Thánh Linh đốt nóng và người ta cảm thấy sự ”chuyển bụng” của một phong trào mạnh mẽ, chính là sự xức dầu dầm thấm, thức tỉnh lương tâm, làm tan vỡ tấm lòng. [5]
Cần phải nói rằng, sự xức dầu không phải là một kỷ niệm chỉ thuộc về quá khứ mà con là một thực tại hiển nhiên. Nó là yếu tố biến cải các Mục sư, truyền đạo trở nên giống hình ảnh của Chúa và cũng là yếu tố để họ công bố các chân lý của Chúa Giê-xu một cách đầy quyền năng. Sự xức dầu này có điều kiện chứ không phải là ân tứ cố định. Nó bền vững và gia tăng do chuyên tâm CẦU NGUYỆN, khao khát Đức Chúa Trời, trân quí, khao khát tìm kiếm, và coi là sự thất bại nếu không có được sự xức dầu đó. Chỉ có tấm lòng Cầu nguyện mới là tấm lòng đầy dẫy dầu thánh. Và đời sống cầu nguyện nhiều đó là giá phải trả để được xức dầu, cũng như giữ được sự xức dầu trong sự giảng dạy. Nếu không có sự xức dầu thì giống như Ma-na sinh sâu bọ vì để quá hạn[6]. Vị Thầy Lễ Richard Cecil chia sẽ mạnh mẽ:
“Nếu Mục sư không được xức dầu, thì tất cả những cố gắng của ông chỉ là hư không, hoặc còn tệ hại hơn sự hư không nữa. Sự xức dầu phải giáng xuống từ trời, và rải một mùi hương, một cảm giác, một hứng thú trên chức vụ của ông, và trong số những phương pháp khác giúp cho ông có đủ tư cách thi hành chức vụ, Kinh Thánh phải đứng hàng đầu và hàng cuối cũng phải dành cho Lời Đức Chúa Trời và sự Cầu nguyện” [7]
Từ kinh nghiệm của những bậc tiền bối đi trước, chúng ta đã thấy những tấm gương trong lịch sử Hội Thánh được tái hiện như lần Mục sư Tống Thượng Tiết, Mục sư Lê Văn Thái giảng lời Chúa. Bà Đốc học Homera Dixon của chúng ta từng chia sẻ về một con người của sự Cầu nguyện đó là Mục sư Lê Văn Thái, người Mục sư chuyên tâm lo cho truyền giáo và “cái lò sửa – Cầu nguyện của Hội Thánh”. Trong một lần bà Giáo sĩ Dixon chứng kiến Mục sư Lê Văn Thái giảng Lời Chúa, bà nhận xét bài giảng không có gì đặc biệt [kỹ thuật, phương pháp], nhưng Thánh Linh hành động trên Mục sư Lê Văn Thái qua những lời giảng đã khiến con dân Chúa tan vỡ với Chúa. Và không chỉ một lần mà Lịch sử Hội Thánh đã ghi lại những thời khắc con dân Chúa tan vỡ thể nào sau những bài giảng của vị Mục sư đáng kính này. Đó là sự xức dầu. Vậy nếu bạn lo lắng rằng về chuyện sẽ phải dùng “những kỹ thuật” nào cho bài giảng thì hãy chuyên tâm cho câu hỏi về sự xức dầu hơn. Chúng ta không vứt bỏ kỹ thuật, phương pháp nhưng quan trọng là Chúa phải trên hết, hãy thể hiện điều đó bằng sự kính sợ, bằng tình yêu, sự CẦU NGUYỆN sâu sắc với Chúa. Phải làm điều này hơn hết cả. Hội Thánh Hà Nội đã có lịch sử về “sự xức dầu thiên thượng này” từ tấm gương của quý đầy tớ Chúa là những người đi trước.
Sai mục đích; Thiếu sự kêu gọi, thiếu tính áp dụng Kinh Thánh.
Đây là lỗi cũng thường xảy ra. Mục đích của sự giảng dạy không phải là chỉ để “truyền thông tin Kinh Thánh” mà là “thực hành Kinh Thánh”; không phải diễn thuyết mà đích đến cuối cùng là sự nhờ cậy Thánh Linh thực hành Kinh Thánh. Có như vậy chúng ta mới có thể làm sáng danh Chúa Giê-xu. Có như vậy, mới có thể trở thành người làm theo lòng Đức Chúa Trời.
Chúng ta có thể xem lại clip các bài giảng ở các Hội Thánh tại Việt Nam. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, ví dụ :
Bài giảng quá dài dòng, thiếu tính cân đối, quá nhiều chủ đề, dùng quá nhiều giáo lý thần học trong một bài giảng.
Đối ngược với lỗi “quá cơ bản”, là trình bày quá dài dòng, lê thê hoặc mất tính cân đối như phần 1 nói rất dài, phần 2 lại trình bầy cụt ngủ. Hay trình bày Quá nhiều chủ đề trong một bài giảng, mất trọng tâm, người nghe không biết hay phải cô đọng thế nào, thực hành thế nào?
Đi quá xa với bản văn Kinh Thánh dẫn đến sai mục đích: Do cách soạn bài giảng theo chủ đề, theo câu gốc khiến người soạn bỏ quên văn mạch, bối cảnh lịch sử, ý nghĩa nguyên sơ ban đầu của trước giả Kinh Thánh muốn dành cho độc giả ban đầu vào thời xưa đó nghe là gì rồi từ đó mới đưa ra sự liên hệ, áp dụng tới bối cảnh hiện tại. Cách soạn theo chủ đề, câu gốc thường tập trung vào ý tưởng con người hơn là tập trung vào bản văn Kinh Thánh, ý tưởng của Chúa. Nếu mục đích chúng ta là khiến con dân Chúa yêu mến, tập trung vào Lời Ngài thì Giải kinh là hợp lý hơn cả. Nếu chúng ta muốn nhân một sự kiện, cần truyền cảm hứng cho tín hữu trong việc thúc đẩy một vấn đề thuộc linh nào đó của Hội Thánh thì có thể sử dụng theo chủ đề, câu gốc nhưng nó chỉ phù hợp với những hoàn cảnh, sự kiện nào đó và không phải là phương pháp mang tính lâu dài. Giảng theo chủ đề nếu bị lạm dụng có thể biến các buổi Chúa Nhật trở thành một buổi “Hội thảo một chiều”.
Kể chuyện, ví dụ minh họa, chuyện “cười”, diễn thuyết quá nhiều mà quên SỰ KÊU GỌI. Ví dụ minh họa, hay câu chuyện đức tin là cần thiết có thể khiến bài giảng sinh động và giúp đi vào lòng người hơn. Tuy nhiên sự lạm dụng nó là một sự bất ổn. Đã có nhiều tôi tớ Chúa biến buổi giảng Lời Chúa thành buổi nghe kể chuyện, hay thành một buổi pha trò cười và cuối cùng đọng lại bài giảng là gì? Và thậm chí những câu chuyện thay vì hậu thuẫn cho Kinh Thánh thì lại lấy Kinh Thánh để hậu thuẫn cho những câu chuyện. Tín hữu có thể sẽ rơi vào tình trạng không biết phải nhớ Lời Chúa hay câu chuyện kể cho đời sống đạo hàng ngày của mình. Rất dễ thấy những bài giảng kể chuyện, diễn thuyết rất hay nhưng sự kêu gọi đâu? Sự đáp ứng của tín hữu đâu? Chúa muốn 01 người đáp ứng lời Chúa hay cả Hội chúng đáp ứng Lời Chúa. Lạm dụng câu chuyện nhiều có thể khiến người nghe tập trung vào bản thân, giá trị người giảng hơn là Chúa Giê-xu. Mục đích của chúng ta không phải là câu chuyện, chuyện cười mà đằng sau câu chuyện cười, sau bài giảng là sự thực hành của tín hữu ra sao? Họ đáp ứng với Chúa Giê-xu thế nào? Sự kêu gọi có thể nói như cú trái phá làm tấm lòng tan vỡ và quyết định dấn thân theo sự mời gọi. Và để làm điều này lại là sự xức dầu.
Thay lời kết
Một Mục sư chia sẻ hai lý do cho sự chuyển Hội Thánh địa phương này để đến nhóm với Hội Thánh địa phương khác thì sự giảng dạy và hát thờ phượng là hai lý do chủ yếu. Trong đó yếu tố hát thờ phượng là ưu thế (xin không trình bầy vấn đề này tại đây).
Chúng ta thấy rằng “mục vụ bục giảng” là mục vụ rất quan trọng, giống như một người cầm chìa khóa cho đời sống tâm linh của cả tập thể. Nó là một trong những kênh giáo dục có yếu tố quyết định đến sự tăng trưởng thuộc linh của từng tín hữu. Nó cũng là chỗ để mọi tín đồ đến gặp gỡ Chúa, để gần Chúa hơn. Nó thật ra không phải là chỗ của chúng ta mà phải là chỗ của Chúa, thuộc về Chúa, cho vinh hiển của Chúa. Đừng giảng cái gì mà Chúa không muốn mình giảng. Đừng “nói tiên tri” cái gì mà Chúa không bảo. Nếu chúng ta không làm mọi cách để thu hút tín đồ đi sát với Lời Chúa thì làm sao có sự tăng trưởng? Nếu chúng ta không nuôi dưỡng được đời sống tâm linh của tín hữu bằng Lời Chúa thì làm sao Cải chính xảy đến? Và nếu không có Lời Chúa thì không có cái gì được gọi là thánh cả.
Có thể nói rằng, cuộc Cải chính nhắc nhở chúng ta về công cuộc của những thánh đồ sẵn sàng đứng lên trả giá vì Lẽ Thật mà ngày nay chúng ta được thửa hưởng di sản thuộc linh là những cột trụ của đức tin mang bản sắc Tin Lành: Duy Kinh Thánh (Sola Scriptura), Duy Ân điển (Sola Gratia), Duy Đức tin (Sola Fide), Duy Đức Chúa Giê-xu Christ (Solus Christus), Duy Đức Chúa Trời được vinh hiển (Soli Deo gloria). Trong đó Duy Kinh Thánh được xem là nên tảng, một giá trị vô cùng lớn lao làm nên bản sắc của người Tin Lành như Nhà văn Phan Khôi từng nói: “Cái giáo nghĩa của đạo Tin lành không có vẽ vời ra nhiều nghi thức … mà chỉ lấy Kinh Thánh làm gốc..”. Hãy làm tất cả những gì để Lời Chúa được yêu mến hơn hết trong đời sống mỗi người. Hãy cầu nguyện cho sự yếu đuối của chúng ta.
Bài viết Chấp sự Nguyễn Trọng Bình
_____________________
Chú thích:
[1] E.M. Bounds, Linh Lực Từ Đời Sống Cầu Nguyện. (Sài Gòn: NXB Tôn Giáo, 2013), p 80-82
[2] E.M. Bounds, Linh Lực Từ Đời Sống Cầu Nguyện, p83-98
[3] E.M. Bounds, ibid
[4] ibid
[5] ibid
[6] ibid
[7] ibid
[8] Phan Khôi, “Giới Thiệu và Phê Bình Thánh Kinh Báo”, Phụ Nữ Tân Văn. (Sài Gòn Số 74, ngày 16/10/1930), http://vibiwebsite.com/VIBI_WV/?p=1129