Giải pháp duy nhất để vượt ra khỏi nỗi đau đó là trải nghiệm nó.
Bruce nói: “Tôi không thể loại người phụ nữ nầy ra khỏi tâm trí tôi, tôi có thể làm gì đây? Chúng tôi đã quen và hò hẹn nhau được 3 năm, hiện đang dự định tiến đến kết hôn. Tôi vừa bị thất bại trong công việc làm ăn và nàng đã lạnh lùng bỏ tôi. Sự việc nầy xảy ra vài tháng trước đây và tôi vẫn không thể quên cô ấy”.
Tôi nói: “Điều đó cũng dễ hiểu thôi, một khi bạn đã quen và yêu ai đó trong một khoảng thời gian dài đủ để chuẩn bị kết hôn, sức thu hút về người ấy quá mạnh không thể chống lại được. Đột nhiên, người ấy lại ra khỏi cuộc đời bạn, ngay tức thì bạn khám phá ra rằng bạn không thể bước ra khỏi mối quan hệ đó và cũng không loại bỏ cảm xúc ấy liền được”.
Nếu như bạn đã kết hôn và yêu nhau thắm thiết rồi người bạn đời của bạn qua đời hay bỏ bạn bất ngờ, thì sự đau đớn nầy còn kinh khủng hơn nữa. Tôi biết một phụ nữ đã kết hôn gần 30 năm. Chồng cô ta thường phản bội cô. Mỗi lần xảy ra, cô ta luôn tha thứ cho anh ấy. Cuối cùng, họ phải chia tay, nhưng cô ấy vẫn cảm thấy là cô không sống nỗi nếu như không có anh ấy. Khi anh ta rời bỏ cô, cô đã trải qua nỗi đau kinh khủng. Thay vì đối diện với nỗi đau và tìm cách vượt qua nó, cô ta đã cho phép chồng cô trở lại mà không cần phải nhận lỗi gì cả.
Tôi không muốn nói là cô ta nên hay không nên cho phép anh ấy trở lại. Điều tôi muốn nói là trừ phi anh ta phải đối diện và giải quyết vấn đề của anh ấy để anh ấy không lặp lại hành động giống trong quá khứ nữa.
Rất dễ chúng ta làm những điều dại dột khi chúng ta bị tổn thương khi chúng ta tránh né và đối phó với nỗi đau. Một số người trong chúng ta làm bất cứ điều gì để tránh cảm xúc đau rồi thì phải trả giá sau đó.
Dù bất cứ lý do gì khiến chúng ta mất người thân yêu, thì nỗi đau đó là rất thật. Bạn đi ngủ với cảm xúc nhớ nhung quá đỗi đối với người mình yêu thương. Sáng thức dậy, cảm xúc ấy lại đến với bạn. Bạn nhớ họ khủng khiếp. Những ngày trở nên dài và cô đơn. Những đêm không ngủ đầy cảm xúc thất vọng. Thời gian trở nên vô vị. Những dịp cuối tuần là thời gian tồi tệ nhất. Một phần to lớn trong cuộc đời bạn bị thiếu vắng.
Bạn không thể vượt qua nỗi đau nếu như bạn không trải nghiệm sự đau thương sâu sắc ấy. Có thể lúc ấy bạn không thấy giải quyết được gì nhưng rồi về sau nỗi đau có thể được giải quyết. Để làm được điều nầy, bạn phải qua những bước sau:
Đầu tiên, cần nhận biết rằng cảm thấy bị tổn thương và trải nghiệm sự đau đớn cực kỳ là điều bình thường.
Nỗi đau bạn trải nghiệm lúc bị mất mát thấy như là quá tải, bạn không đủ sức chịu đựng. Nếu như bạn là loại người yêu thích mối quan hệ (rất nhiều người là loại người nầy). Bạn sẽ kinh nghiệm triệu chứng rút lui vì nỗi đau khiến bạn vô cùng khổ sở.
Cũng vậy, sự đau đớn cần thời gian để được chữa lành. Trong trường hợp ly dị hoặc người thân yêu qua đời, có thể sẽ mất nhiều tháng trải qua cảm xúc đau thương cực kỳ và suốt năm cảm xúc đau thương ấy vẫn y nguyên. Tuy nhiên, nếu nhiều tháng đã trôi qua mà bạn vẫn chưa được bình thường, thì bạn cần nhờ nguồn giúp đỡ từ bên ngoài như những nhà tư vấn hay mục sư.
Thứ hai, hãy nhận biết khi nào là đủ rồi.
Nếu như sau khi bạn đã làm rất nhiều điều trong khả năng mình để cứu chữa mối quan hệ để giúp đỡ người thân yêu của mình, mọi sự dường như không hiệu quả gì, cho dù lý do nào bạn cũng bị mất, thì hãy quyết định chấp nhận sự mất mát đó, đối diện với nó, giải quyết nó và tiếp tục cuộc đời cho riêng mình.
Mới đây tôi nghe một phụ nữ đã ly dị sau khi sống với chồng 14 năm. Một người bạn hỏi: “Tại sao cô ly dị?” Người nữ ấy trả lời: “Vì chồng tôi đã đánh tôi”. “Nhưng vì sao mãi đến nay cô mới ly dị, vì anh ấy đã đánh cô suốt 14 năm qua kia mà?”
“Vì đến lúc này tôi nhận ra việc anh ấy đánh tôi vậy là không phải. Thế là đủ rồi”.
Khi đến lúc phải đối diện với cảnh tồi tệ, hãy đối diện nó và chấp nhận nỗi đau mất mát. Bạn không cần phải chịu đựng cảnh giống như trên. Tôi không có ý bảo bạn ly dị, vì phương cách nầy là cuối cùng sau khi những cố gắng trước bị thất bại. Điều mà tôi muốn giới thiệu với bạn ở đây là: Nếu mối quan hệ của bạn bị đổ vỡ, thì đừng từ chối thực tế hoàn cảnh của bạn như là cách để tránh nỗi đau. Hãy trở nên một người thực tế tích cực, nhận biết hoàn cảnh xấu và đối diện với sự tổn thương, hãy nhận biết rằng muốn vượt qua nỗi đau bắt buộc thì phải trải nghiệm nó.
Thứ ba, chọn niềm tin cẩn thận
Những điều chúng ta tin hướng dẫn và có ảnh hưởng sâu xa đến những gì chúng ta cảm thấy và hành động. Thí dụ, nếu bạn tin là bạn không thể sống nếu không có người đã bị mất, niềm tin ấy sẽ kiểm soát những hành động, suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Nó sẽ khiến bạn bị trầm cảm và sa vào sự tự thương hại mình, khiến bạn bị bế tắc và không phục hồi được.
Chúng ta có thể không luôn sống như những gì chúng ta nói nhưng chúng ta luôn sống với những gì chúng ta tin sống. Không sống với những gì chúng ta tin có nghĩa là chúng ta chấm dứt tin những gì làm cho cuộc đời chúng ta không hạnh phúc. Bởi vì tâm trí chúng ta không thể duy trì sự bình an nếu như chúng ta không sống nhất quán với hệ thống niềm tin của chúng ta. Nếu chúng ta cố gắng sống như vậy, chúng ta sẽ gặp phải điều mà các chuyên gia tâm lý gọi “sự mâu thuẫn nhận thức”, nghĩa là không hài hòa trong tâm trí”. Để giữ sự hài hòa tâm trí, chúng ta phải thay đổi niềm tin của chúng ta cho phù hợp với đời sống chúng ta đang sống. Điều này giúp chúng ta sống thích hợp niềm tin của chúng ta.
Những niềm tin của chúng ta giống như gắn liền với người dẫn đường tự động. Chúng hướng dẫn trọn cuộc đời chúng ta. Nếu như chúng ta tin là chúng ta không dễ thương, chúng ta sẽ hành động một cách không dễ thương. Nếu chúng ta tin là chúng ta thất bại, chúng ta sẽ chuẩn bị để thất bại. Căn bản chúng ta tin là chúng ta xấu, chúng ta sẽ hành động xấu. Ngược lại, nếu chúng ta tin là chúng ta dễ thương, cung cách chúng ta sẽ dễ thương. Cuộc sống là một chuỗi chọn lựa của niềm tin và chúng ta là tổng hợp những niềm tin của chúng ta. Chúng ta tin rằng những gì chúng ta chọn lựa để tin đó là những gì chúng ta muốn tin.
Nếu chúng ta chọn tin rằng chúng ta không thể vượt qua nỗi đau mất mát, sự phục hồi sẽ bị què quặt không thể thực hiện dược. Nếu chúng ta tin là có thể chiến thắng nó, chúng ta sẽ đạt được. Sự chọn lựa là của chúng ta. Nó ở trong tầm tay chúng ta. Vì vậy, hãy cẩn thận chọn những niềm tin.
Thứ tư, nếu bạn cảm động bỏ, thì phải dứt khoát bỏ
Đừng để mình bị cám dỗ quay trở lại – cho dù đó là sự thật hay tưởng tượng – người đã làm bạn tổn thương. Đừng có ảo vọng về họ. Đó là trường hợp của Ruth, người mà chúng tôi có nói đến trong chương giới thiệu, cô nầy vẫn tiếp tục hành động cũ dù chồng cô đã rời cô 3 năm rồi. Thay vì cô chấp nhận đau thương và đối phó với nó, thì cô ta vẫn tiếp tục sống với quá khứ và tránh né đối phó với sự mất mát đau thương của mình.
Nếu bạn cứ tiếp tục hướng về người làm tổn thương bạn trong khi họ không có lòng hướng về bạn, thì bạn đã tự khóa chặt bạn trong nỗi đau và nan đề không thể giải quyết được.
Thứ năm, cảm xúc nỗi đau
Muốn nỗi đau được chữa lành thì hãy cảm xúc nỗi đau, đừng từ chối nó, rút lui hay tránh né nó. Không còn phương cách nào khác, hãy chấp nhận sự việc bị tổn thương, mất người thân yêu, bạn sẽ có kinh nghiệm cảm xúc đau đớn. Để được ra khỏi nó, bạn phải đi qua nó, không thể đi vòng quanh, vì thế hãy chấp nhận cảm xúc đau thương và vượt qua nó. Một số người đã rút lui, họ hy vọng là nỗi đau sẽ hết, điều đó không bao giờ xảy ra. Người khác thì đè nén nỗi đau và loại ra nó khỏi ký ức mình. Điều nầy làm cho họ đau đớn và nan đề lớn hơn sau đó, hay khiến một số người đã rơi vào tình trạng nghiện rượu, ma túy, tình dục, bài bạc, dùng tôn giáo xoa dịu nỗi đau. Tuy nhiên, những phương cách nầy sẽ không hiệu quả, nó chỉ tạm vơi đi rồi một ngày nào đó nó sẽ trở lại với nỗi đau nhiều hơn.
Cuối cùng, hãy mong đợi điều tốt nhất và hướng về đó
Một số người bị nghiện rượu và đã được giải cứu nhiều năm nhưng khi có gì sai trật trong cuộc đời thì họ lại dễ dàng quay trở lại thói quen uống rượu. Vì sao họ lại rơi vào tình trạng đó trong khi họ biết việc nghiện rượu gây ra biết bao nan đề trong quá khứ? Những nhà tâm thần học cho chúng ta biết sự khác nhau nằm ở giai đoạn chuyển tiếp từ tình trạng kiêng tránh đến trải nghiệm niềm vui được giải phóng. Cho đến khi sự nghiện rượu được chuyển đổi, họ phải trải qua sự đau thương rất dễ khiến họ bị rơi vào cám dỗ trở lại.
Trong mối quan hệ cũng tương tự. Mục đích không chỉ cần kiêng tránh hay tách ra khỏi người thân yêu đã bị mất nhưng để giải quyết nỗi đau buồn mất mát đó, bạn phải được giải phóng để kinh nghiệm niềm vui của cuộc đời vượt lên trên nỗi đau mất mát và nhờ đó bạn được tăng trưởng mạnh mẽ. Nhiều người đã đạt được điều nầy. Bạn cũng có thể làm được.
Thanh Khiết dịch
Trích dịch từ quyển Làm thế nào để rịt lành vết thương lòng (How to mend a broken heart) của Dick Innes.