Phóng thích thiên sứ của bạn để làm việc cho bạn
Tom Brown
Mark Buntain là một nhà truyền giáo ờ Ấn độ. Ông đã xây dựng một viện mồ côi, một nhà thờ và một bệnh viện ở Calcutta. Nhưng thảm họa đã xảy ra ở đó. Những trận mưa như trút nước đổ xuống đã buộc chính phủ phải di tản thành phố. Mark cũng buộc phải lên máy bay di tản.
Những câu hỏi xoáy trong đầu ông, “Liệu cơn lũ này có cuốn trôi hết các công trình làm cho người nghèo không?” Ông cảm thấy thất vọng. Ông bèn làm một việc duy nhất mà ông biết – cầu nguyện. Có một người đàn ông ngồi ở ghế bên cạnh, bắt đầu trấn an Mark. Ông đó nói với Mark rằng mọi việc sẽ tốt đẹp. Ông ta còn vạch ra một số bước đi mà Mark cần làm để hội truyền giáo của ông hoạt động hiệu quả hơn nữa.
Một tiếp viên đến bên Mark và hỏi ông muốn dùng thức uống gì. Mark đặt thức uống với anh ta xong quay qua người đàn ông bên cạnh để xem ông ấy đặt thức uống gì, nhưng trong sự kinh ngạc của Mark, người đàn ông đã biến mất. Ông ta đã bốc hơi! Mark tìm ông ấy trên khắp chiếc máy bay nhỏ đó nhưng ông ta không có trên đó. Mark bèn hiểu mình vừa được thiên sứ viếng thăm.
Người ta có rất nhiều ý kiến khác nhau về thiên sứ, nhưng điều chỉ dẫn đích xác duy nhất về thiên sứ chính ở trong Kinh Thánh, Lời của Đức Chúa Trời. Một số người nghĩ rằng thiên sứ là các bé thiên thần bay lượn xung quanh, cầm trong tay một món đồ chơi nhỏ dưới dạng một cây cung và một mũi tên. Nhưng Kinh Thánh mô tả thiên sứ là những chiến binh to lớn, các thiên sứ có mặt ở đó để dẫn dắt, bảo vệ và giải cứu chúng ta. Một số người cũng nghĩ thiên sứ là những người đã chết. Nhưng Kinh Thánh đã phân biệt rõ ràng các thánh với thiên sứ. Thiên sứ là một lớp thể chất khác với con ngươi.
Thiên sứ là ai? Hê-bơ-rơ 1:14 cho chúng ta biết: “Các thiên sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?” Có ba điểm quan trọng đã được đề cập đến trong câu này. Một, thiên sứ là các thần linh, do vậy thường không thể thấy. Không phải vì bạn không thấy thiên sứ có nghĩa không có thiên sứ ở đó. Hai, nhiệm vụ của thiên sứ là chăm sóc và phục vụ con người. Con người không phục vụ thiên sứ, thiên sứ phục vụ con người. Ba, sự phục vụ của thiên sứ chủ yếu giới hạn cho những người đã được cứu hoặc sẽ được cứu. Thiên sứ không có nhiệm vụ phục vụ cho những người không được cứu; dầu vậy, vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho tất cả nên thiên sứ hầu như giúp đỡ mọi người. Chỉ có thiên đàng mới cho chúng ta biết các thiên sứ đã giúp đỡ chúng ta thường xuyên như thế nào.
THIÊN SỨ TRONG TÂN ƯỚC
Hê-bơ-rơ 8:6 nói rằng chúng ta có một giao ước tốt hơn dựa trên những lới hứa tốt hơn so với con người trong thời Cựu Ước. Điều này đúng về sự phục vụ của thiên sứ.
Theo Cựu Ước, các thánh không có uy quyền trên thiên sứ, do đó họ phải chờ thiên sứ đến giúp đỡ. Ngày nay, thiên sứ phục vụ chúng ta vì chúng ta có thể sử dụng Danh của Đức Chúa Jesus, là danh lớn hơn mọi danh thiên sứ, để sai thiên sứ làm công việc của họ. Trước khi Đức Chúa Jesus lên thập tự giá, Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Jesus “thấp hơn thiên sứ một chút.” Nhưng Kinh Thánh cũng dạy rằng giờ đây Ngài đã “chiến thắng vinh hiển” do đó các thiên sứ đầu phục Ngài và Danh của Ngài (xem Hê-bơ-rơ 2:9, Phi-e-rơ 3:22 và Phi-líp 2:10).
Cô-rinh-tô 1 6:3 nói rằng chúng ta sẽ xét đoán các thiên sứ. Quan tòa luôn luôn lớn hơn kẻ bị xét đoán. Kinh Thánh cho chúng ta biết các tín đồ có thẩm quyền để sai khiến thiên sứ thay mặt họ phục vụ.
Bạn đã từng sai khiến thiên sứ của bạn chưa? Hay các thiên sứ vẫn đang ngồi đó chờ bạn sai khiến họ làm việc?
CỞI TRÓI THIÊN SỨ CỦA BẠN
Trong Ma-thi-ơ 18:18, Đức Chúa Jesus đã trao cho Hội Thánh chìa khóa của vương quốc thiên đàng. Ngài phán, “Bất cứ cái gì các ngươi trói buộc ở thế gian sẽ bị trói buộc trên thiên đàng, và bất cứ cái gì các ngươi cởi trói ở thế gian sẽ được cởi trói trên thiên đàng.” Chúng ta hầu hết đều có nghe câu Kinh Thánh này và thường “trói buộc” ma quỉ. Kinh Thánh cũng có nói với chúng ta rằng chúng ta có thể “trói buộc một người khỏe”, và rằng một thiên sứ toàn năng sẽ “trói buộc ma quỉ trong hàng ngàn năm”. Từ “trói buộc” là một thuật ngữ để mô tả quyền lực “cột trói” Satan của chúng ta.
Tuy nhiên, Đức Chúa Jesus cũng nói rằng chúng ta có năng quyền để “cởi trói”. Chúng ta cởi trói gì? Chắc chắn không phải là Satan. Vậy thì ai? Dĩ nhiên là các thiên sứ. Một giọng nói vang lên, “Hãy cởi trói bốn thiên sứ đang bị trói… Và cả bốn thiên sứ đều được cởi trói” (Khải Huyền 9:14-15). Chắc bạn đã thấy thiên sứ phải được cởi trói. Ai có quyền năng để cởi trói các thiên sứ? Đức Chúa Jesus đã phán chính chúng ta. Chúng ta có các chìa khóa của vương quốc!
Các bạn sẽ hỏi, “Chúng tôi cởi trói cho thiên sứ bằng cách nào?”
Tôi nghĩ để có câu trả lời cho câu hỏi này chúng ta hãy đọc Thi thiên 103, câu 20: “Hỡi các thiên sứ của Đức Giê-hô-va, là các đấng có sức lực làm theo mạng lịnh Ngài, hãy vâng theo tiếng Ngài, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va.”
Các thiên sứ lắng nghe – nghe và làm theo – GIỌNG NÓI Lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta biết Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng thiên sứ không chỉ lắng nghe Lời của Đức Chúa Trời, mà còn lắng nghe giọng nói Lời của Ngài. Hãy làm thử thí nghiệm này: Hãy cầm quyển Kinh Thánh và áp sát nó vào tai bạn. Hãy nghe! Bạn có nghe gì không? KHÔNG CÓ GÌ HẾT! Tại sao? Vì quyển Kinh Thánh không có tiếng nói trừ phi bạn cho nó một giọng nói.
Nói cách khác, các thiên sứ hành động theo Lời của Đức Chúa Trời mà chúng ta nói ra bằng miệng của chúng ta. Họ nghe chúng ta nói Lời của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta nói Lời của Đức Chúa Trời, các thiên sứ nhanh chóng thực hiện điều đó trong cuộc sống của chúng ta.
Bạn đã thấy chúng ta đã ngăn cản các thiên sứ thực hiện nhiệm vụ của họ cho chúng ta như thế nào chưa? Chúng ta trói buộc các thiên sứ khi chúng ta nói trái với Lời của Đức Chúa Trời, và nói những điều như thế này “Chẳng có gì được việc cho tôi.” “Nếu tôi không gặp xui thì tôi cũng chẳng may mắn chút nào.” “ Tôi quá vụng về.” “Tôi sống theo Luật của Murphy.” “Tôi không thể nào thoát khỏi nợ nần.”
THIÊN SỨ NGHE NHỮNG LỜI NÓI CỦA CHÚNG TA
Đức Chúa Jesus phán, “Ta nói cùng các ngươi, ai sẽ xưng ta trước mặt thiên hạ, thì Con người cũng sẽ xưng họ trước mặt thiên sứ của Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 12:8). Đức Chúa Jesus công bố cho thiên sứ điều chúng ta công bố. Khi chúng ta công bố Đức Chúa Jesus là Chúa của chúng ta, Đức Chúa Jesus công bố cho các thiên sứ rằng Ngài là Chúa của chúng ta. Các thiên sứ biết điều chúng ta công bố trên thế gian. Đức Chúa Jesus nói lại lời của chúng ta cho các thiên sứ, và tùy theo điều chúng ta nói, họ sẽ làm cho những lời của chúng ta xảy ra.
Trong Kinh Thánh, có một câu chuyện lý thú minh họa cho lẽ thật này. Bạn đã biết câu chuyện này. Đức Chúa Jesus đã bị ma quỉ dụ dỗ trong bốn mươi ngày, còn Đức Chúa Jesus, trong khi Ngài bị cám dỗ Ngài chỉ làm một điều: Ngài nói Lời của Đức Chúa Trời. Ngài liên tục nói,” có lời chép rằng, ….. có lời chép rằng……….. có lời chép rằng.” Sau khi Đức Chúa Jesus cứ nói lên Lời của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh viết “Thì ma quỉ rời bỏ Ngài, và các thiên sứ đến và chăm sóc Ngài” (Ma-thi-ơ 4:11). Bạn có nghĩ rằng lý do khiến các thiên sứ đến với Đức Chúa Jesus là vì Ngài liên tục nói Lời của Đức Chúa Trời? Tôi nghĩ vậy! Các thiên sứ lắng nghe giọng nói Lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus nói lên Lời của Đức Chúa Trời, và các thiên sứ đến để phục vụ Ngài. Các thiên sứ cũng sẽ làm tương tự cho bạn nếu bạn cũng làm điều Đức Chúa Jesus đã làm – đó là nói Lời của Đức Chúa Trời!
HÃY NHỜ ĐỨC CHÚA TRỜI LÀM NƠI NƯƠNG NÁU MÌNH
Thi-thiên 91:9-12 nói, “Bởi vì ngươi đã nhờ Đức Giê-hô-va làm nơi nương náu mình, và Đấng Chí Cao làm nơi ở mình. Nên sẽ chẳng có tai họa gì xảy đến cho ngươi, cũng chẳng có ôn dịch nào tời gần trại ngươi. Vì Ngài sẽ ban lệnh cho thiên sứ Ngài, bảo gìn giữ ngươi trong các đường lối ngươi.”
Đức Chúa Trời hứa một sự bảo vệ toàn diện cho ai nhờ Ngài làm nơi nương náu mình. Điều bí mật để cầu xin quyền năng ở câu Thi-thiên này là nhờ Ngài làm nơi nương náu. Đó là chìa khóa. Đức Chúa Trời hứa một sự bảo vệ khi bạn còn nhờ Ngài làm nơi nương náu.
Vậy bằng cách nào bạn nhờ Đức Chúa Trời làm nơi nương náu? Câu trả lời ở ngay đầu của đoạn Thi thiên này, nói “Người nào ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao, sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn năng. TÔI NÓI VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA RẰNG, ‘Ngài là nơi nương náu tôi và là đồn lũy tôi, cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin cậy Ngài.’” Bạn nhờ Ngài làm nơi nương náu theo như cách David đã làm – NÓI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI rằng Ngài là nơi nương náu của bạn! Bạn công bố Ngài là nơi nương náu và là đồn lũy của bạn thì lời công bố của bạn sẽ làm cho Đức Chúa Trời trở thành nơi nương náu và đồn lũy của bạn.
Còn Đức Chúa Trời sẽ làm gì khi bạn công bố Ngài là nơi nương náu và là đồn lũy của bạn? Ngài sẽ ra lệnh cho các thiên sứ của Ngài bảo vệ bạn toàn diện để không có gì có thể hại bạn hoặc tai họa giáng xuống bạn. Thiên sứ phục vụ bạn vì bạn công bố Đức Chúa Trời là ai đối với bạn và Ngài sẽ làm điều gì cho bạn.
Đây là điều mà Shadrach, Meshach và Abednego đã làm trước khi bị ném vào lò thiêu. Họ đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng, “Tâu bệ hạ, Đức Chúa Trời mà chúng tôi thờ phượng có khả năng giải cứu chúng tôi không bị thiêu đốt trong lò thiêu, và Ngài sẽ giải cứu chúng tôi ra khỏi bàn tay của ngài!” Họ vững vàng trong đức tin. Và kết quả như thế nào? Đức Chúa Trời đã gửi xuống một thiên sứ để bảo vệ họ không bị thiêu cháy. Thiên sứ nghe được Lời của Đức Chúa Trời từ môi miệng của những vị thánh can đảm này – và người đã vâng theo những lời nói của họ.
KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI
Câu Kinh Thánh sau cùng mà tôi muốn giới thiệu với các bạn sẽ chứng minh cho thấy thiên sứ chịu tác động rất lớn bởi lời nói của chúng ta. Đó là câu Thi thiên 34:7 “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va đóng trại chung quanh những kẻ kính sợ Ngài, và giải cứu họ.” Thiên sứ của Đức Giê-hô-va giải cứu những người biết kính sợ Chúa, không phải những người sợ thảm họa.
Kính sợ Chúa có nghĩa là gì? Câu 11 và 12 nói rằng, “Hỡi các con, hãy đến nghe ta; Ta sẽ dạy các con sự kính sợ Đức Giê-hô-va. Ai là người ưa thích sự sống, và mến ngày lâu dài để hưởng phước lành.” Thiên sứ chắc chắn sẽ làm cho chúng ta kéo dài sự sống và hưởng những ngày tốt lành. Nhưng kính sợ Chúa là gì? Câu tiếp theo nói rằng nếu chúng ta muốn có nhiều ngày tốt lành thì “Khá giữ lưỡi mình khỏi lời ác, và môi mình khỏi nói sự dối gạt.”
Kính sợ Chúa được biểu lộ bằng việc giữ gìn miệng lưỡi. Nếu bạn kính sợ Chúa thì bạn sẽ nói lẽ thật. Vậy lẽ thật là gì? Đức Chúa Jesus phán, “Lẽ thật là Lời này!” Lời của Đức Chúa Trời là lẽ thật cao nhất trong vũ trụ.
Bằng cách nói ra Lời của Đức Chúa Trời, bạn đang giữ miệng lưỡi mình không nói lời ác và dối trá. Khi bạn nói Lời Chúa, thiên sứ của Đức Chúa Trời sẽ đóng trại chung quanh bạn để giải cứu bạn khỏi những khi hoạn nạn. Thiên sứ làm điều này vì bạn đã bày tỏ sự kính sợ Chúa qua việc nói lên Lời của Ngài.